Kết quả 10 năm xây dựng nông thôn mới: Nhiều gam màu tươi sáng

|

Kết quả 10 năm xây dựng nông thôn mới: Nhiều gam màu tươi sáng

Sau gần 10 năm triển khai, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2010-2020 đã đạt và vượt các mục tiêu đề ra trước một năm; góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
 
Về đích trước thời hạn

Năm 2010, khi bắt đầu Chương trình xây dựng NTM, bức tranh nông thôn Việt Nam còn nhiều gam màu “ảm đạm”, xuất phát điểm của các xã thấp, bình quân cả nước chỉ đạt xấp xỉ 04 tiêu chí/xã, con đường xây dựng NTM gặp nhiều chông gai. Trong bối cảnh đó, cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương (tỉnh, huyện, xã) nhận thức rõ tầm quan trọng của Chương trình nên đã quan tâm, tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện, coi xây dựng NTM là giải pháp đột phá để phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn. Với sự chung sức, chung lòng, nhân dân cả nước đã cùng “dồn sức” xây dựng NTM, bộ mặt của nông thôn Việt Nam đã thay đổi toàn diện.

 

Ảnh minh họa, nguồn Internet

Theo số liệu Văn phòng điều phối NTM Trung ương, tính đến tháng 10/2019, cả nước đã có 4.665 xã (52,4%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 35,3% so với cuối năm 2015 và hoàn thành vượt 2,4% so với mục tiêu 10 năm (2010-2020) của Đảng, Quốc hội và Chính phủ giao. Trong đó, vùng Đồng bằng sông Hồng đạt 84,86%, miền núi phía Bắc đạt 28,6%, đã hoàn thành vượt mục tiêu 5 năm (2016-2020) được Thủ tướng Chính phủ giao. Đặc biệt, có 36/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã hoàn thành sớm và vượt mục tiêu 5 năm; 08 tỉnh, thành phố có 100% số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới: Nam Định, Hà Nam, Hưng Yên, Thái Bình, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bình Dương và Cần Thơ; 63 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trong đó có xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu theo quy định của Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt, trong số các xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, có 87 xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135 và 42 xã vùng bãi ngang ven biển, hải đảo.
 
Tình bình quân cả nước đạt 15,32 tiêu chí/xã, hoàn thành vượt mục tiêu 5 năm (2016-2020), trong đó, có 2/7 vùng và 19/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoàn thành và vượt mục tiêu 5 năm.

Đến nay, cả nước đã có 109 đơn vị cấp huyện của 41 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Trong đó, có 04 huyện: Hải Hậu (Nam Định); Nam Đàn (Nghệ An); Đơn Dương (Lâm Đồng) và Xuân Lộc (Đồng Nai) được Ban Chỉ đạo Trung ương lựa chọn thí điểm xây dựng nông thôn mới, để tổng kết, đánh giá phục vụ xây dựng tiêu chí huyện nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn sau năm 2020. Đặc biệt, tỉnh Đồng Nai và tỉnh Nam Định đã có 100% xã và 100% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; và hiện đang hoàn thiện thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ công nhận tỉnh hoàn thành xây dựng NTM.

Với những kết quả sau gần 10 năm triển khai, Chương trình xây dựng NTM đã cán đích trước một năm so với mục tiêu Quốc hội đề ra và đang tiếp tục sẵn sàng cho giai đoạn mới.

Những thành tựu nổi bật

Hạ tầng kinh tế - xã hội cơ bản ở nông thôn theo hướng đồng bộ, từng bước kết nối với đô thị

Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đã có những đổi thay vượt bậc, bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang, từng bước đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của người dân; đồng thời, đang dần bắt kịp nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn.

