Ba phương án hướng tuyến xây dựng Vành Đai 4 TPHCM

|

Sở GTVT TPHCM vừa trình UBND TPHCM các phương án của Dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 TPHCM đoạn cầu qua sông Sài Gòn - kênh Thầy Cai (gồm cầu vượt sông Sài Gòn và kênh Thầy Cai) theo phương thức đối tác công tư (PPP).\r\n

Theo Sở GTVT, Vành đai 4 có điểm đầu tuyến tại Km40 đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; điểm cuối tuyến nối với trục Bắc - Nam tại khu vực cảng Hiệp Phước (TPHCM).

Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 TPHCM được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có tổng chiều dài 197,6 km đi qua địa bàn các địa phương: Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, TPHCM và Long An.
Theo quyết định được phê duyệt, đường Vành đai 4 TPHCM có vận tốc thiết kế 100 km/giờ, quy mô mặt cắt ngang 6 - 8 làn xe cao tốc, có đường song hành hai bên và các hành lang để bố trí cây xanh, các công trình hạ tầng kỹ thuật, dự trữ mở rộng.

Sau khi làm việc với các địa phương, Sở GTVT TPHCM đã chủ trì, phối hợp Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông và các đơn vị liên quan nghiên cứu sơ bộ các phương án tuyến mới để giảm khối lượng và chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, giảm chi phí đầu tư. Theo đó sẽ có 3 phương án, cụ thể:

Phương án 1 sẽ có hướng tuyến cơ bản trùng với hướng tuyến quy hoạch đường Vành đai 4 TPHCM, khoảng 50% đoạn tuyến đi trùng đường hiện hữu. Diện tích cần giải phóng mặt bằng (GPMB) ít nhất, nhưng số hộ di dời nhiều, chi phí GPMB cao nhất so với các phương án khác; Kết nối giao thông Hương lộ 2 giao cắt với Vành đai 4 và Cao tốc TPHCM - Mộc Bài gần nhau; xây dựng 2 cầu quá gần, khu dân cư giữa 3 đường nên tiếp cận khó; Kết nối đường giao thông khu vực vào 2 tuyến cao tốc khó.

Phương án 2 cơ bản tránh các đường hiện hữu; Số hộ di dời ít, chi phí GPMB giảm; không ảnh hưởng kết nối giao thông khu vực.

Phương án 3 có tuyến tránh xa các đường hiện hữu; Số hộ di dời ít nhất, chi phí GPMB thấp nhất; có thể kết nối đường khu vực vào 2 tuyến cao tốc.

Qua rà soát hiện trạng, các đồ án quy hoạch liên quan tại khu vực, Sở GTVT phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, UBND huyện Củ Chi và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông nghiên cứu thêm các phương án hướng tuyến mới để giảm khối lượng và chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, rút ngắn thời gian thực hiện dự án, giảm chi phí đầu tư dự án, giảm thiểu ảnh hưởng đến cuộc sống ổn định của người dân tại khu vực;

Đồng thời nghiên cứu, xây dựng các phương án nút giao trên tuyến, đảm bảo kết nối giao thông đồng bộ với cao tốc TPHCM - Mộc Bài, tuyến đường sắt Quốc Gia và hệ thống giao thông khu vực.

Sở GTVT sẽ trình UBND TPHCM chấp thuận chủ trương nghiên cứu một số phương án tuyến nhằm giảm khối lượng và chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, giảm chi phí đầu tư và tăng hiệu quả đầu tư dự án.

Bên cạnh đó, UBND TPHCM chấp thuận phạm vi dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 4. Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc, UBND huyện Củ Chi rà soát, thống nhất hướng tuyến, các nút giao trên tuyến để tổng hợp, tham mưu văn bản để UBND Thành phố xin ý kiến của Bộ GTVT. Trên cơ sở phương án tuyến được Bộ GTVT thống nhất, giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc tham mưu UBND  Thành phố báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận điều chỉnh cục bộ quy hoạch hướng tuyến Vành đai 4 và cập nhật vào đồ án quy hoạch chung của Thành phố và các đồ án quy hoạch có liên quan trên địa bàn huyện Củ Chi để triển khai các bước tiếp theo của dự án.