Tìm người tài - đức lo việc Đảng, việc Dân

|

Ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời (2-9-1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất quan tâm đến việc tìm người có đủ đức, tài ra giúp nước. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng “vô cùng cao thượng và phong phú, vô cùng trong sáng và đẹp đẽ”, Người luôn canh cánh bên lòng, làm sao để nhà nhà no ấm, yên vui, nhất là mỗi khi Tết đến xuân về.  

Ngoài lực lượng nòng cốt là công nhân, nông dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh chú trọng tới hết thảy các giai cấp, các tầng lớp trong xã hội. Trong số đó, những trí thức - những người có tài trong xã hội, được Người trọng đãi bằng cả tấm lòng chân thành, bằng sự cảm hóa tự nhiên. Và đáp lại, những con người tài-đức ấy, cũng đem hết sức mình để phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Sau Tết Độc lập một ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thông báo công khai việc đích thân Người sẽ tiếp chuyện đại biểu các đoàn thể, không phân biệt tôn giáo, tín ngưỡng, thành phần, nghề nghiệp,… chỉ yêu cầu đăng ký trước để khỏi phải chờ đợi và thời gian mỗi lần tiếp không quá một giờ đồng hồ.

Báo Cứu quốc, cơ quan ngôn luận của Tổng bộ Việt Minh, số ra ngày 14-11-1945 đăng bài viết “Nhân tài và kiến quốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người đánh giá cao vai trò của các nhân tài: “Kiến thiết cần có nhân tài. Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài càng ngày càng phát triển thêm nhiều”. (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr 114). Trong bài viết này, Bác đã nhắc nhở các cơ quan, các tổ chức cần khéo lựa chọn, khéo dùng người tài, tạo điều kiện cho đội ngũ người tài ngày thêm đông đảo.

Dường như đánh giá những việc nêu trên vẫn chưa đủ để thể hiện sự trân trọng của Chính phủ đối với nhân tài, ngày 20-11-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho đăng tiếp trên báo Cứu quốc, bài viết: Tìm người tài-đức. Ngay mở đầu, Người viết: “Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài, có đức. E vì chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bậc tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó tôi xin thừa nhận…” (Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr 504). Bài viết hết sức ngắn gọn, chỉ có 132 từ, ghi rõ chức danh người viết là Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Hồ Chí Minh. Nhân đây chúng ta cùng nhớ lại cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại, 7-11-1917. Lúc bấy giờ, bên cạnh việc huy động sức mạnh hừng hực của những người nông dân và binh lính, lãnh tụ V.I.Lê-nin đã sáng suốt và dũng cảm sử dụng những trí thức, những nhà tư bản Nga vào công cuộc xây dựng đất nước Nga sau chiến tranh. Cũng trong một hoàn cảnh vô vàn khó khăn, thù trong, giặc ngoài tương tự, Chủ tịch Hồ Chí Minh, 30 năm sau, đã phát hiện và phát huy cao độ lòng yêu nước của mỗi người dân Việt Nam, trong số đó, không thể thiếu những tinh hoa, đó là những người trí thức. Điều tuyệt vời là đội ngũ những người tài-đức đó không chỉ có tầng lớp trí thức, mà còn có các nhân sĩ yêu nước, và cả một bộ phận quan lại trong bộ máy cầm quyền cũ, cũng rũ bỏ xống áo và mọi bổng lộc của thực dân, phong kiến, để đi cùng dân tộc.

Từ chủ trương tìm người tài-đức đến thực tiễn hành động nhất quán trọng dụng nhân tài, Đảng và Chính phủ đã có được một đội ngũ cán bộ khoa học, cán bộ quản lý xuất sắc, đáp ứng nhu cầu bức thiết trong những ngày đầu xây dựng Nhà nước Việt Nam mới. Nhờ đội ngũ đó, mà chỉ trong một thời gian ngắn, nền hành chính công vụ cộng hòa dân chủ đã ra đời, khoa học quản lý dần được áp dụng, nền tảng văn hóa, giáo dục, khoa học quân sự, cơ khí, luyện kim, y học… dần được hình thành.Trong đó, Hiến pháp năm 1946 được coi như một thành tựu vĩ đại, bởi thông qua đây, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã xuất hiện hợp hiến, hợp pháp như mọi nhà nước dân chủ trên thế giới.

Lịch sử sẽ mãi mãi tôn vinh những trí thức, nhân sĩ yêu nước tiêu biểu. Đó là những nhà khoa học sẵn sàng bỏ mức lương hàng chục cây vàng một tháng ở Pa-ri hoa lệ, để trở về chiến khu theo Bác Hồ như kỹ sư Phạm Quang Lễ (tức Anh hùng lao động Trần Đại Nghĩa), kỹ sư Võ Quý Huân, bác sĩ Trần Hữu Tước…, hoặc là những trí thức đã được đào tạo bài bản ở trường Tây sau mang kiến thức đó phục vụ đất nước như Nguyễn Văn Huyên, Phan Anh, Tạ Quang Bửu…; là những nhân sĩ yêu nước như cụ Huỳnh Thúc Kháng… và cả những người đã từng giữ chức vụ cao trong chính quyền cũ. Những người tài-đức vẹn toàn kể trên có quyền được lịch sử ghi danh, bởi họ đã đồng hành cùng lãnh tụ Hồ Chí Minh và dân tộc đúng lúc lịch sử cần họ nhất.

Xuân Bính Thân 2016 ghi nhận hai sự kiện lớn trong lịch sử hiện đại Việt Nam: Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức Đại hội lần thứ XII, và cả nước bầu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp. Từ ngày Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, nhân dân ta luôn một lòng theo Đảng, coi Đảng là của toàn dân tộc, của mọi nhà, gọi Đảng bằng cái tên thân thiết: Đảng của chúng ta! Sự gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân, giữa những người cán bộ luôn hết lòng vì sự nghiệp chung, sẽ tạo ra những “kênh” quan trọng giúp Đảng, Nhà nước phát hiện nhân tài, lựa chọn những cán bộ ưu tú, xứng đáng đại diện cho dân, cho Đảng, gánh vác công việc trong thời kỳ mới.