Vời vợi Keng Đu

|

Trên độ cao hơn một nghìn mét so mặt biển, ở Keng Đu ngày nắng nóng như nung, ban đêm nhiệt độ nhiều lúc xuống đến 0 độ C. Không biết bao đời nay, nơi vùng đất quanh năm “mây ấp núi” này, người Khơ Mú, người Thái đã đến đây chung tay lập bản dựng mường và họ luôn tự hào bản quê mình có hai “cổng trời” án ngữ, vững chắc như “mạy đu” (cây đinh hương) giữa hun hút đại ngàn.

Xứ sở đinh hương, nơi hai “cổng trời” án ngữ

Ngược quốc lộ 7 khoảng một cây số rẽ phải rồi qua các xã Phà Đánh, Huồi Tụ, Na Loi, Đoọc Mạy, suốt hơn 70 km vào Keng Đu theo đường độc đạo uốn lượn quanh những vách núi dựng đứng. Lên đến “cổng trời” Na Loi ngoái nhìn lại, đường như sợi chỉ đỏ “ngang trời”. Xe máy rồ ga ì ạch leo dốc lầy lội, dựng đứng, nhiều lúc nhảy chồm chồm qua ổ gà bên bờ vực, những đoạn cua tay áo, thót tim! Ê ẩm người mới đến được chân “cổng trời” Huồi Lê, cửa ngõ của xã Keng Đu. Nhìn đồng hồ đã gần mười giờ mà sương vẫn chưa tan. Mất gần 30 phút nữa mới lên được đỉnh “cổng trời” Huồi Lê. Trên cao, gió lồng lộng và bắt đầu tê buốt.

Già làng Lương Phò Học, năm nay đã gần 80 mùa rẫy, nước da mầu đồng hun đặc trưng của người Khơ Mú, đôi mắt còn rất tinh anh, nhanh chân bước ra đầu cầu thang chìa đôi tay chai sạn nắm chặt tay chúng tôi lắc lắc như đón những người thân lâu ngày về bản quê. Vò rượu cần được mở ra đãi khách cho đỡ mỏi gân cốt. Vít cần rượu, già Phò Học cởi mở: “Những ai vượt được “cổng trời” vào đây đều là khách quý của bản”. Môi bập bập vào chiếc tẩu đã lên nước đen bóng nhả khói, với giọng trầm đục, già Phò Học kể cho chúng tôi nghe về tên gọi của vùng đất này. Keng Đu - cắt nghĩa theo tiếng Thái là vùng đất của loài “mạy đu” (gỗ đinh hương). Còn Phó Bí thư Đảng ủy xã Moong Văn Sơn giải thích “keng” là thác, “đu” là cây đinh hương. Bản Keng Đu nằm gần một thác nước thượng nguồn sông Nậm Nơn, cạnh đó là rừng đinh hương nguyên sinh bạt ngàn nên ghép lại thành tên gọi của xã bây giờ. Nay, rừng đinh hương trên dải đất này đã bị khai thác đến cùng kiệt chỉ còn lại ba cây to gần thác nước “được giữ làm kỷ niệm”.

Khí hậu ở Keng Đu khá khắc nghiệt, ngày nắng nóng như nung, đêm đôi lúc nhiệt độ xuống đến 0 độ C. Không biết bao đời nay, trên vùng đất quanh năm “ủ trong mây” này, người Khơ Mú, người Thái, người Mông lang thang hết ngọn núi này đến cánh rừng khác rồi tựa bên cánh rừng đinh hương để lập bản dựng mường. Già Phò Học kể thêm: Người dân Keng Đu tự hào bởi ngoài “cổng trời” Huồi Lê giữa hun hút gió núi, mây ngàn, Keng Đu còn có thêm “cổng trời” Huồi Ling. Chỉ qua con suối là đã “xuất ngoại”, đứng trên cổng trời Huồi Ling có thể nhìn thấy rõ bản làng người Lào. Trước đây, nhiều xã biên giới Kỳ Sơn trở thành điểm nóng thẩm lậu ma túy từ bên kia biên giới sang thì ở Keng Đu nhờ “cổng trời” Huồi Ling cao vút trấn giữ bình yên.

Bản Văn hóa Hạt Tà Vén.

Keng Đu cũ và mới

Theo già Phò Học, hơn 20 năm trước ở Huồi Lê, Huồi Pía… hoa anh túc nở tím trời. Mùa thu hoạch nhựa, người đến Keng Đu nhộn nhịp như đi hội. Nhờ nhựa thuốc phiện, nhiều nhà mua được trâu, bò, ngựa, có người mua được cả xe máy Min-khơ... Nhưng thuốc phiện cũng khiến nhiều nhà điêu tàn vì nghiện ngập, nợ nần. Năm 1995, Nhà nước chủ trương xóa bỏ trồng cây thuốc phiện. Ngày đó, già Phò Học được giao làm tổ trưởng xóa thuốc phiện bản Huồi Lê. Kiên trì vận động thuyết phục sau bốn năm Huồi Lê, Huồi Phuôn, Hạt Tà Vén, Huồi Ling, Kẹo Kơn… cũng xóa bỏ được cây anh túc.

