Gia đình cán bộ mà tới mùa cưới phải nhận chừng dăm cái thiếp cũng đáng kể là đại họa. Cưới hỏi vốn là một đại lễ, đã nằm sâu xa trong rườm rà máu thịt tâm thức Việt. Nghi thức đã được nhiều bậc thức giả như Phan Kế Bính hoặc Toan Ánh ghi lại tỉ mỉ, công phu trong nhiều chuyên khảo. Tên có vẻ Tầu thì nạp thái, nghênh hôn, vu quy. Có vẻ thuần ta thì sêu, dạm hỏi, lại quả. Những nhà cũ kỹ muốn giữ nếp xưa cứ theo đấy mà làm. Thế nhưng tục cổ vốn dĩ nhiêu khê nên cũng dần dần bỏ bớt. Một tục thất truyền bị rất đông những thằng thích ăn “rùa” thật sự nuối tiếc là tục gieo cầu định duyên. Tất nhiên đây chỉ là mỹ tục có ở các nhà quyền quý, đặc biệt như công chúa, như đại tiểu thư. Họ bắt cha hiền gọi thợ may đến làm một quả cầu ngũ sắc, rồi đứng trên lầu cao mà ngẫu hứng tung cầu. Phía dưới bạt ngàn là thanh niên trí thức đẹp giai nghển cổ đợi số đỏ. Có phải vậy chăng mà con rể của các đại gia, hình hài đều hao hao giống thằng Xuân của ông Vũ Trọng Phụng, nhất là mầu tóc.
Dù gì thì gì, cưới xin ở Hà Nội cũng chưa bao giờ bỏ hẳn thói cũ. Đầu tiên vẫn là đi xem tháng tốt ngày lành. Hà Nội có nhiều thầy nhưng các thầy đều giống nhau vì đều có chung một quyển “lịch vạn sự” in lậu. Gia chủ lòng thành nhưng đôi khi phúc mỏng vớ phải ông thầy mắt kém tra nhầm dòng hoặc sách có nhiều lỗi mo-rát. Có thầy uống nhiều rượu lễ run tay giở kẹp díp trang, giờ xin dâu bấm vào giờ hạ huyệt, vậy mà sau cưới bảy tám năm cô dâu chú rể vẫn chưa ly dị. Mạnh Tử nói, tin sách chẳng bằng không có sách chắc ở điển này.
Ngày giờ được rồi thì in thiếp cưới. Cũng chẳng cứ phải hồng hoặc đỏ. Mầu trắng nghĩa là sang trọng thanh tân. Mầu vàng nghĩa là hoàng gia quý tộc. Có thiếp in tím theo mầu môi nữ diễn viên Hàn Quốc nghĩa là ngăn ngắt thuỷ chung. Kế đến là tổ chức ăn mặn nôm na là làm cỗ cưới, hay còn gọi là “bữa cơm thân mật”, nghi lễ quan trọng bậc nhất trong thao tác cưới hỏi. Cho đến giờ tại Hà Nội, thuật ngữ này vẫn được dùng ở những thiếp cưới trang trí mầu xanh đỏ lòe loẹt. Hồi ấy hầu hết mọi người đều thích làm cỗ ở nhà, có lẽ cũng bởi thói quen tiết kiệm. Các bậc phụ huynh cố nhớ lại cỗ cưới thuở xưa. Triền miên hơn ba chục năm vất vả, khái niệm bốn bát sáu đĩa cũng linh tinh lắm. Truyền thống văn hóa ẩm thực lãng đãng chỉ còn đọng từng mẩu trong đầu các chú các bác. Tùy theo trí nhớ và sự tôn trọng miếng mình đã ăn, mỗi bậc trưởng thượng mỗi người mỗi ý. Có cuộc họp bàn tới hai ba giờ sáng, các cụ ngà ngà mất bình tĩnh sau hồi động khẩu đôi khi động thủ. Cô dâu chú rể ngồi chầu rìa tủi thân thút thít. Thành ra cỗ bàn là muôn hình vạn kiểu. Cỗ người giàu chưa hẳn đã sang. Cỗ người nghèo tiềm tiệm học đòi. Có nhà gia chủ yêu rượu chỉ làm món chuyên cho dân nhậu. Cá quả hấp hoặc luộc bia. Mực xào hành tây hoặc chân gà ướp ngũ vị nướng. Các bà các cô thở dài, khe khẽ hé mở phong bì rút bớt tiền mừng lại để tí về còn liệu đường ăn phở.
