Tình mẫu tử nơi đầu sóng

|

Đặt chân lên những hòn đảo chìm, đảo nổi, chúng tôi mới biết rằng, Trường Sa không chỉ có sóng nước mênh mông hay bầu trời bao la, mà còn chứa chan sự dịu hiền của tình mẫu tử thiêng liêng, cao quý...

Tình nguyện ra đảo xa...

Dưới cái nắng giao mùa gay gắt nơi cầu cảng, Đại đức Thích Nhuận Đạt, trụ trì chùa Song Tử Tây, dõi ánh mắt pha chút lo âu về phía đất liền. Tiếng sóng vỗ rì rào bên bờ kè vô tình đưa ông về miền ký ức xa xưa của cậu bé Lưu Minh Tuấn. Ngày ấy, Tuấn là con thứ ba trong một gia đình có năm anh chị em ở thị xã Ninh Hòa (tỉnh Khánh Hòa). Thường xuyên được gia đình đưa vào chùa những dịp ngày Rằm, mồng Một, Tuấn đã dần ngộ duyên Phật pháp. Năm học lớp 7, Tuấn quyết chí xuất gia vào chùa Viên Ngộ (thị xã Ninh Hòa).

Theo nghiệp tu hành ở chùa Viên Ngộ, Tuấn được đặt pháp danh Thích Nhuận Đạt. Tốt nghiệp Trung cấp Phật học Lâm Đồng (TP Đà Lạt), sư thầy Thích Nhuận Đạt tiếp tục học đạo ở nhiều nơi trước khi trở lại chùa Viên Ngộ. Được vài năm, bà Phạm Thị Nhiên sửng sốt khi nghe con trai tâm sự tình nguyện xin ra Trường Sa làm Trụ trì chùa Song Tử Tây. Nghĩ tới người chồng vừa mất năm trước, đôi mắt đã hằn vết chân chim của bà bất giác nheo lại nhìn con, không nói nên lời. Trước khi lên đường, Đại đức Thích Nhuận Đạt dành hẳn một ngày về thăm gia đình. Lo cho con, bà Nhiên đã chuẩn bị sẵn tay nải, đồ đạc, nhưng Đại đức nhất quyết không nhận. Ngày rời đất liền ra Song Tử Tây, Đại đức chỉ mang theo vài tấm áo nâu tu hành. Mới đây mà đã ba năm…

Âm vang từ tiếng còi báo hiệu thả neo của con tàu Trường Sa 571 kéo Đại đức Thích Nhuận Đạt trở lại với thực tại. Những chiếc xuồng CQ lần lượt rẽ sóng cập bến Song Tử Tây, mang theo đồ đạc, quà tặng từ đất liền gửi ra đảo. Dõi theo từng người, mắt Đại đức chợt nhòa đi khi thấy dáng mẹ bé nhỏ nổi bật giữa những lớp sóng Biển Đông. Bước thật nhanh ngược hướng đoàn người đang lên đảo, Đại đức ôm chầm lấy người mẹ của mình. Mắt nhắm nghiền nhưng đôi môi nở nụ cười viên mãn, ông khẽ thì thầm: “Mẹ ơi…”.

Ba giờ hội ngộ

Nắm chặt tay con trai trên đường tham quan đảo Song Tử Tây, bà Nhiên tâm sự, đây là lần đầu bà xa nhà, cũng là lần đầu ra thăm quần đảo Trường Sa. Trước kia, bà từng có ước mơ được đặt chân lên những mảnh đất mà bao đời nay dân tộc Việt Nam đã xác lập và bảo vệ chủ quyền, nhưng vì sợ tuổi già sức yếu, ngại “đi thăm con nhưng khéo lại làm phiền con” nên thôi. Ngoài các chương trình truyền thông đại chúng, người phụ nữ 63 tuổi này chỉ biết đến Trường Sa qua những cuộc điện thoại, hình ảnh hiếm hoi mà con trai gửi về.

Xa con đã hơn ba năm, nhưng lần vượt trùng khơi đầu tiên này, bà Nhiên cũng chỉ có vẻn vẹn ba giờ đồng hồ để gần con. Những ngày đầu Đại đức Thích Nhuận Đạt ra Trường Sa, bà thường thao thức, lo cho đứa con trai hiền lành. Cảm nhận được tình thương của mẹ, dù điều kiện còn khó khăn, Đại đức Thích Nhuận Đạt vẫn cố gắng gửi một vài tấm hình đang trồng rau xanh, chăm sóc giàn bầu, bí… về cho gia đình. Khi nhận thông báo có tàu chở hàng, quà ra Trường Sa, bà Nhiên lập tức gọi điện thoại hỏi con “có thiếu gì không để mẹ gửi”. Nhưng Đại đức chỉ nhờ mẹ gửi hạt giống rau, củ và các loại phân bón… kèm theo lời dặn: “Mẹ gửi nhiều để còn tặng nhân dân và các chú hải quân. Còn đồ dùng cá nhân, mẹ đừng mua gì, vì được quân dân trên đảo giúp hết rồi”. Cứ như vậy, những món đồ mà bà gửi cho con trong các đợt tàu sau đó tiếp tục là chiếc máy cắt cỏ, rồi cuốc, xẻng…

Ba giờ đồng hồ không nhiều, nhưng cũng đủ để hai mẹ con đi thăm một vòng quanh đảo. Tận mắt nhìn thấy cột mốc chủ quyền của nước CHXHCN Việt Nam, ngọn hải đăng Song Tử Tây, tượng Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, được vào chùa, tới trường học, thăm các hộ dân…, bà Nhiên không giấu được xúc động, tự hào. Người mẹ già gầy guộc run run nói: “Được ngắm nhìn biển đảo quê hương, được gặp những người lính Trường Sa kiên cường, dũng cảm là ước mơ mà tôi ấp ủ từ rất lâu. Tình nghĩa quân dân trên đảo khiến tôi cảm thấy thật gần gũi, quen thuộc, cho dù mới tới đây được ít giờ. Hôm nay, được thấy con bằng xương, bằng thịt, lại trẻ trung, khỏe mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần, tôi đã yên lòng”.

Còi tàu Trường Sa 571 lại kéo còi vang giữa vùng biển trời Tổ quốc, báo hiệu sắp đến giờ rời đảo. Chúng tôi không ai bảo ai, lẳng lặng để hai mẹ con Đại đức Thích Nhuận Đạt chầm chậm thả bước bên bờ kè. Dưới ánh nắng hoàng hôn, có cơn gió nào mang tình mẫu tử tưởng như thoảng qua…

“Ở đây, ban ngày tôi đọc sách, nghiên cứu Phật pháp, tu luyện tâm tính, đi thăm các hộ dân; buổi chiều quét dọn nhà chùa, chăm sóc vườn rau, chơi thể thao với chiến sĩ. Chỉ vậy thôi nhưng tôi cảm nhận rất rõ không khí thắm thiết, nồng nàn của tình quân dân trên đảo. Tôi chỉ nghĩ rằng, mình còn trẻ, còn sức khỏe thì phải biết tận sức tận lực, đi đến tất cả mọi nơi để phổ biến Phật pháp, độ tận chúng sinh. Tâm mình sáng mới có thể trở thành chỗ dựa tinh thần cho người dân” - Đại đức Thích Nhuận Đạt.