Nâng tầm thương hiệu trái cây Việt

|

Nâng tầm thương hiệu trái cây Việt

Trái cây là mặt hàng được ưu tiên xuất khẩu với dư địa thị trường lớn, tiềm năng sản xuất còn nhiều nhưng giá trị trái cây Việt trên thị trường hiện chưa tương xứng với chất lượng sản phẩm cũng như công sức của người nông dân. Xây dựng và nâng tầm thương hiệu trái cây là một trong những giải pháp đang được Việt Nam tích cực đẩy mạnh để nâng cao giá trị trái cây Việt.

Nâng tầm thương hiệu trái cây Việt

Khí hậu nhiệt đới đã mang lại cho Việt Nam cây trái phong phú với nhiều trái cây ngon, chất lượng, đặc biệt, có nhiều trái cây đặc sản độc đáo mà chỉ Việt Nam mới có. So với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam có nhiều loại trái cây chiếm ưu thế cạnh tranh như: Vú sữa, thanh long, mãng cầu, dưa hấu, vải thiều, nhãn,… Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), cả nước hiện có khoảng 1,05 triệu ha cây ăn quả, sản lượng hơn 12,6 triệu tấn. Trong đó, xoài đạt 814,8 nghìn tấn, thanh long đạt 1,242 triệu tấn, bưởi đạt 779,3 nghìn tấn… Thời gian qua, Nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, quy định pháp luật trong lĩnh vực xây dựng thương hiệu. Các hoạt động hợp tác chặt chẽ diễn ra giữa các Bộ, ngành, các hiệp hội, doanh nghiệp, các tổ chức xúc tiến thương mại trong và ngoài nước trong đào tạo nâng cao nghiệp vụ xúc tiến thương mại; xây dựng và phát triển thương hiệu trái cây thông qua việc hỗ trợ xây dựng mô hình kiểu mẫu đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; truyền thông thương hiệu trái cây; tham gia hội chợ triển lãm, hội thảo liên kết tiêu thụ; hoạt động thông tin thị trường; xây dựng chuỗi cung ứng... Đến nay, thị trường xuất khẩu trái cây Việt Nam không ngừng được mở rộng, thương hiệu trái cây Việt đã từng bước ghi dấu ấn tại nhiều quốc gia trên thế giới với giá trị xuất khẩu của mỗi loại trái cây được nâng lên. Đặc biệt sau nhiều năm đàm phán, Việt Nam đã dỡ bỏ được hàng rào kỹ thuật để trái cây vào được các thị trường khó tính như: Úc, Mỹ, New Zealand, Nhật, Hàn Quốc. Việc thâm nhập vào các thị trường này đã khẳng định được thương hiệu “trái cây Việt” tại thị trường thế giới, đồng thời góp phần nâng cao giá trị sản xuất và tăng thu nhập cho nông dân.

 

