Người gieo “hạt giống đỏ”

|

Chân run, mắt mờ, nhưng trí tuệ còn minh mẫn, lão đồng chí kiên trung Phan Ngọc Bích, người sống 105 năm tuổi đời và được nhận Huy hiệu 85 năm tuổi Đảng là biểu hiện sinh động về hình ảnh một chiến sĩ cộng sản mẫu mực. Sinh ra ở đất La Hai, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên, Phan Ngọc Bích (bí danh Việt Hồng) là một trong những người cộng sản đầu tiên của tỉnh Phú Yên đi gieo “hạt giống đỏ”, gieo mầm cách mạng.

Từ tia lửa bùng lên ngọn lửa

Trò chuyện với hậu sinh, cụ thường nói, không ai có thể sống đến hai cuộc đời, nhưng nếu tái sinh, cụ vẫn lại tiếp tục làm người cộng sản. Cuộc đời của bậc tiền bối Phan Ngọc Bích là pho “tư liệu sống” của cách mạng Phú Yên.

“Tôi mồ côi cha từ năm lên sáu, sau đó không lâu thì má đi biệt tích. Sống với ông bà nội và được học nghề hớt tóc dạo mưu sinh, cũng học được vài ba con chữ. Năm tôi mười tám tuổi thì ông bà đều đã qua đời...”, cụ Bích hồi tưởng. Người thanh niên ấy sinh ra, lớn lên trong thế giới cần lao, thấu hiểu và cảm thông với những người cùng khổ để rồi những tia lửa yêu nước đầu tiên đã nhen nhóm trong tâm hồn anh.

Theo dòng ký ức của lão đồng chí, vào thời điểm đó, ở vùng quê La Hai, Đồng Xuân, thanh niên thường tìm đọc tờ báo Tiếng Dân do chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng chủ biên. Lời hiệu triệu của cụ Huỳnh và những cây bút thương nòi đã hun đúc cho lớp trẻ tinh thần lo lắng vận nước và ý chí quyết tâm giải phóng thân phận nô lệ của người Việt vong quốc. Những năm tháng đó, dấu ấn của những cuộc khởi nghĩa Lê Thanh Phương, Bá Sự, Võ Trứ của phong trào Cần Vương ở quê hương Phú Yên vẫn còn lưu hào khí.

Chi bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội thành lập tại Phú Yên năm 1928. Tổ chức Hưng nghiệp hội cũng đã ra đời tại La Hai nhằm tập hợp thanh niên. Một trong những thành viên của tổ chức này là Phan Lưu Thanh vào Sài Gòn học lái xe và trở thành đảng viên cộng sản ở chi bộ Thị Nghè. Phan Lưu Thanh đã từ Sài Gòn trở lại Đồng Xuân với trọng trách Đảng giao. Ông là người dày công tuyên truyền, giác ngộ lý tưởng cách mạng cho thanh niên quê nhà. Hình ảnh kiên cường của Phan Lưu Thanh đã làm phấn chấn những người yêu nước khi chính ông là người mang cờ đỏ búa liềm và truyền đơn cách mạng rải ở Nhà dây thép Sông Cầu và trước nhà riêng Phó Công sứ Pháp ở Phú Yên.

Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 12 Cách mạng Tháng Mười Nga, Phan Ngọc Bích cùng ba người khác được giao in ấn truyền đơn và trong vai người hớt tóc dạo, anh đã trực tiếp mang truyền đơn vào rải tận phủ lỵ Tuy Hòa, chợ Tuy Hòa. Sau đó, lẫn vào dòng người vào xem hát cải lương, anh tung truyền đơn tuyên truyền cách mạng giữa buổi diễn đông người cả Tây lẫn Việt.

Sau những cuộc “tập dượt”, Phan Lưu Thanh tổ chức kết nạp tám đồng chí vào Đảng, trong đó có chàng trai hớt tóc dạo Phan Ngọc Bích. Chi bộ Đảng đầu tiên tại Phú Yên cũng chính thức thành lập vào ngày 5-10-1930 ngay chính quê nhà La Hai của họ. Đây là tia lửa nhen nhóm để rồi những ngày tháng sau đó bùng cháy lên ngọn lửa cách mạng khắp vùng quê núi Nhạn - sông Đà…

Gieo mầm cách mạng

Đến tháng 1-1931, khắp tỉnh Phú Yên đã phát triển lên 17 chi bộ với 77 đảng viên, đủ điều kiện thành lập Tỉnh ủy và đồng chí Phan Lưu Thanh được Xứ ủy Trung Kỳ cử làm Bí thư Tỉnh ủy. Tháng 3-1931, Phan Lưu Thanh và Phan Ngọc Bích được điều về Xứ ủy phụ trách công tác tuyên truyền cách mạng. Tỉnh ủy Phú Yên phát động phong trào ủng hộ Xô Viết Nghệ Tĩnh, thực dân khủng bố trắng, địch bắt hơn 500 người, cả đảng viên và quần chúng yêu nước. Ngày 17-7-1931, Pháp mở phiên tòa tại Sông Cầu, xử án tù 28 người, Phan Lưu Thanh bị kết án 15 năm tù. Phan Ngọc Bích may mắn trốn thoát, vẫn liên lạc thường xuyên với các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy trong tù…

