Từ đầu năm 2020, bóng đen Covid-19 bao phủ khiến cho nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam phải đóng cửa nền kinh tế khi quyết định lựa chọn đảm bảo an toàn sức khỏe người dân là ưu tiên hàng đầu thay vì lợi ích kinh tế. Điều đó khiến chuỗi giá trị toàn cầu bị đứt gãy, hầu hết các hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu bị ngừng trệ. Tuy nhiên, trong khi đại đa số ngành nghề phải đối mặt với khó khăn thì một số ngành sản xuất kinh doanh (SXKD) vẫn đứng vững và giữ được tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước.
Một số ngành sản xuất kinh doanh vẫn tăng trưởng trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát
Năm 2019, tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Việt Nam đạt kết quả ấn tượng và là năm thứ 2 liên tiếp tăng trưởng kinh tế đạt trên 7% (đạt 7,02%) kể từ năm 2011. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ du lịch đóng vai trò làm động lực phát triển kinh tế đất nước. Việt Nam tiếp tục trở thành điểm sáng thu hút đầu tư tại khu vực Đông Nam Á và là một trong những điểm đến hấp dẫn của các tour du lịch quốc tế.
Ảnh minh họa, nguồn Internet
Tuy nhiên từ sau Tết Nguyên đán 2020, dịch bệnh Covid-19 đã tác động mạnh, trực tiếp đến sản xuất kinh doanh tại Việt Nam ở cả hai phía cung - cầu trong chuỗi giá trị. Tăng trưởng GDP quý I/2020 thấp nhất trong 10 năm trở lại đây, tổng thu ngân sách 4 tháng giảm 5,9% so với cùng kỳ 2019, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động thấp kỷ lục… Hầu hết các ngành sản xuất kinh doanh trong thời gian dịch bệnh bùng phát, giãn cách xã hội đều ghi nhận mức tăng trưởng âm. Mặc dù vậy, vẫn có nhiều ngành giữ được mức tăng trưởng dương, thậm chí trong giai đoạn này, một số ngành có mức tăng còn cao hơn cả cùng kỳ năm trước.
Về sản xuất: Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, chỉ số sản xuất công nghiệp một số lĩnh vực ngành khai khoáng trong 4 tháng đầu năm 2020 vẫn tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2019, cụ thể: Khai thác than cứng và than non tăng 5,5%; khai thác quặng kim loại tăng cao 16,5% (cao hơn 2,7% so với mức tăng cùng kỳ năm 2019 so với năm 2018). Đối với ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, dù chỉ số sản xuất công nghiệp 4 tháng đầu năm của toàn ngành chỉ tăng 3,0% (thấp hơn mức tăng 10,9% của cùng kỳ năm 2019), nhưng cũng được coi là điểm sáng trong cơn khủng hoảng. Trong đó phải kể đến chỉ số sản xuất, chế biến thực phẩm tăng 2,5%; dệt tăng 1,4%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 8,8%; sản xuất than cốc, dầu mỏ tinh chế tăng 16,9%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 8,2%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 9,7%; đặc biệt phải kể đến sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu với mức tăng 25,9% so với mức giảm 4,0% của cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, do học sinh, sinh viên cả nước đều phải nghỉ ở nhà để phòng tránh dịch bệnh từ đầu tháng 2 nên nhu cầu sử dụng điện nước ở các hộ gia đình đều tăng lên, góp phần giữ cho ngành điện, nước dù ít nhiều bị ảnh hưởng nhưng không bị tăng trưởng âm như nhiều ngành sản xuất khác. Số liệu cùng kỳ cho thấy, chỉ số sản xuất công nghiệp ngành sản xuất và phân phối điện tăng 2,9%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 3,6%; trong đó, lĩnh vực khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 5,5%, thoát nước và xử lý nước thải tăng 2,9%.
Về xuất khẩu: Dịch bệnh Covid-19 tuy đã tác động mạnh đến chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu do nhiều nước thực hiện phong tỏa, nhiều nhà máy, công xưởng phải đóng cửa vì có người nhiễm bệnh Covid-19, ngành dịch vụ vận tải bị ảnh hưởng nghiêm trọng, giao thương đứt, gãy. Nhưng 4 tháng đầu năm, Việt Nam vẫn xuất siêu 3,04 tỷ USD nhờ một số mặt hàng xuất khẩu tăng về lượng và trị giá, thậm chí mức tăng còn cao hơn so với năm trước.
