Cú huých kiểm định chất lượng giáo dục

|

Khi Cộng đồng ASEAN chính thức hình thành cũng là lúc mỗi chúng ta thấy rõ hơn thách thức cạnh tranh về chất lượng nguồn nhân lực; nhất là chất lượng giáo dục đại học. Song, đáng mừng là hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục độc lập cũng đang được định hình. Hy vọng, đây sẽ là cú huých quan trọng để mỗi cơ sở giáo dục nhận chân giá trị và cả những hạn chế để tự tin hội nhập.

Tự chủ là tự giác

Được khởi động từ hơn mười năm trước, nhưng công tác KĐCLGD vẫn chưa mấy phát huy hiệu quả. Bằng chứng là, theo thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), hiện có hơn 530 trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp (trong tổng số hơn 760 cơ sở giáo dục đang chờ kiểm định) hoàn thành việc tự đánh giá và báo cáo về Bộ. Như vậy, vẫn khá nhiều cơ sở giáo dục chưa hoàn thành tự đánh giá. Còn số trường được đánh giá độc lập mới chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Trước thực tế đó, TS Phạm Xuân Thanh, Phó Cục trưởng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) khẳng định vai trò của các đơn vị kiểm định độc lập, rằng: Nếu các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) chấp nhận để các đơn vị kiểm định ngoài chỉ ra những khiếm khuyết của mình, sau đó tự khắc phục, hoàn thiện, chắc chắn các trường sẽ mạnh hơn và có chất lượng hơn, từng bước đạt chuẩn khu vực và quốc tế. Còn nếu vẫn làm như trước đây, tự khen mình mà không biết bên ngoài đánh giá mình như thế nào thì không thể nào tốt lên được.

Bảo đảm chất lượng có tầm quan trọng sống còn đối với sự phát triển của GDĐH nước nhà. Chính vì vậy, các hoạt động bảo đảm chất lượng, bao gồm cả việc đánh giá chất lượng và KĐCLGD đang từng bước được thực hiện trong các cơ sở giáo dục các cấp, nhất là GDĐH. Hiện tại đã có bốn Trung tâm KĐCLGD độc lập được thành lập; trong đó hai trung tâm đặt tại hai Đại học Quốc gia (Hà Nội và TP Hồ Chí Minh) đã đi vào hoạt động, một trung tâm của Đại học Đà Nẵng, và mới đây Bộ GD-ĐT đã ra quyết định thành lập thêm một trung tâm trực thuộc Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam.

Bảo đảm chất lượng để phân tầng, xếp hạng

Theo kế hoạch, thời gian tới Bộ GD-ĐT sẽ đẩy mạnh tiến độ triển khai tự đánh giá vòng 2, vòng 3 các cơ sở GDĐH, TCCN; triển khai tự đánh giá các chương trình GDĐH và phấn đấu giai đoạn 2016-2020 có 95% số cơ sở và chương trình hoàn thành báo cáo tự đánh giá, được đánh giá ngoài và xem xét công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng.

Cùng với việc thành lập các trung tâm KĐCLGD độc lập, vào cuối năm ngoái, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 73/2015/NĐ-CP ngày 8-9-2015 quy định Tiêu chuẩn phân tầng, khung xếp hạng và tiêu chuẩn xếp hạng cơ sở GDĐH. Trong đó KĐCLGD là một trong những yêu cầu bắt buộc để làm căn cứ phân tầng và xếp hạng.

Ngay sau khi Nghị định 73 được ban hành, Trung tâm KĐCLGD của Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU-CEA) phối hợp với Đại học Đà Nẵng tổ chức đợt khảo sát phục vụ đánh giá độc lập Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) theo tiêu chuẩn đánh giá chất lượng trường đại học của Bộ GD-ĐT. Đây cũng là trường đầu tiên được khảo sát đánh giá bởi một trung tâm KĐCLGD độc lập trong nước chỉ sau chưa đầy một năm trung tâm chính thức hoạt động.

Chia sẻ niềm vui cũng như sự tin cậy vào đội ngũ chuyên gia đánh giá ngoài, PGS, TS Nguyễn Bảo Hoàng Thanh, Hiệu trưởng Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) bày tỏ: “Đây là cơ hội để nhà trường nhận thức đúng đắn hơn những ưu khuyết điểm của mình, khắc phục và dần khẳng định với xã hội về chất lượng đào tạo”.

Còn PGS, TS Nguyễn Quý Thanh, với vai trò Giám đốc VNU-CEA đã cam kết sẽ thực hiện các hoạt động đánh giá khách quan, trung thực, công bằng, sát thực. Trong bối cảnh mới, chất lượng kiểm định ra sao không chỉ tạo sự tin tưởng cho xã hội, mà còn là uy tín, cạnh tranh lành mạnh với các trung tâm khác. Hiện VNU-CEA đã sẵn sàng cho các đợt KĐCLGD tiếp theo.

Hoàn thành báo cáo tự đánh giá khá sớm ngay từ lần thứ nhất (2007), rồi được đoàn đánh giá ngoài của Bộ GD-ĐT công nhận đạt chuẩn năm 2009, song Đại học Giao thông vận tải vẫn mong được tổ chức kiểm định độc lập bởi VNU-CEA. “Chúng tôi thực tâm mong muốn trung tâm đánh giá đúng về chất lượng giáo dục của nhà trường, đồng thời chỉ ra các mặt mạnh, mặt yếu để khắc phục nhằm nâng cao chất lượng hơn nữa” - TS Nguyễn Thị Hòa, Phó Trưởng phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng đào tạo (Đại học Giao thông vận tải) chia sẻ.

Đã đến lúc thực tiễn đòi hỏi các cơ sở giáo dục phải công khai, minh bạch cho xã hội biết chất lượng của mình để người học có sự lựa chọn, các cơ sở giáo dục có sự cạnh tranh và từ đó đi đến phát triển, hoàn thiện. Công tác KĐCLGD cũng cần phải nhanh chóng nâng cao chất lượng, uy tín để không chỉ cạnh tranh với các cơ sở trong nước, mà còn hội nhập quốc tế. Thước đo giúp phân tầng và xếp hạng đại học đã có và đang dần hoàn thiện; nhưng điều quan trọng hơn là yếu tố con người - những người có trách nhiệm phải công minh, đủ trình độ để “cầm cân nẩy mực” mới có thể tạo “cú huých” đưa GDĐH nói riêng và cả nền giáo dục nước nhà phát triển mạnh mẽ.

Sở dĩ lâu nay GDĐH chưa tạo được những bước đột phá căn bản là bởi thiếu sự độc lập của hệ thống KĐCLGD, tính tự nguyện tham gia của các trường chưa được phát huy, và cả lợi ích của các bên liên quan vẫn còn xung đột.