Chủ tịch UBND TPHCM: Cố gắng không tăng tổng mức đầu tư Dự án đường Vành đai 3 TPHCM

|

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh, cố gắng để không tăng tổng mức, trong trường hợp phải tăng thì ngân sách địa phương lo, điều này đã được các địa phương cam kết.

Sáng 6-6, sau khi nghe Chính phủ trình, Quốc hội đã thảo luận ở tổ về chủ trương đầu tư: Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; Dự án đường Vành đai 3 TPHCM; Chủ trương đầu tư các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1); Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1); Biên Hòa – Vũng Tàu (giai đoạn 1).

Dự án đường Vành đai 3 TPHCM
Các ĐBQH tán thành với sự cần thiết đầu tư dự án xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội và đường Vành đai 3 TPHCM và cho rằng, 2 dự án này có vai trò liên kết vùng, thúc đẩy phát triển đô thị hóa, có ý nghĩa rất lớn đối với việc phát triển kinh tế - xã hội. 2 dự án cũng được dự kiến đầu tư xây dựng trong giai đoạn 2011 – 2020 nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhất là sự hạn chế về nguồn lực nên chưa có điều kiện để triển khai. Đến nay, các điều kiện về cơ sở pháp lý, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, nhu cầu thực tiễn và nguồn lực cơ bản đáp ứng yêu cầu, do vậy, việc triển khai thực hiện dự án trong giai đoạn 2021 – 2025 là hợp lý và cần thiết.

Phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề về dự án Vành đai 3 TPHCM, đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, dự án đã được quy hoạch hơn 10 năm nay, người dân đang rất chờ đợi.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu. Ảnh: QUANG PHÚC

Về việc chọn phương thức đầu tư là đầu tư công, điểm lại quá trình chuẩn bị dự án, đồng chí Phan Văn Mãi cho biết đến năm 2021, Thủ tướng giao TPHCM làm đầu mối để tiếp nhận hồ sơ nghiên cứu trước đó của Bộ GTVT và tổ tư vấn. Lúc đầu đặt vấn đề nghiên cứu là đầu tư theo phương thức PPP, nhưng qua nghiên cứu thấy không khả thi vì đóng góp của ngân sách Nhà nước trong phương án PPP thì phải đến 82%, trong khi theo quy định là không quá 50%. Ngay cả khi vốn Nhà nước chiếm 82% thì thời gian thu hồi vốn là 28 năm, quá dài, không hấp dẫn các nhà đầu tư. Do đó, UBND TPHCM báo cáo Bộ GTVT, Bộ KH-ĐT và sau đó Chính phủ quyết định trình Quốc hội đầu tư theo phương thức đầu tư công.

Giải thích thêm về khâu giải phóng mặt bằng (GPMB), Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, từ quy hoạch năm 2011 cho đến năm 2021, khi quy hoạch mạng lưới giao thông thì đã quy hoạch đường Vành đai 3 TPHCM là đường cao tốc đô thị, có 8 làn xe, có đường song hành gồm 2 làn xe. Khi xây dựng hồ sơ dự án lần này thì xác định giai đoạn 1 có 4 làn xe và hệ thống đường song hành ở những nơi cần thiết.

Một số ý kiến cho rằng sao không GPMB chỉ 4 làn xe. Nhưng bằng kinh nghiệm ở các dự án giao thông thì nếu không GPMB cho quy mô hoàn thiện thì sau này mở ra 6, 8 làn xe sẽ khó khăn, chi phí lớn, kéo dài, do đó cần GPMB một lượt cho quy mô toàn dự án là cần thiết, dù lúc này có tăng chi phí GPMB nhưng tính trong tổng thế sẽ là rẻ, hiệu quả tính cho toàn bộ dự án.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trong chuyến khảo sát dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Một số ý kiến cho rằng không cần thiết có đường song hành, đã cao tốc thì không cần song hành. Một số ý kiến cũng cho rằng, đường song hành giống nhưng đường đô thị nên của địa phương nào thì địa phương đó đầu tư. Theo Chủ tịch UBND TPHCM, giai đoạn 1, đối với đường cao tốc chỉ 4 làn xe, có đường song hành 2 làn xe và cũng chỉ qua đoạn đô thị, khu đông dân mới có đường song hành, tức là đường song hành chỉ có ở những nơi cần thiết. Dự án tuân thủ tiêu chuẩn kỹ thuật Việt Nam. Đường Vành đai 3 là đường cao tốc đô thị có phần cao tốc và đường song hành, đã được quy định trong quy hoạch mạng lưới đô thị. Dự án này là đầu tư công, do đó cũng không tách đường song hành để địa phương đầu tư riêng.
>>> Clip đường Vành đai 3 TPHCM đoạn qua Mỹ Phước - Tân Vạn: 

