Hơn 15 năm sống làm việc ở Thủ đô Paris, Cảnh Chi trở thành cái tên quen thuộc với nhiều thế hệ học sinh, sinh viên Việt Nam du học tại Pháp. Là một trong những thành viên sáng lập, cũng là nữ Chủ tịch đầu tiên của Hội Sinh viên Việt Nam tại Pháp, chị khơi nguồn nhiều ý tưởng và tổ chức nhiều sự kiện giao lưu văn hóa giữa sinh viên Việt Nam - Pháp.
Tốt nghiệp thạc sĩ kinh tế năm 2000, Cảnh Chi có công việc ổn định ở một ngân hàng có tiếng, một gia đình hạnh phúc với người chồng Pháp và cậu con trai kháu khỉnh. Những cái Tết bên gia đình nhỏ hạnh phúc, bên bạn bè cả Việt Nam và Pháp, cũng đầy đủ dưa hành, bánh chưng, hoa đào nhưng vẫn thấy hẫng hụt, thấy rưng rưng nhớ nhà. Thế rồi, chẳng ai phải thuyết phục ai, giữa năm 2011, khi chồng chị tìm được công việc phù hợp, cả nhà đóng gói đồ đạc, lích kích ra sân bay trở về Việt Nam, để lại căn nhà nhỏ xinh xắn tại Paris.
Trở về, với ý nghĩ đầu tiên là được sống gần gia đình, rồi sau là làm giàu trên mảnh đất quê hương, những dự án kinh doanh đã đến sau nhiều chuyến đi Lâm Ðồng, Buôn Ma Thuột, Thái Nguyên… Cùng sự giúp sức của một số người bạn từng du học trở về, ý tưởng về bộ sưu tập trà dần thành hiện thực trong Cảnh Chi. Cả những dự án dài hơi về một thương hiệu uy tín, về một nhà máy rang xay cà-phê đáp ứng quy chuẩn chất lượng thế giới, về xuất bản sách nghệ thuật trà và cà-phê… nhằm nâng giá trị các mặt hàng nông sản Việt Nam cũng được từng bước triển khai với nhiều tâm huyết…
Có một thế hệ người Việt Nam sinh ra và lớn lên ở nước ngoài gần như chỉ biết quê hương qua tấm bản đồ. Sợi dây mong manh duy nhất nối giữa những người trẻ ấy với đất Mẹ là một vài mảnh ký ức đơn sơ, đôi khi được giấu kín, của bà, của mẹ. Họ đã đón nhiều cái Tết với bánh chưng, hoa đào, cũng được nhận lì xì và nhiệt tình tham gia các hoạt động hướng về quê hương của cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Nhưng văn hóa đâu có thể thấu hiểu ngày một ngày hai qua ký ức hay những câu chuyện kể. Mà không hiểu thì thật khó để nhớ, càng khó để yêu.
Trở lại Việt Nam đón cái Tết thứ ba, John Hùng, chàng Việt kiều Mỹ từng hai lần đi bộ xuyên Việt, trong đó có hành trình đi bộ hơn 80 ngày qua 20 tỉnh, thành phố Việt Nam mà không mang theo tiền trong người chỉ vì muốn “trở nên Việt Nam hơn”, mang theo nhiều dự định. Những ngày đầu trở về Việt Nam, dù chỉ nói được dăm ba câu tiếng Việt đơn giản nhưng John Hùng vẫn quả quyết: “Trên tấm hộ chiếu tôi là người Mỹ, nhưng trong dòng máu chạy thẳng qua tim, tôi là quê xứ này”. Không còn lạ lẫm và ngơ ngác, John Hùng giờ nói tiếng Việt khá chuẩn, thạo đường phố Hà Nội, lái xe máy rất “lụa”, hay khen các cô gái Việt Nam xinh, biết nhậu tí xíu cho vui trong những dịp lễ, Tết.
Sau khi cuốn sách “John đi tìm Hùng” ra mắt bạn đọc, cậu thường xuyên nhận được các cuộc gọi của bạn bè, của bác Năm ở Thái Bình, bác Ba ở Phú Yên mời về quê đón Tết. John Hùng đang có một công việc chờ sẵn. Và hành trình khám phá Việt Nam của cậu chỉ mới bắt đầu. Chàng trai trẻ này dự định sẽ dành một năm chỉ đi dọc Việt Nam để gặp gỡ nhiều người, trải nghiệm những nét văn hóa riêng ở mỗi vùng, miền đất nước. Cậu sẽ làm việc, sẽ đi nhiều hơn và viết sách, sẽ tham gia nhiều chương trình thiện nguyện, mong muốn lập gia đình và định cư lâu dài ở quê hương. Vì “làm việc bên Mỹ lương cao hơn nhưng Việt Nam mới thật sự là nhà của Hùng”.
Nhưng không chỉ có một mình John đi tìm Hùng. Nhiều người trẻ đã chọn cho mình hành trình khác nhau, để trở về. Theo chương trình tình nguyện quốc tế, chàng sinh viên François Lu Van, 22 tuổi, đã chọn Việt Nam là điểm khởi đầu trong hành trình khám phá thế giới. Sinh ra, lớn lên tại Bỉ, hiện là sinh viên Khoa Ngôn ngữ năm thứ hai Trường đại học Sorbonne (Paris, Pháp), François Lu Van đã tham gia nhiều hoạt động tình nguyện tại Phú Yên, Ðà Nẵng, Hà Nội… Rồi tình yêu quê hương cứ lớn dần trong từng chuyến đi. “Tôi đã băn khoăn khi cha tôi nhìn về quê hương với đôi mắt mỏi mệt và hoài nghi. Tôi quyết định về đây để hiểu thêm về nơi tôi không được sinh ra, nhưng chắc chắn thuộc về”.
Trong câu chuyện của những người trẻ như François Lu Van, như John Hùng… giờ đầy ắp kỷ niệm đẹp về những vùng đất đã đi qua. Lòng tốt, tình yêu, niềm tin, hạnh phúc không phải thứ xa xỉ. Nó sẵn có ở đây, trong những ồn ào và nhộn nhịp phố xá, trong những nụ cười lấm lem bùn đất của những người nông dân quanh năm gắn bó với ruộng đồng. Ðã có một phần quê hương trong những kế hoạch kinh doanh, những dự định công việc, những mơ ước hạnh phúc, những mộng mơ ngày thường của những người trẻ ấy. Ở nơi xa xôi nào đấy, vẫn có những người như thế, lặng lẽ tìm về nơi quê cha, đất Tổ. Họ nhất thiết phải đi. Nhất thiết phải tìm “phần Việt Nam” ở tận sâu nơi trái tim mình. Như thể, Quê hương, trong một nghĩa sâu thẳm thiêng liêng nhất, là tiếng gọi da diết trở về.
Các dự án kinh doanh của Cảnh Chi đã đến sau nhiều chuyến đi.