Sáng, tối showbiz Việt

|

Năm qua thêm một lần nữa đánh dấu sự "bành trướng" của các show truyền hình thực tế mua bản quyền nước ngoài trên sóng truyền hình Việt Nam và tiếp tục ghi nhận sự phân hóa rõ rệt giữa những nhân tố sáng tạo, cống hiến và những màn câu khách, những chiêu trò cũ mới, tây ta đủ cả. Nhưng dù sao, với tất cả những sáng, tối, vui, buồn ấy, showbiz 2014 khá sôi động và có không ít thứ để cười, để mếu, và cả để xúc động.  

Có nhiều cái để nghe, xem, hy vọng

Năm 2014, lần đầu tiên một đêm live show của một ca sĩ dòng thính phòng, với danh mục các bài hát chỉ có nhạc đỏ và nhạc trữ tình "quê hương" đã cháy vé ngay tại khán phòng Cung Văn hóa Hữu nghị. Giọng hát trời cho của ca sĩ Trọng Tấn, sự khổ luyện 20 năm của anh, cùng tình yêu âm nhạc, và sự cổ vũ của khán giả đã làm nên một đêm nhạc đúng nghĩa: không có kỹ xảo sân khấu, không có những màn múa phụ họa, không có cả hình thức bắt mắt của ca sĩ. Chỉ có âm nhạc vang lên. Những bài hát tưởng xưa cũ như: Tiếng đàn bầu, Trên đỉnh Trường Sơn ta hát, Trăng sáng đôi miền, Câu hò bên bờ Hiền Lương... đến những bản tình ca mới, qua giọng hát  của Trọng Tấn đã đưa người nghe vào một thế giới khác, nơi chỉ có tài năng và tình nghệ sĩ tồn tại. Hai triệu 500 nghìn đồng một vé VIP trong thời buổi kinh tế khó khăn, cũng là một con số tham chiếu để nói về sức thu hút của "Hoàng tử nhạc đỏ".

Một chân trời khác, ở một phương diện khác, thu hút đối tượng công chúng khác, rộng hơn và trẻ hơn, cũng đã được mở ra trong những ngày mùa thu ở Hà Nội: Lễ hội Âm nhạc quốc tế  Gió Mùa lần đầu được tổ chức tại một địa điểm cổ kính nhưng cũng hết sức mới mẻ: Hoàng Thành Thăng Long.

Là người tiên phong của dòng nhạc trẻ Việt Nam, từ 20 năm nay, Quốc Trung làm cái gì cũng mới, hoặc làm mới cái rất cũ. Festival Gió Mùa năm 2014 cũng thế: quy tụ nghệ sĩ đến từ sáu nước: Ðan Mạch, Anh, Pháp, Bỉ, Hàn Quốc, Nhật Bản và hơn 100 nghệ sĩ trong nước, từ những tên tuổi gạo cội như Thanh Lam, Hà Trần đến các nghệ nhân chơi nhạc cụ dân tộc rất hay bị quên lãng trong dàn nhạc, Quốc Trung đã bày ra một bữa tiệc âm nhạc  nhiều màu sắc, mùi vị. Liên tiếp trong ba đêm liền, công chúng Hà Nội, với 80 nghìn đồng, có thể đứng, ngồi, thậm chí... nằm trên bãi cỏ Hoàng Thành, để thưởng thức những sản phẩm âm nhạc thật sự vắt ra từ lao động, từ cảm hứng sáng tạo âm thầm, bền bỉ và bướng bỉnh của những nghệ sĩ không chỉ biết đến thị trường và vé bán.

Showbiz 2014 cũng còn được mở ra và khép lại với một show truyền hình "đi ngược" với âm nhạc thị trường: "Giai điệu tự hào". Với trung bình sáu bài hát truyền thống/tháng, được giới thiệu và mổ xẻ  trong mỗi chương trình, từ Ðoàn Vệ quốc quân đến Em đi đưa cơm cho mẹ đi cày, từ Trước ngày hội bắn đến Tình ta biển bạc đồng xanh, cả những giọng ca nhạc đỏ huyền thoại như Kiều Hưng đến ca sĩ thị trường như Thu Minh, Quang Dũng... một cuộc "điểm danh" âm nhạc cách mạng đã diễn ra khá tự nhiên và thành công trên sóng truyền hình. Khen nhiều, chê cũng không ít, nhưng "Giai điệu tự hào" có thể tự hào vì đã làm được một việc mà các chương trình ca nhạc lớn, được đầu tư nhiều, quảng bá rộng bỏ quên: Ðưa người trẻ trở về quá khứ một cách nhẹ nhàng, êm đẹp, không chỉ bằng những bài học lịch sử, mà bằng những bài hát thật sự có hồn. 

