Trong những năm gần đây, Thương mại điện tử (TMĐT) ở Việt Nam có tốc độ phát triển nhanh và tăng trưởng mạnh mẽ. Doanh thu TMĐT Việt Nam năm 2021 ước đạt 13,7 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2020 và thuộc nhóm 3 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thị phần bán lẻ trực tuyến cao nhất khu vực Đông Nam Á. Dự kiến con số này sẽ tiếp tục đạt 39 tỷ USD vào năm 2025. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển nhanh chóng của thị trường TMĐT, thực trạng hàng giả, hàng nhái trên thị trường ngày càng diễn ra phức tạp và khó kiểm soát.
Vi phạm hàng giả, hàng nhái trên nền tảng TMĐT ngày càng tinh vi và khó kiểm soát
Theo Thống kê của Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), mỗi năm có khoảng 1.500 đơn khiếu nại của người tiêu dùng liên quan tới các giao dịch mua bán trên các nền tảng trực tuyến như hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ và mua bán không có hóa đơn chứng từ. Thực trạng hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng đang khiến người tiêu dùng ngày càng mất niềm tin vào các nền tảng bán hàng trực tuyến như Facebook, Zalo, TikTok… và cả các sàn TMĐT uy tín.
Bộ Công Thương cho biết, chỉ trong năm 2021, lực lượng quản lý thị trường phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã phát hiện hơn 3.000 vụ việc, bao gồm hành vi vi phạm về TMĐT và các hành vi lợi dụng TMĐT để kinh doanh hàng hoá nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng giả... Số tiền xử phạt lên tới hơn 20 tỷ đồng. Cùng với đó, các cơ quan chức năng cũng đã yêu cầu các nền tảng TMĐT rà soát và gỡ bỏ gần 14.000 sản phẩm, thiết bị hỗ trợ điều trị Covid-19... có dấu hiệu vi phạm tại 4.300 gian hàng.
Năm 2022, TMĐT được dự báo tiếp tục có sự tăng trưởng mạnh khi người dân và doanh nghiệp đã thích nghi với hình thức mua bán trực tuyến. Tuy nhiên, chính sự bùng nổ của các sàn TMĐT lại đang đặt ra nhiều quan ngại về vấn nạn hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng. Các chuyên gia cho biết, cuộc chiến chống hàng nhái, hàng giả đã khó nay càng khó khăn hơn trên TMĐT, bởi phương thức được các đối tượng bán hàng phi pháp sử dụng ngày càng tinh vi và khó kiểm soát.
Vi phạm hàng giả, hàng nhái trên nền tảng TMĐT ngày càng tinh vi và khó kiểm soát
Theo Thống kê của Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), mỗi năm có khoảng 1.500 đơn khiếu nại của người tiêu dùng liên quan tới các giao dịch mua bán trên các nền tảng trực tuyến như hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ và mua bán không có hóa đơn chứng từ. Thực trạng hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng đang khiến người tiêu dùng ngày càng mất niềm tin vào các nền tảng bán hàng trực tuyến như Facebook, Zalo, TikTok… và cả các sàn TMĐT uy tín.
Bộ Công Thương cho biết, chỉ trong năm 2021, lực lượng quản lý thị trường phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã phát hiện hơn 3.000 vụ việc, bao gồm hành vi vi phạm về TMĐT và các hành vi lợi dụng TMĐT để kinh doanh hàng hoá nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng giả... Số tiền xử phạt lên tới hơn 20 tỷ đồng. Cùng với đó, các cơ quan chức năng cũng đã yêu cầu các nền tảng TMĐT rà soát và gỡ bỏ gần 14.000 sản phẩm, thiết bị hỗ trợ điều trị Covid-19... có dấu hiệu vi phạm tại 4.300 gian hàng.
