Ngành Nông nghiệp Việt: Tái cơ cấu để thích ứng

|

Ngành Nông nghiệp Việt: Tái cơ cấu để thích ứng

Ngay trong những tháng đầu năm 2020, nhiều yếu tố thiên tai, dịch bệnh đã và đang xuất hiện ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, gây ảnh hưởng trực tiếp đối với ngành nông nghiệp Việt Nam. Những thách thức trên đòi hỏi ngành nông nghiệp phải chuyển đổi sản xuất, cơ cấu lại một cách toàn diện để vừa khai thác lợi thế, vừa phát triển ổn định gắn với thị trường, chuỗi giá trị.

Nông nghiệp gặp khó do thiên tai, dịch bệnh

Báo cáo của Tổng cục Thống kê (TCTK) cho thấy, sản xuất nông nghiệp quý I/2020 gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi; hạn hán, xâm nhập mặn tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL); dịch cúm gia cầm có nguy cơ bùng phát và dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực tới hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu sản phẩm nông sản. Theo đó, ngành nông nghiệp quý I/2020 tăng trưởng âm 1,17%, chỉ cao hơn mức tăng trưởng âm 2,69% của quý I/2016 trong giai đoạn 2011-2020, làm giảm 0,1 điểm phần trăm mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.

Biến đổi khí hậu xuất hiện ngay từ đầu năm gây ra tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn tại các tỉnh ĐBSCL. Mùa khô năm 2019 - 2020, tình trạng hạn mặn tại khu vực này đã lập kỷ lục mới với mức độ khốc liệt: Xuất hiện sớm, cường độ cao và thời gian ảnh hưởng dài hơn so với năm 2015-2016. Tại nhiều cửa sông, độ mặn ở mức 4g/l (4 phần nghìn) đã ảnh hưởng sâu đến gần 100 km, gây tác động nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và sinh kế của người dân. Một số tỉnh như Tiền Giang, Bến Tre, Kiên Giang, Cà Mau, Long An, Sóc Trăng... đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp do hạn hán và xâm nhập mặn. Dự báo, xâm nhập mặn sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao trong thời gian còn lại của mùa khô, gây thiệt hại đến các vùng canh tác cây lúa và cây ăn trái, thủy sản và nước sinh hoạt của người dân.

Theo số liệu của TCTK, sản xuất lúa đông xuân ở các địa phương phía Nam gặp khó khăn do tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn nghiêm trọng. Riêng diện tích gieo trồng lúa đông xuân vùng ĐBSCL năm 2020 đạt 1.546,4 nghìn ha, giảm 57,9 nghìn ha so với cùng kỳ năm trước. Một số địa phương có diện tích lúa giảm nhiều là: Bình Thuận giảm 15,5 nghìn ha; Sóc Trăng giảm 15,4 nghìn ha; Trà Vinh giảm 8,2 nghìn ha; Ninh Thuận giảm 5,1 nghìn ha. Tính đến ngày 20/3/2020, ĐBSCL có 33,8 nghìn ha lúa đông xuân bị nhiễm mặn, trong đó diện tích mất trắng là 20,2 nghìn ha, chiếm 1,3% diện tích gieo trồng. Một số địa phương có diện tích lúa đông xuân bị thiệt hại nhiều do xâm nhập mặn: Trà Vinh 6,8 nghìn ha, Bến Tre 5,3 nghìn ha, Sóc Trăng 3,6 nghìn ha.

 

Ảnh minh họa, nguồn Internet

Đến trung tuần tháng Ba, vùng ĐBSCL kết thúc thu hoạch lúa vụ mùa 2019-2020. Theo báo cáo sơ bộ của các địa phương, diện tích gieo trồng lúa mùa của toàn vùng ước tính đạt 169,2 nghìn ha, giảm 2,5 nghìn ha so với cùng kỳ năm trước; năng suất đạt 44,5 tạ/ha, giảm 0,9 tạ/ha; sản lượng đạt 753,2 nghìn tấn, giảm 26,6 nghìn tấn. Diện tích lúa bị nhiễm mặn làm năng suất lúa mùa giảm, đồng thời việc chuyển đổi diện tích trồng lúa mùa sang nuôi trồng thủy sản ở một số địa phương đã ảnh hưởng tới kết quả sản xuất vụ mùa của toàn vùng. Một số địa phương có diện tích gieo trồng lúa mùa giảm so với cùng kỳ năm trước: Cà Mau giảm 2,1 nghìn ha; Kiên Giang giảm 1,5 nghìn ha, Bến Tre giảm 0,8 nghìn ha.