Địch khủng bố ráo riết, trong vai người kéo xe, Phan Ngọc Bích vào Tuy Hòa hoạt động, tuyên truyền, giác ngộ lý tưởng cộng sản. Ở Tuy Hòa, Bích giác ngộ và kết nạp các đồng chí Nguyễn Chấn, Lê Tấn Thăng, Nguyễn Tự Đoan, Trương Huề vào Đảng và thành lập chi bộ Đảng đầu tiên ở phía nam Phú Yên tại chùa Ông dưới chân núi Nhạn vào ngày 21-11-1931. Sau khi thành lập chi bộ, trên đường trở về báo cáo Tỉnh ủy thì anh bị bắt. Năm 1935, Phan Ngọc Bích ra tù và tiếp tục cùng đồng chí, đồng bào lao vào cuộc tranh đấu…

Lịch sử Đảng bộ tỉnh Phú Yên ghi lại một trong những cuộc đấu tranh nổi tiếng của phong trào cách mạng Phú Yên vào thời thuộc Pháp, cuộc đấu tranh giữa công nhân và nông dân trồng mía với chủ Nhà máy đường Đồng Bò Hygenol. Phan Ngọc Bích được Tỉnh ủy phân công về trực tiếp lãnh đạo cuộc đấu tranh này. Năm đó, anh chỉ mới 25 tuổi.

Phan Ngọc Bích đã liên hệ với đồng chí Trương Dụng Quyền, một đảng viên được phân công “nằm vùng” ở Nhà máy đường Đồng Bò để nắm tình hình. Sau đó, hai đồng chí bí mật gặp anh Trần Bình Long là người phụ trách hơn 50 công nhân người Quảng Ngãi vào chặt mía thuê. Khi biết anh Bích, anh Quyền là những đảng viên cộng sản đang tổ chức các cuộc đấu tranh mới với giới chủ, anh Long đồng tình ngay. Long còn giới thiệu thêm Nguyễn Châu cũng là một quần chúng tốt tham gia vào ban chỉ đạo cuộc đấu tranh…

Tiếng thét đòi quyền sống

Sáng 1-5-1941 - Ngày Quốc tế Lao động, dưới sự lãnh đạo của hai đảng viên cộng sản Phan Ngọc Bích và Trương Dụng Quyền, lực lượng công nhân Nhà máy đường Đồng Bò gồm 200 người do anh Nguyễn Châu phụ trách, lực lượng công nhân chặt mía hơn 50 người và bà con nông dân trồng mía hơn 200 người do anh Trần Bình Châu phụ trách từ các ngả đường kéo về tập trung tại một vuông đất rộng trước thôn Bình Sơn. Phan Ngọc Bích trở thành linh hồn của cuộc đấu tranh.

Đứng trên chiếc bàn gỗ, anh dõng dạc kêu gọi: “Thưa anh chị em công nhân! Thưa bà con trồng mía! Cuộc đấu tranh của chúng ta với bọn thực dân thống trị, bọn địa chủ phong kiến là cuộc đấu tranh giai cấp một mất một còn. Chúng ta phải đoàn kết lại thành một khối vững chắc, trăm người như một; công nhân và nông dân phải liên minh chặt chẽ, cùng toàn dân tộc một ý chí, sát cánh bên nhau đánh đổ bọn thực dân, phong kiến, bọn thống trị đang đàn áp chúng ta…!”.

Tiếng vỗ tay vang dậy hưởng ứng lời kêu gọi của Phan Ngọc Bích. Tiếng hô đả đảo thực dân, phong kiến vang khắp một vùng. Chủ nhà máy cho tay chân xuống đàn áp nhưng trước khí thế cách mạng hừng hực, chúng phải chạy về cố thủ. Anh Trần Bình Long thay mặt công nhân, nông dân đọc bản yêu sách đòi chủ nhà máy Hygenol tăng lương, giảm giờ làm, không được sa thải công nhân, ốm đau phải được chữa bệnh… Trước sức mạnh của công nông do những người cộng sản lãnh đạo, tên chủ Hygenol phải chấp nhận tất cả mọi yêu sách.

Sau cuộc đấu tranh thắng lợi, Phan Ngọc Bích kết nạp thêm đảng viên mới Trần Bình Long và giao nhiệm vụ cho anh Quyền, anh Long củng cố chi bộ nhà máy, duy trì khí thế đấu tranh của quần chúng cách mạng. Phan Ngọc Bích lại tiếp tục nhận nhiệm vụ do Tỉnh ủy Phú Yên phân công, lặn lội bám đường dây cơ sở về huyện miền núi Sơn Hòa hoạt động. Ông làm Chủ nhiệm Việt Minh và lãnh đạo thành công cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở huyện miền tây Phú Yên trong Cách mạng Tháng Tám. Năm 1954, Phan Ngọc Bích lên tàu ra bắc tập kết và nhận nhiệm vụ Trưởng ban Vận động cán bộ sản xuất thuộc Bộ Lao động. Sau đó, đồng chí xung phong vào Quảng Bình sản xuất, trở thành Phó Giám đốc Nông trường Lệ Ninh. Nước nhà thống nhất, đồng chí Phan Ngọc Bích nghỉ hưu và trở về quê nhà Phú Yên…

Từ đứa trẻ mồ côi, người thợ cắt tóc dạo trở thành một đảng viên kiên trung, Phan Ngọc Bích, người cộng sản trưởng thành từ lòng dân, đã cùng đồng chí của mình đi gieo “hạt giống đỏ” trong những ngày đất nước, quê hương còn tối tăm, nô lệ. Hơn một thế kỷ cuộc đời cùng 85 mùa Xuân theo Đảng, lão tiền bối vẫn một lòng một dạ cống hiến trọn đời cho lý tưởng mà mình đã chọn từ thuở tráng niên.