Ngành Nông nghiệp kỳ vọng đạt mục tiêu xuất khẩu trong năm 2021

|

Ngành Nông nghiệp kỳ vọng đạt mục tiêu xuất khẩu trong năm 2021

Theo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, dịch COVID-19 đã khiến xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trong các tháng của quý III năm 2021 bị sụt giảm sâu. Tuy nhiên, với các chính sách hỗ trợ kịp thời từ Chính phủ cùng các giải pháp khơi thông thị trường, lưu thông hàng hóa, việc thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trong những tháng còn lại kỳ vọng sẽ giúp ngành nông nghiệp đạt mục tiêu tăng trưởng và kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 44 tỷ USD trong năm 2021. 
 
Nông nghiệp khẳng định vai trò trụ đỡ nền kinh tế

Quý III/2021 là quý đầu tiên chứng kiến nền kinh tế cả nước suy giảm mạnh nhất hai thập kỷ qua do tác động của làn sóng Covid-19 lần thứ tư. Trong bối cảnh đó, ngành nông nghiệp vẫn giữ được nhịp tăng trưởng, khẳng định vai trò là bệ đỡ của nền kinh tế, không chỉ đảm bảo lương thực, thực phẩm cho người dân cả nước trong giãn cách xã hội mà còn đẩy mạnh xuất khẩu.

 
Ảnh minh họa

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 9 tháng đầu năm 2021, GDP của ngành nông lâm ngư nghiệp tăng 2,74%, đóng góp 23,52% vào tăng trưởng của toàn nền kinh tế và hiện chiếm tỷ trọng 12,79% trong cơ cấu của toàn nền kinh tế. Trong đó, GDP lĩnh vực nông nghiệp tăng 3,32%, lâm nghiệp tăng 3,3%; thủy sản tăng 0,66%.
 

10 tháng đầu năm 2021, ngành nông nghiệp vẫn tiếp tục đà tăng trưởng tích cực, đặc biệt là hoạt động xuất, nhập khẩu. Theo đó, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng nông lâm, thuỷ sản ước đạt trên 74,3 tỷ USD, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, xuất khẩu ước đạt gần 38,75 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong tháng 10/2021, xuất khẩu nhóm nông sản chính ước đạt gần 17,4 tỷ USD, tăng 12,7%; lâm sản chính đạt khoảng 12,8 tỷ USD, tăng 22,3%; thủy sản đạt gần 6,9 tỷ USD, giảm 0,8%; chăn nuôi ước đạt 359 triệu USD, tăng 6,1%; nhóm đầu vào sản xuất khoảng 1,4 tỷ USD, tăng 22,3%.

Một số sản phẩm, nhóm sản phẩm ghi nhận tăng trưởng xuất khẩu tích cực, gồm: Cà phê, cao su, gạo, nhóm hàng rau quả, hồ tiêu, hạt điều, sắn và sản phẩm từ sắn, sản phẩm chăn nuôi, tôm, sản phẩm gỗ, mây, tre, cói thảm, quế... Cụ thể, cao su tăng 13,9% khối lượng và tăng hơn 46% giá trị, hạt điều tăng hơn 14% khối lượng và 13,5% giá trị, sắn và sản phẩm từ sắn chỉ tăng hơn 7% khối lượng, nhưng tăng hơn 21% giá trị. Riêng hồ tiêu, dù khối lượng xuất khẩu giảm 5,7%, nhưng nhờ giá xuất khẩu bình quân tăng 52,9% nên giá trị xuất khẩu vẫn tăng 44,2%. Giá xuất khẩu bình quân 10 tháng nhiều mặt hàng tăng, như cao su đạt 1.680 USD/ tấn (tăng 4,1%), chè đạt hơn 1.665 USD/tấn (tăng 28,7%) Giá cà phê cũng tăng 9,7%, gạo găng hơn 7,1%, hồ tiêu tăng hơn 71%, sắn hơn 13%...

Trị giá xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tới các thị trường cũng có nhiều tích cực. Giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 10 tháng qua của Việt Nam tới các thị trường thuộc khu vực châu Á (chiếm 42,8% thị phần), châu Mỹ (30,0%), châu Âu (11,4%), châu Phi (1,9%), châu Đại Dương (1,5%). Theo đó, thị trường xuất khẩu lớn nhất là Mỹ đạt trên 10,8 tỷ USD (chiếm 27,9% thị phần), trong đó kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng gỗ và sản phẩm gỗ chiếm tới 68,4% tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam sang thị trường này.

Đứng thứ hai là thị trường Trung Quốc đạt gần 7,5 tỷ USD (chiếm 19,3% thị phần) với kim ngạch xuất khẩu nhóm rau quả chiếm tới 23,4% tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản. Đứng thứ ba là thị trường Nhật Bản với giá trị xuất khẩu đạt trên 2,6 tỷ USD (chiếm 6,8%) và xuất khẩu nhóm sản phẩm gỗ lớn nhất, chiếm 43,4% giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản...

