Ở nước ta ngành Chăn nuôi không chỉ cung cấp thực phẩm cho hàng triệu hộ gia đình mà còn góp phần đảm bảo an ninh lương thực và tạo ra nhiều việc làm. Để quản lý và phát triển bền vững ngành chăn nuôi, việc thu thập thông tin chính xác và kịp thời là vô cùng quan trọng. Do đó điều tra chăn nuôi theo Chương trình điều tra thống kê quốc gia là công cụ quan trọng trong việc cung cấp dữ liệu về số lượng gia súc, gia cầm và sản lượng sản phẩm chăn nuôi. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả và chất lượng thông tin, cần có những cải tiến trong phương án điều tra.
Từ khóa: Điều tra, chăn nuôi, gia súc, gia cầm, phương án, thống kê, nông nghiệp, tổ chức, quản lý
Đặt vấn đề
Điều tra chăn nuôi là cuộc điều tra thuộc chương trình điều tra thống kê quốc gia nhằm thu thập, cung cấp dữ liệu về số lượng gia súc, gia cầm tạo cơ sở cho xây dựng chính sách quy hoạch và kế hoạch phát triển chăn nuôi phục vụ nền kinh tế quốc dân. Phương án điều tra chăn nuôi hiện tại đã có nhiều cải tiến và đạt được thành công nhất định song vẫn còn một số hạn chế cần phải cải thiện hơn nữa để tối ưu hóa quy trình thu thập và nâng cao chất lượng thông tin.
Do đó, nhóm tác giả đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu thay đổi tổ chức, quản lý điều tra chăn nuôi hằng năm tại Việt Nam” với mong muốn tiếp tục khắc phục các bất cập đang tồn tại, từng bước nâng cao chất lượng điều tra chăn nuôi. Nhiều tài liệu đã được nghiên cứu, tham khảo để từng bước hướng tới xây dựng một Phương án điều tra chăn nuôi tối ưu, tiết kiệm kinh phí nhưng vẫn đảm bảo tính tin cậy.
Thực trạng phương án điều tra chăn nuôi
Điều tra chăn nuôi khẳng định vai trò thiết yếu trong việc cung cấp thông tin chính xác và kịp thời, phục vụ cho yêu cầu quản lý, lập kế hoạch, quy hoạch, và hoạch định các chính sách phát triển sản xuất chăn nuôi và các nhu cầu thông tin của các đối tượng sử dụng tin khác. Việc nắm bắt thông tin chính xác về số lượng gia súc, gia cầm, sản lượng và các yếu tố liên quan là cần thiết để hoạch định chính sách, lập kế hoạch phát triển và thúc đẩy bền vững trong lĩnh vực này.
Điều tra chăn nuôi thuộc Chương trình điều tra thống kê quốc gia có nhiệm vụ thu thập chỉ tiêu thống kê quốc gia mã số 0806 (số gia súc, gia cầm và vật nuôi khác), 0807 (sản lượng một số sản phẩm chăn nuôi). Hiện các chỉ tiêu này vẫn luôn được duy trì thu thập và tính toán dù các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến Chương trình điều tra thống kê quốc gia và Hệ thống chỉ tiêu quốc gia đã được sửa đổi, cập nhật nhiều lần như: Nghị định 94/2022/NĐCP ngày 07 tháng 11 năm 2022 về quy định nội dung chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia, Quyết định số 03/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 15 tháng 2 năm 2023 về Ban hành chương trình điều tra thống kê quốc gia, Nghị định số 62/2024/NĐ-CP, ngày 07 tháng 6 năm 2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều, phụ lục của Nghị định số 94/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thống kê và Nghị định số 94/2022/NĐ-CP ngày 07 tháng 11 năm 2022 của Chính phủ quy định nội dung chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và quy trình biên soạn chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước, chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Dù Phương án điều tra chăn nuôi hiện tại đã có nhiều nỗ lực và đạt được những thành công nhất định, như việc cung cấp số liệu thống kê cơ bản cho các cấp quản lý và tạo cơ sở cho các chính sách phát triển nhưng hiện vẫn còn một số điểm trong Phương án cần được cải thiện hơn nữa nhằm tối ưu hóa quy trình thu thập thông tin và giúp nâng cao chất lượng thông tin góp phần nâng cao năng lực thống kê nông nghiệp nói chung.