Năm 2022, TMĐT được dự báo tiếp tục có sự tăng trưởng mạnh khi người dân và doanh nghiệp đã thích nghi với hình thức mua bán trực tuyến. Tuy nhiên, chính sự bùng nổ của các sàn TMĐT lại đang đặt ra nhiều quan ngại về vấn nạn hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng. Các chuyên gia cho biết, cuộc chiến chống hàng nhái, hàng giả đã khó nay càng khó khăn hơn trên TMĐT, bởi phương thức được các đối tượng bán hàng phi pháp sử dụng ngày càng tinh vi và khó kiểm soát.
Ảnh minh họa: Nguồn internet
Theo các chuyên gia, hiện mỗi sàn giao dịch TMĐT có trên 5.000 thương hiệu và hàng nghìn đối tác kinh doanh đa dạng các mặt hàng. Về nguyên tắc hoạt động, các sàn giao dịch TMĐT chủ yếu cho thuê "gian hàng” online. Do đó, sản phẩm không về kho chứa của bất kỳ sàn giao dịch nào nên không phát hiện được hàng hoá vi phạm. Trong khi, các sàn TMĐT như: Shopee, Lazada, Sendo, Tiki,… cũng chỉ mới rà soát yêu cầu người bán cung cấp thông tin, tài liệu chứng minh sản phẩm đăng bán là hợp lệ nên các đối tượng buôn bán hàng giả, hàng nhái trên TMĐT có rất nhiều cách để lách chính sách và lẩn tránh sự truy vết của cơ quan chức năng.
Chưa kể, việc kiểm soát, định danh tài khoản người bán, đăng tải chào bán, chào mua chưa thật sự chặt chẽ, chưa thường xuyên, liên tục của các sàn giao dịch TMĐT cũng được cho là một trong những “kẽ hở” để các đối tượng lợi dụng đưa hàng hóa vi phạm lên bày bán công khai trên các sàn này.
Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, một số thủ đoạn mới đang xuất hiện trên nền tảng TMĐT tập trung vào nhóm hàng hóa có giá trị cao, những mặt hàng do nước ngoài sản xuất. Các thủ đoạn được các đối tượng sử dụng như: Lập nhiều tài khoản Facebook và chạy quảng cáo, ảnh chụp sản phẩm thật, song hàng bán cho người tiêu dùng lại là hàng nhái, hàng giả. Nhiều đối tượng không có kho hàng hay cửa hàng, chỉ tiếp nhận đặt online; sử dụng hình thức bán hàng qua cộng tác viên trung gian; phân tán hàng hóa nhiều nơi; chỉ giao hàng với số lượng nhỏ lẻ, khó xác định được kho hàng...
Bên cạnh đó, do nhận thức của một bộ phận người tiêu dùng còn hạn chế, như biết hàng giả vẫn mua vì giá rẻ, thích hàng nhái thương hiệu nổi tiếng hoặc chưa đủ kỹ năng và thông tin để nhận biết. Hiện trên nền tảng TMĐT từ các sản phẩm giấy ăn đến thực phẩm, mỹ phẩm, đồ gia dụng, quần áo, giày dép..., thậm chí phòng trưng bày sản phẩm cũng bị làm giả gây hoang mang cho người tiêu dùng.
Không những thế, theo đánh giá của cơ quan chức năng, hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trên không gian mạng được thực hiện dưới nhiều phương thức, thủ đoạn xâm phạm trực tiếp đến trật tự quản lý hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa; xâm phạm quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân… Đáng quan ngại, còn có hiện tượng một số người nổi tiếng tiếp tay cho các đối tượng quảng bá những sản phẩm kém chất lượng trên các mạng xã hội làm cho công tác thực thi pháp luật, kiểm tra càng khó khăn hơn…
Mặc dù, lực lượng tham gia công tác đấu tranh, ngăn chặn tình trạng sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ hàng nhái, hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ khá đông đảo và tích cực, song vẫn gặp nhiều khó khăn, lúng túng trong phát hiện và xử lý. Trang thiết bị phục vụ thực thi công vụ chưa đáp ứng được những thay đổi của công nghệ sản xuất, mô hình kinh doanh mới. Cùng với đó, việc phối hợp giữa các đơn vị liên quan đến xử lý các hành vi vi phạm về hàng giả, hàng nhái trong TMĐT như công an, quản lý thị trường, hải quan, vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ người tiêu dùng vẫn hạn chế…
Nỗ lực và một số giải pháp trong cuộc chiến chống hàng nhái, hàng giả trên nền tảng TMĐT
Các chuyên gia cho biết, với tư cách là người đứng giữa, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, các sàn TMĐT hiện nay đã và đang bắt đầu triển khai các hoạt động rà soát đầu vào và quá trình vận hành để từ đó hạn chế tối đa số lượng hàng hóa không đúng như kỳ vọng của khách hàng. Trong đó có việc sử dụng trí tuệ nhân tạo để lọc hàng giả, hàng nhái khi đưa vào lưu thông, giao dịch trên sàn TMĐT. Cụ thể như: Tại sàn Tiki, hiện đã sử dụng công nghệ “máy học” (Machine Learning- một ứng dụng của trí tuệ nhân tạo AI) nhằm kiểm soát, giám sát, ngăn chặn tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.