Bên cạnh đó, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, chưa dự báo được thời điểm kết thúc cũng đã và đang gây ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất và hoạt động xuất, nhập khẩu, tiêu thụ nông sản hàng hóa của Việt Nam. Theo số liệu của TCTK, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng nông, lâm, thủy sản quý I/2020 ước đạt gần 15,2 tỷ USD, trong đó, xuất khẩu 9,06 tỷ USD, tương đương cùng kỳ năm ngoái; Nhập khẩu giảm 13,2%, tương đương khoảng 6,2 tỷ USD.

Hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực đều giảm kim ngạch, trong đó có một số mặt hàng giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước như: Cao su đạt 331 triệu USD (giảm 26,1%), chè đạt 37 triệu USD (giảm 19%), hồ tiêu đạt 163 triệu USD (giảm 13,9%), rau quả đạt 836 triệu USD (giảm 12,5%), cá tra đạt 238 triệu USD (giảm 61,5%)… Cùng với đó, việc gia tăng áp dụng các biện pháp bảo hộ, hàng rào kỹ thuật, các quy định mới về truy xuất nguồn gốc xuất xứ, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm ngày càng cao hơn của các nước khiến một số mặt hàng nông sản chủ lực Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ. Hơn nữa, thẻ vàng cảnh báo xuất khẩu thủy sản khai thác biển do Ủy ban châu Âu đưa ra chưa được gỡ bỏ, cũng gây khó cho hàng nông sản xuất khẩu Việt Nam...

Ngoài ra, dịch tả lợn châu Phi bùng phát suốt hơn 1 năm qua khiến cả nước phải tiêu hủy khoảng 6 triệu con, tương đương tổng trọng lượng trên 342 nghìn tấn. Dịch đã khiến nghề chăn nuôi lợn tại các thủ phủ như Đồng Nai, Hà Nội, Hà Nam, Bắc Giang... điêu đứng, các nông hộ, gia trại, trang trại nhỏ gần như “trắng” chuồng kéo theo nguồn cung sụt giảm, đẩy giá thịt lợn nhiều thời điểm tăng cao. Hiện nay, dịch tả lợn Châu Phi tuy đã giảm mạnh, nhưng chưa được khống chế hoàn toàn nên vẫn gây khó khăn cho công tác tái đàn. Ước tính, tổng đàn lợn cả nước tháng Ba giảm 17,5% so với cùng thời điểm năm 2019; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng quý I/2020 đạt 811 nghìn tấn, giảm 19,3% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh quá trình phòng chống dịch tả lợn châu Phi, ngành nông nghiệp Việt còn phải đối mặt với dịch cúm gia cầm. Theo Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), tính đến cuối tháng 3/2020, cả nước có 16 ổ dịch cúm gia cầm (bao gồm 14 ổ dịch do H5N6 và 2 ổ dịch do H5N1 (chưa qua 21 ngày tại các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Bắc Ninh, Thanh Hoá, Nghệ An và Trà Vinh). Tổng số gia cầm chết, tiêu hủy đến thời điểm này là trên 55 nghìn con. Dịch cúm gia cầm đang có nguy cơ bùng phát tại Việt Nam khi tổng đàn gia cầm hiện nay đang phát triển khá mạnh, với tổng đàn 467 triệu con. Điều này đặt ra đối với sản xuất nông nghiệp là tái cơ cấu quá nhanh, thiếu kiểm soát và cân nhắc thị trường sẽ gây nguy cơ rủi ro cao hơn. Đây cũng là bài học đối với ngành trồng trọt khi dịch Covid-19 xảy ra, thị trường Trung Quốc ngưng trệ khiến đứt gẫy tiêu thụ nhiều nông sản có tính thời vụ cao, ít được đưa vào chế biến như: Dưa hấu, thanh long.

Có thể nói, biến đổi khí hậu, dịch bệnh, các xung đột thương mại trên thế giới… chính là những thách thức mà ngành nông nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt trong những tháng đầu năm 2020. Những yếu tố trên đã tác động mạnh mẽ tới sản xuất, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản Việt Nam, khiến tăng trưởng của ngành nông nghiệp bị giảm sút trong thời gian qua.

Tái cơ cấu nhằm thích ứng để phát triển bền vững

Mặc dù ngành nông nghiệp liên tục gặp khó khăn trong những tháng đầu năm, tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, đây cũng là cơ hội để Ngành tiếp tục tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng, hướng tới phát triển bền vững.

