Phát huy sự đồng thuận trong thực hiện các dự án trọng điểm

|

Phát triển hạ tầng giao thông, xây dựng các khu công nghiệp làm đòn bẩy phát triển thì công tác đền bù giải tỏa là yếu tố vô cùng quan trọng hàng đầu. Tại Bình Dương, nhờ công tác vận động và tuyên truyền đi vào chiều sâu và lan tỏa, người dân vùng giải tỏa đã đồng thuận ủng hộ những chủ trương, quyết sách đúng đắn nhằm xây dựng hạ tầng tạo động lực phát triển. Nhờ vậy, việc giải tỏa đền bù các dự án lớn, các công trình trọng điểm sớm được đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành đi vào hoạt động, giúp kịp thời nắm bắt được những cơ hội tốt trong thu hút đầu tư, tạo lực cho các địa phương phát triển kinh tế-xã hội.

Tháng 9/2024, tỉnh Bình Dương khánh thành đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng. Tuyến đường có tổng chiều dài gần 48km, đi qua 3 địa phương gồm huyện Bắc Tân Uyên, huyện Phú Giáo, huyện Bàu Bàng của tỉnh Bình Dương và 1 đoạn nhánh 5km nối từ huyện Phú Giáo đến huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước. Với tổng mức đầu tư hơn 5.256 tỷ đồng (trong đó chi phí đền bù và giải phóng mặt bằng 1.531 tỷ đồng), tuyến đường tạo lực quy mô 6 làn xe với bề rộng nền đường 40,5m có vận tốc thiết kế 80km/h đưa vào sử dụng đã mở ra không gian phát triển mới, kết nối giao thông giữa các khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ ở các huyện phía bắc với các thành phố phía nam của tỉnh Bình Dương và khu vực.

Nhận thức rõ lợi ích của tuyến đường đem lại cho địa phương và người dân được thụ hưởng, ủng hộ dự án đường tạo lực triển khai nhanh và đi vào hoạt động, đã có 851 hộ gia đình, cá nhân và 18 tổ chức thuộc phạm vi ảnh hưởng của dự án đã đồng thuận, đồng hành cùng chính quyền các cấp trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư sẵn sàng di dời nhà cửa, công trình, vật kiến trúc, cây trái, hoa màu để bàn giao 222 ha đất, tạo điều kiện thuận lợi để nhà thầu triển khai thi công. Là người dân huyện Phú Giáo có đất thuộc phạm vi giải tỏa để làm đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng, ông Hồ Văn Lợi chia sẻ, tuyến đường mở ra không gian phát triển mới, giai đoạn phát triển mới cho các huyện phía bắc, góp phần quan trọng trong kêu gọi, thu hút đầu tư của các địa phương, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân nên người dân rất đồng tình ủng hộ và sớm nhận đền bù để bàn giao mặt bằng.

Tạo điều kiện thuận lợi cho kết nối giao thông vùng, tháng 9/2024 tỉnh Bình Dương đã khánh thành cầu Bạch Đằng 2 kết nối xã Bạch Đằng, thành phố Tân Uyên (tỉnh Bình Dương) và xã Bình Lợi, huyện Vĩnh Cửu (tỉnh Đồng Nai). Với tổng vốn đầu tư 491 tỷ đồng từ nguồn ngân sách, dự án cầu Bạch Đằng 2 được tỉnh Bình Dương và tỉnh Đồng Nai cùng đầu tư được giao Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng công trình giao thông tỉnh Bình Dương làm chủ đầu tư trên cơ sở thống nhất phương án của 2 tỉnh Bình Dương và tỉnh Đồng Nai. Quy mô dự án có chiều dài toàn tuyến gần 946m với 4 làn xe chạy có vận tốc thiết kế 80km/giờ. Cầu Bạch Đằng 2 đi vào hoạt động góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông liên tỉnh trong khu vực Vùng kinh tế trọng điểm phía nam; đồng thời mở thêm không gian phát triển đô thị, thương mại, dịch vụ cho 2 tỉnh; mở thêm hướng kết nối mới cho tỉnh Bình Dương đến các tuyến giao thông trọng điểm quốc gia, như: quốc lộ 1, quốc lộ 51, các tuyến cao tốc.

Cầu Bạch Đằng 2 qua sông Đồng Nai kết nối tỉnh Bình Dương và tỉnh Đồng Nai được khánh thành tháng 9/2024.

Bà Ngô Minh Lan, người dân xã Bạch Đằng cho biết: Thời gian qua người dân xã Bạch Đằng vẫn phải phụ thuộc vào phà Bạch Đằng - Bình Lợi. Với cầu Bạch Đằng 2 hoàn thành có ý nghĩa vô cùng quan trọng, vừa phục vụ cho việc đi lại của người dân địa phương được thuận tiện, vừa phục vụ cho việc kết nối giao thương với nhiều đơn vị trong và ngoài địa bàn thành phố Tân Uyên. Qua đó còn tạo cơ hội cho người dân nông thôn có cơ hội giao lưu, học hỏi thêm nhiều kiến thức bổ ích góp phần phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Chính vì vậy, từ năm 2022 bắt đầu xây dựng cầu Bạch Đằng 2 thì người dân rất phấn khởi và đồng tình ủng hộ để cầu Bạch Đằng 2 sớm đi vào hoạt động

Để triển khai đầu tư xây dựng các dự án giao thông trọng điểm, kết nối vùng như đường Vành đai 3, Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh; cao tốc Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành; nâng cấp, mở rộng quốc lộ 3, hiện cả hệ thống chính trị tại Bình Dương được huy động với sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh, sự điều hành quyết liệt của Ủy ban nhân dân tỉnh và nỗ lực của các sở, ban, ngành, các địa phương nhằm triển khai đồng bộ các giải pháp. Để đẩy nhanh tiến độ dự án, phát huy sự đồng thuận và ủng hộ của người dân vùng dự án, thời gian qua người dân tỉnh Bình Dương biết nhìn xa trông rộng, chung tay vì sự phát triển chung và luôn sẵn sàng đồng hành, ủng hộ trong công tác đền bù giải tỏa để các dự án triển khai kịp thời, kịp lúc.

