Đỗ Anh Vũ có nhiều nét để phác họa: một nhà báo, một tiến sĩ ngôn ngữ học, một người viết văn, làm thơ và bài hát...
Ngồi uống rượu, nghe Vũ đọc thơ, lý giải một điển tích, ôm guitar hát..., ngó vào gương mặt sáng giấu những nỗi niềm của Vũ, cứ lăn tăn hỏi đâu là chân dung thực của Vũ: chất nghệ sĩ nhưng đôi lúc nghiêm cẩn như một ông giáo và cũng lại cẩn trọng như một tay thợ, lo toan như một gã nội trợ... Vũ là vậy. Làm việc cần cù trên lớp kiến thức khá dày dặn, cả trên những cộng cảm đến rất nhanh. Cần cù và thăng hoa trong đời sống là hai thứ nghệ sĩ luôn cần. Nếu chỉ cần cù, anh là gã thợ cưa. Thêm thăng hoa, anh là ông thợ khắc. Chỉ thăng hoa thôi, anh là kẻ buôn gió bán mây không vốn liếng. Tôi quý Vũ ở sự hòa điệu đó, không màu mè, PR rộn rã, nhiều khi chỉ tấu lên trong chớp nhoáng một dư vị, một mỏi mong...
Vũ vừa thăng hoa cùng bạn bè, làm xong chương trình với vai trò một biên tập viên của Ban Văn học Nghệ thuật, Đài Tiếng nói Việt Nam đã lật đật chạy về nhà lo cho mấy đứa con dại lít nhít. Đứa nọ chưa kịp lớn, đứa khác lại sắp ra đời. Đứa này vừa kịp lo xong, đã lại đến đứa kia cần được chăm bẵm. Vũ “sòn sòn” cả khoản viết. Sểnh ra là viết. Bài trước mực còn ướt, nhiều người chưa kịp đọc, bài sau đã lên khuôn báo. Mà đầy đặn. Mà tràn trang. Mà độc đáo trong loạt những khúc luận, những bài thơ nhiều giọng điệu. Vũ lĩnh hội nhanh. Ai đó thổ lộ một tâm huyết, một cảm xúc, Vũ hứng trọn và rồi âm thầm bung ra thành câu chữ. Vũ viết các kiểu luận để giải tỏa đống kiến thức như bị “bội thực”.
Đời sống bận bịu, việc nhà, việc Đài, việc viết nên Vũ ít có cơ hội lang thang các chuyến đi xa. Nên cách viết của Vũ nhiều khi bị bó hẹp. Nó giàu chữ nghĩa nhưng ít thấm bụi đường. Đó là cách viết của kẻ chong đèn nhiều hơn là của người đi cùng bóng đêm. Bận rộn là vậy nhưng Vũ biết cách sắp đặt thời gian hợp lý. Nhờ chất nghệ sĩ, Vũ tung tẩy hơn trong những công việc đòi hỏi tính khoa học, logic: nghiên cứu ở Viện Ngôn ngữ trước đây và làm báo ở Đài Tiếng nói Việt Nam hiện nay.
Vũ có một thói quen, viết cái gì, trước khi in là “xuất bản” miệng ngay tại những cuộc tao ngộ bạn bè bằng trí nhớ siêu việt của mình. Gần đây, Vũ tung cuốn “Vẻ đẹp của Yêu tinh” và sắp tới là cuốn “Lảo đảo giữa nhân gian” dù vẫn phải bó gối lo việc nhà nhiều nỗi. Chả hề hấn gì, Vũ thuộc một cách hệ thống nhiều điển tích, áng văn thơ... Khỏi cần đi đâu, Vũ vẫn lang thang cùng trời trên cánh bay của những trang sách.
“Giọt mưa nguồn rơi xuống bình minh”
Ngoài viết luận, viết báo phát thanh, Vũ còn làm thơ và sáng tác nhạc. Thơ Vũ đa giọng điệu. Thơ thù tạc, vui, đùa, hóm hỉnh ảnh hưởng dân gian và các cụ Bút Tre, Bảo Sinh. Riêng thơ trữ tình của Vũ đứng một sân riêng. Thơ Vũ đẹp ở cả câu và tình. Có đủ cả: tình cảm gia đình, bè bạn, tình yêu; cung bậc cũng vậy: ấm áp, nồng hậu, tiếc nuối, buồn thương...