Nổi bật nhất là hạ tầng giao thông nông thôn, trong giai đoạn 2010-2019, tăng rất nhanh cả về số lượng và chất lượng cũng như diện phủ khắp. Sau hơn 9 năm, cả nước đã xây dựng mới và nâng cấp được trên 206.743 km đường giao thông (trong đó: Xây dựng mới 76.414 km; cải tạo nâng cấp 130.329 km) và bảo trì, khôi phục 139.155 km; trong đó, khoảng 68,7% được cứng hóa; trên 97% số xã có đường giao thông từ trụ sở xã đến UBND huyện được nhựa, bê tông hóa; gần 80% số xã đã trải nhựa, bê tông đường ngõ xóm; trên 64% số đường trục chính nội đồng được cứng hóa đảm bảo vận chuyển hàng hóa thuận tiện quanh năm;… Chất lượng đường giao thông ngày càng được nâng cao và khá đồng bộ không chỉ tuyến từ cao tốc, quốc lộ đến huyện lộ mà còn kết nối trung tâm xã đến trung tâm huyện, các tuyến đường trục xã, trục thôn, ngõ xóm, trục chính nội đồng, bề rộng mặt đường được mở rộng và tại một số địa phương đã xuất hiện “đại lộ nông thôn”, góp phần tích cực tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nhà đầu tư về khu vực nông thôn. Nhìn chung, hệ thống giao thông đã cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân, qua đó, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa, nông sản, nâng cao thu nhập cho người dân, nhất là ở những vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, vùng sâu, vùng xa, khu vực có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, đem lại diện mạo mới, sức sống mới cho nhiều vùng quê nông thôn.

Mạng lưới điện nông thôn trong hơn 9 năm qua cũng được xây dựng mới và cải tạo, nâng cấp và mở rộng, đến nay, đã cung cấp điện cho 100% số xã và 99,1% số hộ nông thôn. Chất lượng điện ở nông thôn ngày càng được nâng cao, ổn định, tổn thất điện ngày càng giảm, cơ bản đáp ứng đủ, kịp thời nhu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy, hải sản theo hướng hỗ trợ mạnh cho việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp và tạo điều kiện thuận lợi cho ứng dụng công nghệ, nhất là công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp kể cả những huyện vùng cao; phục vụ nhu cầu sinh hoạt và đảm bảo vận hành an toàn ổn định lưới điện của dân cư.

Về cơ sở vật chất văn hóa, tỷ lệ xã có nhà văn hóa tăng nhanh trong 10 năm vừa qua. Năm 2010, cả nước chỉ có 42% xã có nhà văn hoá, 43% thôn có nhà văn hoá. Nhờ huy động các nguồn lực đầu tư để xây dựng thiết chế văn hoá, thể thao, nhất là sự đóng góp của người dân (ngày công, hiến đất, tiền, trang thiết bị…), đến nay, đã có trên 79% số xã có nhà văn hóa, trung tâm thể thao xã, trong đó có 71% đạt chuẩn. Không chỉ phát triển ở cấp xã, các điểm văn hóa, thể thao còn được xây dựng ở cấp thôn. Cả nước có trên 72.952 thôn có nhà văn hóa, khu thể thao thôn (chiếm khoảng 79,2%), trong đó, có 65% đạt chuẩn.

Hệ thống cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn có bước phát triển cả về số lượng và quy mô, đa dạng về loại hình và cấp độ chợ, từng bước đáp ứng được nhu cầu của người dân nông thôn. Mạng lưới chợ nông thôn từng bước phát triển theo quy hoạch, hạn chế được trình trạng tự phát. Trong giai đoạn từ 2011-2018, cả nước đã xây mới trên 860 chợ; cải tạo nâng cấp trên 1.600 chợ. Đến nay, cả nước có 6.387 chợ nông thôn. Mặc dù chợ truyền thống là kênh thương mại lớn nhất ở nông thôn, với lưu lượng hàng hoá bình quân chiếm từ 50-70%, tuy nhiên, ở nhiều vùng nông thôn, các hình thức hạ tầng bán lẻ hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại, trung tâm tiện ích đã bắt đầu phát triển.
 
Kinh tế nông thôn liên tục tăng trưởng khá và chuyển mạnh theo hướng công nghiệp - dịch vụ

Công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn đã có những thay đổi tích cực, giá trị sản xuất công nghiệp nông thôn tăng trưởng khá; Dịch vụ ở nông thôn phát triển đa dạng với sự tham gia của các thành phần kinh tế. Trong giai đoạn 2010-2018, công nghiệp nông thôn tăng trưởng bình quân 12,2%, cao hơn mức tăng trưởng giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp; Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội đã giảm mạnh từ 48,2% xuống còn 38,1%. Đến năm 2019, thu nhập từ hoạt động nông, lâm, thuỷ sản chỉ còn chiếm 22% tổng thu nhập của hộ nông thôn; thu nhập từ hoạt động phi nông nghiệp chiếm 78%. Tại các xã đạt chuẩn NTM, tỷ lệ thu nhập từ hoạt động phi nông nghiệp lên tới 80%, trong khi các xã chưa đạt chuẩn thì  tỷ lệ này giảm xuống còn 75,9%. Như vậy, phát triển công nghiệp, dịch vụ nông thôn đã và đang trở thành giải pháp quan trọng tạo việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn và nâng cao thu nhập của hộ dân nông thôn.

