Tìm việc làm phù hợp cho người cao tuổi

|

Cả nước hiện có hơn 16 triệu người cao tuổi (NCT) nhưng chỉ 1/3 trong số đó là được hưởng lương hưu hoặc trợ cấp xã hội hằng tháng. Hiện tại, nhiều NCT vẫn còn khả năng và có nhu cầu lao động. Trong bối cảnh Việt Nam có tốc độ già hóa dân số thuộc loại nhanh nhất thế giới thì cần thay đổi chính sách việc làm cho người cao tuổi.

1/Theo thống kê của ngành Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) khoảng 70% NCT Việt Nam sống tại khu vực nông thôn và làm nông nghiệp. Tại đô thị, đồng ruộng không còn, nhiều NCT không có lương hưu phải làm thêm nhiều nghề khác nhau để có thêm tiền sinh hoạt.

Dù có con cháu nhưng vợ chồng bà Nguyễn Thị Lê (xã An Lão, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam) vẫn ở riêng. Các con cũng không khá giả nên mọi chi phí ông bà phải tự lo, con trai ở gần đó chỉ hỗ trợ gạo ăn. Thu nhập từ ruộng vườn không đều đặn nên cuộc sống tương đối khó khăn. Anh Nguyễn Duy Nghĩa, con trai bà Lê cho biết: “Bố mẹ tôi ở riêng, nấu ăn riêng và có gì ăn nấy. Thu nhập của ông bà hiện chủ yếu phục vụ mua thuốc chữa bệnh nên rất tằn tiện! Tôi đi làm ở khu công nghiệp, lương chỉ đủ chi tiêu trong gia đình nhỏ nên hằng tháng, các con chỉ hỗ trợ bố mẹ chút ít!”.

Tại xã An Lão, gia đình toàn NCT chiếm phần lớn trong các hộ nghèo. Do không có tích lũy vật chất nên chỉ khi 80 tuổi trở lên mới được nhận trợ cấp NCT nên nhiều NCT vẫn phải tự kiếm sống. Nhiều NCT cũng nỗ lực để tiết kiệm, tích lũy cho tuổi già nhưng hầu hết số tiền đó phải chi trả khám, chữa bệnh và chi cho con cháu.

Thực tế cũng cho thấy, NCT hiện nay chủ yếu làm việc ở khu vực phi chính thức và chủ yếu là lao động đơn giản nhưng trong thực tế có nhiều NCT đặc biệt trong độ tuổi từ 60-75 tuổi vẫn còn có sức khỏe, có năng lực làm việc tốt, có kinh nghiệm, có nhiều khả năng đóng góp, cống hiến cho cộng đồng và xã hội. Dù đã ngoài 70 tuổi song hai vợ chồng bà Vũ Thị Bình ở huyện Kim Sơn, Ninh Bình vẫn vừa phụ chăm cháu, vẫn tăng gia sản xuất. Thời gian nông nhàn, ông bà lại tranh thủ làm hàng gia công tại nhà. Bà Bình chia sẻ: “Chúng tôi có việc làm ngay tại gia đình là rất thuận lợi, không phải ra nắng ra mưa mà vẫn có thu nhập, vẫn trông được cháu tại nhà”. Vượt qua rào cản về tuổi tác, mỗi ngày với ông Đoàn Văn Lan, Giám đốc Công ty TNHH Đổi mới (huyện Kim Sơn, Ninh Bình) là một chuỗi bận rộn. Từ tổ hợp sản xuất cói, đến nay là công ty do ông thành lập đã tạo việc làm cho hàng trăm lao động cao tuổi trên địa bàn với mức thu nhập từ 3-6 triệu đồng. Lao động phù hợp sẽ giúp NCT phát huy được kinh nghiệm, kiên trì và dẻo dai đồng thời tạo ra được nguồn thu nhập ổn định. Ông Lan cho biết: “Những người đã hết tuổi lao động, nhất là lao động ở nông thôn vốn không có nguồn thu nhập nào, làm đồng áng cũng không được thì với nghề thủ công này, họ có thu nhập ngày hơn 100 nghìn đồng. Điều đó giúp họ tự tin và mang lại hạnh phúc”.

2/Ông Nguyễn Ngọc Toản, Phó Cục trưởng Bảo trợ Xã hội, Bộ LĐ-TB&XH cho biết: “Việc làm và thu nhập của NCT là một trong các yếu tố tạo cho một bộ phận NCT có dòng tài chính ổn định nhằm chăm sóc dài hạn khi mà bước vào giai đoạn tuổi già. Chúng ta thấy, một bộ phận NCT không có lương hưu, không có tiền tiết kiệm, không có tích lũy thì họ vẫn cần và có nhu cầu tiếp tục làm việc để có thêm thu nhập”.

Hiện nay, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm xã hội cho người lao động còn thấp, khoảng 40%, trên thực tế NCT chủ yếu được hưởng trợ giúp xã hội từ ngân sách nhà nước chứ không phải hưởng lương hưu. Theo các chuyên gia, điều này dẫn đến tình trạng, nếu họ tham gia thị trường lao động sẽ không được bảo vệ nên các vấn đề liên quan đến bảo hiểm y tế, sức khỏe, tai nạn lao động cần được thay đổi và quan tâm hơn. Đặc biệt, lương hưu cần được thúc đẩy vì đây sẽ là nguồn thay thế dần thu nhập của người lao động khi về già và sức khỏe suy giảm.

Chương trình hành động quốc gia về NCT giai đoạn 2021-2030 đã đặt mục tiêu đến năm 2030, ít nhất 70% NCT có nhu cầu lao động, khả năng sẽ có việc làm. Hiện Bộ LĐ-TB&XH đang phối hợp với T.Ư Hội NCT Việt Nam xây dựng Đề án “Hỗ trợ NCT khởi nghiệp, chuyển đổi số và tạo việc làm”. Với đề án này, một loạt chính sách đặc thù như hỗ trợ đào tạo nghề, chuyển đổi việc làm, vay vốn ưu đãi dành cho NCT được cụ thể hóa thành chương trình hành động.

Theo ông Nguyễn Ngọc Toản, chúng ta cần có những cân nhắc về chính sách hoặc ưu đãi cho các doanh nghiệp (DN) sử dụng lao động NCT như: Thành lập các trung tâm kết nối DN với NCT để nhận NCT vào làm việc; Đào tạo lại kỹ năng cho NCT, giai đoạn này, cần kỹ năng liên quan đến chuyển đổi số; Chống phân biệt tuổi tác tại nơi làm việc; Giảm thuế thu nhập DN đối với DN nhận NCT vào làm việc; Đào tạo và đào tạo lại cho NCT để họ luôn thích ứng khiến DN không bị chậm trong các hoạt động sản xuất.