Điều tra PCI-FDI 2019 tập trung phân tích những cảm nhận và trải nghiệm của 1.583 doanh nghiệp FDI đến từ 52 quốc gia và vùng lãnh thổ hiện đang đầu tư vào 21 tỉnh, thành phố phát triển nhất của Việt Nam. Mặc dù các doanh nghiệp FDI vẫn còn những lo lắng về một số khía cạnh quan trọng của môi trường đầu tư tại Việt Nam, nhưng kết quả điều tra đã cho thấy những triển vọng tươi sáng của các doanh nghiệp FDI ở nhiều lĩnh vực. Điều này khẳng định kết quả tích cực của những cải cách kinh tế thực hiện trong vòng 10 năm qua.
Năm 2019, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cam kết và giải ngân vào Việt Nam đạt mức cao nhất trong một thập kỉ qua. Số vốn FDI đăng ký là 38 tỷ USD, tăng 7,2% so với năm 2018, trong đó có gần 3.900 dự án được cấp phép mới tăng 27,5%. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện năm 2019 ước tính đạt 20,4 tỷ USD, tăng gần 7% so với năm trước. Tỷ lệ giải ngân - tức là tỷ lệ vốn đã thực hiện trên vốn cam kết - đạt 54%, mức kỷ lục kể từ khi Việt Nam thực hiện đổi mới. Con số này cho thấy niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài vào môi trường đầu tư tại Việt Nam ngày càng gia tăng, có thêm nhiều nhà đầu tư mong muốn mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh ra ngoài địa điểm đầu tư ban đầu.
Dữ liệu điều tra doanh nghiệp PCI - FDI 2019 cho thấy, có xu hướng gia tăng cả về quy mô lao động và quy mô vốn đầu tư ở các doanh nghiệp FDI. Lần đầu tiên trong 10 năm qua, dòng vốn FDI tăng không chỉ do các dự án mới, mà còn bởi các nhà đầu tư nước ngoài đang hoạt động sẵn sàng mở rộng quy mô đầu tư hiện tại sau khi đã thực sự trải nghiệm môi trường đầu tư tại Việt Nam. Số vốn đầu tư trung bình (đã điều chỉnh lạm phát) tăng từ 62,5 tỷ đồng năm 2016 lên 72,6 tỷ đồng năm 2019. Các doanh nghiệp FDI có mức vốn đầu tư lớn nhất là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, với số vốn gần gấp ba mức vốn trung bình chung toàn quốc (233 tỷ đồng). Các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực may mặc, sản xuất các sản phẩm từ giấy và từ kim loại đúc sẵn có tăng trưởng quy mô vốn cao nhất (15%). Trong vòng hai năm tới, có 73% doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản cho biết sẵn sàng mở rộng kinh doanh; 60% doanh nghiệp sản xuất thiết bị điện tử, xe động cơ, chế biến thực phẩm và sản xuất kim loại lạc quan về triển vọng mở rộng sản xuất kinh doanh.
Dữ liệu điều tra doanh nghiệp PCI - FDI 2019 cho thấy, có xu hướng gia tăng cả về quy mô lao động và quy mô vốn đầu tư ở các doanh nghiệp FDI. Lần đầu tiên trong 10 năm qua, dòng vốn FDI tăng không chỉ do các dự án mới, mà còn bởi các nhà đầu tư nước ngoài đang hoạt động sẵn sàng mở rộng quy mô đầu tư hiện tại sau khi đã thực sự trải nghiệm môi trường đầu tư tại Việt Nam. Số vốn đầu tư trung bình (đã điều chỉnh lạm phát) tăng từ 62,5 tỷ đồng năm 2016 lên 72,6 tỷ đồng năm 2019. Các doanh nghiệp FDI có mức vốn đầu tư lớn nhất là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, với số vốn gần gấp ba mức vốn trung bình chung toàn quốc (233 tỷ đồng). Các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực may mặc, sản xuất các sản phẩm từ giấy và từ kim loại đúc sẵn có tăng trưởng quy mô vốn cao nhất (15%). Trong vòng hai năm tới, có 73% doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản cho biết sẵn sàng mở rộng kinh doanh; 60% doanh nghiệp sản xuất thiết bị điện tử, xe động cơ, chế biến thực phẩm và sản xuất kim loại lạc quan về triển vọng mở rộng sản xuất kinh doanh.