Ngành nông nghiệp đang chuyển đổi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững góp phần nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn và từng bước thu hẹp khoảng cách với đô thị

Cơ cấu lại ngành nông nghiệp đạt nhiều kết quả quan trọng, quy mô và trình độ sản xuất được nâng cao; chuyển mạnh sang sản xuất hàng hoá theo hướng phát huy lợi thế của mỗi địa phương, vùng, cả nước gắn với thị trường trong nước và quốc tế; trình độ canh tác, năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất và khả năng cạnh tranh quốc tế của nhiều loại nông sản được nâng cao; bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, xuất khẩu tăng nhanh và từng bước khẳng định vị thế của nông nghiệp Việt Nam. Trong 09 năm 2010-2018, tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam đạt 269 tỷ USD (bình quân 30 tỷ/năm), tốc độ tăng trưởng bình quân 8,3%/năm. Xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản năm 2018 đạt trên 40 tỷ USD, khẳng định vị thế của Việt Nam đứng trong top 15 của thế giới và đứng thứ 2 trong khối ASEAN.

Chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng hiệu quả hơn, thích ứng với biến đổi khí hậu và yêu cầu của thị trường trong nông nghiệp chuyển từ lúa sang cây ăn quả, rau, cơ cấu thuỷ sản tăng nhanh, nông nghiệp giảm; phát triển mạnh các chuỗi giá trị, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào chế biến quy mô lớn, tăng cường ứng dụng KHCN; dồn điển đổi thửa, cơ giới hoá... Đến nay, các địa phương đã tập trung đầu tư và phát triển được trên 27.000 mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, dần hình thành được một số vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa quy mô lớn, trong đó, phát triển được 1.478 chuỗi nông sản an toàn và 3.267 địa điểm bán sản phẩm đã kiểm soát theo chuỗi. Trình độ canh tác ngày càng hoàn thiện, năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất nhiều loại nông sản được nâng cao rõ rệt. Giá trị sản xuất trên 1 đơn vị diện tích tăng mạnh, bình quân cả nước năm 2018 đạt 98 triệu đồng/ha đất trồng trọt, tăng 36% so với giá trị đạt được năm 2010 với 72 triệu đồng/ha.

Khoa học và công nghệ đã góp phần đáng kể vào tăng năng suất lao động, hiệu quả sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng, sức cạnh tranh của nông sản trên thị trường trong nước và quốc tế. Có nhiều công trình về tiến bộ kỹ thuật mới, giống cây con chất lượng tốt chống chịu bệnh và thích ứng với biến đổi khí hậu, công nghệ cao, nông nghiệp sạch cao đã thực sự mang lại hiệu quả rất lớn đối với toàn ngành. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, khoa học và công nghệ đã đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, đặc biệt trong sản xuất giống cây trồng và vật nuôi với giá trị gia tăng đạt đến 38%… Ngoài ra, hoạt động chuyển giao, ứng dụng khoa học và công nghệ đã hỗ trợ các địa phương xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý phát huy giá trị, lợi thế cho nông sản, đặc biệt là các sản phẩm vùng miền. Tính đến tháng 12/2018, đã có 1.312 loại nông sản và sản phẩm tiểu thủ công nghiệp được bảo hộ, trong đó có 63 chỉ dẫn địa lý, 936 nhãn hiệu tập thể và 286 nhãn hiệu chứng nhận.

Thu nhập bình quân đầu người/năm ở nông thôn tăng nhanh hơn tốc độ tăng thu nhập của người dân đô thị, từ mức 12,8 triệu năm 2010 lên mức 35,88 triệu đồng/người năm 2018, tăng 2,78 lần. Khoảng cách về thu nhập giữa nông thôn và thành thị giảm từ 2,1 lần năm 2010 xuống còn 1,8 lần năm 2018. Tỷ lệ hộ nghèo nông thôn giảm nhanh, từ 17,35% năm 2010 (theo tiêu chí cũ) giảm xuống 7,03% năm 2018 theo tiêu chí nghèo đa chiều) và đến nay chỉ còn khoảng 4,8%. Nhiều địa phương có tỷ lệ hộ nghèo dưới 1% như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Bình Dương…