Trước khi vào Keng Đu, nghe Chủ tịch UBND huyện Bùi Trầm kể chuyện cách đây 10 năm khi chưa thông đường ô-tô vào Keng Đu, cùng đoàn công tác đi bộ gần hai ngày mới đến trung tâm xã. Đến đầu bản Huồi Phuôn gặp ngay câu khẩu hiệu “Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Keng Đu quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” khiến ai cũng bật cười. Và chuyện về câu khẩu hiệu này được đưa ra bàn trong các cuộc họp sau đó của đoàn công tác huyện Kỳ Sơn với xã Keng Đu. Mục tiêu của Keng Đu là phải thay đổi tư duy, từng bước thoát nghèo, mỗi bản phải xây dựng được vài mô hình kinh tế chứ chưa thể nghĩ đến chuyện công nghiệp hóa, hiện đại hóa… Cũng từ câu khẩu hiệu đó mà cán bộ xã Keng Đu từng bước thay đổi nhận thức, bắt đầu nghĩ đến chuyện thoát nghèo dựa vào điều kiện từng bản. Từ đây, phong trào xây dựng các mô hình kinh tế bắt đầu nở rộ. Mô hình làm kinh tế hiệu quả đầu tiên là gia đình ông Tang Phò Lan ở bản Hạt Tà Vén. Từ một con trâu, gia đình Phò Lan mạnh dạn vay tiền Ngân hàng Chính sách xã hội, mua thêm trâu giống về để nhân đàn. Lúc đầu do theo tập tục cũ thả rông, trâu bị bệnh dịch, sau đó, ông học cách làm chuồng, nuôi nhốt và vỗ béo trâu, rồi dựng trang trại nuôi tập trung. Hiện nay, gia đình Phò Lan đã có đàn trâu 30 con, năm con bò, 10 con lợn, 100 con gà. Từ mô hình này, người dân Keng Đu bắt đầu học theo. Từ 10 mô hình có sự hỗ trợ ban đầu của Nhà nước ở 10 bản, đến nay đã có thêm 40 hộ dân vay vốn ngân hàng đầu tư xây dựng trang trại, gia trại để nuôi trâu, bò, dê, lợn đen, gà thả đồi… Nếu như trước đây, người dân không dám vay vốn ngân hàng hoặc vay tiền chỉ để chống đói, để mua rượu uống, thì nay người Keng Đu đã mạnh dạn vay mua giống trâu, bò, dê nuôi.

Giờ người Keng Đu đã dần quen với trồng ngô lai trên đất dốc, khai hoang mở rộng diện tích trồng lúa nước ven khe suối. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm xuống gần 67%, so với 90% như trước đây thì đây quả là kỳ tích. Chủ tịch UBND xã Lương Văn Ngam cho biết thêm những cái khó của người dân Keng Đu hiện nay là những bản nằm sát biên giới như Keng Đu, Kèo Kơn, Huồi Ling,... chưa có đường đi được xe máy, nên đến trung tâm xã phải lội bộ mất bốn đến năm giờ. Cam go nhất là thiếu nước sinh hoạt. Để có nước dùng, bà con ở các bản Hạt Tà Vén, Kẹo Kơn, Huồi Phuôn 1,2… phải vượt năm, sáu cây số vào rừng tìm những mạch nước rỉ ra từ kẽ núi hứng từng can nước cõng về nhà. Ghé thăm nơi ở trọ của học sinh Trường THCS Dân tộc bán trú Keng Đu. Nhà các em cách xa trường từ năm đến 15 km đường rừng, một hai tuần mới có dịp về nhà một lần để lấy lương thực, thực phẩm cho tuần tới. Nơi tá túc của các em trước kia là nhà công vụ của giáo viên do dân và Đồn Biên phòng xây dựng. Đi suốt cả dãy, không thấy mâm cơm nào của các em có thịt, chỉ rau rừng và bát muối trắng.

Vượt “cổng trời” Huồi Lê về xuôi khi trên các sườn núi cành ban, cành đào vùng bản Huồi Phuôn, Huồi Ling, Kẹo Kơn… đang đâm chồi nảy lộc và chúm chím nụ, lòng chợt chộn rộn khi Tết đã cận kề. Và chợt nhớ, năm 2014, Chính phủ đã cho phép Nghệ An thực hiện hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua lối mở Keng Đu. Hy vọng, miền biên viễn này sẽ trở nên sầm uất và sẽ là điểm đến cho những người muốn khám phá vùng đất lạ.

Xuân 2016

Keng Đu, xã biên giới xa xôi nhất của huyện Kỳ Sơn, tổng diện tích tự nhiên hơn 8 nghìn ha, tiếp giáp hai cụm bản là Huồi Lôm, Bò Nhia của huyện Noọng Hét (Lào), đường biên giới dài 25 km. Keng Đu có 836 hộ, hơn bốn nghìn khẩu, với 9/10 bản có 100% đồng bào Khơ Mú. Đời sống kinh tế của nhân dân gần như “tự cung tự cấp”. Những năm trước đây, tỷ lệ hộ nghèo ở Keng Đu lên đến hơn 90%.