Sau mười năm thực hiện Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy về "Chiến lược phát triển kinh tế vùng biển, hải đảo và ven biển đến năm 2010" và ba năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khóa X) về "Chiến lược biển Việt Nam", kinh tế biển đã đóng góp to lớn vào quá trình tăng trưởng kinh tế chung của Kiên Giang. Tuy nhiên cùng với những thành tựu đã bộc lộ những hạn chế, cần khắc phục.
Sau mười năm triển khai thực hiện các nghị quyết, chương trình của T.Ư và của tỉnh về phát triển kinh tế biển, Kiên Giang duy trì được nhịp độ tăng trưởng kinh tế biển bình quân hằng năm hơn 18%/năm. Ðây là một cố gắng, nỗ lực lớn của các ngành, các cấp, của nông-ngư dân và các doanh nghiệp trong tỉnh. GDP kinh tế biển của Kiên Giang năm 2009 đã đạt 65% trong GDP toàn tỉnh, vượt xa chỉ tiêu Nghị quyết Ðảng bộ tỉnh đề ra đến năm 2010 (43%). Ðể có mức tăng trưởng khá và ổn định, trước tiên phải kể đến lĩnh vực khai thác thủy sản. Mặc dù đây là lĩnh vực có thế mạnh truyền thống của Kiên Giang, nhưng bước đột phá chỉ bắt đầu từ khi Kiên Giang triển khai chương trình đánh bắt xa bờ với việc hỗ trợ cho ngư dân hàng trăm tỷ đồng để thay thế phương tiện nhỏ, cũ, chuyên khai thác gần bờ bằng những đội tàu có công suất lớn. Nhiều ngư dân mạnh dạn bỏ tiền đầu tư hàng tỷ đồng đóng mới, nâng cấp tàu, trang bị hiện đại đánh bắt xa bờ. Từ đó, số lượng tàu, thuyền và sản lượng khai thác của Kiên Giang tăng nhanh chóng.
Ngoài khai thác, những năm qua, Kiên Giang đã được những thành tựu trên lĩnh vực nuôi trồng. Hiện nay, diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh đạt gần 122 nghìn ha, sản lượng khoảng 124 nghìn tấn. So với năm 1998, diện tích nuôi trồng thủy sản tăng 4,3 lần, sản lượng tăng 13,7 lần. So với Nghị quyết Ðảng bộ tỉnh Kiên Giang đề ra đến năm 2010, sản lượng nuôi trồng thủy sản tăng gấp ba lần. Ngọc trai - một loại sản vật quý cũng đã được một số doanh nghiệp triển khai nuôi, cấy thành công tại huyện đảo Phú Quốc. Các loại thủy hải sản có giá trị kinh tế cao như: tôm hùm, ốc hương, cá mú, cua, sò, nghêu... cũng được người dân nuôi khá thành công tại nhiều vùng biển. Ðặc biệt, tỉnh Kiên Giang đã chuyển dịch thành công hàng chục nghìn ha lúa kém hiệu quả sang mô hình tôm lúa. Chỉ tính riêng diện tích nuôi tôm theo mô hình này năm 2010 đã đạt gần 80 nghìn ha. Mới đây, Kiên Giang quy hoạch năm vùng nuôi thủy hải sản với quy mô lớn và đầu tư thành lập ba cơ sở kiểm dịch giống. Bên cạnh đó, các hộ ngư dân phát triển 126 cơ sở sản xuất ươm vèo giống thủy sản... đáp ứng nhu cầu giống nuôi trên địa bàn tỉnh.
Nhắc đến kinh tế biển, không thể bỏ qua hệ thống cảng cá và khu dịch vụ hậu cần nghề cá. Ðây là điều kiện để ngành kinh tế biển phát triển ổn định, nâng cao chất lượng sản phẩm, cạnh tranh được với thị trường trong nước và thế giới. Ðến nay, hệ thống cảng ở Kiên Giang đang hình thành một cách hoàn chỉnh. Những địa bàn trọng điểm và có thế mạnh về thủy sản đã xây dựng hệ thống cảng phát huy được tác dụng như: An Thới, Dương Ðông, Thổ Châu (Phú Quốc), Nam Du (Kiên Hải), Tô Châu (Hà Tiên), Tắc Cậu (Châu Thành). Ðồng thời, một số công trình như: cảng Xẻo Nhàu (An Minh), Ba Hòn (Kiên Lương), Tắc Cậu (Châu Thành) giai đoạn II, khu trú bão Hòn Tre (Kiên Hải), Cầu Sấu (Phú Quốc)... đang thi công, đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu phát triển của nền kinh tế biển tại Kiên Giang.
Tầu đánh cá ở Kiên Giang .