Ảnh minh họa, nguồn Internet
Quy mô lao động tại các doanh nghiệp FDI cũng có sự gia tăng trở lại sau một thời gian có xu hướng giảm. Năm 2019, số lao động trung bình của doanh nghiệp FDI tham gia điều tra PCI là 191 lao động, tức là tăng 13 lao động/doanh nghiệp so với năm 2018. Mức tăng quy mô lao động trung bình lớn nhất đang diễn ra ở các ngành chế biến gỗ và sản phẩm gỗ, dệt may và cung cấp năng lượng - những lĩnh vực mà trong đó doanh nghiệp gia tăng quy mô để đáp ứng nhu cầu quốc tế và nhu cầu tiêu thụ năng lượng trong nước. Song cũng có sự sụt giảm đáng chú ý ở một số ngành, đặc biệt là ngành bán buôn/bán lẻ, dịch vụ thông tin và truyền thông, trong đó quy mô lao động trung bình giảm tương ứng 48% và 37% kể từ năm 2016. Xu hướng này có thể là do ngày càng nhiều doanh nghiệp sản xuất, dịch vụ hướng đến tự động hóa quy trình sản xuất kinh doanh của mình.
Bên cạnh những tín hiệu khả quan về quy mô vốn và lao động, đa số doanh nghiệp nước ngoài cũng đánh giá tích cực về các nỗ lực của chính quyền trong cắt giảm chi phí gia nhập thị trường cho doanh nghiệp, thể hiện qua việc thủ tục cấp các loại giấy tờ cần thiết, giấy phép, giấy chứng nhận để doanh nghiệp có thể hoạt động chính thức đều giảm. Các cải cách, khởi đầu với sự ra đời của Luật Doanh nghiệp năm 2000 và Luật Đầu tư 2005, đến nay vẫn tiếp tục. Đặc biệt, Luật Đầu tư 2014 và các văn bản liên quan đã cắt giảm đáng kể chi phí hành chính để đầu tư tại Việt Nam. Năm 2014, tỷ lệ doanh nghiệp phải chờ dưới ba tháng mới nhận được tất cả giấy tờ cần thiết để hoạt động chính thức là 80%. Đến năm 2019, con số này là 92%, tỷ lệ cao nhất kể từ năm 2010. Hơn nữa, năm 2019, 56% doanh nghiệp đã hoàn thành thủ tục đăng ký doanh nghiệp trong thời gian dưới 1 tháng, là mức cao nhất kể từ năm 2011; 11% doanh nghiệp FDI cho biết chỉ mất chưa đầy một tuần để nhận được đầy đủ giấy tờ cần thiết để đi vào hoạt động chính thức.
Kể từ năm 2015, thời gian chờ đợi đối với giấy phép đầu tư ban đầu đã giảm trung bình từ 60 ngày xuống dưới 40 ngày, đối với giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đã giảm từ trung bình từ 36 ngày xuống 20 ngày, đối với gia hạn giấy phép đầu tư giảm từ 35 ngày xuống 25 ngày, và đối với thủ tục xin cấp mã số thuế giảm từ 22 ngày xuống dưới 20 ngày. Như vậy, nhờ các nỗ lực cải cách trong 4 năm qua, thời gian thành lập doanh nghiệp đã giảm tổng cộng 38 ngày cho các doanh nghiệp FDI, tương đương giảm đến 27% chi phí gia nhập thị trường cho doanh nghiệp FDI tại Việt Nam.
Điều tra PCI-FDI 2019 cũng ghi nhận sự cải thiện đáng kể trong lĩnh vực tiếp cận đất đai và ổn định trong sử dụng đất, sau khi Luật Đất đai 2013 ban hành. Tỷ lệ doanh nghiệp FDI đánh giá rủi ro bị thu hồi đất, mặt bằng sản xuất kinh doanh là thấp hoặc rất thấp đã tăng từ mức trung bình 47,1% năm 2012 lên mức 79,5% năm 2019. Ở nhóm doanh nghiệp có mặt bằng sản xuất trong khu công nghiệp, sự cải thiện là rõ nét nhất. Trước thời điểm có Luật Đất đai, chỉ có 37% doanh nghiệp nằm trong các khu công nghiệp có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, song tỷ lệ này đã tăng lên 51% vào năm 2019.