Phương án điều tra chăn nuôi đang thực hiện được ban hành theo quyết định số 739/QĐ-TCTK ngày 23 tháng 6 năm 2021 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê với mục đích thu thập thông tin về tình hình sản xuất chăn nuôi trên phạm vi cả nước. Đối tượng điều tra được xác định trong phương án là trâu, bò, lợn, gà, vịt, ngan và vật nuôi khác (ngựa, dê, cừu,...). Thời điểm điều tra là 0h ngày 01/01, ngày 01/4, ngày 01/7, ngày 01/10. Thời kỳ thu thập thông tin được quy định riêng tùy theo loại vật nuôi cụ thể. Các loại vật nuôi là lợn, gà, ngan, vịt được thu thập thông tin hằng quý với các thời điểm là ngày đầu tiên của tháng đầu quý và số liệu thời kỳ là số phát sinh thực tế trong 03 tháng trước thời điểm điều tra. Các loại vật nuôi là trâu, bò, vật nuôi khác được thu thập thông tin chỉ 1 lần trong năm vào thời điểm ngày 01/01 và số liệu thời kỳ là số phát sinh thực tế trong 12 tháng trước thời điểm điều tra (từ ngày 01/01 đến 31/12 năm trước năm điều tra).
Điều tra chăn nuôi áp dụng hai phương pháp điều tra thu thập thông tin: Thu thập số liệu trực tiếp đối với đơn vị điều tra là hộ chăn nuôi; thu thập số liệu gián tiếp đối với đơn vị điều tra là thôn, doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức khác (viết tắt là DN, HTX). Có 6 loại phiếu được thiết kế dưới dạng phiếu điều tra điện tử để thu thập thông tin trong điều tra chăn nuôi. Phiếu CAPI sử dụng trong phỏng vấn hộ, thôn. Phiếu WEB được sử dụng đối với doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức khác.
Nội dung điều tra của 6 loại phiếu trong phương án gồm:
- Số lượng vật nuôi tại thời điểm điều tra.
- Sản lượng sản phẩm chăn nuôi sản xuất trong kỳ điều tra.
- Doanh thu bán sản phẩm chăn nuôi trong kỳ điều tra.
- Giá trị dịch vụ chăn nuôi.
- Tình hình xử lý chất thải chăn nuôi.
- Kết quả hoạt động thu hoạch tổ yến.
Điều tra chăn nuôi sử dụng hai loại điều tra là điều tra toàn bộ áp dụng đối với các hộ chăn nuôi quy mô lớn, doanh nghiệp hợp tác xã, tổ chức khác và sử dụng điều tra chọn mẫu đối với hộ chăn nuôi quy mô nhỏ.
Phương án điều tra năm 2021 là phương án chăn nuôi đầu tiên thực hiện thay đổi từ điều tra sử dụng phiếu giấy sang điều tra sử dụng phiếu điện tử, do đó các hướng dẫn kỹ thuật trong phương án có vai trò quan trọng quyết định sự thành công của cuộc điều tra. Tuy nhiên, ngay từ khi bắt đầu triển khai điều tra đã xuất hiện những bất cập, bắt buộc phải thay đổi, điều chỉnh để đảm bảo tính khả thi của phương án. Quy định xác định địa bàn điều tra chưa rõ ràng và khó thực hiện, đặc biệt đối với khu vực thành thị. Quy định việc lập địa bàn ở khu vực thành thị như sau: “Ở khu vực thành thị chỉ ghép những tổ dân phố có số lượng hộ chăn nuôi ít thành một địa bàn, nhưng không tách một tổ dân phố thành nhiều địa bàn, dù số lượng hộ chăn nuôi của tổ dân phố nhiều”, việc không có qui ước về số hộ chăn nuôi tối đa, tối thiểu ở một địa bàn, cụm từ “chăn nuôi ít” hoàn toàn mang tính chất cảm tính, không rõ ràng, gây khó hiểu cho người thực hiện và việc thực hiện cũng không thống nhất giữa các địa phương. Ngoài ra, việc quy định ghép nhiều tổ dân phố có số lượng hộ chăn nuôi ít thành một địa bàn sẽ rất khó khăn đối với các tỉnh, thành phố lớn nếu không thêm quy định về ghép địa bàn trong phạm vi đơn vị hành chính cụ thể.