Đối với tình trạng xâm nhập mặn năm 2019-2020 ở ĐBSCL, dù thiệt hại là không tránh khỏi, tuy nhiên, nhờ sự chủ động thực hiện đồng bộ các giải pháp trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại những vùng hạn, mặn nên mức độ thiệt hại đã giảm đáng kể so với những năm trước.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xác định được tình trạng hạn, mặn có thể xảy ra trong năm 2020 nên ngay từ tháng 9/2019, Bộ đã yêu cầu các địa phương, đơn vị đẩy nhanh tiến độ xây dựng sửa chữa các công trình thủy lợi để kịp thời tham gia kiểm soát mặn, ngọt ngay trong mùa khô 2019-2020, đồng thời chuyển đổi đa dạng hóa cây trồng. Nhiều dự án đầu tư xây dựng do Bộ quản lý đã được đẩy nhanh tiến độ thi công phần chính công trình trước thời gian từ 2-3 tháng, kịp thời ứng phó hạn, mặn mùa khô 2019 - 2020 với vùng hưởng lợi kiểm soát mặn trực tiếp khoảng 80.000 ha, vùng tác động trên 300.000 ha.

Để tránh mặn trong sản xuất lúa, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hướng dẫn các địa phương xuống giống vụ Đông Xuân 2019 - 2020 sớm hơn so với thời vụ các năm từ 10 - 20 ngày. Đồng thời, các địa phương tổ chức chuyển đổi diện tích cây trồng trên đất lúa có nguy cơ hạn, xâm nhập mặn cao đạt 50.000 ha. Ngoài ra, diện tích chủ động cắt vụ, giãn vụ đạt xấp xỉ 100.000 ha. Nhờ vậy, diện tích lúa bị thiệt hại chỉ bằng 9,6% so với năm 2016 và diện tích cây ăn trái hiện chưa bị thiệt hại.

Dự báo, tình trạng hạn, mặn nhiều khả năng vẫn tiếp tục gia tăng và không còn theo quy luật (thường 5 năm lặp lại như trước đây). Do đó, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cần chủ động thích ứng, giảm nhẹ thiệt hại, thậm chí khai thác điều kiện sinh thái biến đổi đó, điều chỉnh một số đối tượng cây trồng, vật nuôi phù hợp với nhu cầu của thị trường tiêu thụ, nhưng phải gắn kết trong chuỗi sản xuất. Với tư duy đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Các chương trình, kế hoạch phát triển của Trung ương, địa phương, cùng với sự tham gia của doanh nghiệp và người dân đang từng bước hiện thực hóa các mục tiêu theo hướng thuận thiên.

Trước tình hình hạn, mặn diễn biến phức tạp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các tỉnh trong vùng cần có lộ trình, bước đi trước mắt và lâu dài để đảm bảo phát triển bền vững; đồng thời tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ trong công nghiệp, dịch vụ, tái cơ cấu cây trồng, vật nuôi để các lĩnh vực này đem lại hiệu quả; phấn đấu đóng góp hoàn thành mục tiêu đạt 42 tỷ USD xuất khẩu nông sản cả nước trong năm 2020. Ngoài ra, tận dụng tốt cơ hội đem lại từ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, nhất là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Bộ đang phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như các bộ, ngành khác lập Quy hoạch tổng thể vùng ĐBSCL. Trong quy hoạch này sẽ đưa ra tất cả những cảnh báo, giải quyết bài toán về mặn, ngọt. Sản xuất nông nghiệp sẽ xoay trục từ cơ cấu sản xuất là lúa - trái cây - thủy sản, sang trục sản xuất thủy sản - trái cây - lúa sau năm 2020. Như vậy, lúa sẽ giảm, tăng trái cây, đặc biệt là thủy sản. Theo đó, muốn xoay được trục này phải tận dụng được cơ hội, xác định nước ngọt, nước lợ, nước mặn đều là tài nguyên. Cùng với đó, hạ tầng nông nghiệp phải phục vụ được nhiệm vụ này. Cụ thể, hạ tầng thủy lợi giờ không chỉ là tưới tiêu mà phải đa mục tiêu, đáp ứng được yêu cầu sản xuất của tái cơ cấu nông nghiệp và sinh hoạt. Bởi vậy, thời gian tới, ngoài việc tiếp tục đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các công trình phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, ngành sẽ ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng khép kín các hệ thống thủy lợi đã có, nạo vét các kênh trục chuyển nước, xây dựng các trạm bơm cột nước thấp trên kênh, xây dựng hạ tầng thủy sản... để chủ động kiểm soát triều, xâm nhập mặn.

Cùng với hệ thống thủy lợi phát triển, ngành nông nghiệp phối hợp với các địa phương rà soát diện tích nuôi trồng thủy sản, vườn cây ăn trái trong toàn vùng, đặc biệt tại 9 tỉnh có nguy cơ ảnh hưởng của hạn, mặn với các giải pháp chủ động ứng phó; khuyến khích địa phương chuyển đổi mạnh cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đặc biệt vùng không chủ động nguồn nước, thường xuyên xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn sang phát triển nông nghiệp đa dạng (thủy sản - cây ăn quả - lúa), đáp ứng nhu cầu của thị trường, chuyển từ phát triển theo số lượng sang chất lượng...

