Nỗ lực đổi mới, vượt rào cản
Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, ngành nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu cá tra Việt Nam năm 2018 đã có sự bứt phá ngoạn mục. Diện tích nuôi cá tra của cả nước đạt 5.400 ha, tăng 3,3%; sản lượng thu được 1,42 triệu tấn, tăng 8,4% so với năm 2017. Một số tỉnh nuôi cá tra trọng điểm đạt sản lượng lớn như Đồng Tháp, đạt khoảng 452 nghìn tấn, tăng 3,7% so với cùng kỳ; An Giang 333,2 nghìn tấn, tăng 36%; Bến Tre 182 nghìn tấn, tăng 3,1%.
Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, ngành nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu cá tra Việt Nam năm 2018 đã có sự bứt phá ngoạn mục. Diện tích nuôi cá tra của cả nước đạt 5.400 ha, tăng 3,3%; sản lượng thu được 1,42 triệu tấn, tăng 8,4% so với năm 2017. Một số tỉnh nuôi cá tra trọng điểm đạt sản lượng lớn như Đồng Tháp, đạt khoảng 452 nghìn tấn, tăng 3,7% so với cùng kỳ; An Giang 333,2 nghìn tấn, tăng 36%; Bến Tre 182 nghìn tấn, tăng 3,1%.
Ảnh minh họa, nguồn Internet
Cùng với sự gia tăng về diện tích, sản lượng, giá cá tra nguyên liệu tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long năm 2018 cũng đạt mức cao trong nhiều thời điểm. Tính trung bình giá thành sản xuất cá tra vào khoảng 21 nghìn đồng/kg, trong khi giá bán cá thương phẩm có thời điểm đạt đỉnh 35 đến 36 nghìn đồng/kg, đem lại lợi nhuận lớn cho người nuôi.
Năm 2018 cũng là năm khởi sắc cho các doanh nghiệp xuất khẩu, khi mặt hàng cá tra phi lê đông lạnh được xuất khẩu mạnh vào thị trường Trung Quốc, châu Âu, Hoa Kỳ, mặc dù bị các nước nhập khẩu tăng áp thuế chống bán phá giá, cũng như đưa các tiêu chuẩn“hàng rào kỹ thuật” cao. Để có được kết quả này, toàn ngành cá tra đã nỗ lực hết mình để làm thay đổi cách nhìn nhận và đánh giá của các thị trường dành cho toàn quy trình nuôi cá tra tại Việt Nam. Một trong những thắng lợi lớn nhất của ngành hàng cá tra trong năm qua chính là đã nỗ lực vượt qua không ít rào cản về thương mại và kỹ thuật của các nước nhập khẩu. Cụ thể, hình ảnh cá tra Việt Nam đã lấy lại được thiện cảm từ người tiêu dùng tại thị trường châu Âu sau một thời gian khá dài bị truyền thông khu vực này đăng tải những thông tin thiếu chính xác, gây bất lợi cho hoạt động xuất khẩu vào các nước trong khu vực; đồng thời cũng tác động tiêu cực đến hình ảnh cá tra Việt Nam trên thị trường thế giới nói chung. Đến nay, các sản phẩm cá tra đông lạnh và cá tra chế biến đã được nhiều siêu thị tại Pháp, Tây Ban Nha, Đức… bày bán và được người tiêu dùng lựa chọn, ưa thích. Theo đó, mức tiêu thụ cá tra tại thị trường châu Âu năm 2018 đạt khoảng 231,3 triệu USD, tăng 19,1% so với năm 2017. Hiện nay, cá tra của Việt Nam chiếm 9% thị phần và nằm trong nhóm 4 sản phẩm cá thịt trắng được ưa chuộng nhất tại châu Âu.
