Hiệu quả từ cuộc vận động vươn lên thoát nghèo bền vững ở Kon Tum

|

Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững” đã mang lại những hiệu quả thiết thực, góp phần đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

Nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo, trở thành các hộ khá, giàu; diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc, khang trang, hiện đại, sạch đẹp hơn.

Với việc triển khai thực hiện kịp thời, đầy đủ các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với hộ nghèo, đối tượng chính sách, người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số.

Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số còn khá cao; trình độ dân trí còn hạn chế; một bộ phận người dân còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ, hỗ trợ của Nhà nước. Trước thực tế đó, tại Kết luận số 08-KL/TU ngày 24/2/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum chủ trương triển khai thực hiện cuộc vận động với chủ đề “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững” (Cuộc vận động).

Những “luồng gió mới”

Xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum có 7 thôn thì có đến 6 thôn với 1.423 hộ là người đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm 84,88% dân số toàn xã, chủ yếu là dân tộc Ba Na và Gia Rai bản địa. Cuộc sống người dân nơi đây bao đời gắn với việc lên rừng phát rẫy trỉa ngô, trồng lúa, du canh du cư, đời sống bấp bênh. Thêm vào đó là việc tồn tại các hủ tục ma chay linh đình, kéo dài vài ngày, nhiều gia đình không có tiền nhưng vẫn phải đi vay lãi để mua vài con trâu, chục con lợn làm đám, gây nợ nần nhiều năm không thể trả được…

Còn tại xã biên giới Đăk Plô, huyện Đăk Glei, đồng bào dân tộc thiểu số thường thả trâu, bò vào rừng để tự kiếm ăn, tự sống trong môi trường tự nhiên. Thế nên mỗi khi có dịch bệnh thì trâu, bò bị chết hàng loạt, gây khó khăn trong công tác phòng, chống dịch bệnh tại địa phương. Bên cạnh đó, bà con nơi đây coi trâu, bò là tài sản chứ không phải hàng hóa cho nên có hiện tượng trâu, bò để nuôi già rồi chết chứ không bán. Có những hộ gia đình nuôi gần 20 con trâu, bò mà không bán để tái đầu tư cho nên cuộc sống vất vả, vẫn là hộ… nghèo.

Ngay sau khi Tỉnh ủy Kon Tum phát động Cuộc vận động, các Ban Thường vụ huyện ủy, thành ủy đã ban hành các văn bản chỉ đạo để triển khai, đưa Cuộc vận động vào đời sống đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn; thành lập ban chỉ đạo, tổ giúp việc. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các huyện, thành phố đã chủ động tham mưu cấp ủy, phối hợp Ủy ban nhân dân, các đoàn thể chính trị-xã hội ban hành các văn bản triển khai Cuộc vận động; đồng thời hướng dẫn các xã, phường, thị trấn xây dựng giao ước thi đua thực hiện Cuộc vận động, xây dựng kế hoạch cụ thể hóa các nội dung tuyên truyền, vận động; xây dựng mô hình điểm, xác định rõ phương pháp, cách thức tuyên truyền, lộ trình thực hiện phù hợp đặc thù địa phương, cơ sở.

Cán bộ xã Hơ Moong (huyện Sa Thầy) hướng dẫn người dân thôn Đăk Wơt Yốp kỹ thuật tỉa cành, chăm sóc cây cà-phê. 

Gia đình anh A Đúc, ở thôn Đăk Wơt Yôp, xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy có 3 con nhỏ và luôn trong tình trạng thiếu trước, hụt sau, mặc dù hai vợ chồng anh đã làm thuê, làm mướn, bắt cá lòng hồ… Sau khi được hỗ trợ 10 con lợn, được cán bộ xã đến tận nhà vận động, hướng dẫn xây chuồng, không nuôi thả theo cách truyền thống, anh A Đúc đã mạnh dạn vay mượn tiền mua gạch, xi-măng, tôn cũ về để làm chuồng. “Vừa rồi mình bán 3 con lợn, đã trả hết tiền vay mượn. Nay còn 7 con lợn, mình sẽ nuôi đẻ để gây giống đàn mới. Nhờ cán bộ xã đến hướng dẫn, vận động việc xây chuồng mà bây giờ ngoài việc kiểm soát được dịch bệnh, mình còn có thêm phân để bón cho cây ăn trái sau nhà. Đã có hướng đi mới rồi, vợ chồng mình giờ cố gắng chăm chỉ làm lụng”, A Đúc vui mừng chia sẻ.

