Cụ Xuân viết báo Xuân

|

Tôi đồ rằng nếu Tết này còn sống ở tuổi tròn 100, cụ Xuân vẫn sẽ viết báo Xuân. Cụ là nhà văn, học giả xứ Quảng Nguyễn Văn Xuân, người từ trước 1945 khi mới mười chín, hai mươi tuổi đã viết chung tuần báo Tiểu thuyết thứ Bảy với Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Nguyễn Tuân, Vũ Bằng, Tô Hoài, Nguyễn Công Hoan, Thâm Tâm, Lê Văn Trương,... phía bắc, với Hoàng Xuân Hãn, Đào Duy Anh, Phan Văn Hùm,... trên tờ Văn Lang ở Sài Gòn.

Hơn 60 năm trời cây bút không rời tay, đến tận tuổi ngoài tám mươi ở thế kỷ 21 này tôi vẫn thấy cụ Xuân “bò ra để viết” như Vũ Trọng Phụng thời xưa, để trang trải gánh mưu sinh quá nặng với gia đình, vợ con. Tất nhiên, cũng để trang trải “món nợ” chữ nghĩa, văn chương, khảo cứu về xứ sở như một cái “nghiệp” mà cụ không thể và không hề có ý định buông bỏ.

 Truyện “Tết” của Nguyễn Văn Xuân trên Tiểu thuyết thứ Bảy số 446 tháng 1 năm 1943.


 Hai chục năm trở lại đây, khi “phong trào” báo Tết hưng thịnh, mỗi dịp Xuân về, các báo, tạp chí lớn nhỏ cả nước đều đặt bài cụ Xuân. Một khoản nhuận bút với “thương hiệu” của cụ, khoảng năm, bảy triệu đồng cách đây từ nhiều năm trước và hàng chục triệu sau này, là “lương khô” quan trọng của cả gia đình qua những mùa khó.
 
 Nhưng kỳ thực, từ trước năm 1945 cụ Xuân đã viết báo Tết. Tôi tìm và đọc được trên tuần báo Tiểu thuyết thứ Bảy (số 446 ra ngày 2 tháng 1 năm 1943), trang đầu tiên là truyện ngắn (hay đúng hơn là tạp văn) “Tết” của Nguyễn Văn Xuân. Truyện này chưa thấy đưa vào Toàn tập Nguyễn Văn Xuân vừa ra mắt trang trọng hôm 22-12-2020.
 
 Nguyễn Văn Xuân thời ấy mới 22 tuổi, mà đã viết về Tết và thời gian đời người cứ như “cụ non”. Kể rằng thời còn bé có lần được ngồi lên xe ô-tô rất sang, xe chạy vùn vụt. Cậu bé là “tôi” ấy khao khát được ngồi trên chiếc xe chạy trăm cây số một giờ để còn về khoe với bạn, nhưng cậu “rất muộn phiền là cây kim chỉ số cứ quanh quẩn giữa tám chín chục cây số mà thôi”. Có lúc kim chỉ tới con số 98 cây rồi lại chậm dần. “Tôi biết là nếu xe có chạy nhanh thêm một hai cây số cho đủ một trăm cây thì bên ngoài cũng chẳng có sự gì thay đổi cả. Vậy mà, tự nhiên trong lòng tôi như mất một cái gì không bấu víu được”.

 Trang bìa Tiểu thuyết thứ Bảy số 446 trong đó có truyện Tết của cụ Xuân.

 Thì ra từ thời rất xa thời đầu thế kỷ trước, tâm lý “chán Tết” muốn “bỏ Tết” đã có rồi. “Có người nói Tết chỉ vui trước Tết mà thôi. Lời nói đó đúng, nhưng ít ai nhận thấy sự thật đó trước tôi cả. Bởi vì nếu không có cái Tết mà người ta coi như là một hy vọng, một kết quả như muôn nghìn kết quả, hy vọng khác ở đời, làm sao người ta có thể so sánh thấy những ngày sắm Tết là vui. Và còn nữa: Người ta sẽ mất cái cảm giác quý hóa nhất của sự mong mỏi, chờ đợi - và mong mỏi, chờ đợi mới thật là lẽ sống ở đời. Nếu cây kim chỉ dừng trước con số 12, nghĩa là Tết sẽ không đến, người ta cũng đều như tôi, rạo rực tiếc mong, tuy biết chắc trăm cây số hay cái Tết chưa chắc đã mang lại với nó những sự gì mới, lạ. Có người ăn Tết, chán nản cho cái Tết đã có ý muốn bỏ nó đi, nhưng rồi sang năm, đâu lại hoàn đấy, người đó lại đi sắm Tết và để rồi lại... chán nản như xưa. Người ta thường cười những người hay trông lịch nhìn năm tháng và tưởng như thời gian chính là năm tháng. Sự thật mấy ai đã đi xa hơn thế? Và tôi, tôi lại có thể trả lời chắc chắn là không ai thấy Tết đến không bồn chồn hồi hộp”.
 
 Đúng là cụ Xuân, ai từng gặp gỡ, quen biết đều thấy cả tên lẫn người lúc nào cũng Xuân!
 
 Nhân nhắc đến sự xuất hiện của chàng trai xứ Quảng Nguyễn Văn Xuân giữa làng văn đầy anh tài đất bắc thời ấy, tôi còn đọc được trên Tiểu thuyết thứ Bảy, số 450 tháng 2-1943) truyện ngắn “Động con đất” của cụ, được tuần báo này xếp vào dòng “Truyện quanh bếp lửa” độc đáo với nhiều chi tiết khá ly kỳ, rờn rợn. Truyện của cụ Xuân được đề trang trọng trên trang bìa: “Một loại truyện mới của Nguyễn Văn Xuân” với hình minh họa toàn trang. Sapo trên truyện ghi “Một loại truyện mới, một loại truyện mà người ta nhớ lấy để kể cho nhau nghe những đêm trời rét ngồi chung quanh bếp lửa”.
 