Sản phẩm cá tra Việt Nam cũng vượt qua rào cản kỹ thuật khắt khe của Mỹ, khi được Bộ Nông nghiệp Mỹ công nhận quy trình nuôi cá tra tại Việt Nam tương đồng quy trình nuôi cá da trơn tại Mỹ. Trước đó, theo quy định của Mỹ, cá tra muốn xuất khẩu vào thị trường này phải tuân thủ toàn bộ quy trình “tạo ra sản phẩm” từ khâu đầu tiên (con giống, thức ăn) cho đến khâu cuối cùng theo “kiểu Mỹ”. Thời gian để thực hiện chuyển đổi quy trình sản xuất là 18 tháng, kể từ tháng 3-2016. Đây là thách thức lớn đối với ngành cá tra Việt Nam vào thời điểm đó. Với những nỗ lực đổi mới toàn diện ngành hàng, đến năm 2018, sau khi kiểm tra thực tế tại Việt Nam, Cục Kiểm tra an toàn thực phẩm (Bộ Nông nghiệp Mỹ) đã đề xuất công nhận cá tra, cá basa Việt Nam có hệ thống kiểm soát chất lượng tương đương cá da trơn của Mỹ và đủ điều kiện xuất khẩu sang Mỹ. Đây là yếu tố quan trọng đưa Mỹ trở thành thị trường có mức tăng trưởng cao nhất trong năm 2018 với tốc độ 57,7%, chiếm hơn 24% thị phần cá tra Việt Nam, vượt qua Trung Quốc, quay trở lại vị trí số một thế giới về tiêu thụ cá tra Việt Nam.
Bên cạnh đó, trong năm 2018, các sản phẩm cá tra chế biến như: Cá tra tẩm gia vị, cá tra tẩm bột, cá tra xiên que… cũng đã được thị trường châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc đón nhận mạnh mẽ, trở thành sự lựa chọn song song với các sản phẩm thủy sản khác như cá ngừ, cá hồi… Điều này cho thấy, chất lượng và hình ảnh cá tra Việt Nam đã được nâng tầm và đàng hoàng bước chân vào thị trường khó tính nhất nhì trên thế giới.
Ngoài những thị trường khó tính, trong năm 2018, ngành cá tra cũng đã có chiến lược khơi thông những thị trường đang phát triển và đầy tiềm năng khác tại khu vực châu Á như thị trường Trung Đông. Tại khu vực này, các tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất, Ai Cập và Ả Rập Xê Út là 3 thị trường lớn nhất nhập khẩu cá tra Việt Nam. Năm 2018, Trung Đông đã nhập khẩu lượng cá tra trị giá 290 triệu USD và có thể còn tiếp tục tăng trong năm 2019.
Tăng chất lượng và giá trị gia tăng, tạo bệ phóng trong năm 2019
Với những thành công của ngành cá tra Việt Nam trong năm 2018, toàn ngành xem kết quả này như một bệ phóng để tạo đà phát triển hơn nữa cho ngành cá tra trong năm 2019.
Theo nhận định của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) về bước phát triển đột phá của ngành hàng cá tra năm 2019, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, mà cụ thể là sự cạnh tranh từ một số quốc gia tại châu Á như: Ấn Độ, Bangladesh, Malaysia, Indonesia… Đặc biệt là Trung Quốc - một quốc gia tiêu thụ 60% sản lượng cá tra nguyên liệu của Việt Nam, hiện cũng đã bắt đầu có chiến lược nuôi cá tra với mục đích giảm thiểu nhập khẩu cá tra nguyên liệu để cung ứng cho thị trường trong nước. Điều này sẽ tăng khả năng cạnh tranh với nguồn cung cá tra Việt Nam. Theo số liệu thống kê của VASEP, Trung Quốc đã nuôi và thu hoạch 10 nghìn tấn cá tra ở đảo Hải Nam. Tại Ấn Độ, sản lượng cá tra đạt 650 nghìn tấn, Bangladesh 450 nghìn tấn, Indonesia 110 nghìn tấn. Tuy nhiên, theo đánh giá của VASEP, dù nhiều quốc gia đang có kế hoạch nuôi cá tra, nhưng xét đến cùng, chất lượng cá tra nuôi ở các nước này được đánh giá là thấp hơn so với các sản phẩm cá tra hiện nay ở Việt Nam. Hơn nữa, các quốc gia này mới chỉ cung cấp cá phi lê đông lạnh, chưa có sự đa dạng trong chế biến sản phẩm, nên với sự đa dạng các sản phẩm cá tra chế biến, cá tra của Việt Nam vẫn có sức hấp dẫn và được khách hàng ưa chuộng hơn. Điều này cho thấy, dù cá tra của Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều đối thủ cạnh tranh mới nhưng những thành quả đạt được trong thời gian qua, đặc biệt là các sản phẩm chế biến đã giúp sản phẩm cá tra Việt Nam đi đầu trong cuộc cạnh tranh này.
