Tại Việt Nam, tính đến hết năm 2020, trên thị trường có 22 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận hoạt động bán hàng đa cấp hợp pháp, đạt doanh thu hơn 15.400 tỷ đồng, tổng số thuế các doanh nghiệp đã nộp về ngân sách nhà nước đạt trên 1.800 tỷ đồng, tạo việc làm cho khoảng 1 triệu lao động… Đây là một phương thức bán hàng được thế giới công nhận và được điều chỉnh chặt chẽ bởi pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả hoạt động bán hàng đa cấp, thời gian tới các cơ quan quản lý nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện các chính sách, quy định trong lĩnh vực bán hàng đa cấp phù hợp với thực tiễn, đảm bảo duy trì sự phát triển mang lại hiệu quả tốt.
Thực trạng kinh doanh bán hàng đa cấp tại Việt Nam
Tại Việt Nam, kinh doanh bán hàng đa cấp xuất hiện vào đầu những năm 2000, khi gia nhập chính thức Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2006, một trong những điều khoản các nước yêu cầu Việt Nam phải thực hiện là việc chấp thuận hoạt động kinh doanh đa cấp, chính điều này đã tạo ra một làn gió mới thu hút nhiều người tham gia vào lĩnh vực bán hàng đa cấp.
Cục cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho biết, giống như các phương thức bán hàng khác, mục tiêu của bán hàng đa cấp là đưa hàng hóa từ nhà sản xuất trực tiếp đến tay người tiêu dùng nhằm thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng của thị trường. Hoạt động bán hàng đa cấp có đặc thù khác biệt với các phương thức bán hàng khác, đó là việc tiếp thị bán hàng được thực hiện bằng truyền miệng, không thực hiện các hình thức quảng cáo, marketing như bán hàng truyền thống. Tuy nhiên, các doanh nghiệp bán hàng đa cấp chỉ được kinh doanh đối với mặt hàng hàng hóa phải được đăng ký hợp pháp (đáp ứng đủ các điều kiện hoạt động) và chịu sự giám sát của các cơ quan chức năng trong quá trình hoạt động.
Các hoạt động kinh doanh đa cấp bị cấm bao gồm: Dịch vụ, hàng hóa nhưng không có giấy chứng nhận do Bộ Công Thương cấp; các hình thức lợi dụng mô hình đa cấp khác không phải là mua bán hàng hóa như: Tiền ảo, huy động vốn dự án, thương mại điện tử…
Theo đánh giá, tại Việt Nam trong giai đoạn đầu, cùng với sự phát triển của doanh nghiệp bán hàng chân chính, nhiều loại hình đa cấp biến tướng cũng phát triển trên thị trường. Nhiều vụ việc liên quan đến doanh nghiệp đa cấp hoạt động trong giai đoạn trước năm 2016 đã tạo nên những dư luận xấu, gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng cho hàng trăm nghìn người tham gia.
Tại Việt Nam, kinh doanh bán hàng đa cấp xuất hiện vào đầu những năm 2000, khi gia nhập chính thức Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2006, một trong những điều khoản các nước yêu cầu Việt Nam phải thực hiện là việc chấp thuận hoạt động kinh doanh đa cấp, chính điều này đã tạo ra một làn gió mới thu hút nhiều người tham gia vào lĩnh vực bán hàng đa cấp.
Cục cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho biết, giống như các phương thức bán hàng khác, mục tiêu của bán hàng đa cấp là đưa hàng hóa từ nhà sản xuất trực tiếp đến tay người tiêu dùng nhằm thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng của thị trường. Hoạt động bán hàng đa cấp có đặc thù khác biệt với các phương thức bán hàng khác, đó là việc tiếp thị bán hàng được thực hiện bằng truyền miệng, không thực hiện các hình thức quảng cáo, marketing như bán hàng truyền thống. Tuy nhiên, các doanh nghiệp bán hàng đa cấp chỉ được kinh doanh đối với mặt hàng hàng hóa phải được đăng ký hợp pháp (đáp ứng đủ các điều kiện hoạt động) và chịu sự giám sát của các cơ quan chức năng trong quá trình hoạt động.
Các hoạt động kinh doanh đa cấp bị cấm bao gồm: Dịch vụ, hàng hóa nhưng không có giấy chứng nhận do Bộ Công Thương cấp; các hình thức lợi dụng mô hình đa cấp khác không phải là mua bán hàng hóa như: Tiền ảo, huy động vốn dự án, thương mại điện tử…
Theo đánh giá, tại Việt Nam trong giai đoạn đầu, cùng với sự phát triển của doanh nghiệp bán hàng chân chính, nhiều loại hình đa cấp biến tướng cũng phát triển trên thị trường. Nhiều vụ việc liên quan đến doanh nghiệp đa cấp hoạt động trong giai đoạn trước năm 2016 đã tạo nên những dư luận xấu, gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng cho hàng trăm nghìn người tham gia.