 “Động con đất” kể chuyện thằng Mùi theo mẹ đi xem nhà chức trách khám nghiệm một đám tự tử trong làng. Về, thằng Mùi bị ám ảnh, không tin rằng người ta treo cổ là có thể chết được! Nó và thằng bạn bèn “thực hành”. Thế rồi dân làng nháo nhác, vì làng đã “động con đất” rồi, phải lo cúng bái ngay, vì mới có “hai ngày mà đã có hai mạng người thắt cổ”! Cùng trong số báo ấy có truyện dài “Đàn chim non” của Nguyên Hồng, “Một buổi gặt quái dị” của Nam Cao, “Thu, Hùng” - kịch ngắn của nhà thơ Thâm Tâm, tác giả “Tống biệt hành”,... Truyện này, không hiểu sao cũng không thấy trong Toàn tập Nguyễn Văn Xuân?
 
 Viết văn viết báo ngoài chuyện để “sướng”, còn là để kiếm nhuận bút, mà thời ấy giữa Hà Nội với xứ Quảng đường đất xa xôi quá, liệu có “rơi rớt” chi không? Bởi đọc trong hồi ký Tự truyện của Tô Hoài, thấy tác giả “Dế mèn phiêu lưu ký” tỏ ra “băn khoăn”: “Tôi vẫn viết thẳng cho ông Tân Dân và lĩnh tiền ở ông ấy... Mỗi số báo Vũ Bằng lĩnh của chủ một món tiền biên tập rồi phát lại cho ai bao nhiêu thì tùy. Nhiều người ở xa viết với ông Vũ lúc ấy, như Lý Văn Sâm ở Biên Hòa, Bửu Kế, Phan Du ở Huế, Nguyễn Văn Xuân ở Quảng Nam không biết có được ông ấy gửi trả nhuận bút không?...”. Có lần ngồi cà-phê tôi đem chuyện ấy hỏi cụ Xuân. Cụ cười hà hà, phà khói thuốc, vuốt ngược cái đầu hói: “Không thiếu của tui một cắc. Ổng lại còn thơ từ, chu đáo lắm!”. Chuyện này cũng được Vũ Bằng kể trong hồi ký Bốn mươi năm nói láo. Rằng “Trong tám năm trời vì phụ trách đọc, sửa, chọn lựa bài vở và trông nom phần kỹ thuật của cả ba tờ Tiểu thuyết thứ Bảy, Truyền Bá và Phổ thông bán Nguyệt san của nhà Tân Dân, tôi mặc nhiên được cái may là giao thiệp với đủ mặt anh em văn nghệ sĩ lúc bấy giờ..., trong số đó có nhiều anh hiện giờ nổi tiếng như Tô Hoài, Nam Cao, Nguyễn Tất Thứ, Nguyễn Văn Nhân, Lý Văn Sâm, Phan Du, Bùi Hiển, Kim Lân, Nguyễn Văn Xuân...”.
 
 Trong tạp chí Tân Văn số đặc biệt Xuân Kỷ Dậu năm 1969 ở miền nam, Nguyễn Văn Xuân có “bài báo” Tết “Những hội mùa xuân” dài tới mười mấy trang in, như một khảo luận thú vị về chuyện hội hè, Tết nhất ở một làng vùng núi Tiên Phước (Quảng Nam). Từ chuyện bánh tét, bánh tổ, đến lễ “khép ấn” của lý trưởng, chức sự trong làng, lễ nghinh xuân, đến những canh hát bội, hát bài chòi, đánh đu,... Đặc biệt có đám “Vây hội”, tức là “vây cọp”, cả làng đổ ra rừng vây bắt cọp, hưng phấn, rộn ràng với bao nhiêu sinh hoạt nhảy múa hát hò, ăn uống, bài bạc,... kéo dài tới mấy ngày đêm.
 
 Một “phong tục” bất đắc dĩ của dân nghèo miền trung (cũng như cả nước) vào dịp Tết, đó là... bắt trộm! Bởi “Ăn trộm hoạt động ráo riết những ngày cuối năm vì một lẽ dễ hiểu: Chúng rất cần tiền để sắm Tết, để cờ bạc, rượu chè...” (Kẻ trộm cuối năm). Nói là “bắt”, dân làng vây kín, hô hoán hò reo nhưng cơ bản vẫn là tìm cách... đuổi chúng đi, cho chúng có đường thoát. Vì “đa số là dân nghèo, “nghèo giữ đầu, giàu giữ của” hơi đâu mà lo cho các ông trọc phú”. Cũng vui, buồn, bồi hồi như khi đọc “Nợ và nợ đòi đêm Ba mươi”.
 
 Ngày Xuân, đọc lại bao bài viết và khảo luận thú vị về Xuân của cụ Nguyễn Văn Xuân, thấy cuộc đời vẫn thật nhiều Xuân...
 
 

 Ngày 22-12-2020, tại Đà Nẵng, NXB Hội Nhà văn và Sở Văn hóa - Thể thao Đà Nẵng long trọng tổ chức ra mắt bộ sách Toàn tập Nguyễn Văn Xuân, với sự tham dự của đông đảo các nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ nổi tiếng cả nước. Với bảy tập, hơn 4.000 trang sách khổ lớn, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Giám đốc, Tổng Biên tập NXB Hội Nhà văn, trân trọng ghi nhận bộ sách chứa đựng hai di sản lớn của xứ Quảng, đó là “di sản chữ”, và “di sản người”...