Với chăn nuôi, tuy dịch bệnh đã gây thiệt hại kinh tế lớn, nhưng ngành nông nghiệp cũng coi đây là cơ hội để đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất, chăn nuôi trang trại, gia trại, tập trung theo chuỗi khép kín, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao, đặc biệt là thực thi Luật Chăn nuôi hiệu quả.

Để đảm bảo đàn lợn cũng như nguồn cung thịt, bên cạnh việc tích cực chống dịch, ngành nông nghiệp đã đôn đốc các địa phương phát triển gia súc khác, gia cầm và thủy sản; tái đàn lợn bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh. Các doanh nghiệp lớn tiếp tục cùng địa phương xây dựng các chuỗi, vùng chăn nuôi gia cầm an toàn dịch bệnh theo quy định của Việt Nam và theo khuyến cáo của Tổ chức Thú y thế giới (OIE) để tiêu dùng trong nước và phục vụ xuất khẩu. Vì vậy, ngay khi hết dịch nhiều địa phương và người dân đã tổ chức nuôi tái đàn lợn. Đến nay, bước đầu có thịt lợn cung cấp ra thị trường và dự kiến sản lượng sẽ tăng trong thời gian tới.

Đối với các diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, tình hình sản xuất các ngành thủy sản, rau quả sẽ bị ảnh hưởng trực diện. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để các ngành hàng này chuyển đổi phương thức sản xuất và kinh doanh, nắm bắt thời cơ thúc đẩy xuất khẩu. Việc chậm các đơn hàng thủy sản tuy tác động nhiều đến hoạt động sản xuất, nhưng sẽ thúc đẩy phát triển sản xuất chế biến, đóng hộp, đông lạnh. Đối với các sản phẩm rau quả tươi, các địa phương cần chủ động điều chỉnh sản xuất, vụ mùa thu hoạch phù hợp với nhu cầu thị trường để đón cơ hội sau khi dịch Covid-19 được khống chế; đồng thời đẩy mạnh chế biến, bảo quản để tiêu thụ trong nước, tạo đà xuất khẩu sang các thị trường trọng điểm như: Hoa Kỳ, EU, ASEAN…

Ngay từ đầu năm 2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, Đại sứ quán Việt Nam, Thương vụ tại các nước, địa phương triển khai toàn diện, đạt hiệu quả cao nhất về xúc tiến, phát triển thị trường tại các địa bàn trọng điểm, tiềm năng và thị trường ngách, tạo sự đột phá trong đa dạng hóa thị trường. Đến nay, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt đã sang Dubai (UAE) để mở rộng thị trường Trung Đông, Hoa Kỳ. Thời gian tới sẽ tiếp tục sang Brazil, Nhật Bản, Liên bang Nga, Australia và New Zealand; Hàn Quốc; châu Âu, Indonesia, Myanmar... Đồng thời, đối với thị trường Trung Quốc, sẽ tiếp tục phát triển thị trường tại các địa phương trọng điểm của Trung Quốc ngay sau khi nước này công bố mở cửa lại bình thường. Bên cạnh đó, Bộ sẽ tiếp tục cùng các bộ, ngành, Thương vụ các nước phân tích, dự báo để có định hướng xuất khẩu vào những thị trường có lợi thế. Từ đó, ngành định hướng, quy hoạch sản xuất trong nước, tái cơ cấu tạo ra những sản phẩm nông nghiệp đáp ứng các yêu cầu của thị trường.

Cùng với việc điều chỉnh cơ cấu sản xuất gắn với nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, hội nhập quốc tế thì sản xuất theo chuỗi liên kết là giải pháp quyết định hiệu quả và là chiến lược lâu dài của ngành. Do vậy, các địa phương cùng doanh nghiệp hướng dẫn, định hướng nông dân tổ chức sản xuất hiệu quả, hình thành các hợp tác xã, đồng hành, sản xuất có trách nhiệm.

Thời gian tới, dù còn nhiều khó khăn, thách thức, tuy nhiên, toàn ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu, phát huy lợi thế vùng; chủ động kiểm soát và phòng chống tốt dịch bệnh; đẩy mạnh tổ chức xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh nâng cao chất lượng bảo quản, chế biến nông sản, sản xuất theo chuỗi liên kết gắn với xuất khẩu và kênh phân phối nước ngoài... nhằm bảo đảm an ninh lương thực trong nước cũng như đẩy mạnh xuất khẩu, đưa nông nghiệp Việt hướng tới sự phát triển ổn định và bền vững./.

 
Tiến Long