Giáo sư Trần Văn Giàu trước lúc mất mấy năm, trong một lần trò chuyện với mấy anh em chúng tôi, GS bảo: “Vận nước và lòng dân, kể cũng lạ, mấy chú ạ. Chỉ có hơn 5.000 đảng viên mà Ðảng đã lãnh đạo Việt Minh, lãnh đạo nhân dân cả nước giành được độc lập cho dân tộc. Bài học ấy lớn lắm, vĩ đại lắm, không phải chúng ta đã hiểu hết được đâu”. Là một nhà hoạt động cách mạng dày dạn kinh nghiệm, đã trải qua nhiều thử thách khốc liệt, đã từng giữ những trọng trách lớn những ngày đầu kháng chiến rồi làm GS lịch sử cho đến khi từ giã cõi đời, hẳn những tâm sự của vị GS già đáng để cho chúng ta nhiều suy ngẫm.
Sách vở còn ghi lại người hỏi về vận nước đầu tiên là vua Lê Hoàn và người trả lời cho câu hỏi đó là quốc sư Ðỗ Pháp Thuận, thời nhà Lý. Nếu tính về thời gian, khoảng cách của hai câu chuyện này cách nhau độ 1.000 năm. Ðiều thú vị ở đây là, tuy ở hai hoàn cảnh khác nhau, người trước được Hoàng đế tin dùng, hỏi ông về “vận nước dài hay ngắn” (quốc tộ đoản trường?) còn người sau thì tự mình đặt ra câu hỏi và tự mình đi tìm lời giải cho những nỗi đau đáu của lòng mình. Hai trí thức lớn ở hai thời đại cách nhau hàng nghìn năm nhưng tâm sự giống nhau, nỗi lòng như nhau.
Khi vua Lê Hoàn hỏi vận nước dài hay ngắn thì đã hàm ý vận nước không chỉ là một cái gì đó ở ngoài, không liên can tới vai trò của người nắm trong tay vận mệnh cả quốc gia. Ðỗ Pháp Thuận trả lời vua với hình thức một bài kệ mà người đời cho là, với ông, những lời nói ra có dáng hình của những sấm ngữ: Quốc tộ như đằng lạc/ Nam thiên lý thái bình/ Vô vi cư điện các/ Xứ xứ tức đao binh (dịch nghĩa: Vận nước như dây vấn vít/ trời Nam mở thái bình/ nhà vua điều hành quốc gia theo vô vi/ xứ xứ hết đao binh). Thông thường, một bài kệ có những lớp nghĩa chồng lên nhau. Lớp nghĩa đầu hiện ra ở những câu chữ vốn ngắn gọn, hàm súc. Lớp nghĩa khác nằm ở sau những câu chữ nhưng ý tứ tinh tế, sâu xa của nó thì lại cần một tri thức tổng hợp hơn, được giải mã theo những nguyên tắc không phải ai cũng thấy được. Bài này cũng như vậy. Ba từ quốc tộ, thái bình và vô vi là chìa khóa để hiểu tinh thần câu trả lời của nhà sư, ba từ này có quan hệ nhân quả với nhau. Vận nước (thực chất là sự tồn vong của một chính thể, một triều đại như chúng ta hiểu ngày nay) dài hay ngắn phụ thuộc vào đất nước có được yên vui, thái bình hay không. Vô vi cần hiểu là “không làm thêm cái gì, không sáng tạo thêm ra cái gì trái với lẽ thường, với quy luật” hay như chú giải của Chu Hi “Vô vi mà thịnh trị là vì bậc thánh nhân có đức thịnh nên cảm hóa được nhân dân, không phải làm gì hơn”. Sự thái bình của đất nước phụ thuộc vào sự điều hành của nhà vua và chính thể ấy có đặt ra những gì trái với tự nhiên, trái lẽ thường hay không và có được lòng dân không, hay diễn giải theo cách của chúng ta ngày nay là phải do dân, vì dân. Câu hỏi là nỗi băn khoăn của người nắm vận nước mong muốn cho đất nước trường tồn còn lời đáp của bậc thức giả nói về phương cách cai trị, ý tứ hàm súc, sâu xa và đầy trách nhiệm: vận nước như dây vấn vít và nếu nhà vua (khi trị quốc) không làm điều trái với lẽ thường, được dân chúng tin yêu thì chuyện đao binh sẽ không bao giờ xảy ra cả. Ðó là cái gốc để cho vận nước dài lâu, dân hưởng thái bình, bốn bề sóng yên, bể lặng.