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Bên cạnh các hoạt động xúc tiến mở rộng thị trường xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp trong nước cũng đã chú trọng nghiên cứu nâng cao giá trị, xây dựng và nâng tầm thương hiệu trái cây Việt. Điển hình như Hợp tác xã 3T nông sản Cao Phong (3Tfarm) đã nâng tầm giá trị thương hiệu cam Cao Phong của tỉnh Hòa Bình được chỉ dẫn địa lý trở thành những món quà cao cấp. Theo đó, những trái cam được chọn làm quà tặng cao cấp là những sản phẩm đã được chăm sóc theo hướng hữu cơ. Khi thu hoạch, trái cam được đưa về khu sơ chế, phân loại và chỉ những trái cam đáp ứng đủ tiêu chuẩn về màu sắc, kích cỡ và chất lượng mới được lựa chọn. Sau khi phân loại, trái cam được đưa vào xưởng rửa sạch, xử lý khử trùng theo quy trình và dán nhãn tem truy xuất nguồn gốc trên từng trái cam trước khi đóng gói vào hộp quà tặng đã được thiết kế đẹp mắt và độc đáo. Đến nay, sản phẩm quà tặng của hợp tác xã đã được công nhận là sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm) 4 sao. Còn tại vùng đất cam Hà Giang, Công ty cổ phần Cam Ta lại nghiên cứu học hỏi để tạo ra những thực phẩm có thể kết hợp và làm từ cam như: Rượu cam, tinh dầu cam, mứt cam, siro cam, mật cam… Sau khi được tỉnh Hà Giang công nhận đạt 4 sao OCOP, sản phẩm OCOP ngoài phân phối cho siêu thị, kênh bán hàng online, Công ty đã liên kết được với các đơn vị cùng sản xuất sản phẩm OCOP cung cấp nguyên liệu đầu vào cho một số sản phẩm để kết hợp, chế biến ra thêm các sản phẩm có hương vị của cam nguyên chất như: Cung cấp các sản phẩm mứt cam cho các đơn vị sản xuất sữa: Amifarm Mộc Châu, sữa chua Mục Đồng (Hà Nam) … Hiện, ngoài trái cam, một số loại trái cây như: Chuối, xoài, vải thiều, nhãn, thanh long... cũng đã được rất nhiều doanh nghiệp xuất khẩu chú trọng xây dựng thương hiệu. Đây là những mặt hàng có thế mạnh trong nhóm hàng rau, quả xuất khẩu Việt Nam đang được nhiều nơi ưa chuộng, trong đó có các thị trường khó tính bậc nhất thế giới là Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, EU.

Hệ thống công nghiệp chế biến trái cây Việt những năm gần đây ghi nhận đã có bước tiến, mở cửa cho sản phẩm trái cây Việt thâm nhập vào thị trường. Nhiều doanh nghiệp đã quan tâm và triển khai dự án đầu tư vào lĩnh vực chế biến trái cây Việt, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại nâng cao hiệu quả, năng lực cạnh tranh và phát triển thương hiệu trái cây Việt Nam với các sản phẩm trái cây chế biến như: Trái cây sấy dẻo, nước ép trái cây, mứt trái cây, các dòng yaourt khô trái cây, trái cây sấy phủ sô cô la, trái cây sấy gia vị, kẹo trái cây,… Một trong những doanh nghiệp đang tham gia vào lĩnh vực chế biến, nâng cao giá trị thương hiệu trái cây Việt phải kể đến Công ty Cổ phần Lavifood (Long An). Hiện, Lavifood đang có 2 nhà máy chế biến sâu các sản phẩm trái cây tại Long An và Tây Ninh, chủ yếu chế biến sản phẩm cho các hợp đồng đã được ký kết với châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc. Dự kiến đến năm 2023, Lavifood sẽ hoàn thành 7 nhà máy chế biến sâu các sản phẩm trái cây tại Long An, Tây Ninh, Đồng Tháp, Bình Thuận, Đắc Lắc, Quảng Trị và Hải Phòng. Bên cạnh đó, đến năm 2026, Lavifood cũng sẽ mở rộng vùng nguyên liệu lên 33.000 ha, có khả năng sản xuất 1 triệu tấn nguyên liệu/năm, doanh thu 1,5 tỷ USD cho sản phẩm trái cây chế biến, xuất khẩu. Song song với xuất khẩu, nhà máy chế biến trái cây của Lavifood cũng sẽ có những dòng sản phẩm riêng cung ứng, phục vụ cho người tiêu dùng nội địa. Theo các chuyên gia, trong tương lai, tiềm năng xuất khẩu trái cây Việt chế biến còn rất lớn và là nhân tố tạo bước đột phá để giải quyết thị trường trái cây Việt tốt hơn với ưu thế về thời gian, tiện lợi trong vận chuyển và tiêu dùng.

