Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng: Chờ tháo gỡ vướng mắc về vốn

|

Những ngày qua, mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền cùng triều cường dâng cao khiến nhiều tuyến đường (đặc biệt là những đoạn đường ven kênh rạch trên địa bàn các quận 7, 8, TP Thủ Đức và các huyện vùng ven như huyện Bình Chánh, Nhà Bè…) ngập sâu, phương tiện giao thông di chuyển khó khăn, cuộc sống người dân đảo lộn. Tuy nhiên, dự án chống ngập mà người dân kỳ vọng vẫn đang nằm im do thiếu vốn.

Công trình bỏ hoang

Bên cạnh những dự án chống ngập vừa, nhỏ, người dân thành phố kỳ vọng nhiều nhất vào dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng. Đó là dự án chống ngập khu vực TPHCM do Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Nam (Công ty Trung Nam) làm chủ đầu tư theo hợp đồng xây dựng - chuyển giao (hợp đồng BT), khởi công từ giữa năm 2016. Mục tiêu của dự án là kiểm soát ngập do triều cường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho khu vực rộng 570km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu vực bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm TPHCM. Dự án hoàn thành sẽ giúp TPHCM chủ động điều tiết, hạ thấp mực nước trong các kênh rạch nhằm cải thiện khả năng tiêu thoát nước đô thị.

Theo ghi nhận của PV, những ngày qua tại công trường thi công các cống chính ngăn triều, cảnh tượng rất tiêu điều, không một bóng người, chỉ có những khối bê tông sắt thép nằm phơi nắng, phơi mưa. Hiện chỉ có một số nhân viên bảo vệ trông coi ở đây. Một cán bộ của Công ty Trung Nam cho biết, cống Mương Chuối đã thi công đạt 93% khối lượng nhưng đang phải “đắp chiếu” nằm chờ vốn.

Tương tự, cống Bến Nghé đạt 97%, cống Tân Thuận đạt 93%, cống Phú Xuân đạt 90%, cống Cây Khô đạt 86%, cống Phú Định đạt 88%, tuyến đê bao đạt 85% khối lượng nhưng phải ngừng thi công mấy năm nay vì thiếu vốn. Hơn 3 năm qua, hầu hết công nhân, kỹ sư thi công dự án đã nghỉ việc.

Cống Bến Nghé đã gần hoàn thiện, vẫn chưa đưa vào vận hành

Theo hợp đồng BT đã ký kết giữa UBND TPHCM và Công ty Trung Nam, để khắc phục tình trạng ngập do triều cường, nhà đầu tư sẽ xây dựng 6 cống kiểm soát triều lớn, rộng từ 40-160m, cao trình đáy cống từ -3,6m đến -10m và xây dựng đoạn đê bao ven sông Sài Gòn, đoạn từ Vàm Thuật đến sông Kinh giai đoạn 1 (gồm 6km đê/kè và 43 cống nhỏ). Thế nhưng, dự án tạm dừng 3 lần trong 7 năm qua. Đại diện chủ đầu tư cho biết, với khối lượng công việc còn lại, nếu được giải ngân, thi công trở lại, dự án mất khoảng 9-11 tháng để hoàn thành.

“Ở nhiều tuyến đường, cứ khi mưa gặp lúc triều cường dâng cao là chìm trong biển nước. Người dân bì bõm mưu sinh trong khi dự án chống ngập thì vẫn án binh bất động dù sắp hoàn thành. Thật đáng buồn”, ông Trần Thanh Quang (ngụ đường Phú Định, quận 8) bày tỏ.

Cần thêm 1.800 tỷ đồng để hoàn thiện dự án

Vướng mắc chính trong việc dự án ngừng thi công là việc thanh toán để có thể tiếp tục giải ngân cho nhà đầu tư. Để hoàn thiện dự án, nhà đầu tư cần vay thêm khoảng 1.800 tỷ đồng từ Ngân hàng BIDV, nhưng Ngân hàng BIDV chưa duyệt vì dự án chưa bảo đảm nguyên tắc an toàn về tài chính.

Về việc này, UBND TPHCM đã kiến nghị Thủ tướng 2 cơ chế liên quan đến thanh quyết toán dự án. Cơ chế thứ 1, TPHCM được thanh toán cho nhà đầu tư khối lượng công việc đã hoàn thành đồng thời bằng quỹ đất và bằng tiền, phù hợp với lịch thanh toán đã thỏa thuận.

Đối với phần thanh toán bằng tiền, TPHCM đề xuất Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn Ngân hàng BIDV chưa thu nợ ngay mà tạo điều kiện cho nhà đầu tư tiếp tục thi công hoàn thiện dự án. TPHCM và nhà đầu tư sẽ tổ chức nghiệm thu, thanh toán phần còn lại theo đúng thỏa thuận hợp đồng BT, phụ lục hợp đồng BT đã ký kết.

Cơ chế thứ 2, TPHCM kiến nghị Thủ tướng cho phép Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TPHCM (HFIC) nhận ủy thác cho vay để tiếp tục thi công dự án từ nguồn ngân sách thành phố. Theo đó, UBND TPHCM sẽ ủy thác ngân sách thành phố khoảng 1.800 tỷ đồng cho HFIC để cho nhà đầu tư vay hoàn thành công trình.

Qua phân tích ưu và nhược điểm của hai cơ chế, UBND TPHCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận cơ chế thứ hai do có nhiều thuận lợi hơn trong việc triển khai.

Nếu chọn cơ chế này, TPHCM cần hướng dẫn của Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan. UBND TPHCM đảm bảo nguồn vốn ủy thác cho Công ty Trung Nam vay sẽ được sử dụng đúng mục đích, hiệu quả, sớm triển khai thi công hoàn thiện dự án để nghiệm thu, đưa công trình vào khai thác.

Từ kiến nghị của UBND TPHCM, Văn phòng Chính phủ vừa lấy ý kiến 4 bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, NN-PTNT, Xây dựng, và Ngân hàng Nhà nước về cơ chế gỡ vướng cho dự án này, trước khi báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định.