Về tổng mức đầu tư, một số ý kiến cho rằng là cao, nhưng Chủ tịch UBND TPHCM cho hay, dự án này có quy hoạch từ năm 2011, gần như hành lang của Vành đai 3 hiện nay đã đô thị hóa và công nghiệp dày, do đó mật độ dân cư đông, đất đô thị nhiều, nên chi phí GPMB lớn hơn rất nhiều so với các địa bàn khác, đặc biệt là địa bàn chỉ có đất nông nghiệp.

Căn cứ theo các định mức kỹ thuật của Bộ Xây dựng nên tính rất sát. Ở đây có các nút giao. Trong quá trình rà soát cho đến khi trình ra Quốc hội, thì đã rà soát từ lúc tổng mức ban đầu dự kiến là trên 85.000 tỷ đồng, sau khi rà soát ở khâu GPMB, khối lượng xây lắp, các nút giao… và đã giảm được khoảng 10.000 tỷ đồng, đã rà soát kỹ. Trong quá trình làm báo cáo khả thi sẽ tiếp tục rà soát.

ĐB Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM và ĐB Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM. Ảnh: QUANG PHÚC
Về vốn, ngân sách Trung ương và địa phương 50%-50%; riêng Long An, Trung ương 75%, tỉnh 25%. Đến thời điểm này, dù ngân sách Trung ương hay địa phương cũng là ngân sách, ở đây là sự chia sẻ, hỗ trợ giữa Trung ương và địa phương. Về vốn của địa phương thì HĐND các địa phương đã thông qua, các địa phương cố gắng cân đối để bảo đảm đủ vốn, tiến độ giải ngân từng năm. Nếu như trong thời gian thực hiện dự án mà tăng tổng mức đầu tư thì ngân sách địa phương lo. “Cố gắng để không tăng tổng mức, trong trường hợp phải tăng thì ngân sách địa phương lo, điều này đã được các địa phương cam kết”, Chủ tịch UBND TPHCM nhấn mạnh.

Khi trình dự án này, Chính phủ đề nghị được xem xét, quyết định việc chỉ định thầu trong quá trình triển khai thực hiện dự án đối với các gói thầu tư vấn, các gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, các gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư và áp dụng trong 2 năm (2022-2023). Trong thời gian thực hiện dự án nếu có phát sinh công việc chỉ định thầu, Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định kéo dài thời gian áp dụng cơ chế này… Trong thẩm tra, Ủy ban Kinh tế đề nghị chỉ áp dụng các cơ chế này trong 2 năm 2022 và 2023.

Bản đồ dự án đường Vành đai 3 TPHCM đoạn Mỹ Phước - Tân Vạn
Tuy nhiên, theo đồng chí Phan Văn Mãi, chúng ta cố gắng làm trong 2 năm, nhưng vì lý do nào đó mà vượt quá 2 năm thì lúc đó sẽ phải trình lại Quốc hội, sẽ phát sinh khó khăn. Do đó, đề nghị được như trong tờ trình Chính phủ, đó là được chỉ định thầu trong quá trình triển khai thực hiện dự án đối với các gói thầu tư vấn, các gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, các gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư và áp dụng trong toàn bộ thời gian triển khai dự án…

ĐB Nguyễn Thiện Nhân (TPHCM), nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM cho biết, dự án đã quy hoạch lâu, nhưng vì chưa bố trí được ngân sách nên chưa triển khai được. Dự án này theo nguyên tắc Trung ương và địa phương cùng làm, đây là điểm mới, đột phá đầu tiên trong cả nước. Tức là công thức: dự án thẩm quyền quốc gia quyết, nhưng quốc gia và địa phương cùng chi, như thế sẽ nhanh hơn, vì GPMB phải do địa phương làm mới nhanh. “Dự án phối hợp ngân sách này là việc mới, nhưng làm tốt thì sẽ nhân rộng được”, ĐB Nguyễn Thiện Nhân phát biểu. 

Chính phủ trình Quốc hội chủ trương đầu tư đường Vành đai 4 vùng Thủ đô và Vành đai 3 TPHCM ​

Đường Vành đai 3 TPHCM: Động lực mới cho Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tăng tốc