Nông nghiệp Việt Nam năm 2020 bản lĩnh vượt khó giành thắng lợi

|

Nông nghiệp Việt Nam năm 2020 bản lĩnh vượt khó giành thắng lợi

Năm 2020 là một năm đầy khó khăn, thử thách đối với ngành Nông nghiệp, một năm vượt khó đi lên với sự cố gắng vượt bậc của cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp và bà con nông dân. Kết quả cuối cùng về cơ bản đã đạt được các mục tiêu đề ra và đặc biệt là đảm bảo an ninh lương thực, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân, khẳng định vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế trong khó khăn do đại dịch Covid-19.
 
Năm 2020, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do tác động của đại dịch Covid-19, thiên tai, dịch bệnh xảy ra với tần suất cao, khốc liệt và dị thường. Đêm giao thừa xuân Canh Tý mưa rào trên diện rộng xảy ra ở các tỉnh Đồng bằng sông Hồng; sáng mồng 1 Tết mưa đá ở 7 tỉnh miền núi phía Bắc; hạn hán khắc nghiệt xảy ra ở cả 3 vùng Bắc, Trung, Nam; xâm nhập mặn xuất hiện sớm, mức độ gay gắt và duy trì trong thời gian dài, vượt mức lịch sử năm 2016 ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long; trong tháng 10 và tháng 11 bão chồng bão, lũ chồng lũ ở các tỉnh miền Trung vượt xa các mốc lịch sử được quan trắc. Cùng với đó, dịch bệnh nguy hiểm cấp độ khu vực và toàn cầu nguy cơ bùng nổ, đe dọa nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp như dịch tả lợn Châu Phi, sâu keo mùa thu, châu chấu sa mạc, bệnh khảm lá sắn… Tuy nhiên, với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của Bộ Nông nghiệp và PTNT và địa phương; mà đặc biệt là sự chung sức, vượt khó, sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp, bà con nông dân trên cả nước đã tạo sự đồng thuận của cả xã hội vượt qua khó khăn, thách thức để thực hiện“mục tiêu kép” vừa đạt mục tiêu tăng trưởng vừa phòng, chống tốt dịch bệnh, hạn chế thiệt hại của thiên tai. Qua đó, Nông nghiệp Việt Nam tiếp tục khẳng định, thể hiện vai trò là trụ đỡ, cứu cánh của nền kinh tế trong lúc khó khăn và đảm bảo về nguồn cung lương thực, thực phẩm, là cơ sở quan trọng để an sinh, an dân trong đại dịch. Có thể nói, năm 2020 là một năm thành công của ngành Nông nghiệp với nhiều điểm sáng và đóng góp quan trọng vào mức tăng trưởng dương của nền kinh tế.

 

Ảnh minh họa, nguồn Internet

Nông nghiệp Việt Nam đã thích ứng tốt với đại dịch Covid - 19, với diễn biến bất thường của thời tiết, thiên tai, dịch bệnh để đạt được kết quả tăng trưởng khá, gần bằng với tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế

Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt mức tăng trưởng khá với mức tăng 2,68%, đóng góp 13,5% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Trong đó, ngành nông nghiệp tăng 2,55%, chỉ thấp hơn mức tăng của các năm 2011, năm 2012 và năm 2018 trong giai đoạn 2011-20201, đóng góp 0,29 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 2,82% nhưng chiếm tỷ trọng thấp nên chỉ đóng góp 0,02 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 3,08%, cao hơn mức tăng 2,8% của năm 2015 và năm 2016 trong giai đoạn 2011-20202, đóng góp 0,1 điểm phần trăm. Cụ thể, đóng góp vào kết quả tăng trưởng chung của Ngành là nhờ vào động lực của những sản phẩm, những ngành có lợi thế như chăn nuôi, cây lâu năm và tôm nước lợ. Trong mức tăng trưởng chung 2,68% của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, ngành chăn nuôi có mức đóng góp lớn nhất với 1,22 điểm phần trăm, trong đó riêng sản phẩm lợn đóng góp 0,42 điểm phần trăm do dịch tả lợn Châu Phi từng bước được khống chế, công tác tái đàn trong những tháng cuối năm thực hiện tốt, nguồn cung thịt lợn được tăng cường và có sự tăng trưởng bù đắp cho sự suy giảm của những tháng đầu năm3, sản lượng thịt lợn hơi cả năm đạt gần 3,5 triệu tấn, tăng 4,4% so với năm 2019; gia cầm đóng góp 0,47 điểm phần trăm bởi tổng đàn và sản lượng gia cầm trong năm tiếp tục tăng do khu vực hộ mở rộng quy mô chăn nuôi và khu vực doanh nghiệp phát triển tốt, sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng đạt 1,45 triệu tấn, tăng 11,6% so với năm 2019; sản lượng trứng gia cầm đạt 14,7 tỷ quả, tăng 10,5%. Tiếp theo là cây lâu năm đóng góp 0,74 điểm phần trăm do sản lượng cây ăn quả và cây công nghiệp lâu năm đều có mức tăng trưởng khá. Thủy sản nuôi trồng đóng góp 0,52 điểm phần trăm, trong đó, riêng sản phẩm tôm nước lợ đóng góp 0,35 điểm phần trăm do sản lượng đạt 888,8 nghìn tấn, tăng 5,6% so với năm 2019 và thủy sản khai thác đóng góp 0,25 điểm phần trăm.