Ảnh minh họa
Giai đoạn từ năm 2016 đến nay, công tác chỉ đạo điều hành, quản lý hoạt động bán hàng đa cấp được đẩy mạnh, qua đó đã nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động bán hàng đa cấp từ trung ương đến địa phương. Nhờ vậy, kinh doanh đa cấp đã dần chuyển sang thực chất và hiệu quả hơn. Cụ thể: Số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bán hàng đa cấp năm 2020 đã giảm 67% hiện chỉ còn 22 doanh nghiệp có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp đang hoạt động hợp pháp, so với 67 doanh nghiệp đầu năm 2016. Số lượng người tham gia bán hàng đa cấp trong giai đoạn 2016-2020 đạt mức trung bình 800 nghìn người, năm 2018 ghi nhận số lượng người tham gia cao nhất ở mức gần 1 triệu 250 nghìn người. Tuy nhiên, ngược lại với xu hướng giảm mạnh về số lượng doanh nghiệp, tổng doanh thu bán hàng đa cấp trên toàn thị trường tính đến hết năm 2020 đạt khoảng 15.400 tỷ đồng, tăng 22% so với tổng doanh thu năm 2019.
Một số doanh nghiệp đa cấp chính thống tại Việt Nam: Công ty TNHH Amway Việt Nam; Công ty TNHH Một Thành Viên New Image Việt Nam; Công Ty TNHH Nu Skin Việt Nam; Công ty cổ phần Tập đoàn Liên kết Việt Nam (Vinalink Group); Công ty TNHH TM Lô Hội; Công ty TNHH Kyowon The Orm Việt Nam.
Có thể thấy, tỷ lệ nghịch giữa tăng trưởng doanh thu bán hàng đa cấp và biến động số lượng doanh nghiệp bán hàng đa cấp trên thị trường đã phần nào phản ánh sự phát triển dần đi vào chiều sâu và chất lượng của lĩnh vực bán hàng đa cấp tại Việt Nam trong thời gian vừa qua. Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm đối với các hoạt động kinh doanh đa cấp biến tướng đã được triển khai thực hiện hiệu quả. Từ năm 2016, Bộ Công Thương đã tiến hành thanh tra, kiểm tra và xử phạt hơn 14 tỷ đồng và thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp của 24 đơn vị.
Công tác tuyên truyền, phổ biến, cảnh báo hoạt động kinh doanh đa cấp biến tướng đạt được hiệu quả đáng kể. Nhiều người dân đã có nhận thức tốt hơn về các hoạt động bán hàng đa cấp bất chính và có ý thức phòng tránh cao hơn, nhờ vậy đã giảm thiểu thiệt hại từ các hoạt động bán hàng đa cấp bất chính. Cùng với đó, số lượng đơn thư, khiếu nại, tố cáo liên quan đến hoạt động bán hàng đa cấp có dấu hiệu giảm rõ rệt so với các năm gần đây. Nếu như năm 2016 số lượng đơn khiếu nại tố cáo các doanh nghiệp đa cấp đến hơn 1000 đơn thư thì đến năm 2017 có hơn 700 đơn thư và đến năm 2020 có 79 đơn thư khiếu nại liên quan đến hoạt động bán hàng đa cấp.
Mặc dù, hoạt động kinh doanh đa cấp thời gian qua đã có những tăng trưởng mạnh về doanh thu, gia tăng mức đóng góp thuế vào ngân sách nhà nước với tốc độ tăng bình quân cao, tuy nhiên, kinh doanh bán hàng đa cấp tại Việt Nam vẫn còn nhiều khoảng tối. Cụ thể: Bên cạnh các doanh nghiệp hoạt động chính thống, còn có không ít doanh nghiệp lợi dụng hình thức kinh doanh theo phương thức đa cấp để thu hút đầu tư, hoạt động bất hợp pháp.
Bên cạnh đó, mặc dù đã có nhiều người tham gia bán hàng đa cấp và thành công, có thu nhập cao song cũng có một bộ phận không nhỏ người dân chưa hiểu rõ về bán hàng đa cấp, bị dẫn dụ tham gia vào các hình thức đa cấp biến tướng, chịu tổn thất về sức khoẻ và tiền bạc. Theo đánh giá, kinh doanh đa cấp vẫn chưa phải là mô hình kinh doanh phổ biến. Đa số người Việt Nam thường có cái nhìn không thiện cảm đối với mô hình kinh doanh theo mạng này.
Ngoài ra, công tác quản lý bán hàng đa cấp tại Việt Nam hiện còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Việc xử lý đối với các cá nhân, tổ chức kinh doanh theo phương thức đa cấp không phép chưa đủ mạnh; các tổ chức, cá nhân thường tìm cách lách luật và bất chấp quy định pháp luật để kiếm lời bất chính…
Một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý kinh doanh đa cấp trong giai đoạn 2021 – 2025
Với những kết quả đạt được đã khẳng định tính hiệu quả của kinh doanh bán hàng đa cấp, đồng thời cho thấy “sân chơi” cho hoạt động kinh doanh đa cấp tại Việt Nam đã ngày càng đi vào thực chất, đúng với bản chất kinh doanh của nó, lợi ích của các doanh nghiệp và người tiêu dùng ngày càng được bảo vệ, minh bạch hơn.