Phương án không qui định mẫu biểu thống nhất để lập danh sách địa bàn điều tra chăn nuôi phục vụ cho việc chọn địa bàn mẫu, thiếu các mẫu biểu rà soát để phục vụ chọn mẫu hộ chăn nuôi trâu bò quy mô nhỏ và vật nuôi khác; Quy định điều tra Phiếu số 03-N/ĐTCN-THON; Phiếu số 05-N/ĐTCN-HO và Phiếu số 06-N/ ĐTCN-HM cùng thời điểm 01/01 hằng năm sẽ không thể thực hiện được do thông tin phục vụ chọn hộ mẫu để phỏng vấn Phiếu 05-N/ĐTCN-HO và Phiếu số 06-N/ĐTCN-HM cần sử dụng kết quả điều tra của phiếu số 03-N/ĐTCN-THON.
Phương án quy định trụ sở chính của doanh nghiệp kê khai thông tin cho chi nhánh cũng gặp những hạn chế bất cập khi triển khai điều tra thực tế như sau: Một số DN, HTX hoạt động đa ngành/lĩnh vực từ chối kê khai với lý do không có hoạt động chăn nuôi tại địa phương. Bảng kê quy định liệt kê tên DN, HTX có hoạt động chăn nuôi trên địa bàn nên người lập bảng kê sau khi quan sát tìm hiểu không thấy có chuồng, trại chăn nuôi tại đơn vị đã chấp nhận sự từ chối của đơn vị và không cập nhật DN, HTX vào bảng kê; Các đơn vị hợp tác kê khai thông tin nhưng mất quá nhiều thời gian kê khai nếu có nhiều chi nhánh trên cả nước nên đã loại bớt số chi nhánh ra khỏi phiếu; phần kê khai cho chi nhánh trong phiếu không có định danh huyện nên không bóc tách được số liệu tới cấp huyện. Một số địa phương có chi nhánh tại tỉnh đã trực tiếp xác minh số liệu trụ sở kê khai cho chi nhánh và phản ánh “Số liệu do trụ sở kê khai khác với số thu thập trực tiếp tại chi nhánh”. Phiếu thiết kế kê khai cho chi nhánh không đủ loại vật nuôi (thiếu vật nuôi khác) dẫn đến số liệu phân bổ cho tỉnh có chi nhánh bị thiếu vật nuôi khác.
Kiến nghị thay đổi tổ chức, quản lý điều tra chăn nuôi hàng năm
Với mục tiêu đảm bảo tính khả thi của Phương án điều tra chăn nuôi năm 2021 đang triển khai, khắc phục những hạn chế còn tồn tại và nâng cao chất lượng điều tra chăn nuôi, hướng tới hoàn thiện từng bước mô đun cốt lõi để sẵn sàng điều tra tích hợp AGRIS theo khuyến nghị của FAO (khuyến nghị này cũng phù hợp với yêu cầu của Chiến lược Thống kê quốc gia được ban hành theo quyết định số 879/QĐ-TCTK ngày 16 tháng 9 năm 2022 về kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Tổng cục Thống kê, trong đó liên quan đến chăn nuôi có nội dung Tích hợp các cuộc điều tra với đơn vị điều tra là hộ nông, lâm, thủy sản), đề tài “Nghiên cứu thay đổi tổ chức, quản lý điều tra chăn nuôi hằng năm” đề cập đến các nội dung sau: (1) Phân tích và chỉ ra sự cần thiết của việc nghiên cứu thay đổi tổ chức và quản lý điều tra chăn nuôi hàng năm, (2) Cơ sở lý luận và thực tiễn về điều tra chăn nuôi, (3) Thực trạng tổ chức và quản lý điều tra chăn nuôi tại Việt Nam (4) Đề xuất thay đổi tổ chức và quản lý trong điều tra chăn nuôi hằng năm tại Việt Nam.