Tại sàn Sendo, hiện đã triển khai áp dụng giải pháp lọc các sản phẩm hàng hóa đang bán trên sàn thông qua hệ thống công nghệ AI; đồng thời có đội ngũ nhân lực lọc thủ công để kiểm tra từng sản phẩm hàng hóa đang bán có chính xác như mô tả, quảng cáo hay không; các thông tin cung cấp có chính xác so với tính chất của sản phẩm đang bán hay không… Cùng với đó, Sendo còn dựa vào những ý kiến, báo cáo, nhận xét đánh giá của khách hàng về chất lượng sản phẩm hàng hóa, cũng như các khiếu nại của khách hàng về sản phẩm để xác minh, thực hiện hoàn tiền cho khách hàng và gỡ sản phẩm khỏi sàn.
Còn với Chợ Tốt, ngay từ khi duyệt tin, sàn áp dụng các biện pháp công nghệ để chặn, loại bỏ các tin liên quan đến hàng nhái, lừa đảo trên hệ thống và đảm bảo môi trường mua bán minh bạch. Sàn Chợ Tốt cho biết, tất cả những tin đăng bán sản phẩm không chính hãng với thông tin như hàng Replica, hàng rep 1:1, hàng F1, hàng fake cao cấp… đều được loại bỏ trong khâu duyệt tin. Ngoài ra, Chợ Tốt phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội chống hàng giả quốc tế (REACT) trong công tác chống hàng giả, thực thi quyền sở hữu trí tuệ, thường xuyên cập nhật thông tin hệ thống, nhanh chóng phát hiện, loại bỏ những tin sản phẩm hàng giả, hàng kém chất lượng…
Tại sàn Lazada, trang này đang thực hiện việc kiểm tra và rà soát liên tục. Khi phát hiện hoặc nhận được cảnh báo liên quan tới hàng giả, hàng kém chất lượng sẽ xử phạt từ đình chỉ đến đóng cửa vĩnh viễn gian hàng…
Bên cạnh sự nỗ lực của chủ các sàn TMĐT, các cơ quan chức năng cũng đang triển khai và áp dụng nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn và xử lý nghiêm những trường hợp bán hàng kém chất lượng tràn lan trên nền tảng TMĐT, đặc biệt là tình trạng hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng buôn lậu trên mạng xã hội như Zalo, Facebook, Tiktok... Hiện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đang phối hợp với Tổng cục Quản lý thị trường xây dựng“Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử giai đoạn 2021-2025” với nhiều nội dung và giải pháp đồng bộ, có sự vào cuộc của nhiều đơn vị chức năng liên quan như: Bộ Công Thương, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng (lực lượng biên phòng), Ngân hàng Nhà nước, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính (Hải quan, Thuế)... trong đó hướng đến các giải pháp tổng thể, toàn diện.
