Doanh nghiệp thủy sản tăng tốc đón CPTPP

|

Doanh nghiệp thủy sản tăng tốc đón CPTPP

    Thủy sản với cơ hội từ CPTPP
 
Nhìn vào khối thị trường 11 nước thành viên CPTPP, bao gồm Canada, Mexico, Peru, Chile, New Zealand, Australia, Nhật Bản, Singapore, Brunei, Malaysia và Việt Nam, có thể thấy Hiệp định CPTPP là cơ hội để các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam tiếp tục thúc đẩy xuất khẩu hàng thủy sản sang các thị trường lớn là những đối tác thương mại chính của xuất khẩu thủy sản Việt Nam như: Nhật Bản, Australia. Đồng thời, CPTPP giúp doanh nghiệp tận dụng được lợi thế để xâm nhập sâu vào các thị trường mới như: Canada, Mexico và Peru - đây là các quốc gia Việt Nam chưa ký hiệp định thương mại. Ðặc biệt, CPTPP sẽ mang lại lợi thế so sánh rất lớn cho các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam so với Thái Lan, quốc gia đang cạnh tranh ngang ngửa với Việt Nam trong lĩnh vực này.

 


Ảnh minh họa, nguồn Internet
 
Về cơ bản, mặt hàng thủy sản (trừ cá ngừ đóng hộp, cá viên) có xuất xứ Việt Nam sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu ngay khi CPTPP có hiệu lực hoặc sau 3 năm. Cụ thể, các mặt hàng thủy sản sẽ được hưởng thuế suất 0% ngay khi CPTPP có hiệu lực khi xuất khẩu sang Canada và Nhật Bản. Nhiều mặt hàng thủy sản trước chưa được cam kết xóa bỏ thuế quan trong hiệp định Việt Nam - Nhật Bản và ASEAN - Nhật Bản sẽ được hưởng thuế 0% khi xuất khẩu sang Nhật Bản, trong đó, một số loài cá tuyết, surimi, tôm, cua... sẽ được hưởng thuế suất 0% ngay khi CPTPP có hiệu lực. Cá tra, cá basa là mặt hàng thủy sản duy nhất xuất khẩu lớn sang Mexico sẽ được hưởng thuế 0% vào năm thứ 3 kể từ khi CPTPP có hiệu lực. Ngoài ra, các đối thủ lớn của Việt Nam trong xuất khẩu cá ngừ như Trung Quốc và Thái Lan không tham gia vào CPTPP nên các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam có lợi thế để phát triển ở các thị trường mới và tiềm năng như: Canada, Peru… trong nhiều năm tới. Bên cạnh đó, một số mặt hàng thủy sản Việt Nam như: Tôm thẻ, tôm sú vẫn được các doanh nghiệp Canada nhập khẩu với số lượng đáng kể và dư địa thị trường này còn khá lớn cùng với những lợi thế khi tham gia CPTPP sẽ đem lại giá trị kinh tế cao hơn.
 
Việc tham gia CPTPP, ngoài cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu còn tạo ra nhiều công  ăn việc làm cho người nông  dân.  Với việc minh bạch về nguồn gốc nguyên liệu theo quy  định của CPTPP, có thể buộc các doanh nghiệp phải đầu tư hơn nữa vào vùng nuôi, đầu tư cho người nông dân phục hồi phát triển sản xuất, thay vì nhập khẩu nguyên liệu từ các nước khác. Lợi nhuận khi đó cũng chia đều cho nhiều khâu, từ nuôi trồng đến chế biến.
 
Ngoài ra, tham gia CPTPP hứa hẹn sẽ tạo ra nguồn lực đầu tư trong khối, giúp đầu tư nuôi trồng chế biến thủy sản tiếp tục tăng trưởng. Việc áp dụng các bộ tiêu chuẩn về nuôi trồng, chế biến, tiêu thụ cũng giúp hình thành một thị trường tiêu thụ thủy sản chất lượng và hấp dẫn người tiêu dùng, giúp doanh nghiệp có thêm cơ hội tổ chức lại hoạt động sản xuất, đáp ứng theo các tiêu chuẩn chất lượng cao của các nước thành viên CPTPP.

 
Đáp ứng nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng thủy sản trên thị trường thế giới và thị trường nội địa, sản lượng đánh bắt nuôi trồng thủy sản của Việt Nam những năm qua không ngừng gia tăng về số lượng, chất lượng và chủng loại mặt hàng. Theo Tổng cục Thống kê, năm 2010, sản lượng thủy sản Việt Nam đạt 5.142,7 nghìn tấn (trong đó: Khai thác đạt 2.414,4 nghìn tấn, nuôi trồng đạt 2.728,3 nghìn tấn), đến năm 2018 đã tăng lên 7756,5 nghìn tấn (trong đó: Khai thác 3.602,7 nghìn tấn, nuôi trồng 4.153,8 nghìn tấn). Riêng Quý I năm 2019, sản lượng thủy sản ước tính đạt 1.466,7 nghìn tấn, tăng 4,8% so cùng kỳ năm trước (nuôi trồng đạt 646,2 nghìn tấn, tăng 4,9%; khai thác đạt 820,5 nghìn tấn, tăng 4,8%). Bên cạnh đó, diện tích ươm, nuôi giống thủy sản tăng lên; số lượng tàu khai thác thủy sản hiện có công suất từ 90 CV cũng tăng mạnh.
 