Anh A Tỉnh, ở thôn Bung Kon, xã Đăk Plô, huyện Đăk Glei, cho biết: “Sau khi được cán bộ xã vận động, mình đã vào rừng lùa trâu, bò về nuôi phía sau nhà. Mình đã bán 2 con trâu, thu về hơn 30 triệu đồng, để trang trải cuộc sống và mua 2 con ghé về nuôi. Mình thấy cán bộ nói “xem trâu, bò là hàng hóa” thật đúng, chứ trước giờ chỉ coi trâu, bò là tài sản để khoe với nhau thôi. Mình cũng đã vận động các hộ dân chung quanh làm theo chủ trương của Cuộc vận động để có cuộc sống tốt hơn”.

Cuộc vận động đã được tổ chức chính trị-xã hội các cấp và đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum hưởng ứng mạnh mẽ, tạo ra không khí sôi nổi thi đua, lao động sản xuất trên địa bàn, từng bước giúp đồng bào dân tộc thiểu số loại dần những tập tục lạc hậu, vươn lên thoát nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Hướng đến xóa nghèo bền vững

Qua hơn một năm triển khai thực hiện, Cuộc vận động đã nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của cấp ủy, sự phối hợp chặt chẽ giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể các cấp trên địa bàn tỉnh Kon Tum trong triển khai thực hiện, từ đó đã huy động được sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị và được các tầng lớp nhân dân đồng tình hưởng ứng thực hiện, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số.

Để người dân hiểu rõ về mục đích, ý nghĩa Cuộc vận động, cùng triển khai thực hiện, xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy đã triển khai tuyên truyền cho hơn 1.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Đến nay có khoảng 700 hộ có sự chuyển biến về nếp nghĩ, cách làm; 700 hộ biết áp dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật và đưa cơ giới vào sản xuất, từng bước chuyển đổi cây, con giống có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, mức thu nhập và đời sống cho gia đình; 18 hộ đã tham gia vào 2 hợp tác xã trên địa bàn…

Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hơ Moong Mai Nhữ Nam, cho biết: Cuộc vận động đã làm cho đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn xã cải thiện rõ rệt. Những hủ tục như làm đám ma linh đình, kéo dài ngày hay phá rừng làm nương rẫy, du canh du cư đã bị xóa bỏ. Cá biệt như tại làng Kơ Tol, trước đây đàn ông trong làng hay tụ tập uống rượu, nay xã đã vận động bỏ để chí thú làm ăn, lo cho đời sống gia đình.

“Khó khăn nhất của Cuộc vận động có lẽ là vận động, bà con chuyển đổi cây trồng, vật nuôi vì trong suy nghĩ của bà con là làm được ngày nào ăn ngày đó, trồng được cây lúa, cây mì theo mùa để nhanh thu hoạch. Để vận động bà con chuyển qua trồng cây cà-phê, sầu riêng, bơ… là cả một quá trình lâu dài, kiên trì. Để trực quan, xã đã chọn một số người dân ở một thôn làm thí điểm, đưa đi hai tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông học hỏi kỹ thuật canh tác, cử cán bộ xuống hỗ trợ, làm cùng với họ, từ đấy bà con mới thấy được sự phát triển, sự phù hợp của cây với vùng đất này rồi tiến hành làm theo”, ông Mai Nhữ Nam chia sẻ.

Việc triển khai xây dựng mô hình điểm thực hiện Cuộc vận động đã trở thành một điểm nhấn quan trọng. Đó là việc kết hợp giữa công tác khảo sát đặc điểm tình hình mọi mặt của khu dân cư với việc tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ xã, ban quản lý các thôn, làng, cho đến việc tổ chức các hình thức tuyên truyền vận động trực tiếp các hộ nghèo, cận nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số để hỗ trợ, giúp đỡ làm ăn, phát triển kinh tế hộ gia đình, vươn lên thoát nghèo bền vững. Từ đó đã tạo ra sức lan tỏa đối với các hộ nghèo, cận nghèo tại khu dân cư, để họ có thể học tập và làm theo.

Đồng chí Dương Văn Trang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Kon Tum, nhấn mạnh: Thời gian tới, các cấp ủy đảng, chính quyền và các đoàn thể chính trị-xã hội trên địa bàn tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân về mục đích, ý nghĩa của Cuộc vận động. Cụ thể hóa nội dung Cuộc vận động gắn với việc triển khai các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do các cấp, các ngành phát động, nhất là Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững” trên địa bàn tỉnh Kon Tum tuy mới được triển khai nhưng đã và đang thổi một luồng sinh khí mới đến tận thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Với sự lãnh đạo sát sao, phù hợp thực tiễn của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum cùng với những cách làm cụ thể, sáng tạo, linh hoạt của các cấp, các ngành, các địa phương, sự hưởng ứng tích cực của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, tin rằng thời gian tới Cuộc vận động sẽ thành công, thay đổi căn cơ diện mạo, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Kon Tum.