Các nội dung đề xuất cụ thể như sau:
- Thay đổi mẫu Bảng kê: Điều chỉnh một số mẫu bảng kê hiện tại, giúp tăng cường sự kết nối giữa các danh sách hộ chăn nuôi ở qui mô cần chọn mẫu. Giảm bớt tần suất đi lại của người chịu trách nhiệm lập và rà soát bảng kê tại địa bàn. Tránh nhầm lẫn khi có quá nhiều loại bảng kê phải hoàn thiện thông tin.
- Bổ sung biểu mẫu rà soát để phục vụ việc chọn mẫu hộ chăn nuôi trâu, bò qui mô nhỏ và vật nuôi khác, nhằm đảm bảo tính khả thi của phương án do qui định phỏng vấn phiếu thôn, chọn mẫu hộ nuôi trâu bò nhỏ/vật nuôi khác trong thôn, phỏng vấn hộ mẫu nuôi trâu bò qui mô nhỏ/vật nuôi khác diễn ra đồng thời là không thể thực hiện được.
- Thay đổi qui định về kê khai thông tin đối với đơn vị điều tra là doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức khác (gọi chung là doanh nghiệp) và chi nhánh. Cụ thể là cho phép các chi nhánh sản xuất chăn nuôi tự kê khai thông tin như một doanh nghiệp độc lập. Điều này đảm bảo rằng thông tin kê khai được chính xác và không mâu thuẫn với số liệu của trụ sở chính. Các chi nhánh có thể tách biệt số đầu vật nuôi đến cấp huyện, đáp ứng yêu cầu của phương án suy rộng số đầu vật nuôi đến cấp huyện. Việc kê khai các loại vật nuôi khác của chi nhánh sẽ phản ánh bức tranh chăn nuôi đầy đủ hơn. Giảm gánh nặng kê khai thông tin đối với doanh nghiệp có nhiều chi nhánh đóng trên cả nước.
- Sử dụng dàn mẫu doanh nghiệp tổng thể chung, lọc ra các đơn vị có hoạt động chăn nuôi và gửi danh sách đến từng Cục Thống kê tỉnh để thực hiện rà soát, cập nhật đưa vào điều tra chăn nuôi nhằm tăng cường hiệu quả quản lý danh sách đơn vị kê khai thông tin trong lĩnh vực chăn nuôi. Đảm bảo cho công tác quản lý, giám sát tốt hơn, thông tin được thu thập đầy đủ, chính xác và không bị trùng sót.
- Cân nhắc học tập cuộc điều tra chăn nuôi của Hàn Quốc kết hợp giữa điều tra thực tế và khai thác cơ sở dữ liệu hành chính, không điều tra hộ chăn nuôi gia cầm qui mô nhỏ.
- Phương án điều tra chăn nuôi nên điều chỉnh qui định về cập nhật bảng kê phục vụ chọn mẫu hộ điều tra qui mô nhỏ ở các năm tiếp theo phù hợp với qui định của Luật Chăn nuôi. Luật Chăn nuôi số 32/2018/ QH14 ban hành ngày 19 tháng 11 năm 2018 có hiệu lực thi hành từ ngày 15/01/2020. Theo đó, Khoản 1, Điều 54 qui định: “Tổ chức, cá nhân chăn nuôi phải kê khai hoạt động chăn nuôi với Ủy ban nhân dân cấp xã”. Ngày 30/11/2019, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ban hành Thông tư số 23/2019/TT-BNNPTNT hướng dẫn một số điều của Luật Chăn nuôi về hoạt động chăn nuôi. Tại Điều 4, Thông tư qui định: “Tổ chức, cá nhân chăn nuôi thực hiện kê khai hoạt động chăn nuôi từ ngày 25 đến ngày 30 của tháng cuối quý theo biểu mẫu qui định”. Ngày 15/12/2023, Bộ NN và PTNT đã ban hành Thông tư số 18/2023/TT-BNNPTNT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 23/2019/TT-BNNPTNT ngày 30/11/2019 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn một số điều của Luật Chăn nuôi về hoạt động chăn nuôi. Theo đó, tổ chức, cá nhân chăn nuôi thực hiện kê khai hoạt động chăn nuôi theo qui định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư 18.