Các sản phẩm thủy sản xuất khẩu của Việt Nam cũng ngày càng được chế biến đa dạng, như: Dầu ăn chế biến từ mỡ cá tra, da cá tra sản xuất collagen... đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường thế giới; đồng thời góp phần đẩy mạnh tăng trưởng xuất khẩu thủy sản.

    Doanh nghiệp thủy sản tăng tốc đón CPTPP
 
Thủy sản là một trong những ngành hàng xuất khẩu lớn, còn nhiều dư địa phát triển của Việt Nam. Hiện, các doanh nghiệp thủy sản đang tăng tốc đầu tư và áp dụng nhiều giải pháp công nghệ nhằm đảm bảo số lượng, chất lượng cùng nguồn gốc xuất xứ nguồn nguyên liệu để tận dụng tối đa cơ hội từ CPTPP, qua đó giúp các doanh nghiệp mở rộng, chiếm lĩnh thị trường có gần 500 triệu người và chiếm 13,5% GDP toàn cầu với tổng kim ngạch thương mại vượt 10.000 tỷ USD của CPTPP.
 
Điển hình như Công ty cổ phần Tập đoàn Minh Phú (MPC) đã sẵn sàng mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao công suất chế biến tôm, đồng thời chuẩn bị những bước đi dài hạn chiếm lĩnh thị trường, khẳng định thương hiệu và tăng trưởng doanh thu. Cụ thể, để đưa tôm vào Úc, MPC đã nhập máy kiểm tra virus đáp ứng nhu cầu kiểm dịch của Úc, kiểm tra được bệnh đốm trắng, đầu vàng, đảm bảo tôm đạt chuẩn trước khi xuất đi. Đồng thời, các vùng nguyên liệu cũng được kiểm tra nghiêm ngặt. Năm 2019, MPC sẽ thực hiện mua bán - sáp nhập hai nhà máy để mở rộng quy mô sản xuất, đồng thời nâng cao công suất  nhà máy tại Cà Mau lên 15.000 tấn/năm, tiếp tục phát triển nhà máy tại Hậu Giang phục vụ nhu cầu tăng trưởng xuất khẩu. Hiện, MPC đã và đang đầu tư các phòng lab kiểm tra kháng sinh tại các vùng nuôi, với chi phí đầu tư bình quân là 10 tỷ đồng/phòng lab. Công ty CP Nam Việt (ANV), một trong những doanh nghiệp xuất khẩu cá tra lớn cũng đã chi 4.000 tỷ đồng đầu tư vùng nuôi công nghệ cao, với diện tích 600 ha để chủ động hoàn toàn vùng nguyên liệu, nhằm nâng công suất chế biến cá tra xuất khẩu từ 600 tấn nguyên liệu/ ngày lên 1.100 tấn nguyên liệu/ngày. Trong khi đó, Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (VHC) tập trung giải quyết bài toán nguồn nguyên liệu. Theo đó, năm 2019, VHC sẽ mở rộng vùng nuôi thêm 220 ha, công suất chế biến dự báo sẽ tăng từ 850 tấn nguyên liệu/ngày như hiện nay lên 1.130 tấn nguyên liệu/ngày vào cuối năm 2021. Ngoài ra, còn phải kể đến Công ty Cổ phần Hùng Vương (HVG). Năm 2018, HVG đã có 24 công ty sản xuất cá giống, tôm giống, sản xuất thức ăn, nuôi trồng thủy sản, nuôi và chế biến cá tra, chế biến bột cá biển và sản xuất mỡ, bột cá phục vụ cho xuất khẩu. Năm 2019, HVG lên kế hoạch nâng sản lượng cá nguyên liệu lên 120 nghìn tấn; khối lượng xuất khẩu đạt 60 nghìn tấn; doanh số đạt 4.400 tỷ đồng, lợi nhuận gộp đạt 700 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 75 tỷ đồng.
 
Theo các chuyên gia, CPTPP sẽ mang lại cơ hội cho doanh nghiệp biết chủ động đáp ứng với những thay đổi về môi trường kinh doanh trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và chủ động xây dựng, điều chỉnh kế hoạch kinh doanh giai đoạn trung và dài hạn để thúc đẩy dòng chảy hàng hóa vào các thị trường đối tác tiềm năng./.

Minh Đạt