Tuy nhiên trong phát triển kinh tế-xã hội thời gian qua, kinh tế biển ở Kiên Giang bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém, chậm được khắc phục. Trong đó, vấn đề nan giải là nạn khai thác thủy hải sản bằng các hình thức hủy diệt môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn lợi thủy hải sản như cào bờ, xiệp mé, khai thác bằng chất nổ, hóa chất, khai thác vùng cấm... theo chiều hướng ngày một gia tăng. Số lượng tàu hoạt động ven bờ còn chiếm đến 51% tổng số tàu cá của tỉnh. Chính vì vậy, mặc dù sản lượng khai thác hằng năm ở Kiên Giang luôn vượt chỉ tiêu đề ra, nhưng sản phẩm có giá trị kinh tế thấp chiếm tỷ trọng lớn. Ðây không phải là vấn đề mới, tuy nhiên biện pháp khắc phục thì Kiên Giang vẫn chưa tìm được hướng ra. Hiện tại các văn bản quy định xử phạt đối với các hành vi cấm trong khai thác thủy sản chưa đủ sức răn đe. Mặt khác, muốn chuyển đổi nghề nghiệp cho một bộ phận ngư dân từ trước đến nay quen lối khai thác "ăn xổi, ở thì" cần phải có những chính sách phù hợp để người dân ổn định cuộc sống. Trong lĩnh vực nuôi trồng, khó khăn lớn nhất hiện nay là chuyển đổi hình thức nuôi công nghiệp, bán công nghiệp tại các vùng quy hoạch còn chậm, nhất là nghề nuôi tôm. Sản lượng và năng suất nuôi trồng chưa ổn định. Vấn đề này một mặt do người dân chưa tuân thủ quy trình kỹ thuật sản xuất. Các cơ quan làm quy hoạch chưa tính đến những yếu tố bất lợi nên không dự trù trước những rủi ro có thể xảy ra trong quá trình sản xuất, nên khi có dịch bệnh, thiên tai mới loay hoay tìm biện pháp khắc phục chứ chưa chủ động trong phòng, chống. Ðiều này dễ thấy nhất tại vùng U Minh Thượng-nơi có diện tích tôm nuôi lớn nhất tỉnh. Ðiệp khúc, "trúng mùa mất giá", "được giá, mất mùa" thường xuyên diễn ra, cuộc sống người dân mới chỉ thoát nghèo chứ chưa thể khá giàu lên được. Ðiều nữa, năng lực thu mua, chế biến các mặt hàng thủy sản của tỉnh còn hạn chế. Việc thu mua chế biến xuất khẩu của các nhà máy mới chỉ chiếm 17%, còn lại tiêu thụ ra ngoài tỉnh. Chế biến phần lớn là dạng thô, sản phẩm tinh chế có giá trị cao không nhiều dẫn đến kim ngạnh xuất khẩu đạt thấp so với tiềm năng. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản cũng chỉ đạt 44,83% so với chỉ tiêu 300 triệu USD đến năm 2010 mà tỉnh Kiên Giang đề ra.
Mặc dù có nhiều tiềm năng về biển, nhưng các cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu bè quy mô vẫn còn nhỏ, công nghệ chế tạo và sửa chữa cơ khí vẫn còn sử dụng thủ công là chính; giao thông, điện, nước và hạ tầng cơ sở phục vụ cho ngành kinh tế biển còn nhiều hạn chế. Ðiều này thể hiện rõ nhất ở hai huyện đảo Phú Quốc và Kiên Hải. Mặc dù huyện Phú Quốc đã được ưu tiên đặc biệt về cơ chế, chính sách đầu tư phát triển, Quyết định 178 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Ðề án phát triển tổng thể đảo Phú Quốc đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020" đã được các bộ, ngành Trung ương và tỉnh thực hiện trong nhiều năm nay, nhưng đường sá, cầu cống, cơ sở hạ tầng, vấn đề quy hoạch, an cư lạc nghiệp cho người dân... vẫn còn khó khăn bề bộn. Ðối với huyện đảo Kiên Hải còn khó khăn hơn. Là một huyện đảo có địa bàn quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng của tỉnh nhưng từ trước đến nay vấn đề đầu tư phát triển kinh tế biển chỉ nhỏ lẻ, cơ sở hạ tầng phục vụ cuộc sống của người dân vẫn thiếu thốn, vì vậy tiềm năng lớn nhất là về du lịch vẫn chưa được "đánh thức".
Theo đánh giá của Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Bùi Ngọc Sương, những hạn chế trên chủ yếu là do hạ tầng kinh tế-xã hội của tỉnh còn thấp kém. Công tác quy hoạch, nhiều dự án, chương trình để kéo dài. Trong khi nhu cầu vốn đầu tư cho phát triển kinh tế biển rất lớn, nhưng khả năng huy động vốn của tỉnh để đầu tư có hạn, chưa tương xứng; nguồn nhân lực còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng và trình độ tay nghề...
Để kinh tế biển của Kiên Giang tiếp tục phát triển, đạt được các chỉ tiêu đến năm 2015 và 2020, tỷ trọng GDP kinh tế biển, ven biển và hải đảo đạt lần lượt 78%, 80% tổng GDP của cả tỉnh; thu nhập bình quân của cư dân vùng ven biển, hải đảo gấp 2 lần thu nhập bình quân của các khu vực dân cư khác, đến năm 2020 cơ bản xây dựng Phú Quốc thành trung tâm du lịch sinh thái chất lượng cao và trung tâm giao thương quốc tế... Kiên Giang xác định rõ vai trò và vị trí của kinh tế biển đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của tỉnh. Rà soát, hoàn thành và triển khai thực hiện các quy hoạch tổng thể, ngành, khu công nghiệp, khu kinh tế trọng điểm, khu du lịch bảo đảm chất lượng, có tính khả thi và mang tính hiệu quả cao. Tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng ven biển, hải đảo có trọng tâm, trọng điểm, nhất là các công trình giao thông, điện, nước; phát triển mạnh các ngành có lợi thế như: thương mại, dịch vụ-du lịch, công nghiệp đóng tàu, công nghiệp chế biến, khai thác, nuôi trồng... gắn với xây dựng các trung tâm kinh tế, các khu đô thị ven biển, hải đảo...