Vụ gần 300 chuyến xe khách “mất tích”: Tăng cường kiểm tra, phạt nguội xe vi phạm

|

Liên quan việc gần 300 chuyến xe khách “mất tích” khi chuyển từ Bến xe Miền Đông (BXMĐ) cũ sang BXMĐ mới, chiều tối 28-10, Sở GTVT TPHCM đã tổ chức họp báo cung cấp thông tin và đưa một số giải pháp nhằm chấn chỉnh tình trạng “xe dù, bến cóc” hoạt động trên địa bàn.
\r\n

Hai xe đón khách dọc đường Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh, TPHCM) dù có biển cấm (ảnh chụp ngày 26-10)

Khoảng 140 chuyến không hoạt động

 Phát biểu tại cuộc họp, ông Võ Khánh Hưng, Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM, thông tin, ngay sau khi BXMĐ mới có văn bản báo cáo về việc có 300 chuyến xe “mất tích”, sở đã chỉ đạo các phòng chuyên môn kiểm tra thực tế. Qua kiểm tra đối chiếu, có 159 chuyến xe được các nhà xe chuyển về các bến xe: An Sương, Ngã tư Ga, Miền Tây; khoảng 140 chuyến không hoạt động, có thể do nhà xe đã chủ động chuyển sang kinh doanh theo hình thức khác như hợp đồng, du lịch..., không loại trừ khả năng “chạy dù” tại các “bến cóc”…

Từ sau khi di dời các xe ra BXMĐ mới thì tình trạng “xe dù, bến cóc” xuất hiện nhiều hơn. Trước thực trạng đó, sở đã chỉ đạo thanh tra giao thông tăng cường 3 đội tuần tra, kiểm soát. Ngoài ra, sở đã tăng cường camera ghi hình tại các khu vực thường xuyên có “xe dù” hoạt động để có cơ sở xử phạt nguội nhằm vừa lập lại trật tự cũng như đảm bảo an toàn giao thông trong dịp cuối năm. 

Sở GTVT cho rằng, xử lý nạn “xe dù, bến cóc” cần sự phối hợp liên ngành. Cụ thể, cây xăng đang gián tiếp cho “xe dù” vào rước khách thì Sở Công thương cần vào cuộc xử lý quyết liệt, nếu cần rút giấy phép hoạt động. Với các bãi xe đón, trả khách không đúng quy định ở địa phương nào thì UBND các quận, huyện đó cần xử lý kiên quyết. 

Các tuyến xe hoạt động tại Bến xe Miền Đông mới. Ảnh: THANH HẢI

Doanh nghiệp mong muốn được chia sẻ khó khăn

Trao đổi với PV Báo SGGP, các doanh nghiệp vận tải nêu khá nhiều khó khăn, vướng mắc. Ông Phan Quốc Cường, Giám đốc Doanh nghiệp vận tải Xuân Phúc (chạy tuyến TPHCM - Bình Định), cho biết, doanh nghiệp có 6 xe hoạt động ở BXMĐ và BXMT. Nhiều năm nay, hành khách chỉ cần đặt vé qua tổng đài của doanh nghiệp, đến bến xuất vé rồi đi. Nhưng khi di dời ra BXMĐ mới, hành khách ngại đi xa, tốn thêm chi phí vận chuyển, trong khi doanh nghiệp không có xe trung chuyển nên dần vắng khách. Hiện chi phí lưu đậu trong bến khoảng 500.000 đồng/lần, rồi tiền dầu, tài xế, tiếp viên, hao mòn nên doanh nghiệp chuyển sang chạy hợp đồng để cầm cự. Trong khi đó, nhiều khách quen than phiền, tiền đi taxi ra BXMĐ mới còn hơn tiền vé về Bình Định. Chưa kể, hành khách còn phải tốn thêm thời gian di chuyển, nếu kẹt xe càng khổ sở. Hiện tại, doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động tại BXMĐ mới do hành khách quá ít.

Theo một số doanh nghiệp đang hoạt động tại BXMĐ mới, lượng hành khách đặt vé giảm 50% so với trước kia. Hiện nhiều doanh nghiệp đang cầm cự hoạt động nhưng nếu tình hình không cải thiện sẽ… ra ngoài chạy hợp đồng. 

Trước thực trạng này, Tổng Công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn (Samco) - chủ đầu tư BXMĐ mới - cho biết đã đề nghị Sở GTVT xem xét, kiến nghị Bộ GTVT cho đơn vị được thí điểm thực hiện phương án kết hợp với một đơn vị vận tải tổ chức trung chuyển hành khách từ các khu vực trung tâm đến BXMĐ mới và ngược lại. Theo đó, giai đoạn đầu thí điểm thực hiện ở các tuyến xuyên tâm chính vào trung tâm thành phố. Giai đoạn sau năm 2025 sẽ hoàn thiện mạng lưới trên cơ sở phát triển các tuyến trung tâm và các tuyến kết nối bến xe với các khu vực còn lại. BXMĐ mới sẽ ký hợp đồng với các doanh nghiệp vận tải có nhu cầu trung chuyển để thực hiện trung chuyển hành khách ra bến xe.

Theo Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM Võ Khánh Hưng, để khách tới BXMĐ mới, ở góc độ quản lý ngành, sở đã chỉ đạo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TPHCM điều chỉnh thêm các tuyến xe buýt đi vào BXMĐ mới để phục vụ người dân có nhu cầu tới đây. Bên cạnh đó, sở cũng yêu cầu Samco mở thêm các tuyến xe trung chuyển từ trung tâm thành phố đến BXMĐ mới và ngược lại. Hiện nay, sở tạm thời không cho các đơn vị vận tải tăng chuyến, đăng ký tuyến mới hoặc chuyển đổi sang các bến xe khác.