Một rủi ro khác đối với ngành hàng cá tra trong năm 2019 là nỗi lo về tình trạng dư cung hoặc thiếu cung. Thực tế, giá cá tra nguyên liệu bắt đầu tăng mạnh từ đầu năm 2017, kéo dài và đạt đỉnh điểm trong năm 2018. Điều này dẫn đến thực trạng nông dân lại ồ ạt nuôi cá giống và cá nguyên liệu, khiến thị trường dư thừa nguyên liệu khi bước vào mùa thu hoạch rộ. Khi đó, giá bán cá nguyên liệu cho các nhà máy lao dốc, các hộ nuôi thua lỗ lại ngừng thả giống cho mùa vụ tiếp theo, và kết quả lại là thiếu nguồn cung cho doanh nghiệp để thực hiện các hợp đồng xuất khẩu. Vòng luẩn quẩn này không mới, nhưng nếu thiếu sự quy hoạch đồng bộ và thực hiện nuôi thả có ý thức thì chắc chắn sẽ tái diễn và để lại hậu quả khó lường.
Vì vậy, để ngành cá tra có thể giữ vững đà tăng trưởng và phát triển ổn định, bền vững, theo VASEP, cần có những giải pháp rõ nét, trong đó vẫn phải tập trung vào chất lượng cá tra từ khâu giống, cá tra nguyên liệu đến sản phẩm chế biến xuất khẩu. Muốn như vậy, các vùng nuôi phải liên tục được kiểm tra, giám sát, bảo đảm các yêu cầu về quy trình sản xuất, môi trường nuôi… Bởi ngay cả khi cá tra của Việt Nam đã được phía Mỹ công nhận về quy trình nuôi tương đồng cũng không có nghĩa nó sẽ có giá trị mãi mãi, cho nên việc bảo toàn chất lượng nuôi vẫn là điều phải thực hiện thường xuyên, liên tục.
Bên cạnh đó, cần tập trung hơn nữa vào khâu chế biến sâu, đa dạng hóa các mặt hàng từ cá tra, không chỉ là cá tra phi lê, cá tra đông lạnh mà mở rộng thêm cá tra tẩm gia vị, tẩm bột, cá tra xiên que - những mặt hàng vốn được các thị trường các nước ở châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc khá ưa chuộng và cũng là những sản phẩm các nước nuôi cá tra khác chưa có.
Một yêu cầu quan trọng không kém khác là phải giữ vững những thị trường xuất khẩu trọng điểm như Mỹ, EU, Trung Quốc, đồng thời khai thông những thị trường mới, đặc biệt chú trọng đến các thị trường ở khu vực Trung Đông. Bên cạnh đó, phân khúc thị trường khu vực ASEAN cũng cần được quan tâm. Năm 2018, xuất khẩu cá tra Việt Nam đã chứng kiến sự gia tăng mạnh tại khu vực này, với tổng giá trị xuất khẩu đạt gần 200 triệu USD (tăng gần 50% so với cùng kỳ năm 2017). Trong đó, Thái Lan là thị trường lớn nhất của cá tra Việt Nam tại ASEAN, chiếm 36,8% tổng giá trị xuất khẩu sang cả khu vực. Singapore và Philipine cũng là những thị trường nhập khẩu ổn định và được kỳ vọng sẽ tăng mạnh trong thời gian tới. Đặc biệt, với Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vừa chính thức có hiệu lực vào đầu năm 2019 và việc chuẩn bị ký Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), cá tra Việt Nam hứa hẹn sẽ có thêm nhiều cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ trên toàn cầu.
Với kết quả đạt được trong năm 2018, Tổng cục Thủy sản dự báo tăng trưởng ngành cá tra Việt Nam năm 2019 tiếp tục có đà phát triển tốt, với sản lượng nuôi trồng đạt 1,51 triệu tấn, tăng 6,6% so với năm 2018; kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt trên 2,4 tỷ USD, tăng 12%. Đây là tín hiệu đáng mừng để ngành cá tra Việt Nam tiếp tục vững tin đầu tư phát triển./.
ThS. Trần Thu Hằng - ThS. Vũ Thị Thanh Thủy
Trường Cao đẳng Cộng đồng Hà Nội
Trường Cao đẳng Cộng đồng Hà Nội