Giải pháp phát huy sự đồng thuận

Cùng với sự đồng hành của người trong ủng hộ chủ trương phát triển giao thông với nhiều dự án đã đi vào hoạt động và đang triển khai, thời gian sự đồng thuận của người trong ủng hộ chủ trương phát triển khu công nghiệp đã giúp hạ tầng khu công nghiệp của tỉnh Bình Dương trở thành một trong những tỉnh đi đầu trong cả nước. Đến nay tỉnh Bình Dương đã thành lập 29 khu công nghiệp với tổng diện tích quy hoạch 12.745,62ha, hiện đã có 28 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng diện tích 12.045,62ha với tỷ lệ lấp đầy tại các khu công nghiệp là 93,77%.

Hiện các khu công nghiệp thu hút 3.215 dự án còn hiệu lực, bao gồm 2.524 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký 30,57 tỷ USD và 691 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký 95.460 tỷ đồng. Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương, hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả, ước tính năm 2024, doanh thu của các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp đạt hơn 38 tỷ USD; kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 27,36 tỷ USD; kim ngạch nhập khẩu đạt hơn 20,1 tỷ USD; thuế và các khoản nộp ngân sách đạt 607 triệu USD. Các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp đã giải quyết việc làm ổn định cho 551.380 lao động.

Hạ tầng giao thông tại huyện Bàu Bàng giúp địa phương kết nối địa phương và liên vùng thuận lợi.

“Chính quyền kiến tạo - Nhân dân đồng hành - Doanh nghiệp hành động”, Để thực hiện các dự án tạo lực hiệu quả, các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp tại Bình Dương luôn quan tâm đến công tác đền bù giải tỏa và nhiều cách làm hay, mô hình mới đã lan tỏa. Đơn cử như tại huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương, nhờ hạ tầng giao thông giao thông và các khu công nghiệp tại huyện được triển khai nhanh đã giúp huyện thu hút gần 5 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài. Vận động người dân, tại huyện có mô hình “Gần dân, sát dân” để giúp dân đang được duy trì hiệu quả. Với mô hình này, hằng tháng, mỗi cán bộ lãnh đạo của huyện, xã tự sắp xếp một hoặc hai ngày đến gặp gỡ, tiếp xúc với ít nhất hai hộ gia đình ở địa bàn nơi mình được phân công phụ trách hoặc nơi cư trú. Khi tiếp xúc, cán bộ ghi chép cẩn thận những nội dung người dân phản ánh từ những vấn đề lớn đến những việc gần gũi với đời sống thường nhật của họ, như xây dựng đường giao thông, đền bù giải tỏa trong lĩnh vực đất đai…

Nguyên Bí thư Huyện ủy Bàu Bàng Nguyễn Hữu Chí cho rằng, mô hình “Gần dân, sát dân” rất có ý nghĩa. Việc các đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện ủy, lãnh đạo các địa phương đến tận nơi để lắng nghe ý kiến, tâm tư nguyện vọng của người dân nhằm giúp giải quyết kịp thời, thấu đáo hoặc kiến nghị lên cấp trên giải quyết những vấn đề bức xúc, quan tâm của người dân. Ðiều đó giúp người dân hiểu rõ, tạo sự đồng thuận, sẵn sàng giúp địa phương đẩy nhanh công tác đền bù, giải tỏa, tạo điều kiện thu hút đầu tư và nắm bắt cơ hội để phát triển.

Khu công nghiệp Bàu Bàng giúp thu hút đầu tư hiệu quả vào huyện.

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương Mai Hùng Dũng cho rằng, tỉnh Bình Dương luôn đánh giá cao và trân trọng các hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức thuộc phạm vi ảnh hưởng của dự án tạo lực về giao thông, hạ tầng khu công nghiệp đã đồng thuận, đồng hành cùng chính quyền các cấp trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư sẵn sàng di dời nhà cửa, công trình nhằm tạo điều kiện thuận lợi để triển khai thi công. Với sự đồng thuận đó, việc đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng và cầu Bạch Đằng 2 là các công trình giao thông trọng điểm của tỉnh Bình Dương được khánh thành mới đây đã giúp rút ngắn rất đáng kể thời gian đi lại, tiết giảm chi phí vận chuyển, đáp ứng nhu cầu giao thương và nâng cao năng lực vận tải hàng hóa; tạo động lực và không gian phát triển mới, kết nối giao thông giữa các khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ ở các huyện phía bắc với các thành phố phía nam trên địa bàn tỉnh Bình Dương; kết nối liên vùng với tỉnh Bình Phước và các tỉnh khu vực Tây Nguyên thông qua các trục giao thông huyết mạch; tạo điều kiện thu hút các nguồn lực để các địa phương tiếp tục phát triển nhanh, toàn diện và bền vững trong thời gian tới.