Tại Nghị định số 85/2021/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 25/9/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về hoạt động TMĐT cũng đã bổ sung những điều khoản quy định ràng buộc chặt chẽ hơn đối với những doanh nghiệp đang kinh doanh thông qua sàn TMĐT. Trong đó, Nghị định đã bổ sung một số các quy định mới về thông tin hàng hóa phải công khai trên website TMĐT; tăng cường trách nhiệm của chủ sở hữu các sàn giao dịch TMĐT trong quản lý hoạt động TMĐT trên sàn; quản lý người bán nước ngoài trên sàn giao dịch TMĐT tại Việt Nam... Những quy định mới tại Nghị định này kỳ vọng giúp cho công tác chống hàng giả có căn cứ và hiệu quả minh bạch. Hoặc Nghị định số 17/2022/ NĐ-CP, trong đó bổ sung nhiều chế tài xử lý đối với hành vi vi phạm liên quan tới hoạt động TMĐT quy định trong Nghị định 98/2020-NĐ-CP.
Có thể thấy, TMĐT - phương thức kinh doanh mới hiện đại bên cạnh phương thức kinh doanh truyền thống cần phải khuyến khích phát triển, chính vì vậy, vấn đề cuối cùng là phải kiểm soát được nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa, hàng hóa được sản xuất làm giả ngay tại Việt Nam hay nhập khẩu qua các cửa khẩu, hoặc nhập lậu theo đường tiểu ngạch… Do đó, để giải quyết hiệu quả và triệt để vấn nạn hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng trên thị trường nói chung và trên TMĐT nói riêng cần sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cơ quan như công an, bộ đội biên phòng, hải quan, thông tin và truyền thông cùng các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành (đối với từng nhóm mặt hàng) để kiểm soát hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ngay tại các cơ sở sản xuất trong nước và tại các cửa khẩu.
Thời gian tới, để nâng cao hiệu quả ngăn chặn hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng trên nền tảng TMĐT, một số giải pháp được đề xuất đó là:
Về phía các cơ quan chức năng, cần phát triển và triển khai ứng dụng liên quan đến công nghệ để có thể định danh một chủ thể khi tham gia bán hàng trên sàn TMĐT. Từ đó, từng bước kiểm soát, ngăn chặn xử lý kịp thời những đối tượng kinh doanh hàng nhái, hàng giả trên các sàn TMĐT.
Cần thường xuyên kiểm tra các trang mạng, các sàn TMĐT, các tài khoản xã hội hay cho hành vi đăng bán các sản phẩm chưa rõ nguồn gốc, sản phẩm kém chất lượng… qua đó, kết hợp biện pháp xử phạt với công bố rộng rãi trên các phương tiện truyền thông để nhiều người tiêu dùng biết đến.
Triển khai các nền tảng công nghệ đảm bảo an toàn giao dịch trên sàn TMĐT. Đẩy mạnh phối hợp giữa các sàn TMĐT, cơ quan chức năng liên quan, các trung tâm thanh toán để giải quyết bài toán hạn chế tỷ lệ lừa đảo, giúp môi trường TMĐT minh bạch và an toàn hiệu quả hơn. Ngoài ra, cần đào tạo và nâng cao trình độ công nghệ đối với các lực lượng quản lý thị trường.
Bên cạnh sự vào cuộc và nỗ lực của các cơ quan quản lý, lực lượng chức năng, bản thân các chủ sàn TMĐT cần tự nâng cao trách nhiệm. Các sàn TMĐT phải chịu trách nhiệm trước tình trạng hàng giả, hàng nhái và tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng. Theo đó, để kiểm soát hàng giả, hàng nhái trên TMĐT, các sàn cần chủ động nâng cao chất lượng kiểm soát hàng đăng bán trên sàn; đồng thời có sự hợp tác, phối hợp với các đơn vị truy xuất nguồn gốc, hoặc các tổ chức tiêu chuẩn chất lượng… để xác minh đúng tiêu chuẩn và nguồn gốc hàng hóa. Đặc biệt, bên cạnh việc nâng cao trách nhiệm của người bán, đối với người mua (người tiêu dùng) nên cung cấp cho họ công cụ, thông tin, kỹ năng tự tìm hiểu, nâng cao hiểu biết về sản phẩm để tránh mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trên TMĐT./.