Thơ trữ tình Vũ có hai mảng ngỡ như đối lập: Một như “già trước tuổi”, một lại tơ non, hồn nhiên. Những bài có chút ảnh hưởng thơ cổ với hệ thống từ ngữ, thi ảnh mang mác hơi xưa, tuy nhiên đã được xen vào những âm vang mới. Còn lại là những bài hồn nhiên khi viết cho con, gia đình, những khoảnh khắc chớp lấy tia sáng thi vị từ cuộc đời nắng gió ngoài kia.
Những câu thơ mỏng manh như nắng sớm trong Tắm nắng cho con đồng điệu với hình ảnh đứa trẻ và niềm hạnh phúc trong tâm hồn người cha đã thấm trải nhiều nỗi niềm, tạo nên ba nhân vật quyện hòa, và nắng, không gian yên lành chính là cầu nối cha - con thành một sự trao truyền máu thịt, cái tứ ấy đã neo vững bài thơ trong người đọc! Còn bài thơ Hai một tuy ngắn nhưng hay ở sự ẩn mình! Một nét vẽ nhanh nhưng bắt được cái thần của cuộc gặp gỡ tri âm. Không hề tả tình nhưng người ta lại cảm được khi nhìn vào những thi ảnh gợi nhớ không gian phố cổ: cây cầu, ly rượu cỏ, gió hồ và đặc biệt đôi chim sẻ, nhân vật thứ ba vừa như nhịp cầu nối hai tâm trạng, vừa như chính chủ thể của cuộc hẹn hò.
Vũ hay dùng điệp ngữ, điệp từ để những sự lặp lại cố ý đó tạo nên khung sườn cho bài thơ. Vũ nhập vào cảm thức dân gian và luôn chú ý tứ và thi ảnh. Nhiều bài, tứ thơ xuất hiện ngay từ nhan đề. Thơ Vũ không trúc trắc, cầu kỳ, khoe mẽ mà thốt ra một nhịp ngôn ngữ riêng. Đó chính là thế mạnh của người làm ngôn ngữ và biết âm nhạc: “Ta nghe trong cõi vô hình/ Thanh âm như một lặng thinh cuối cùng” hay “Gió úp mặt vào phương trời xa lắc/ Nghe rưng rưng hương cỏ ướp sương mềm”. Có những câu tạo được rung cảm yêu đương: “Tôi viết tên em vào trời xanh thẳm”; “Thì dù nắng có bừng lên như phố/ Trong lòng anh sao nỗi nhớ không vơi/ Thì dù nắng có bừng lên như lửa/ Để chiều nay đốt cháy một chân trời”; và có cả những nỗi niềm thân phận: “Hai người phụ nữ dãi dầu/ Áo bông, gió lạnh, đi câu đêm tàn...”...
Và dù viết về bất cứ câu chuyện gì thì thơ Vũ vẫn là những khoảnh khắc trong trẻo, nguyên sơ mà không “lên gân” tuyên ngôn, thông điệp. Kể cả lúc buồn đau nhất, thơ Vũ vẫn ánh lên vẻ đẹp vừa mát lành tinh khiết của những giọt mưa, vừa sáng tươi trong trẻo của ngày mới. Đó là nơi đầu nguồn sáng tạo và cũng là điểm đến của giao cảm cuộc đời.
“Giọt mưa nguồn rơi xuống bình minh”. Bình minh đó không chỉ là thời gian mà còn mở một không gian riêng của Vũ.
Nhân Dân hằng tháng trân trọng giới thiệu hai bài thơ của nhà thơ Đỗ Anh Vũ.
Tắm nắng cho con
Bế con tắm nắng ngoài hiên
Nghe ban mai thở dịu hiền vào mây
Bế con tắm nắng cùng cây
Xem bao tiếng hót rót đầy không gian
Bế con tắm nắng mùa sang
Giấc mơ còn đọng trên hàng mi yêu
Đời cha nắng gắt đã nhiều
Chỉ mong con nhận những điều nắng mai
Cứ qua đi mỗi đêm dài
Bế con tắm lại đời trai của mình.
Hai một
Em vẫn chờ anh về rót một ly phố cổ
Đường rượu cong như một cây cầu
Hai đứa mình uống chung ly một
Nghe gió mặt hồ thổi suốt mai sau
Đôi sẻ hiên nhà nhìn ta uống rượu
Mắt sẻ in vào dưới đáy ly nâu.
Minh họa: NGUYỄN MINH