Việc nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ được xem là giải pháp quan trọng để trái cây Việt Nam nâng cao giá trị gia tăng, xây dựng thương hiệu và phát triển bền vững. Công nghiệp 4.0 dự báo sẽ tác động tới tất cả các khâu trong chuỗi giá trị của trái cây Việt từ khâu sản xuất, chế biến đến hoạt động tiêu dùng. Đến nay, nhiều tiến bộ kỹ thuật được đưa vào sản xuất, Việt Nam cũng đã cấp mã số cho 1.749 vùng trồng quả tươi và 1.200 mã số cho cơ sở đóng gói quả tươi phục vụ xuất khẩu.

Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số hạn chế trong phát triển thương hiệu trái cây Việt như: Quy mô sản xuất trái cây còn nhỏ lẻ, phân tán khó đầu tư cơ sở hạ tầng và tổ chức liên kết sản xuất trong thực hiện cơ giới hóa cũng như kiểm soát chất lượng sản phẩm trái cây; diện tích sản xuất sản phẩm trái cây theo các tiêu chuẩn quốc tế còn khiếm tốn; năng suất bình quân nhiều loại cây ăn quả thấp; hệ thống phân phối, tiêu thụ sản phẩm của các vùng sản xuất cây ăn quả của Việt Nam chưa chuyên nghiệp; chưa có nhiều doanh nghiệp lớn tham gia sản xuất, xuất khẩu sản phẩm trái cây…; ngành chế biến trái cây có hàm lượng công nghệ chưa cao; còn nhiều cơ sở chế biến nhỏ lẻ, tự phát với công nghệ và thiết bị lạc hậu, không đồng bộ nên khó kiểm soát chất lượng và an toàn thực phẩm; doanh nghiệp chưa liên kết chặt với nông dân trong tổ chức sản xuất và tiêu thụ để sản xuất trái cây theo tiêu chuẩn GAP được thị trường thế giới chấp nhận; nhiều doanh nghiệp hạn chế về tiềm lực tài chính trong đầu tư xây dựng thương hiệu; chưa đầu tư đúng mức cho kho lạnh để bảo quản số lượng lớn trái cây trong một thời gian dài; nhiều địa phương chưa có chiến lược phát triển sản xuất và kinh doanh cho các sản phẩm trái cây; sản phẩm sau thu hoạch thiếu bài bản, tổn thất sau thu hoạch còn cao; thiếu sự đầu tư cho công tác tiếp thị, nghiên cứu thị trường; hạn chế trong các khâu đóng gói, vận chuyển, bảo quản và trưng bày trái cây tại điểm bán; Chưa đồng bộ trong chứng thực về chất lượng và nguồn gốc xuất xứ sản phẩm.

Theo Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO), trong giai đoạn 2016-2021, thị trường rau củ quả của thế giới có tốc độ tăng trưởng gần 2,9% do đó nhu cầu của thế giới đối với ngành hàng trái cây còn rất lớn.

Hiện, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đang khẩn trương xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án phát triển ngành chế biến rau quả, giai đoạn 2021-2030 với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một trong 5 quốc gia xuất khẩu rau quả hàng đầu thế giới vào năm 2030. Theo đó, phấn đấu đưa kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 8-10 tỷ USD; trong đó rau quả chế biến đạt 30% trở lên; giảm tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch mỗi năm từ 1-1,5%; trên 70% cơ sở chế biến, bảo quản rau quả xuất khẩu đạt trình độ và năng lực công nghệ sản xuất tiên tiến; công suất chế biến rau quả đạt 2 triệu tấn sản phẩm/năm.