Đảm bảo về nguồn cung lương thực, thực phẩm là cơ sở để an dân, an sinh trong đại dịch

Mặc dù gặp nhiều khó khăn do hạn hán, xâm nhập mặn xảy ra sớm và gay gắt nhưng nhờ sự chỉ đạo đúng đắn và kịp thời của ngành Nông nghiệp nên kết quả sản xuất lúa năm 2020 được mùa, được giá4 và hạn chế được thiệt hại. Tổng diện tích gieo trồng lúa cả năm 2020 đạt 7,28 triệu ha, giảm 192,0 nghìn ha so với năm 2019; năng suất trung bình cả năm đạt 58,7 tạ/ha, tăng 0,5 tạ/ha; sản lượng lúa đạt 42,7 triệu tấn, đảm bảo lương thực cho gần 100 triệu dân trong khó khăn dịch bệnh, đồng thời góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc tế với sản lượng gạo xuất khẩu đạt 6,2 triệu tấn. Với con số này, Việt Nam đã vươn lên đứng vị trí thứ nhất về sản lượng gạo xuất khẩu trong năm 2020.

Sản xuất lúa gạo tiếp tục xu hướng tăng tỷ lệ sử dụng giống lúa chất lượng cao lên trên 74% (cao hơn so với mức 50% của năm 2015) để nâng cao giá trị “Thương hiệu hạt gạo Việt”. Tỷ trọng gạo chất lượng cao chiếm trên 85% gạo xuất khẩu, đã góp phần nâng giá gạo xuất khẩu bình quân từ 440USD/tấn năm 2019 lên 496 USD/tấn năm 20205.

 Cơ cấu sản xuất ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục được điều chỉnh phù hợp, hiệu quả hơn gắn với nhu cầu thị trường, tăng tỷ trọng ngành, sản phẩm nông, lâm, thủy sản có lợi thế và giá trị cao

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, bố trí cơ cấu giống phù hợp với diễn biến thời tiết và tín hiệu của thị trường; tăng cường kiểm soát dịch bệnh, nhất là trước tác động của đại dịch Covid-19. Cơ cấu sản xuất tiếp tục được điều chỉnh theo hướng phát huy lợi thế của mỗi địa phương, vùng, miền và cả nước, gắn với nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, hội nhập quốc tế. Cơ cấu ngành hàng, sản phẩm có sự thay đổi rõ nét, đó là tiếp tục tăng tỷ trọng các ngành, sản phẩm có lợi thế và thị trường như: Thủy sản (tôm chân trắng); rau, quả; đồ gỗ và lâm đặc sản. Tăng tỷ trọng hàng chất lượng cao trong tổng sản lượng sản xuất và hàng xuất khẩu. Sản xuất nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao, an toàn thực phẩm được ưu tiên. Mở rộng, phát triển mạnh mẽ các vùng chuyên canh sản xuất, gắn với chế biến quy mô lớn, có truy xuất nguồn gốc, cấp mã số vùng trồng, chỉ dẫn địa lý. Vì vậy, sản lượng các loại nông sản vẫn duy trì xu hướng tăng, đáp ứng dồi dào nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Nhiều chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản, công nghiệp phụ trợ được nâng cao năng lực, một số tập đoàn kinh tế lớn đã chú trọng đầu tư vào chế biến sản phẩm nông nghiệp (năm 2020, có 18 dự án với tổng mức đầu tư trên 20.000 tỷ đồng được khởi công, khánh thành, đi vào hoạt động, tăng 04 dự án và khoảng 6.000 tỷ đồng so với năm 20196. Tạo bước đột phá về chế biến xuất khẩu, giúp nâng cao chất lượng, mẫu mã và đa dạng hàng nông sản, góp phần tiêu thụ sản phẩm cho người nông dân.