Năm 1010 vua Lý Thái Tổ quyết định dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long để “mưu nghiệp đế vương muôn đời” bởi đất Hoa Lư tuy là “địa linh”, là “hiểm địa” nhưng không thuận lợi cho sự nghiệp mở cõi, sự nghiệp phát triển đất nước. Các nhà khoa học lịch sử đã bàn nhiều về cái quyết định “đi trước thời đại” của vị vua anh minh này, trong đó có một phát hiện rất đáng để chúng ta suy ngẫm: Vua Lý Thái Tổ đã chấm dứt thời kỳ trị quốc bằng sức mạnh quân sự của những triều đại trước mình và mở đầu một thời kỳ quản lý đất nước bằng đức trị, hay nói cách khác là trên nền tảng của văn hóa bảo đảm cho đất nước phát triển dài lâu. Văn hóa cai trị đã bắt đầu từ thời Lý. Thời nhà Trần, tinh thần đoàn kết dân tộc được vua tôi nhà Trần khơi dậy, nâng lên thành sức mạnh của cả đất nước và tinh thần ấy trở thành nền tảng hùng hậu cho ba lần chiến thắng kẻ thù xâm lược hung hãn, cường bạo nhất và cũng mạnh nhất thế giới bấy giờ. Không biết dựa vào dân lúc thái bình, không biết “khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc” thì khi lâm sự, làm sao vua quan nhà Trần có thể kêu gọi mọi người dân đứng lên đánh giặc giữ nước cùng với mình. Thấm thía điều đó cho nên trong Cáo bình Ngô, Nguyễn Trãi đã viết về một trong những nguyên nhân tạo nên chiến thắng là “tướng sĩ một lòng phụ tử/ hòa nước sông chén rượu ngọt ngào”. Tinh thần ấy, sự cố kết ấy là nguồn gốc của sức mạnh để bảo vệ đất nước khi lâm nguy và xây dựng đất nước lúc thái bình. Vận nước dài hay ngắn, như nhà sư Ðỗ Pháp Thuận đã nói từ trước, chỉ nằm trong mối quan hệ nhân quả giữa người cầm quyền với người dân và điều nhỡn tiền của quan hệ ấy, nếu tốt đẹp, là sự thái bình yên vui cho mọi người và ngược lại, sẽ là mầm tai họa.
Người xưa có một ý rất hay về cách ứng xử giữa người cầm quyền với người dân, đại ý: nếu người cầm quyền biết lắng nghe mọi chuyện trong thiên hạ bằng cái tai của trăm họ thì sẽ nghe được nhiều điều; nếu biết nhìn thiên hạ bằng con mắt của bách tính thì cũng tỏ được nhiều điều và nếu nghĩ đến thiên hạ bằng tấm lòng của trăm họ thì sẽ hiểu được khát vọng của muôn dân. Mỗi thời, mỗi người có cách nói khác nhau nhưng mục đích chỉ có một: mong sao vận nước dài lâu, dân vui hưởng thái bình và nói như Nguyễn Trãi “khắp hang cùng ngõ hẻm không có tiếng oán hờn” mới là cái gốc của sự cai trị. Chính Nguyễn Trãi đã coi việc “chính sự phiền hà” là nguyên nhân đầu tiên, nguyên nhân quan trọng nhất để triều đại nhà Hồ sụp đổ và nỗi lo lớn nhất của triều đại ấy không phải là họa xâm lăng mà là “lòng dân không yên”.
Nhà thơ Chế Lan Viên đã từng viết những câu thơ thật hay về thời cuộc “Thương thay những thế kỷ vắng anh hùng” và “Lịch sử thường đi những lối không ngờ”. Cả hai câu thơ ấy, suy cho cùng, cũng đều nói về lịch sử, về vận nước. Những vĩ nhân không phải là người nắm được bí mật huyền cơ của tạo hóa để xoay chuyển tình thế theo cách của mình mà bằng tầm nhìn đi trước thời đại, bằng sự minh triết hơn người, bằng tài năng vượt trội của mình đã chọn được những phương thức thích hợp nhất, ở vào những thời điểm quan trọng nhất đưa lịch sử của cả một đất nước sang trang. Cái gốc của tài năng, nói như L.Tôn-xtôi, đó là tình yêu - một tình yêu cháy bỏng, mãnh liệt, đau đáu vì nhân dân, đất nước của mình, “cùng xương cùng thịt với nhân dân”, “cùng đổ mồ hôi, cùng sôi giọt máu” sẽ dẫn đạo hành động của họ. Nguyên nhân làm nên chiến thắng có một không hai trong lịch sử của Quang Trung khiến kẻ thù hết cả dã tâm xâm lược là đánh cho kẻ thù “biết nước Nam anh hùng có chủ”. Và bài học của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, của đại thắng mùa Xuân thống nhất đất nước năm 1975, bài học của Ðổi Mới vẫn còn nóng hổi mỗi khi chúng ta nghĩ về thế, thời của đất nước.
Vận nước (thực chất là sự tồn vong của một chính thể, một triều đại như chúng ta hiểu ngày nay) dài hay ngắn phụ thuộc vào đất nước có được yên vui, thái bình hay không. |