Chuyên môn bác sĩ và y học cổ truyền là lợi thế lớn

|

Du lịch y tế đang là xu hướng được nhiều người nước ngoài lựa chọn. Hiện mỗi năm, Việt Nam đón khoảng 300.000 lượt người nước ngoài đến khám bệnh và gần 60.000 người điều trị nội trú. Tuy con số này còn khiêm tốn, nhưng với chất lượng khám, chữa bệnh ngày càng cao, giá lại rẻ hơn nhiều nước, Việt Nam có tiềm năng để phát triển lĩnh vực du lịch y tế. Song để tiềm năng thức giấc, y tế Việt Nam vẫn cần phải vượt qua nhiều thách thức, rào cản, như chia sẻ của Bí thư Đảng ủy, Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên.

Những năm gần đây, nhiều người nước ngoài đã lựa chọn Việt Nam để sử dụng các dịch vụ y tế. Bộ Y tế từng có chủ trương kéo người nước ngoài đến Việt Nam chữa bệnh, vậy hiện nay, chủ trương này được thực hiện thế nào, thưa ông?

Hiện nay, Bộ Y tế đang tổ chức lấy ý kiến tham gia vào dự thảo đề án “Thu hút người nước ngoài, người Việt Nam sống ở nước ngoài và người Việt Nam thu nhập cao khám, chữa bệnh chất lượng cao ở Việt Nam giai đoạn 2020-2030”. Việc xây dựng đề án nhằm nâng cao toàn diện chất lượng khám, chữa bệnh và chất lượng dịch vụ của một số bệnh viện, góp phần đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh chất lượng cao tại Việt Nam của người có khả năng chi trả, đồng thời thu hút người nước ngoài đến Việt Nam khám, chữa bệnh. Dự kiến, đề án sẽ được triển khai tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các địa phương khác như Quảng Ninh, Hải Phòng, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa.

Tham vọng rất lớn nhưng cạnh tranh quốc tế cũng nan giải không kém, vậy đâu là thế mạnh, tiềm năng của y tế Việt Nam để thu hút người nước ngoài đến du lịch y tế, thưa ông?

Chúng ta có một đội ngũ bác sĩ trình độ chuyên môn tốt, được đào tạo cơ bản ở trong nước và nước ngoài, lại “khéo tay”, được nhân dân trong nước và nhiều đồng nghiệp nước ngoài khen ngợi, đánh giá cao. Chúng ta cũng có những kỹ thuật đã được nhiều bác sĩ nước ngoài nghiên cứu, tìm hiểu. Thế mạnh đặc biệt nữa là Y học Việt Nam, trong đó có y dược cổ truyền lâu đời hàng nghìn năm, những phương pháp điều trị cổ truyền như châm cứu, đã đào tạo cho nhiều sinh viên là bác sĩ, điều dưỡng ở một số nước trên thế giới. Trong thời gian gần đây, cơ sở vật chất, hạ tầng của nhiều bệnh viện trong cả nước ngày càng mở rộng, nâng cấp, được đầu tư trang thiết bị hiện đại. Nhiều bệnh viện tư nhân và khoa khám, chữa bệnh theo yêu cầu của bệnh viện công lập được đầu tư đồng bộ, thiết kế hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc tế. Hiện tại cả nước đã có bốn bệnh viện đạt chứng nhận chất lượng của JCI, Hoa Kỳ (Joint Commission International). Một số bệnh viện tuyến cuối, bệnh viện tư nhân tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đã và đang được đầu tư trang thiết bị y tế hiện đại ngang tầm khu vực và thế giới. Trong 5 năm gần đây, chất lượng khám, chữa bệnh được cải tiến rất rõ. Bộ mặt của nhiều bệnh viện thay đổi tích cực cùng với phong trào đổi mới thái độ, phong cách giao tiếp được các bệnh viện triển khai sâu rộng, thái độ phục vụ của nhân viên y tế ngày càng tốt hơn, làm người bệnh hài lòng. Trong khi đó, chi phí dịch vụ y tế tại Việt Nam lại thấp hơn so với các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới, từ các kỹ thuật nha khoa, thẩm mỹ cho đến những kỹ thuật phức tạp như phẫu thuật nội soi, ung bướu, thụ tinh ống nghiệm, ghép tạng... Hiệu quả về mặt kinh tế y tế cho người bệnh tại Việt Nam cao hơn nếu so sánh với các kỹ thuật tương tự được thực hiện tại các nước phát triển. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và xu hướng chuyển dịch đầu tư, nền kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng mạnh mẽ và thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài, số nhà máy, số chuyên gia, thương gia, người lao động nước ngoài làm việc thường xuyên tại Việt Nam ngày càng tăng. Bên cạnh đó, số lượng người Việt Nam định cư ở nước ngoài khá lớn, hiện nay có tới trên bốn triệu người. Việt kiều thường xuyên về Việt Nam hằng năm chiếm tỷ lệ không nhỏ. Đây là nguồn khách hàng tiềm năng lớn của các bệnh viện Việt Nam.

Về mặt du lịch, số du khách quốc tế đến Việt Nam tăng nhanh hằng năm. Chúng ta có những danh lam, thắng cảnh nằm trong tốp 10 địa danh của thế giới, có an ninh - chính trị ổn định, người dân hiếu khách, nên Việt Nam đang là điểm đến lý tưởng cho việc tổ chức các hội nghị, hội thảo lớn. Các hội nghị thượng đỉnh cấp nguyên thủ lớn nhất thế giới như Diễn đàn kinh tế thế giới, APEC, ASEM cũng đã chọn Việt Nam là địa điểm tổ chức. Trong số khách du lịch và đại biểu hội thảo đến Việt Nam, luôn có một bộ phận có nhu cầu kết hợp nghỉ dưỡng - sức khỏe, hoặc hội thảo - nghỉ dưỡng - y tế.