Công tác giáo dục và đào tạo tiếp tục đạt kết quả tốt

Đến nay, 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cấp huyện duy trì phổ cập phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; 99,8% số xã đạt chuẩn phổ cập phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo 5 tuổi tới trường đạt 99,98% (tăng 13,6% so với năm 2010); tỷ lệ xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi đạt 99,9% (tăng 55,3% so với năm 2010); hầu hết các tỉnh có 100% số xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non; tỷ lệ đơn vị cấp huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi năm 2019 là 100% (tăng so với năm 2010 là 100% và so với năm 2015 là 31,1%).

Phát triển y tế cơ sở, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân nông thôn

Dịch vụ khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu của dân cư nông thôn được tăng cường. Thành tựu lớn nhất trong thời gian vừa qua là đã từng bước khôi phục, củng cố và phát triển được mạng lưới y tế cơ sở. Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá là một trong các nước có mạng lưới y tế cơ sở hoàn chỉnh. Theo thống kê, cả nước có 669 bệnh viện/trung tâm y tế tuyến huyện với 78.481 giường bệnh, 354 phòng khám đa khoa khu vực với 4.437 giường, 4 nhà hộ sinh với 85 giường, 11.083 trạm y tế xã với 49.544 giường. 100% số xã có trạm y tế; khoảng 87,5% trạm y tế xã có bác sỹ đến làm việc; 96% có nữ hộ sinh hoặc y sỹ sản nhi; 95,0% thôn, bản, tổ dân phố có nhân viên y tế hoạt động.

Công tác xây dựng cảnh quan, thực hiện vệ sinh môi trường có chuyển biến tốt

Những phong trào như “Sạch làng, đẹp ruộng”, “Thắp sáng làng quê”… đang dần dần nâng cao ý thức của cư dân nông thôn về giữ gìn môi trường sinh thái và môi trường xã hội. Nhiều mô hình cải tạo cảnh quan ở thôn, bản, ấp đã được các địa phương áp dụng sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tế như: Mô hình “dòng sông không rác” của Nam Định; mô hình “biến bãi rác thành vườn hoa” tại Đồng Tháp; mô hình trồng hoa, cây xanh “Từ nhà ra ruộng”, hai bên đường giao thông (Nam Định, Thái Bình, Hải Dương, Hà Nam, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Đồng Nai, Cần Thơ, Hậu Giang, Vĩnh Long...); mô hình con đường bích họa (Đan Phượng, Gia Lâm, Hà Nội; Tam Kỳ, Quảng Nam); làng bích họa của đồng bào dân tộc Dao (Móng Cái, Quảng Ninh); mô hình “tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường, giảm nghèo bền vững” tại Hậu Giang, Thanh Hóa, Nam Định... đã góp phần tạo nên một diện mạo mới ở nông thôn.

Bên cạnh đó, từ những thành công ban đầu của các mô hình khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu tại một số địa phương (điển hình là Hà Tĩnh), đến nay, đã có rất nhiều địa phương chủ động học tập và đang triển khai trên diện rộng (quy mô cấp tỉnh, huyện) như: Quảng Ninh, Thái Nguyên, Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Thanh Hoá, Nghệ An, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đắk Nông, Vĩnh Long, Cần Thơ...

Xác định việc xây dựng NTM là một quá trình lâu dài, thường xuyên và liên tục, có điểm bắt đầu nhưng không có điểm kết thúc, xây dựng NTM phải đảm bảo “Hiệu quả, Toàn diện và Bền vững”, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn sau năm 2020 sẽ trở thành một chương trình phát triển nông thôn toàn diện, đáp ứng các mục tiêu của phát triển bền vững ở tất cả các cấp (tỉnh, huyện, xã và thôn, bản). Mục tiêu là xây dựng NTM để đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn giàu có và thịnh vượng, tiệm cận với khu vực đô thị; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ, hiện đại và kết nối chặt chẽ với quá trình đô thị hóa...

Dự kiến phấn đấu đến năm 2025 có 75% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có ít nhất 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 50% số huyện, thị xã đạt chuẩn hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, trong đó có 10% được công nhận là huyện, thị xã nông thôn mới kiểu mẫu; có ít nhất 19 tỉnh được công nhận hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn được nâng cao, thu nhập bình quân tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2020./.

 
Thu Hường