Thị trường tiêu thụ sản phẩm tiếp tục được mở rộng cả về ngành hàng và sản phẩm, chú trọng thị trường trong nước; tháo gỡ nhiều rào cản thương mại hỗ trợ xuất khẩu trong khó khăn

Thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản tiếp tục được mở rộng cả về ngành hàng và sản phẩm, chú trọng thị trường trong nước; tháo gỡ nhiều rào cản thương mại, xuất khẩu nông, lâm nghiệp và thủy sản. Đối với thị trường trong nước, đã tăng cường xúc tiến thương mại các sản phẩm nông sản đặc sản địa phương7; kết nối đưa nông sản có sản lượng lớn khi vào vụ và gặp khó khăn khi xuất khẩu vào các hệ thống siêu thị, như Big C, AEON, Hapro, Vinmart (mặt hàng vải thiều, cá tra, cá lòng hồ và các sản phẩm thủy sản an toàn).

Đối với thị trường xuất khẩu, đã mở cửa các thị trường mới đối với nhiều sản phẩm xuất khẩu, như vải thiều tươi lần đầu tiên xuất khẩu chính ngạch sang Nhật Bản; chôm chôm vào Đài Loan; dâu tây và bí ngô vào Niu-di-lân; tôm và cá tra xuất khẩu vào Bra-xin... hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu sữa, thúc đẩy để mặt hàng tổ yến, thạch đen8 được chính thức xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Nhập khẩu thịt lợn từ Pháp, lợn giết mổ và lợn giống từ Thái Lan, bò sống và dưa vàng từ Bra-xin. Trong đó, nhiều mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng so với năm 2019 như: Xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 12,3 tỷ USD, tăng 15,7% so với năm 2019; tôm đạt 3,8 tỷ USD, tăng 12,4%; gạo đạt 3,1 tỷ USD, tăng 9,3%; cao su đạt 2,4 tỷ USD, tăng 3,5%; sắn và sản phẩm sắn đạt 989 triệu USD, tăng 2,4%. Một số sản phẩm có sản lượng xuất khẩu tăng nhưng do giá xuất khẩu giảm nên kim ngạch xuất khẩu giảm so với năm 2019 như hạt điều sản lượng xuất khẩu tăng 12,1% nhưng kim ngạch xuất khẩu giảm 3%; hạt tiêu sản lượng tăng 1,2%, kim ngạch xuất khẩu giảm 6,8%./.
 
ThS. Lê Trung Hiếu
Vụ trưởng Vụ Thống kê Nông, Lâm nghiệp và Thủy sản - TCTCK
 
  
1. Tốc độ tăng giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp các năm 2011-2020 lần lượt là: 4,16%; 2,57%; 2,19%; 2,51%; 2,03%; 0,72%; 2,07%; 2,89%; 0,61%; 2,55%.
2. Tốc độ tăng giá trị tăng thêm ngành thủy sản các năm 2011-2020 lần lượt là: 4,34%; 3,75%; 3,82%; 6,53%; 2,80%; 2,80%; 5,54%;
6,46%; 6,30%; 3,08%.
3. Đàn lợn cả nước tháng 12 đã tăng 17% so với cùng kỳ năm trước; Sản lượng thịt lợn hơi cả năm ước đạt 3,5 triệu tấn, tăng 4,4% so năm trước (trong đó, riêng quý IV ước đạt 991,8 nghìn tấn, tăng 30,0% so cùng kỳ).
4. Năng suất lúa cả năm ước tính đạt 58,7 tạ/ha, tăng 0,5 tạ/ha so với năm trước và tăng ở các vụ trong năm. Trong đó: năng suất lúa vụ đông xuân đạt 65,7 tạ/ha, tăng 0,2 tạ/ha; năng suất lúa hè thu đạt 55,2 tạ/ha, tăng 0,7 tạ/ha; năng suất lúa vụ thu đông đạt 55,1 tạ/ha, tăng 0,2 tạ/ha; năng suất lúa vụ mùa đạt 5,1 tạ/ha, tăng 0,7 tạ/ha.
5. Trong tháng 12/2020, giá chào bán gạo trắng 5% tấm của Việt Nam dao động ở mức 493-497 USD/tấn, cao hơn so gạo Thái Lan (475 - 485 USD/tấn), gạo Ấn Độ (366 - 370 USD/tấn). Không chỉ vậy, gạo ST25 đã xuất sắc đạt giải nhì tại cuộc thi gạo ngon nhất thế giới.
6. Số lượng nhà máy/cơ sở chế biến NLTS lớn khởi công mới, đi vào hoạt động 5 năm 2016 - 2020 là 68 nhà máy/cơ sở với tổng mức đầu tư khoảng 2,58 tỷ USD;
7. Sơn La (mận, xoài), Lào Cai (trái cây, thủy sản), Bắc Giang (nhãn, vải).... Phối hợp tổ chức quảng bá giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng thông qua Hội chợ NN và sản phẩm OCOP khu vực ĐBSCL tại Bến Tre
8. Sản phẩm thạch đen 1.000 tấn đầu tiên đã được Công ty TNHH sản xuất và đầu tư xuất khẩu Đức Qúy (huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn) xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.