Theo ông thì kết quả bước đầu từ công tác phòng, chống dịch Covid-19 được thế giới ghi nhận, có là một cơ sở tốt để Việt Nam thu hút bệnh nhân nước ngoài đến không?

Đúng vy, đến nay, kết qu phòng, chng dch Covid-19 ca nước ta cũng s là cu ni để thế gii biết đến Vit Nam và nn y tế Vit Nam nhiu hơn, qua đó giúp thu hút hơn na bnh nhân người nước ngoài đến khám, cha bnh.

Hiện Bộ Y tế chỉ cho phép một số bệnh viện được khám, chữa bệnh cho người nước ngoài. Vậy tới đây, Bộ có mở rộng cho các bệnh viện tham gia, để phù hợp chủ trương của Bộ không, thưa ông?

Việc cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh cho người nước ngoài không có cơ chế đặc biệt gì, mà dựa trên chất lượng khám, chữa bệnh của bệnh viện. Chỉ những bệnh viện đạt chuẩn chất lượng mới được cấp phép triển khai dịch vụ này.

Có thực tế là người nước ngoài sau khi được điều trị ổn định, thường về ngay nước họ, hoặc sang nước thứ ba để được chăm sóc y tế, vì bệnh viện Việt Nam chưa có cơ chế giải quyết cho người có bảo hiểm y tế quốc tế, cũng như dịch vụ chăm sóc chưa đáp ứng yêu cầu. Vậy còn những hạn chế nào cản trở con đường thu hút du khách của y tế Việt Nam, thưa ông?

Các bệnh viện đầu ngành, chuyên khoa tuyến cuối có năng lực chuyên môn tốt, nhưng một số chuyên khoa vẫn còn tình trạng quá tải, nên gặp khó khăn trong phát triển dịch vụ theo yêu cầu. Nhiều lợi thế của y dược cổ truyền chưa khai thác, phát huy tương xứng với truyền thống và tiềm năng của nó. Mặc dù đã được đầu tư, nâng cấp, nhưng cơ sở vật chất của nhiều bệnh viện chưa đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu của người nước ngoài và bộ phận người Việt Nam có thu nhập cao. Do chưa có bệnh viện công lập đạt chứng nhận quốc tế, nên người nước ngoài nếu khám, chữa bệnh tại bệnh viện công lập sẽ không được các hãng bảo hiểm của nước ngoài chi trả. Hiện nay, đa số các bệnh viện công lập đang tập trung cho công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân, mà chưa chú trọng đến vấn đề tiếp thị, chưa có bộ phận tiếp thị và quảng bá, truyền thông về thương hiệu... Mô hình quản trị của hầu hết bệnh viện công lập vẫn thực hiện theo các quy định cũ từ vài chục năm nay, chậm đổi mới. Cơ chế tài chính, giá dịch vụ y tế cũng đang là rào cản lớn. Tình trạng mất cân đối không bảo đảm thu đủ chi tại một số bệnh viện công do giá dịch vụ còn thấp, chưa thu được đầy đủ các chi phí cấu thành giá. Loại hình BHYT, bảo hiểm thương mại tại Việt Nam chưa đa dạng, mới chỉ đáp ứng các nhu cầu cơ bản của người dân, chưa có mệnh giá lớn nên chưa đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của những người có thu nhập cao. Hành lang pháp lý về xã hội hóa; liên doanh, liên kết trang thiết bị y tế; hợp tác đầu tư; hoạt động khám, chữa bệnh cho người nước ngoài, phát triển khu dịch vụ cao cấp, cơ chế thu giá cao tương xứng với việc đầu tư cho chất lượng cao còn chưa hoàn thiện đầy đủ, do vậy chưa khuyến khích các bệnh viện công mạnh dạn phát triển các khu khám, chữa bệnh theo yêu cầu, điều trị cao cấp... Việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin tại bệnh viện vẫn còn nhiều hạn chế bởi các lý do khác nhau. Việc quản lý thông tin, lưu trữ dữ liệu điện tử, hồ sơ, bệnh án điện tử, tính bảo mật... ở nhiều bệnh viện của Việt Nam còn tụt hậu so với các nước trên thế giới. Hoạt động truyền thông cho người dân về năng lực điều trị của bệnh viện Việt Nam còn hạn chế; Tâm lý của số đông người Việt Nam lại “hướng ngoại”, thường tin tưởng vào thương hiệu của nước ngoài hơn.

Vậy để thu hút được bệnh nhân theo xu hướng du lịch y tế, theo ông, cần những chính sách gì từ Chính phủ cũng như Bộ Y tế và ngành du lịch?

Trước hết, cần xây dựng các gói dịch vụ khám, chữa bệnh chất lượng cao, gói kỹ thuật cao theo đặc thù chuyên khoa, đồng thời, tiếp tục đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng và trang thiết bị y tế hiện đại, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng quản trị, chất lượng khám, chữa bệnh, chất lượng dịch vụ và chăm sóc người bệnh toàn diện. Cũng cần xây dựng khung giá đặc thù chi trả cho nhân lực chất lượng cao và giá dịch vụ khám, chữa bệnh chất lượng cao; quản lý và giám sát chất lượng, ứng dụng công nghệ thông tin. Việc phát huy sự sáng tạo và tham gia của các thành phần trong xã hội rất cần thiết cùng với tăng cường hợp tác quốc tế. Các cơ sở y tế cũng cần phải đẩy mạnh truyền thông và tiếp thị.

Trân trọng cảm ơn ông!