Dự án sân bay Long Thành: Đồng Nai chưa bàn giao xong mặt bằng giai đoạn 1 như cam kết

|

Theo cam kết của lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai với Phó Thủ tướng Lê Văn Thành là sẽ bàn giao toàn bộ mặt bằng dự án xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1 trong tháng 5-2022, tiến độ trên đã không thực hiện được. \r\n

Các bên thống nhất bàn giao trên thực địa

UBND huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai) cho biết, đến nay địa phương đã bàn giao 2.378ha/2.532ha, đạt gần 94% diện tích đất cần bàn giao để phục vụ giai đoạn 1 của dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (sân bay Long Thành).

Tuy nhiên, theo cam kết của lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai với Phó Thủ tướng Lê Văn Thành là sẽ bàn giao toàn bộ mặt bằng dự án xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1 trong tháng 5-2022, tiến độ trên đã không thực hiện được.

Như vậy, việc Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu tỉnh Đồng Nai phải bàn giao toàn bộ mặt bằng dự án sân bay Long Thành (5.000ha) phục vụ xây dựng sân bay Long Thành trong tháng 6-2022 sẽ rất khó khăn. 

Phần diện tích chưa bàn giao chủ yếu do người dân chưa hoàn thành việc xây dựng nhà tại khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn để chuyển đến nơi ở mới và huyện Long Thành đang phối hợp với Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (ACV) khoanh vùng những khu vực này. Hiện công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư gặp nhiều khó khăn với 643 trường hợp chưa hoàn thành lập phương án bồi thường, hỗ trợ thuộc khu vực ưu tiên 2.532ha và có 537 trường hợp ở các khu vực khác chưa phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ.

Theo tiến độ được Chính phủ đề ra, dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1 phải hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác trong năm 2025. Đến nay có 2 gói thầu thuộc dự án đã được khởi công thực hiện gồm san nền và thoát nước, thi công móng cọc nhà ga hành khách. 

Sáng 31-5, tại TPHCM đã diễn ra Hội thảo “Xóa trắng cao tốc, phát huy lợi thế ĐBSCL”. 

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm thông tin, đã có nhiều công trình cầu lớn đã được xây dựng góp phần kết nối thông suốt đôi bờ sông Tiền, sông Hậu như cầu Mỹ Thuận, cầu Vàm Cống, cầu Cao Lãnh, cầu Cần Thơ, cầu Rạch Miễu. Đường thủy nội địa đã hoàn thành nâng cấp 6 tuyến vận tải thủy chính kết nối TPHCM và Đông Nam bộ với vùng ĐBSCL, nâng cấp giai đoạn 1 kênh Chợ Gạo… Tuy nhiên, ĐBSCL chỉ có đường cao tốc TPHCM - Trung Lương - Mỹ Thuận dài 91km.

ĐBSCL có địa hình bị chia cắt, nền địa chất yếu, bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi biến đổi khí hậu, nước biển dâng nên vốn đầu tư xây dựng lớn, cao gấp 1,3 - 1,5 lần so khu vực khác nên khó kêu gọi xã hội hóa. Do đó, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm đề nghị, ngoài ngân sách trung ương, huy động nguồn lực xã hội, các địa phương có tuyến cao tốc đi qua cần ưu tiên, phân bổ ngân sách địa phương cho xây đường cao tốc.

Sắp tới, nhiều dự án xây dựng giao thông lớn, dự kiến triển khai cùng một thời điểm sẽ dẫn đến nhu cầu về vật liệu xây dựng rất lớn nên rất cần các địa phương tạo điều kiện về nguồn vật liệu, đặc biệt là đất và cát đắp nền đường. Bên cạnh đó, trong công tác giải phóng mặt bằng, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ, đồng thuận của người dân tại mỗi địa phương. 

Theo quy hoạch, đến năm 2050 hệ thống đường bộ cao tốc vùng ĐBSCL vào khoảng 1.180km, trong đó đến năm 2030 có khoảng 760km và sau năm 2030 tiếp tục đầu tư thêm khoảng 420km.