Tổng cục Thống kê họp báo công bố Báo cáo Lao động việc làm Quý II/2022

|

Tổng cục Thống kê họp báo công bố Báo cáo Lao động việc làm Quý II/2022

Sáng ngày 06/07/2022, tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê (TCTK) đã tổ chức Họp báo Công bố Báo cáo Lao động việc làm quý II/2022. Phó Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Trung Tiến chủ trì cuộc họp báo. Tham dự họp báo có đại diện lãnh đạo, chuyên viên các đơn vị liên quan thuộc TCTK; đại diện lãnh đạo một số Bộ, ngành; Bà Gulmira Asanbaeva, Cán bộ quản lý chương trình Tổ chức Lao động quốc tế tại Việt Nam; một số cơ quan truyền thông tại Hà Nội. Buổi họp báo được kết nối trực tuyến với điểm cầu của 63 Cục Thống kê các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Phát biểu khai mạc buổi họp báo, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Trung Tiến cho biết, kinh tế xã hội Việt Nam 6 tháng năm 2022 diễn ra trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế thế giới được sự báo giảm sau 2 năm bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 và tác động của xung đột giữa Nga và Ucraina. Tuy nhiên, với quyết tâm phục hồi để phát triển kinh tế, tạo đà để hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025, cả hệ thống chính trị đã cùng chung tay quyết liệt triển khai các nhiệm vụ, giải pháo, từ đó nhận được sự ủng hộ, tin tưởng của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp. Từ đó, dịch Covid-19 được kiểm soát, hoạt động sản xuất kinh doanh được trở lại bình thường, kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm chuyển biến tích cực với mức tăng trưởng 6,42%, đặc biệt tăng trưởng kinh tế quý II đạt 7,2% so với cùng kỳ, thị trường lao động việc làm quý II/2022 tiếp tục duy trì đà phục hồi.

 
Phó Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Trung Tiến chủ trì họp báo

Tại buổi Họp báo, đại diện TCTK đã trình bày Báo cáo tổng quan về tình hình lao động việc làm quý II và 6 tháng đầu năm 2022. Theo đó, trong quý II năm 2022 lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 51,6 triệu người, tăng hơn 0,4 triệu người so với quý trước và tăng gần 0,6 triệu người so với cùng kỳ năm trước. So với cùng kỳ năm trước, lực lượng lao động tăng ở khu vực thành thị (tăng 0,6 triệu người) và giảm nhẹ ở nông thôn (0,06 triệu người).

Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động quý II năm 2022 là 68,5%, tăng 0,4 điểm phần trăm so với quý trước. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của nữ là 62,6%, thấp hơn 12,2 điểm phần trăm so với nam (74,8%). Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động khu vực thành thị là 66,1%, trong khi đó tỷ lệ này ở nông thôn là 70,1%. Xem xét theo nhóm tuổi, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động ở khu vực thành thị thấp hơn khu vực nông thôn ở các nhóm tuổi rất trẻ và nhóm tuổi già, trong đó chênh lệch nhiều nhất được ghi nhận ở nhóm 55 tuổi trở lên (thành thị: 33,5%; nông thôn: 46,7%) và nhóm từ 15-24 tuổi (thành thị: 36,3%; nông thôn: 44,9%).

Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ quý II năm 2022 là 26,2%, cao hơn 0,1 điểm phần trăm so với quý trước và cùng kỳ năm trước.

Trong tổng số 23,7 triệu người từ 15 tuổi trở lên không tham gia thị trường lao động (ngoài lực lượng lao động) của quý II năm 2022, có 12,7 triệu người trong độ tuổi lao động, tập trung nhiều nhất ở nhóm 15-19 tuổi (5,9 triệu người).

Lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm trong quý II năm 2022 là 50,5 triệu người, tăng 504,6 nghìn người (tương ứng tăng 1,01%) so với quý trước và tăng 701,8 nghìn người (tương ứng tăng 1,41%) so với cùng kỳ năm trước. Lao động có việc làm ở khu vực thành thị là 18,7 triệu người (tăng 127,9 nghìn người so với quý trước và tăng 673,7 nghìn người so với cùng kỳ năm trước), và ở khu vực nông thôn là 31,9 triệu người (tăng 376,6 nghìn người so với quý trước và tăng 27,9 nghìn người so với cùng kỳ năm trước). Xu hướng tăng lao động có việc làm cũng được ghi nhận ở cả nam và nữ, tuy nhiên tốc độ tăng lao động có việc làm ở nữ giới cao hơn so với nam giới.
Trong quý II năm 2022, lao động có việc làm trong ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản là 13,9 triệu người, tăng 12,6 nghìn người với quý trước và tăng 138,0 nghìn người so với cùng kỳ năm trước; khu vực công nghiệp và xây dựng có 16,8 triệu người đang làm việc, tăng 62,1 nghìn người so với quý trước, và tăng 210,0 nghìn người so với cùng kỳ năm trước; lao động có việc làm trong ngành dịch vụ là 19,8 triệu người, tăng 429,8 nghìn người so với quý trước và tăng 353,8 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.

Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức quý II năm 2022 là 55,6%, giảm 0,6 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 1,8 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Số người thiếu việc làm trong độ tuổi quý II năm 2022 là khoảng 881,8 nghìn người, giảm 447,1 nghìn người so với quý trước và giảm 263,1 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi quý II năm 2022 là 1,96%, giảm 1,05 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,64 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị thấp hơn so với khu vực nông thôn (tương ứng là 1,37% và 2,32%).

Thu nhập bình quân tháng của người lao động quý II là 6,6 triệu đồng, tăng 206 nghìn đồng so với quý trước và tăng 542 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập bình quân tháng của lao động nam cao gấp 1,34 lần thu nhập bình quân tháng của lao động nữ (7,5 triệu đồng so với 5,6 triệu đồng). Thu nhập bình quân của lao động ở khu vực thành thị cao gấp 1,38 lần khu vực nông thôn (8,0 triệu đồng so với 5,8 triệu đồng).

Quý II năm 2022, thu nhập của lao động làm việc ở cả ba khu vực kinh tế đều có mức tăng trưởng khá. Trong đó, lao động làm việc trong khu vực công nghiệp và xây dựng có tốc độ tăng thu nhập bình quân cao nhất trong ba khu vực kinh tế. Quý II năm 2022 cũng chứng kiến sự tăng trưởng trong thu nhập bình quân của lao động làm việc ở cả 21 ngành kinh tế so với cùng kỳ năm 2021. Một số ngành có tốc độ tăng trưởng khá: Khai khoáng đạt mức 9,7 triệu đồng, tăng 17,1%, tương ứng tăng 1,4 triệu đồng so với cùng kỳ năm trước; công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 7,4 triệu đồng, tăng 12,4%, tương ứng tăng khoảng 818 nghìn đồng; sản xuất và phân phối điện đạt 9,6 triệu đồng, tăng 10,7%, tương ứng tăng 928 nghìn đồng…

Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý II năm 2022 là gần 1,1 triệu người, giảm 41,6 nghìn người so với quý trước và giảm 112,0 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý II năm 2022 là 2,32%, giảm 0,14 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,30 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên 15-24 tuổi quý II năm 2022 là 7,63%, giảm 0,30 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 0,16 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên khu vực thành thị là 9,13%, cao hơn 2,30 điểm phần trăm so với khu vực nông thôn.

Số lao động làm công việc tự sản tự tiêu quý II năm 2022 là 4,3 triệu người (giảm mạnh so với quý trước (giảm hơn 0,4 triệu người) nhưng vẫn cao hơn 0,1 triệu người so với cùng kỳ năm trước), số lao động này chủ yếu ở khu vực nông thôn.

Cũng theo TCTK, 6 tháng đầu năm 2022, Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đạt 51,4 triệu người, cao hơn 0,4 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động 6 tháng đầu năm 2022 là 68,3%, giảm 0,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Lực lượng lao động đã qua đào tạo từ trình độ “Sơ cấp” trở lên 6 tháng đầu năm 2022 ước tính là 13,4 triệu người, chiếm 26,1%, không thay đổi so với cùng kỳ năm trước.

Lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm trong 6 tháng đầu năm 2022 là 50,3 triệu người, tăng 417,0 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Lao động có việc làm 6 tháng đầu năm 2022 trong khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản là 13,9 triệu người, (chiếm 27,7%), giảm 27,1 nghìn người so với cùng kỳ năm trước; khu vực công nghiệp và xây dựng là 16,8 triệu người (chiếm 33,4%), tăng 435,7 nghìn người so với cùng kỳ năm trước; khu vực dịch vụ là 19,6 triệu người (chiếm 38,9%), tăng 8,5 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.

Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức của cả nước trong 6 tháng đầu năm 2022 là 55,9%, giảm 1,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước; xu hướng giảm có thể thấy được ở cả khu vực thành thị, nông thôn, ở cả nam giới và nữ giới. Thiếu việc làm trong độ tuổi 6 tháng đầu năm 2022 là hơn 1,1 triệu người, giảm 30,2 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi 6 tháng đầu năm 2022 là 2,48%, giảm 0,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thiếu việc làm ở khu vực thành thị thấp hơn khu vực nông thôn (tương ứng là 1,88% và 2,85%).

Thu nhập bình quân tháng của người lao động 6 tháng đầu năm 2022 là 6,5 triệu đồng, tăng 5,3% (tương ứng tăng 326 nghìn đồng) so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 11% (tương ứng tăng 646 nghìn đồng) so với cùng kỳ năm 2020. Thu nhập bình quân tháng của lao động nam cao gấp 1,35 lần thu nhập bình quân tháng của lao động nữ (7,4 triệu đồng so với 5,5 triệu đồng). Thu nhập bình quân của lao động ở khu vực thành thị cao gấp 1,43 lần khu vực nông thôn (8,0 triệu đồng so với 5,6 triệu đồng).

So với 6 tháng đầu năm 2021 một số ngành kinh tế có tốc độ tăng trưởng khá ấn tượng. Lao động làm việc trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo có thu nhập bình quân là 7,3 triệu đồng, tăng 6,9%, tương ứng tăng 476 nghìn đồng; lao động trong ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt có mức thu nhập bình quân là 9,6 triệu đồng, tăng 7,8%, tương ứng tăng 691 nghìn đồng…
Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động 6 tháng đầu năm 2022 là gần 1,1 triệu người, giảm 47,6 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động 6 tháng đầu năm 2022 là 2,39%, giảm 0,13 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Số lao động làm công việc tự sản tự tiêu 6 tháng đầu năm 2022 là gần 4,6 triệu người, cao hơn 0,7 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Số lao động này chủ yếu ở khu vực nông thôn (chiếm 89,6%).

 

Bà Gulmira Asanbaeva, Cán bộ quản lý chương trình Tổ chức Lao động quốc tế tại Việt Nam
phát biểu tại Họp báo

Tại buổi Họp báo, Bà Gulmira Asanbaeva, Cán bộ quản lý chương trình Tổ chức Lao động quốc tế tại Việt Nam đã có cuộc trao đổi ý kiến của Tổ chức Lao động quốc tế về tình hình lao động việc làm quý II năm 2022. Theo bà Gulmira Asanbaeva, trong quý 2 đã chứng kiến nhiều sự thay đổi tích cực, dịch Covid-19 Việt Nam đã hạ nhiệt, số lượng ca nhiễm giảm, trong bối cảnh đó thị trường lao động phục hồi nhanh, điều này cũng gắn liền với sự mở cửa của nền kinh tế. Đã có những thay đổi tích cực thông qua số liệu, ngày càng có nhiều lao động quay lại thị trường và thu nhập đã tăng ấn tượng, những thay đổi cũng phù hợp với các dự báo của ILO về lao động thế giới cũng như ở Việt Nam. Chính nhờ sự chuyên sâu và chính xác của báo cáo tình hình Lao động việc làm của TCTK và về lao động ảnh hưởng với dịch Covid-19, không chỉ các nhà hoạch định chính sách mà các tổ chức quốc tế đã sử dụng báo cáo như công cụ quan trọng để giải thích thông tin với công chúng. ILO gần đây khởi động chương trình nghiên cứu về hệ sinh thái năng suất, ILO sẽ hợp tác và triển khai chương trình bằng cách xây dựng khung về lý thuyết và khái niệm để định nghĩa năng suất tại Việt Nam. Qua đó, bà Gulmira Asanbaeva bày tỏ sự mong chờ trong báo cáo quý tới, TCTK sẽ cung cấp thông tin và phân tích về năng suất ở Việt Nam, đồng thời gửi lời chúc mừng TCTK đã hoàn thành rất ấn tượng Báo cáo về Lao động việc làm quý II/2022 tại Việt Nam.
 

Toàn cảnh buổi Họp báo

Cũng trong buổi Họp báo, lãnh đạo TCTK và các đơn vị liên quan đã dành nhiều thời gian trả lời thỏa đáng thắc mắc của các cơ quan truyền thông về các nội dung liên quan đến sự thiếu hụt lao động ở nhiều doanh nghiệp trong khi lao động vẫn thiếu việc làm, tình hình việc làm của các lao động về quê do đại dịch, thu nhập của người lao động trong bối cảnh chi phí tăng, phương án giải quyết các vấn đề...
 
Tin, ảnh: Thu Hiền