Theo dự báo, kinh doanh đa cấp ở Việt Nam còn nhiều tiềm năng để phát triển, khi dân số Việt Nam đã đạt gần 100 triệu dân, đời sống của người dân luôn được cải thiện, thu nhập có xu hướng tăng, đặc biệt tầng lớp trung lưu... Việt Nam cũng đã nằm trong Top 5 thị trường thế giới có doanh thu bán hàng đa cấp tăng nhanh nhất năm 2019… Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sẽ đối diện nhiều cơ hội khi tham gia kinh doanh đa cấp, bởi đây là hình thức kinh doanh bán hàng được pháp luật thừa nhận; không mất chi phí đầu tư, không cần mặt bằng, không cần ôm hàng, không áp lực về doanh số, không ràng buộc về thời gian… Doanh nghiệp cũng có thể tham gia dễ dàng, không phân biệt trình độ học vấn, nơi đang sống và cũng có thể tạo ra một kênh kiếm tiền tự động... Tuy nhiên, để hoạt động bán hàng đa cấp tại Việt Nam phát triển, đi vào nề nếp, đúng bản chất, mang lại những hiệu quả kinh tế thiết thực thì việc nâng cao chất lượng quản lý hoạt động kinh doanh đa cấp cần có thêm những nền tảng pháp lý phù hợp và hiệu quả hơn nữa.
Nhằm tận dụng tiềm năng, duy trì các kết quả đã đạt được, đồng thời xử lý những vấn đề do yêu cầu thực tế đặt ra đối với kinh doanh bán hàng đa cấp, một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý bán hàng đa cấp trong giai đoạn năm 2021 – 2025 bao gồm:
Tiếp tục rà soát và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp phù hợp với yêu cầu thực tế và sự phát triển của ngành.
Xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về bán hàng đa cấp, đặc biệt là hành vi kinh doanh theo phương thức đa cấp trái phép. Trong đó tập trung sửa đổi, bổ sung một số quy định của Nghị định 40/2018/ NĐ-CP ngày 12/3/2018 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp và các văn bản pháp luật về xử lý vi phạm trong lĩnh vực bán hàng đa cấp theo hướng minh bạch, phù hợp hơn với yêu cầu của công tác quản lý ngành. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, đặc biệt công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm ở các địa phương cần được triển khai đồng bộ và bao quát toàn bộ trên mỗi địa bàn của từng địa phương.
Đẩy mạnh và hướng đến tối đa hóa ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp nhằm tiết kiệm thời gian và nguồn lực cho cả cơ quan quản lý và doanh nghiệp.
Đối với các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp chân chính cần chủ động công tác tuyên truyền và phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng để tuyên truyền cho người tham gia và người tiêu dùng phân biệt rõ các quy định pháp luật và các mô hình biểu hiện bất chính. Xây dựng kế hoạch phân phối và đào tạo người tham gia một cách chuyên nghiệp và có biện pháp triển khai giám sát chặt chẽ. Đầu tư xây dựng hệ thống cảnh báo để kịp thời thông tin và phát hiện các trường hợp sai phạm, các cá nhân không tuân thủ đúng nguyên tắc trong kinh doanh bán hàng đa cấp gây ảnh hưởng đến bản chất và giá trị của ngành bán hàng đa cấp, từ đó kiến nghị và phối hợp với cơ quan chức năng xem xét xử lý đảm bảo hành lang pháp lý minh bạch, nghiêm túc.
Đối với người tham gia vào hình thức kinh doanh đa cấp cần tìm hiểu về doanh nghiệp đa cấp trước khi tham gia trên các tiêu chí: Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động; lịch sử hình thành và hoạt động đa cấp của doanh nghiệp; các phương thức bán hàng của doanh nghiệp. Đặc biệt, người tham gia cũng có quyền yêu cầu doanh nghiệp cung cấp tài liệu chứng từ chứng minh nguồn gốc, chỉ tiêu chất lượng của hàng hóa. Tìm hiểu kỹ về chương trình trả thưởng, hoa hồng của doanh nghiệp. Lợi ích của người tham gia chỉ có được khi bán hàng hóa, không phải từ việc lôi kéo, dụ dỗ người khác tham gia mạng lới đa cấp.
Với việc ban hành những quy định chặt chẽ, phù hợp thực tiễn nhằm nâng cao hiệu quả quản lý đối với hoạt động kinh doanh đa cấp sẽ giúp cơ quan nhà nước loại bỏ các doanh nghiệp bán hàng đa cấp bất chính, đồng thời giúp củng cố vị trí của các doanh nghiệp bán hàng đa cấp chân chính trên thị trường, qua đó tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của ngành kinh doanh bán hàng đa cấp tại Việt Nam./.
Thu Hòa