Người nhập cư tìm đến châu Âu không mới, song thuật ngữ “khủng hoảng di cư” được nhắc nhiều từ tháng 4-2015, thời điểm ít nhất năm con tàu chở hơn 2.000 người di cư chìm ở Địa Trung Hải, khiến hơn 1.200 người chết. Những ánh mắt e dè, tiếng nói kỳ thị mà người di cư vào châu Âu phải hứng chịu không hiếm gặp, nhưng đã dịu bớt kể từ ngày 2-9-2015 khi thi thể cậu bé Syria Aylan Kurdi được phát hiện dạt vào bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ sau chuyến đi không thành tới “miền đất hứa”. Chỉ hai mốc thảm họa ấy cũng có thể phác họa “con đường đau khổ” mà những con người khốn khó, cùng đường phải đánh cược tính mạng trên hành trình tìm cuộc sống mới.
Bức ảnh chụp thi thể Aylan nhỏ bé, nằm úp mặt xuống cát trên bãi biển giống đang say ngủ, như nhát dao cứa sâu vào trái tim những người có lương tri, làm thức tỉnh cả thế giới. Cũng như nhiều em bé Syria, Aylan cùng gia đình chạy trốn khỏi “địa ngục” nơi quê nhà, và chẳng có nhiều lựa chọn khi bước lên con thuyền gỗ mong manh trước những con sóng dữ. Không may mắn như những đứa trẻ khác, Aylan bỏ mạng khi chưa cập bờ.
Cái chết của Aylan chỉ là một trong nhiều bi kịch của những người chạy trốn khói lửa chiến tranh ở Syria. Cậu bé ba tuổi trở thành “hình ảnh đại diện” cho dòng người di cư, cho một thế hệ trẻ em không tuổi thơ, không được đến trường - một “thế hệ mất mát” của Syria.
Báo cáo của UNICEF công bố hồi tháng 3-2015, tròn bốn năm xảy ra nội chiến ở Syria, cảnh báo rằng đất nước này đang đánh mất một thế hệ, khi có gần 15 triệu trẻ em trở thành nạn nhân chiến tranh. Chỉ riêng trong bốn triệu người tị nạn Syria đang sống ở nước láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ, có ít nhất 600 nghìn trẻ ở độ tuổi đến trường; và trong đó, 400 nghìn em không có cơ hội học tập. Và còn bao nhiêu đứa trẻ Syria nữa đang sống trong những khu lều trại tạm bợ và điều kiện vô cùng thiếu thốn ở các nước chung quanh Syria, bao nhiêu đứa trẻ vượt biển thành công, bao nhiêu không thể đặt chân lên “miền đất hứa”?
Rất khó thống kê đầy đủ số người phải rời bỏ quê hương tìm nơi trú ẩn mới, đúng hơn là chạy trốn nỗi thống khổ ở quê nhà. Chỉ ước tính, khoảng hơn 1 triệu người tìm đến châu Âu trong năm 2015, trong khi có gần ba nghìn người bỏ mạng trên hành trình vượt biển. May mắn cập bến châu Âu, những đứa trẻ tị nạn lại hòa dòng người di cư lầm lũi xuyên rừng, chống chọi giá lạnh, vượt rào thép gai, đối đầu lực lượng an ninh, bằng mọi giá tiến sâu vào lòng “lục địa già”. Ngay cả khi được chấp thuận tị nạn, thì “miền đất hứa” cũng không hẳn như những gì họ được hứa hẹn.
Không khó thấy, làn sóng người di cư vào châu Âu ngày một phức tạp bắt nguồn từ chiến tranh, xung đột và bạo lực dữ dội và liên miên ở nhiều vùng đất bên kia Địa Trung Hải. Các sự kiện “cách mạng hoa nhài” hay “mùa xuân Arab” quét qua khu vực Trung Đông, Bắc Phi để lại những quốc gia bị tàn phá, bạo lực và tình trạng vô chính phủ hoành hành. Không ngày nào khu vực này không có người chết vì bom đạn, đánh bom liều chết. Lại thêm sự trỗi dậy của “bóng ma khủng bố” tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS), càng khiến tính mạng và cuộc sống của người dân mong manh hơn bao giờ hết.
Không quá lời khi nói Aylan đại diện cho một “thế hệ mất mát” của Syria. Hình ảnh bé trai người Kurd thức tỉnh cả những quan điểm cứng rắn, những trái tim vô cảm, khiến cánh cửa từng đóng sập ngay trước mắt người di cư lại hé mở; và nhanh chóng tác động chính sách nhập cư của nhiều nước châu Âu. Thế nhưng, chừng đó là chưa đủ, một khi chiến tranh, khủng bố, bạo lực và đói nghèo ở chính những điểm xuất phát dòng người di cư..., và những nguyên nhân góp phần tạo nên tình trạng đó chưa bị loại bỏ.