Năm 2019, hầu hết các chỉ tiêu đo lường chi phí không chính thức trong lĩnh vực xin cấp giấy phép, đất đai, thanh, kiểm tra và tòa án đều có sự cải thiện mạnh so với mức cao kỷ lục của năm 2016. Đây là một thành công rất đáng ghi nhận của công cuộc chống tham nhũng hiện nay của Việt Nam. Chi phí trung bình doanh nghiệp FDI phải bỏ ra để chi trả chi phí không chính thức đã giảm từ mức 1,6% doanh thu của doanh nghiệp năm 2016 xuống 1,1% năm 2019, tức là tổng chi phí mà khối doanh nghiệp FDI bỏ ra để chi trả chi phí không chính thức đã giảm 31%. Con số này tương đương với việc các doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam tiết giảm được 1,1 tỷ USD để có thể sử dụng hiệu quả vào việc đổi mới công nghệ, tuyển dụng lao động và thậm chí nộp thuế chính thức. Đây là một cải thiện hết sức ấn tượng.
Có thể nói, những nỗ lực của các cấp chính quyền đang dần chuyển đổi cách thức nhà đầu tư nước ngoài tương tác với chính quyền, từ đó cắt giảm chi phí sản xuất kinh doanh, giảm bớt lo lắng của nhà đầu tư về các rủi ro pháp luật. Tuy nhiên, hiện nay, đặc điểm và quy mô của các doanh nghiệp FDI đang dần thay đổi, do sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam, sự xuất hiện của tầng lớp trung lưu, trình độ phát triển công nghệ cộng với các thay đổi trong nền kinh tế toàn cầu (đáng chú ý nhất là việc Mỹ áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc), do vậy, xu hướng ngày càng có nhiều doanh nghiệp mới gia nhập thị trường hoặc mở rộng hoạt động sang lĩnh vực sản xuất sản phẩm công nghệ cao hơn. Để phát triển, thế hệ các doanh nghiệp mới này sẽ cần một loạt chính sách khác từ Nhà nước Việt Nam.
Trong quá trình phân tích PCI 2019 có hai vấn đề đáng quan tâm đặc biệt. Thứ nhất, hệ thống quy định, thủ tục của Việt Nam cần trở nên hiệu quả và chuyên nghiệp hơn. Nhìn chung, gánh nặng thực hiện quy định, thủ tục là không quá nặng nề. Trung bình mỗi năm doanh nghiệp FDI phải trải qua 2 lần thanh tra, kiểm tra và 1,5 lần thanh, kiểm tra thuế. Tuy nhiên, gánh nặng chi phí tuân thủ là không đồng đều, một tỷ lệ nhỏ doanh nghiệp FDI đang phải chịu gánh nặng chi phí tuân thủ không tương xứng.
Thứ hai, mặc dù công cuộc chống tham nhũng đã có những thành tựu đáng kể nhưng không được chủ quan. Theo kết quả điều tra, có 48% doanh nghiệp FDI thực hiện thủ tục xin cấp giấy phép xây dựng trong năm 2019 đã chi trả thêm trung bình khoảng 24 triệu VND chi phí không chính thức để nhận được giấy phép này. Tuy nhiên, các con số này có thể chưa phản ánh đúng mức chi phí thực tế, bởi chưa tính đến các doanh nghiệp FDI đã bỏ qua việc xin cấp giấy phép xây dựng do lo ngại phải mất thêm chi phí không chính thức. Rõ ràng, những loại chi phí này có thể khiến các doanh nghiệp đang hoạt động từ bỏ ý định mở rộng sản xuất kinh doanh.
Tóm lại, Chính phủ cũng như chính quyền các địa phương đã thể hiện rõ sự sẵn sàng nỗ lực và đổi mới để tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam như một điểm đến cho đầu tư nước ngoài. Các nỗ lực này đã góp phần thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp FDI thành công sẵn sàng mở rộng đầu tư tại Việt Nam, góp phần thay đổi cơ cấu của khối doanh nghiệp FDI tại Việt Nam, khi mà ngày càng nhiều doanh nghiệp công nghệ gia nhập thị trường. Vì vậy, Việt Nam sẽ cần phải duy trì và phát huy phương pháp tiếp cận hướng đến đổi mới và cải cách để giải quyết các thách thức, khó khăn mới sẽ phát sinh trong một môi trường kinh doanh, đầu tư luôn thay đổi trong tương lai./.