Thủ tướng thúc tiến độ 25 dự án giao thông trọng điểm

|

Thủ tướng thúc tiến độ 25 dự án giao thông trọng điểm

Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu giảm bớt thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian triển khai, đẩy nhanh tiến độ 25 dự án giao thông trọng điểm.

Chủ trì họp Ban chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia ngày 13/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói không trông chờ, nếu các đơn vị xin ý kiến quá 7 ngày bộ ngành không trả lời thì coi như đồng ý.

Với nhóm dự án chưa phê duyệt nghiên cứu khả thi, Bộ Giao thông Vận tải và tỉnh Thái Bình, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bình Phước hoàn thiện thủ tục chuẩn bị đầu tư. Hồ sơ các dự án cao tốc theo phương thức đối tác công tư (PPP) cần sớm hoàn thiện.

Ba dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2017-2020 gồm Diễn Châu - Bãi Vọt, Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Nghi Sơn - Diễn Châu và cầu Mỹ thuận 2, các nhà thầu thi công ba ca, bốn kíp, tăng nhân lực, thiết bị để đưa vào khai thác trong năm nay. Nhà thầu yếu kém, vi phạm tiến độ hợp đồng sẽ bị xử lý.

Các dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2021-2025 và Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Biên Hòa - Vũng Tàu, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, vành đai 3 TP HCM, vành đai 4 vùng Thủ đô cần hoàn thành bàn giao mặt bằng trong năm nay.

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) hoàn thành lựa chọn nhà thầu gói nhà ga hành khách, khởi công trong tháng 8. Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam đẩy nhanh chọn nhà thầu thi công dự án Bến Lức - Long Thành.


Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì họp Ban chỉ đạo Nhà nước các công trình,
dự án quan trọng quốc gia sáng 13/7. Ảnh: Nhật Bắc

Để gỡ khó nguồn vật liệu xây dựng, Thủ tướng giao Phó thủ tướng Trần Hồng Hà trực tiếp chỉ đạo công việc này. Phó thủ tướng Lê Minh Khái chỉ đạo thanh tra chấp hành quy định liên quan đến các mỏ nguyên vật liệu.

Bộ Tài nguyên và Môi trường tham mưu bổ sung quy định theo hướng các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa được nâng công suất mỏ cát đã cấp phép, đang hoạt động, còn thời hạn khai thác. Quy định này tương tự khai thác mỏ cát tại đồng bằng sông Cửu Long.

Các tỉnh có nguồn vật liệu xây dựng cho cao tốc Bắc Nam lập tổ công tác thỏa thuận giá chuyển nhượng, thuê đất phù hợp với mặt bằng bồi thường của Nhà nước, không để đầu cơ, nâng giá, ép giá. Trong năm nay các mỏ vật liệu phải được khai thác.

Hàng loạt dự án do địa phương làm cơ quan chủ quản như Đồng Đăng - Trà Lĩnh, Hữu Nghị - Chi Lăng, Hòa Bình - Mộc Châu, Gia Nghĩa - Chơn Thành, cần đẩy nhanh khâu chuẩn bị đầu tư.

Hà Nội, TP HCM giải quyết dứt điểm các vấn đề liên quan dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội và Bến Thành - Suối Tiên. "Hai thành phố chuẩn bị triển khai dự án khác với tinh thần quyết liệt hơn nữa", Thủ tướng nêu.

Tỉnh Đồng Nai bổ sung nhân sự đẩy nhanh giải phóng mặt bằng cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và vành đai 3 TP HCM, tuyến kết nối sân bay Long Thành. Trong tháng 8, tỉnh hoàn thành giải phóng mặt bằng dự án Tân Vạn - Nhơn Trạch để thi công sau đó một tháng.

"Đơn vị tư vấn, nhà thầu phát huy trách nhiệm hơn nữa, trên tinh thần công khai, minh bạch, vừa làm vừa sáng tạo, đa dạng hơn các nhà tư vấn dự án trên cơ sở cạnh tranh lành mạnh. Các dự án không chia thành gói thầu quá nhỏ, thông thầu, bán thầu làm manh mún, ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng", Thủ tướng lưu ý.


Thứ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Duy Lâm báo cáo tiến độ các dự án, sáng 13/7. Ảnh: Nhật Bắc

Theo Bộ Giao thông Vận tải, các dự án Bắc Nam giai đoạn hai đã bàn giao 86% mặt bằng. Tuy nhiên, mỏ vật liệu thi công "vẫn là điểm nghẽn lớn". Phần mặt bằng chưa bàn giao tuy không lớn nhưng gây khó khăn khi thi công.

Từ đầu năm đến nay, toàn quốc đã khởi công 1.332 km cao tốc. Dự kiến cuối năm nay, sau khi hoàn thành thêm một số dự án cao tốc Bắc Nam, cả nước sẽ có 1.852 km cao tốc.

Trong tổng số vốn 97.000 tỷ đồng đầu tư các dự án giao thông năm 2023, số đã giải ngân là 38.000 tỷ.

Theo https://vnexpress.net