Điển hình như trong nhóm các mặt hàng lương thực, thực phẩm xuất khẩu hạt điều tăng 21,5% về lượng và tăng 5,9% trị giá; tương tự cà phê tăng 4,5% và 2,2%; sắn và sản phẩm của sắn lượng tăng 11,1% và 2,3%. Riêng đối với mặt hàng gạo, do tình hình dịch bệnh diễn ra cùng đợt với tình trạng hạn hán, hạn mặn lịch sử tại vựa lúa gạo lớn nhất cả nước là Đồng bằng sông Cửu Long, Tổng cục Dự trữ Nhà nước tiến hành mua lương thực dự trữ, nhu cầu tích trữ lương thực trong dân tăng cao, để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia nên dù nhu cầu lương thực của thế giới tăng lên nhưng xuất khẩu gạo 4 tháng đầu năm chỉ tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra theo số liệu của Tổng cục Thống kê, xuất khẩu dầu thô 4 tháng đầu năm cũng giữ được tăng trưởng 4,8%, sản phẩm từ hóa chất tăng 9,9%, sản phẩm từ chất dẻo tăng 1,3%, điện thoại và linh kiện tăng 1,1%, sản phẩm từ sắt thép tăng 1,5%. Đáng chú ý là một số mặt hàng có trị xuất xuất khẩu tăng cao vượt bậc, vượt xa mức tăng trong cùng giai đoạn của năm 2019; trong đó đặc biệt phải kể đến xuất khẩu đồ chơi, dụng cụ thể thao đạt trị giá 716 triệu USD, với mức tăng cao nhất 78,5%; sản phẩm nội thất từ chất liệu khác gỗ tăng 45%; dây điện và cáp điện tăng 41,8%; máy móc thiết bị, dụng cụ phẫu thuật khác tăng 29,6%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 28,6%; đá quý, kim loại quý và sản phẩm tăng 19%. Trong tất cả các mặt hàng xuất khẩu giữ được tăng trưởng, điện tử, điện thoại, máy tính, linh kiện là những sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam với trị giá trên 28,5 tỷ USD. Vì vậy, việc duy trì và đẩy mạnh tăng trưởng xuất khẩu các mặt hàng này đã góp phần không nhỏ giữ cho cán cân thương mại của Việt Nam ở chiều xuất siêu trong 4 tháng đầu năm. Đối với xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, một số doanh nghiệp xuất khẩu có khả năng bứt lên do đối thủ cung cấp lớn nhất là Trung Quốc phải đóng băng thị trường một thời gian dài vì dịch bệnh. Do vậy mặc dù cũng chịu ảnh hưởng từ những tác động của Covid 19 nhưng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vẫn tăng 10,1%, đạt trị giá 3.427 triệu USD.
Tái cơ cấu, chuyển đổi sản xuất kinh doanh là cứu cánh của nhiều doanh nghiệp
Đứng trước sự sống còn, nhiều doanh nghiệp đã, đang quyết liệt trong tái cơ cấu, đổi mới sản xuất – kinh doanh, hình thức kinh doanh, đẩy mạnh liên kết ngành, đặc biệt là làn sóng chuyển đổi số được khai thác tối ưu và trở thành động lực mạnh mẽ để duy trì sự tồn tại của nhiều doanh nghiệp.