Bên cạnh đó, thực hiện hiệu quả Quyết định số 899/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”,  Ngành nông nghiệp tiếp tục mở rộng diện tích một số cây ăn trái chủ lực có giá trị xuất khẩu như: Chuối, xoài, khóm, nhãn... phục vụ tốt nhu cầu tiêu thụ nội địa, hạn chế nhập khẩu và gia tăng xuất khẩu; tập trung nâng cao năng suất, chất lượng, an toàn thực phẩm, giảm giá thành; tăng tỷ lệ sản phẩm có chứng nhận (an toàn, GAP, hữu cơ,...); đẩy mạnh sản xuất rải vụ thu hoạch; nâng cao năng lực bảo quản, giảm tổn thất sau thu hoạch cả về số lượng và chất lượng; tăng cường chế biến sâu các sản phẩm trái cây, gia tăng giá trị sản xuất, đồng thời tránh các hàng rào kỹ thuật đối với các sản phẩm; mở rộng thị trường, tăng khối lượng và giá trị xuất khẩu; xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, chứng nhận bảo hộ độc quyền thương hiệu hàng hóa tại Việt Nam cho các loại trái cây đặc sản.

Giải pháp nâng tầm thương hiệu trái cây Việt

Xây dựng và phát triển thương hiệu trái cây Việt trong thời gian tới cần tập trung vào các giải pháp như:

Một là, Nhà nước cần sớm bổ sung hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật Việt Nam đối với hàng hóa nông sản theo hướng phù hợp với các tiêu chuẩn, quy chuẩn thế giới; phát triển và nhân rộng việc thực hiện cấp mã số vùng sản xuất, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý... đối với sản phẩm trái cây xuất khẩu; nhân rộng mô hình sản xuất cây trái theo các tiêu chuẩn GlobalGAP, VietGAP.

Hai là, Bộ NN-PTNT tiếp tục cùng các địa phương rà soát xây dựng, phát triển các vùng sản xuất cây trái theo hướng hàng hóa tập trung; xây dựng các đề án, kế hoạch phát triển cây trái chủ lực toàn quốc, trong đó chú trọng yếu tố thị trường, đặc biệt là các thị trường lớn, chính ngạch.

Ba là, các địa phương sản xuất trái cây cần rà soát quy hoạch theo hướng chuyên canh hiện đại; xác định được thế mạnh, sản phẩm đặc sản để đẩy mạnh phát triển các loại cây trồng căn cứ theo thị trường; ưu tiên đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật thâm canh cây trái trồng tập trung để tạo sản phẩm an toàn, hiệu quả cao, bền vững.

Bốn là, khuyến khích các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp lớn, đầu tư liên kết với nông dân trong chuỗi giá trị từ sản xuất, thu mua, bảo quản, chế biến đến tiêu thụ; thực hiện các yêu cầu về truy xuất nguồn gốc; chứng nhận VietGAP, GlobalGAP…; tăng khả năng chế biến, bảo quản để đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường lớn, tiềm năng; đồng thời không ngừng cải tiến mẫu mã để chinh phục thị hiếu đa dạng của người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Năm là, người nông dân cần thay đổi quy trình canh tác theo hướng khoa học và đẩy mạnh sản xuất cây trái theo hướng hữu cơ, đáp ứng theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và các tiêu chuẩn khác của các nước nhập khẩu đưa ra; từng bước nâng cao giá trị sản phẩm và phát triển bền vững, có thể cạnh tranh tốt ở thị trường thế giới,

Sáu là, triển khai các hoạt động phát triển thương hiệu có bài bản, có định hướng chiến lược dựa trên hợp tác, liên kết chặt chẽ giữa các hộ nông dân, doanh nghiệp, tổ chức và các cơ quan quản lý Nhà nước; tiếp tục xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, chứng nhận bảo hộ độc quyền thương hiệu hàng hóa tại Việt Nam cho các loại trái cây đặc sản.

Bảy là, đẩy mạnh hơn nữa các chương trình quảng bá, giới thiệu để tạo dấu ấn riêng thương hiệu trái cây Việt Nam đối với bạn bè quốc tế, trong đó, tuyên truyền thương hiệu cần hướng đến những thông điệp về an toàn, vệ sinh và những cam kết của nhà sản xuất đối với khách hàng./.

Hoài An