Và "thảm họa" từ thảm đỏ đến sóng truyền hình

Không một cái gì hấp dẫn số đông mà lại không được lên sóng truyền hình, ngược lại, không một cái gì hấp dẫn từ truyền hình mà lại vắng mặt trên các trang mạng xã hội và tiếp tục sinh sôi trên thảm đỏ, trên sân khấu ca nhạc, trên các sàn diễn thời trang. Ở bề nổi nhất (theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng) của showbiz, 2014 là một năm mà các show truyền hình bùng phát dữ dội nhất. Ngoài các chương trình sẵn có từ năm đến bảy năm nay như:  Bước nhảy hoàn vũ, Vietnam idol, The Voice, Cặp đôi hoàn hảo,Vietnam's Got Talent, Giọng hát Việt nhí... những chương trình mới tiếp tục được mua bản quyền và phát sóng giờ vàng trên các kênh giải trí như Master cheff, Nhân tố bí ẩn... có thể khiến cho người nước ngoài đến Việt Nam mở ti-vi lướt qua các kênh suốt một buổi tối cuối tuần và nghĩ nhiều người Việt không làm gì ngoài việc ăn rồi... đi thi. Các nam thanh nữ tú, thậm chí là các em nhỏ chưa đến 10 tuổi khóc cười cùng giám khảo, mất ăn mất ngủ, bỏ học, thậm chí kiện cáo, gây xì-căng-đan cũng vì thi ca nhạc hay tài năng trên truyền hình. Hàng tỷ đồng được các nhà mạng và ban tổ chức thu về từ sau mỗi cuộc bình chọn qua tin nhắn, cuộc sau bất ngờ, gay cấn hơn cuộc trước. Ðiều đó giải thích vì sao những kết quả chấm thi ngày càng oái oăm, khác thường, vô lý so với diễn biến mà khán giả được mục sở thị trên màn hình. Kết quả càng vô lý bao nhiêu, người xem càng bị thu hút, tin nhắn càng tăng theo tỷ lệ thuận và giá quảng cáo càng tăng tương ứng bấy nhiêu.

Sự cố đầu năm xảy đến với một "người hùng" một thời Nguyễn Chánh Tín (nổi tiếng  với vai diễn nhà tình báo Nguyễn Thành Luân) - người trong mộng của rất nhiều fan nữ hâm mộ các thế hệ. Chuyện nghệ sĩ đi kinh doanh rồi vỡ nợ không hiếm, vì với bản tính thơ ngây và phong cách làm việc a-ma-tơ, phần đông các nghệ sĩ đi kinh doanh đều... phá sản. Nhưng cái cách mà Nguyễn Chánh Tín - vốn được mặc định là một nghệ sĩ lớn - đối phó với sự cố mới là chuyện đáng bàn. Nhắc lại câu chuyện vỡ nợ của Chánh Tín không phải để khơi lại nỗi đau của người trong cuộc. Vì, không hề ngẫu nhiên, cuối năm, khi mọi chuyện đã lắng xuống, Chánh Tín đã có người mời làm phim, thì chính ông, lại một lần nữa phụ lòng nhà đầu tư  khi xô xát với giám đốc hình ảnh và bỏ phim giữa chừng. Bộ phim "CKC - thợ săn biệt kích" quả thực rất kém may mắn khi có Chánh Tín làm đạo diễn.

Ðiệp khúc buồn "chân dài đi hát" tiếp tục kéo dài từ gần chục năm nay, sang 2014 cũng chưa hết, nhưng nó không còn đủ sức gây ngạc nhiên lẫn bức xúc nữa, cùng lắm công chúng, vốn đã trở nên dễ tính vì xem các vòng loại của Vietnam idol và Vietnam's Got Talent... chỉ còn thấy... buồn cười. Nhưng thảm họa MC thì không dễ được cho qua như thế. MC xinh đẹp, ăn mặc sang trọng đúng mốt thì mắc căn bệnh cố hữu là nhạt nhẽo, nụ cười mở rộng đúng khẩu độ, trăm lần như một, đọc tên ca sĩ, người mẫu, thí sinh sắp xuất hiện như cái máy... Ðã nhạt lại thất thố như MC Thái Dũng của sự kiện thảm đỏ Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ ba thì rất khó để được công chúng "không chấp". Anh chàng sau khi sỗ sàng hỏi một nghệ sĩ vừa ly dị cảm giác thế nào khi phải đi trên thảm đỏ một mình, đã sẵn sàng lên mạng xã hội tuyên bố xanh rờn: Ai không thích thì cứ việc chuyển kênh (!). Rốt cuộc chuyện đôi co này đã làm dấy lên một cơn bão trên mạng và không thể khiến người ta đặt câu hỏi nghi vấn về một vấn đề rộng hơn: Liệu có tồn tại một thứ "văn hóa riêng" của các "ông sao" showbiz?

Tất cả các chương trình truyền hình thực tế đó đều hợp lý, hợp pháp, hợp quy luật cung cầu. Người được từ các show truyền hình đó cũng không ít: Ban tổ chức, nhà mạng được tiền, người quảng cáo bán được hàng, người chơi được nổi tiếng... Nhưng, hình như hàng chục triệu khán giả, sau mỗi đêm ngồi háo hức theo dõi, bình phẩm, chọn lựa và nhắn tin, tự nhiên sáng ra không khỏi có chút hẫng hụt: Một cái gì đó rất khó gọi tên đã mất đi, ít nhất là... mất thời gian.

Hàng chục triệu khán giả, sau mỗi đêm ngồi háo hức theo dõi, bình phẩm, chọn lựa và nhắn tin cho không ít chương trình truyền hình thực tế, tự nhiên sáng ra không khỏi có chút hẫng hụt: một cái gì đó rất khó gọi tên đã mất đi, ít nhất là... mất thời gian.