Về nhập khẩu, 10 tháng đầu năm 2021, kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản ước khoảng 35,6 tỷ USD, tăng 39,1% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, giá trị nhập khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 22,5 tỷ USD, tăng 54%. Nhóm sản phẩm chăn nuôi đạt trên 2,9 tỷ USD, giảm 0,5%. Nhóm hàng thủy sản ước trên 1,6 tỷ USD, tăng 11,7%. Nhóm lâm sản chính khoảng 2,6 tỷ USD, tăng 26,5%. Nhóm đầu vào sản xuất gần 6 tỷ USD, tăng 31%.

Bên cạnh đó, hoạt động hợp tác quốc tế và xúc tiến thương mại cũng gặt hái nhiều thành công. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 khiến việc tiêu thụ nông sản gặp khó khăn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thành lập Tổ công tác phía Nam (Tổ công tác 970) và Tổ công tác phía Bắc (Tổ công tác 3430). Hai tổ công tác này đã chỉ đạo, hướng dẫn và phối hợp với các bộ, ngành, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, HTX… thực hiện các giải pháp khắc phục khó khăn, duy trì sản xuất, kết nối tiêu thụ nông sản trong tình hình giãn cách theo Chỉ thị 16, đặc biệt tại 19 tỉnh Nam Bộ. Đồng thời, xây dựng và đưa vào vận hành hiệu quả website: http://htx.cooplink.com.vn; kết nối và tiêu thụ thành công sản lượng bình quân khoảng 300 – 400 tấn nông sản/ngày, xây dựng phương án bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm thiết yếu cho Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Nam Bộ trong thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ.

Về phát triển nông thôn và xây dựng nông thôn mới, tính đến hết tháng 9/2021, cả nước có 5.343/8.233 xã (64,9%) đạt chuẩn nông thôn mới; có 335 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và đã có 32 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; có 197/664 đơn vị cấp huyện thuộc 52 tỉnh, thành phố được công nhận hoàn thành nhiệm vụ, đạt chuẩn nông thôn mới; 12 tỉnh đã có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; 4 tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Phấn đấu đạt mục tiêu xuất khẩu 44 tỷ USD

Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) dự báo, trong năm 2021 kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng khoảng 5,6%. Điều này sẽ thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình nối lại các chuỗi cung ứng toàn cầu khi các nền kinh tế lớn cũng là đối tác chiến lược của Việt Nam trong các hiệp định thương mại tự do đang phục hồi nhanh chóng. Đây chính là cơ hội cho hoạt động xuất khẩu của các ngành kinh tế Việt Nam, trong đó xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cuối năm 2021 được dự báo sẽ có nhiều thuận lợi và tiếp tục tăng trưởng mạnh. Dự kiến cả năm 2021, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sẽ đạt 44 tỷ USD, đồng nghĩa với việc quý IV/2021, tổng kim ngạch xuất khẩu phải đạt là khoảng 8,5 tỷ USD. Để đạt được kết quả trên cần sự trợ lực từ Chính phủ cũng như sự chủ động tăng tốc từ các doanh nghiệp.

Theo tính toán của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, 3 tháng cuối năm 2020, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 12 tỷ USD. Nếu tính năm nay xuất khẩu giảm khoảng 20% so với cùng kỳ năm ngoái thì trong 3 tháng cuối năm, tổng trị giá xuất khẩu nông, lâm, thủy sản thu về phải đạt khoảng 10 tỷ USD để đạt mục tiêu xuất khẩu 44 tỷ USD trong năm 2021.

Chính vì vậy, để đạt mục tiêu xuất khẩu cũng như kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, phục hồi sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã ban hành kế hoạch thực hiện. Trong đó, mục tiêu của Ngành là tập trung khôi phục, phát triển các hoạt động sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản những tháng cuối năm 2021 và năm 2022, gắn với đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới; đẩy mạnh phát triển thị trường, tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; tăng cường kết nối, phối hợp các tập đoàn viễn thông, các doanh nghiệp có ứng dụng giao hàng chuyên nghiệp để xuất hỗ trợ chuyển đổi trong nông nghiệp và thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ nông sản, tăng cường giao dịch điện tử, hỗ trợ đưa các sản phẩm nông sản tham gia vào các sàn thương mại điện tử để quảng bá, giới thiệu và kết nối tiêu thụ. Đồng thời, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng tập trung giải quyết khó khăn về kỹ thuật, thuận lợi hóa thông quan, hạ tầng logistics, không để ứ đọng hàng hóa tại vùng sản xuất, nhà máy, trên các tỉnh biên giới với Trung Quốc và các thị trường xuất khẩu trọng điểm.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại quốc tế, thúc đẩy xuất khẩu, phối hợp chặt chẽ với các Tham tán thương mại Việt Nam tại nước ngoài, hỗ trợ địa phương, doanh nghiệp xuất khẩu nông sản đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường EU, Anh, Trung Quốc, Nhật Bản…

Với các giải pháp tháo gỡ khó khăn, phục hồi sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu trong những tháng cuối năm, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn kỳ vọng toàn ngành Nông nghiệp sẽ đạt được mức tăng trưởng năm 2021 là 2,5 - 2,8%, giá trị xuất khẩu đạt 44 tỷ USD, góp phần đưa nông nghiệp trở thành trụ đỡ của nền kinh tế./.


 
Thu Hiền