Ở vào mùa cưới đậm chất hoang đường thời bao cấp, nếu những người đi dự cỗ cưới là văn nghệ sĩ, thì thường họ nhớ lâu lắm. Nhất là khi đến tiệc mà còn được gặp ông này bà nọ thì thật đúng là hân hạnh của muôn đời. Ảnh chụp chung cho dù có phóng to hết cỡ, mặt cũng chỉ bằng đầu tăm, nhưng luôn trân trọng treo giữa nhà dặn con cháu giữ gìn như gia bảo. Tất nhiên, vì đang thời trong sạch vất vả, tiệc tùng hồi ấy đơn sơ đạm bạc. “Oách” nhất là mấy chai bia “Hữu Nghị”, thêm đĩa thuốc lá đựng chừng chục điếu “Thăng Long”. Ngoài ra thì bánh mứt kẹo “Hà Nội”, rồi chè “Thái” rồi bánh quy nhà gia công tự làm. Tiệc cưới đã giở ra ăn mặn, thì sống chết cũng phấn đấu làm thành bốn bát sáu đĩa. Vì chưa có văn hóa phong bì nên sau đêm tân hôn cô dâu chú rể thường lầm lũi kéo cày trả nợ. Và nhờ “cùng một lứa bên trời lận đận”, nói chung hôn nhân thời bao cấp, vợ chồng sống bền bỉ đến đầu bạc.
Tiệc mặn của lễ cưới hồi đó thì chỉ mời người thân, còn tiệc ngọt mới mời linh tinh rộng. Nhà trai nhà gái lúc ấy rất yêu thương nhau, nên tiếp khách chung cùng hội trường, do đó phát sinh một loại đàn ông chuyên đi dự tiệc “chùa”. Những tay này mặt mũi sạch sẽ, có duy nhất một áo vét tông đã bong hết lớp vải lót, bên trong vận áo sơ-mi trắng cổ sờn khéo léo “pích kê”. Bọn họ trà trộn vào đám tân khách, nhỡ nhà giai hỏi thì bảo mình là khách nhà gái hoặc ngược lại. Thỉnh thoảng gia chủ có hớ hênh thì cũng rút trộm chút ít đồ mừng. Nhiều tay bị bắt quả tang thì đành chuyển sang đám hiếu. Bây giờ no đủ, đám thập thành đi dự tiệc cưới “ké” hầu như đã tuyệt truyền.
Ở tất cả các đám cưới lúc ấy, chủ hôn thường là một trung niên lợi khẩu. Thi sĩ là tốt, văn sĩ lại càng tốt. Lời vàng ý đẹp nhả ngọc phun châu. Trước đây rước dâu được coi trọng nhưng giờ đây là thứ yếu. Một đoàn xe đẹp đi đầu là xe “cô dâu”. Trong xe, chú rể đi đón một mình ngồi cứng đơ, mặt không đỏ thì tái vì bị ép uống, đờ đẫn ôm bó hoa cưới. Ngoài xe trang trí những dây hoa hồng bạch, những nơ và thi thoảng mui xe có con búp bê ngây thơ ngồi, có lẽ là thông điệp của chú rể ngầm cho nhạc phụ nhạc mẫu hiểu các cụ đã là ông bà ngoại. Xe hoa có rồi, pháo hồng thì thay bằng nhiều bóng xanh đỏ được bơm căng từ tối hôm trước, rải đầy trên lối vào. Nhà giai vừa đi vừa nhảy tưng tưng dẫm cho nổ để tạo phong vị. Nhà gái đón khách bằng đĩa DVD hoa hậu thi áo tắm, các cụ ông len lén nhìn màn hình, tủm tỉm cười hồi xuân. Hầu như đám cưới nào cũng quay băng. Có băng dựng cầu kỳ, tả cả chiều dài cuộc tình từ lúc ngỏ lời đến sát giờ động phòng. Chi tiết tham khảo kịch bản phim bộ Hồng Công, Hàn Quốc. Giao thoa văn hóa nhưng vẫn giữ được bản sắc dân tộc. Thủ tục đón dâu chừng hai chục phút, bố mẹ vợ thanh thản trút được “của nợ”, hoan hỷ tiễn nhà giai ra tận đầu ngõ. Bố vợ ôm chầm lấy ông thông gia mới, xúc động nói nhầm “cảm ơn” thành “đội ơn”. Chú rể cô dâu mệt phều phào cũng cảm ơn khách, mồm chúm chím méo vì phải cười xã giao nhiều.
Bây giờ Hà Nội ngày càng no ấm thanh lịch nên nhiều nghi tiết cưới hỏi cũng hơi khang khác. Cưới xin bất cần mùa, có thể quanh năm suốt tháng, chẳng cứ đợi đến ngày xuân. Đại thể thì tổ chức vẫn thế, kể cả đám của đại gia huênh hoang làm ở khách sạn năm sao. Cái khác dễ thấy nhất là vai trò của “tứ thân phụ mẫu”. Các cụ nộp “cheo” xong thì đừng có bàn nhiều, đại loại theo kiểu “con cái đặt đâu thì bố mẹ ngồi đấy”.