Hàng năm Tổ chức, cá nhân chăn nuôi phải kê khai hoạt động chăn nuôi theo thời gian qui định như sau:
Kê khai định kỳ 02 lần/năm. Kỳ kê khai 6 tháng đầu năm, gửi kê khai từ ngày 25 tháng 6 đến ngày 30 tháng 6; kỳ kê khai 6 tháng cuối năm, gửi kê khai từ ngày 25 tháng 12 đến ngày 31 tháng 12 của năm kê khai;
Kê khai đột xuất trong thời gian 03 ngày kể từ khi nhập về nuôi mới hoặc theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền. Nếu qui định này được nghiêm túc thực hiện thì đây sẽ là nguồn cơ sở dữ liệu hành chính quý giá, cập nhật và tin cậy có thể dùng làm dàn mẫu cho điều tra chăn nuôi hàng năm.
Các đề xuất trên được thực hiện trong thực tế sẽ giúp Phương án điều tra chăn nuôi được triển khai thuận lợi hơn, đảm bảo công tác quản lý, giám sát hiệu quả hơn, là một cơ hội tốt để nâng cao năng lực thống kê nông nghiệp tại Việt Nam. Những cải tiến này sẽ không chỉ tối ưu hóa quy trình thu thập thông tin mà còn đảm bảo tính chính xác và đáng tin cậy của dữ liệu. Qua đó, chúng ta có thể xây dựng một nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của ngành chăn nuôi, góp phần nâng cao đời sống người dân và phát triển kinh tế quốc dân. Sự nỗ lực cải tiến này sẽ không chỉ tạo ra những giá trị thiết thực trong hiện tại mà còn đảm bảo cho tương lai nâng cao năng lực thống kê nông nghiệp của Việt Nam tiến tới thực hiện điều tra tích hợp nông nghiệp thành công theo đúng như chiến lược Thống kê giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn 2045 đã đặt ra.
Kết luận
Chăn nuôi là một phần quan trọng trong mô đun cốt lõi của điều tra tích hợp AGRIS, với mong muốn hoàn thiện từng phần mô đun cốt lõi trong điều tra tích hợp nông nghiệp, những điều chỉnh này sẽ giúp làm tốt hơn những gì chúng ta đang thực hiện, từ đó tiến tới mục tiêu xa hơn là sẵn sàng cho điều tra tích hợp AGRIS khi hội tụ đủ các điều kiện về mô đun cốt lõi và mô đun xoay theo khuyến nghị của FAO, nâng cao chất lượng thống kê nông nghiệp nói riêng và năng lực thống kê của hệ thống Thống kê quốc gia nói chung./.
Tài liệu tham khảo:
- Luật Chăn nuôi số 32/2018/QH14 ngày 19 tháng 11 năm 2018
- Luật Thống kê số 89/2015/QH13. ngày 23 tháng 11 năm 2015
- Handbook on the Agricultural Integrated Survey, AGRIS, Food and Agriculture Organization of the United Nations
- Global strategy to improve agricultural and rural statistics, The World Bank, Food and Agriculture Organization, United Nations
- KOSTAT Training on Social Statistics in Vietnam
- CN. Phạm Quang Vinh (2014). Đề tài cấp bộ “Nghiên cứu áp dụng chiến lượcc toàn cầu về tăng cường thống kê nông nghiệp của liên hợp quốc vào Việt Nam”, Hà Nội.
- Điều tra chọn mẫu và ứng dụng trong công tác thống kê (TS. Tăng Văn Khiên, NXB Thống kê 2003).
Lê Thanh Huyền
Cục Thu thập dữ liệu và Ứng dụng Công nghệ thông tin thống kê - TCTK