Trong giai đoạn thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về giãn cách xã hội, hoạt động thương mại, dịch vụ, mua sắm hàng hóa, chi tiêu của người tiêu dùng giảm mạnh, hầu như tất cả các cửa hàng bán lẻ trên cả nước phải tạm ngừng kinh doanh, ngành bán lẻ phải hứng chịu những thiệt hại trực tiếp do tổng cầu giảm. Tuy vậy, thay vì tăng trưởng âm, doanh thu bán lẻ hàng hóa 4 tháng ước tính vẫn đạt 1.224,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 80,6% tổng mức và tăng 0,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, lương thực, thực phẩm tăng 4,8%. Một số địa phương có mức tăng cao so với bình quân như: Hà Nội tăng 5,3%; Hải Phòng tăng 3,8%; Bà Rịa - Vũng Tàu tăng 3,2%; thành phố Hồ Chí Minh tăng 2,9%. Lý giải cho việc doanh thu bán lẻ hàng hóa 4 tháng đầu năm 2020 vẫn tăng nhẹ là do sự tăng trưởng của thương mại điện tử đã được thúc đẩy mạnh mẽ hơn trong thời gian hạn chế tiếp xúc trực tiếp. Người tiêu dùng không cần đến các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng đông đúc mà vẫn có thể lựa chọn và mua sắm nhờ các trang thương mại điện tử, mua hàng online và hàng hóa được vận chuyển một cách nhanh chóng, tiện lợi.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn chuyển đổi hình thức kinh doanh bằng việc đóng bớt cửa hàng nhằm cắt giảm chi phí và chuyển sang kinh doanh trên không gian mạng linh hoạt hơn. Điển hình như khi các hội chợ giới thiệu sản phẩm bị hoãn, các thành viên của Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh đã thử nghiệm mô hình thương mại điện tử kết hợp với công nghệ thực tế ảo (Virtual Reality) để giới thiệu sản phẩm tới khách hàng. Qua đó, khách hàng trong và ngoài nước chỉ cần dùng máy tính có kết nối internet là có thể xem được tất cả các mẫu mã và thông số sản phẩm, tham quan nhà xưởng trên không gian 3D, đồng thời thực hiện giao dịch qua mạng. Báo cáo tài chính của Công ty Cổ phần FPT - một doanh nghiệp chuyên về lĩnh vực số cho thấy, trong quý I/2020, công ty đã thực hiện nhiều dự án chuyển đổi số lớn, đem lại doanh thu 729 tỷ đồng từ mảng dịch vụ này, tăng trưởng 55% so với cùng kỳ 2019. Kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này trong quý tăng trưởng 17,0% về lợi nhuận và 18,9% về doanh thu, đạt 102% kế hoạch đề ra.
Bên cạnh đó, một trong những ngành hàng chịu tác động tiêu cực mạnh từ dịch bệnh khi chuỗi cung ứng bị đứt gãy là dệt may do nguồn nguyên phụ liệu phần lớn nhập khẩu từ nước ngoài. Trước tình hình đó, nhiều doanh nghiệp dệt may đã chủ động chuyển đối hoạt động SXKD, tận dụng lợi thế nguồn nguyên liệu có sẵn trong nước như sợi, đẩy mạnh may khẩu trang, đồ bảo hộ y tế để cung ứng cho người tiêu dùng trong bối cảnh nhu cầu đồ bảo hộ y tế tăng cao và kim ngạch xuất khẩu giảm. Trong đó phải kể đến sản phẩm khẩu trang kháng khuẩn của Dệt kim Đông Xuân thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) ngoài sản xuất phục vụ trong nước còn đáp ứng yêu cầu chất lượng xuất khẩu ra nước ngoài. Nhờ đó, góp phần giúp lợi nhuận sau thuế của Vinatex trong quý I/2020 đạt 113 tỷ đồng.
Ngoài ra, nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp được triển khai đồng bộ như các gói tài chính được Chính phủ giao cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng cân đối, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn, nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay của khách hàng; kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí... đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Các chính sách gia hạn, miễn giảm thuế và các nghĩa vụ tài chính khác được rà soát, thực thi cũng góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Nhìn lại nền kinh tế Việt Nam trong những tháng đầu năm 2020 có thể thấy việc ứng dụng thành tựu công nghệ, chuyển đổi số, tái cơ cấu hoạt động SXKD chính là cứu cánh cho nhiều doanh nghiệp kinh doanh trong bối cảnh kinh tế suy giảm vì dịch bệnh. Trong dài hạn, nếu doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng, nắm bắt được cơ hội, khả năng chống chịu của doanh nghiệp sẽ cao hơn và có nhiều kỳ vọng sẽ thúc đẩy SXKD toàn diện hơn sau cơn khủng hoảng. Đồng thời, các chuyên gia kinh tế có thể đánh giá khái quát tình hình với các xu thế kinh tế mới để tái định hình các chuỗi cung ứng sản phẩm và hoạt động sản xuất kinh doanh cả trong và ngoài nước./.
ThS. Lương Thị Thu Hằng - ThS. Hà Thị Kim Dung
Đại học Công nghiệp Hà Nội