Các nhà nho Việt có nhiều chữ đều cho rằng, chữ “Tết” ở ta là do chữ “tiết” mà ra. “Tiết” theo nghĩa gốc là cái mắt tre, cái mấu tre chia cây tre thành nhiều đoạn khác nhau. Vì thế chữ “tiết” nguyên tự Hán Việt thuộc vào bộ trúc. Từ đó nó phát sinh thêm cái nghĩa, đoạn ngắt các phần khác nhau của thời gian. Ở phương Đông, mỗi mùa thường có một Tết lớn. Xuân có Tết Nguyên đán. Hạ có Tết Đoan ngọ. Đông có Tết Hàn thực. Thu có Tết Trung thu. Cho đến giờ, nước Việt là một trong vài quốc gia còn hiếm hoi ăn những cái Tết theo lịch trăng (âm lịch). Mà ở lịch âm, Nguyên đán là Tết “nhất”. Nhà Dịch học lỗi lạc Nguyễn Bỉnh Khiêm cho rằng, tháng Giêng đặc trưng của mùa Xuân được biểu thị bằng quẻ Địa Thiên Thái. “Thái” nôm na là rộng là mênh mông là phóng khoáng. Quẻ này thuận trời thuận đất, mọi sự đều cực kỳ hay đều vô cùng lớn. Khí dương đã tích tụ tương đối đủ đầy, ngấm ngầm chất chứa rồi nghẹn ngào bùng nổ. Vạn vật khai mở khoe sắc, như muốn khát khao bay cao.
Có điều, khoảng hơn chục năm lại đây, Tết Nguyên đán ở Hà Nội đã nuối tiếc bớt đi quá nhiều những mầu đáng kể. Cái tay trung niên gốc người Nhật Tân suốt mấy năm nay chuyên buôn cành đào thế từ Sơn Tây từ Phú Thọ về bán sỉ ở chợ hoa Cống chéo Hàng Lược đã thở dài bảo vậy. Thôi, khỏi nhắc đến hoành tráng bánh pháo đỏ kinh điển Bình Đà nữa, chuyện xưa rồi, nhưng cứ thử nhìn thật kỹ đóa hồng đào ngoại tỉnh này xem. Không những cánh của nó bị mỏng lớp mà sắc thắm cũng bị kém hơn nhiều nếu phải so với đào cũ Nhật Tân, hồi vườn ở đây còn mênh mông trùng trùng điệp điệp gốc đào chưa bị đám bê-tông cốt thép của khu biệt thự liền kề hay chung cư cao cấp hung bạo lấn. Mầu đào đã không còn nồng nàn thắm thì đương nhiên má của mấy thiếu nữ đứng bán hoa đào dọc theo hai bên đường đê Yên Phụ cũng tai tái vắng sắc hồng. Đâu rồi những cảnh, “Đã thấy xuân về với gió đông / Với trên mầu má gái chưa chồng” (Nguyễn Bính). Mùa Xuân sẽ phôi pha nhanh hơn khi mà Tết nhất hụt thiếu đi những gam mầu chói lọi.
Ngoài một mầu hồng đỏ chủ đạo, mấy ngày Tết còn lưu một mầu phơn phớt huyền hoặc rất khó tả của ký ức. “Những người muôn năm cũ / Hồn ở đâu bây giờ” (Vũ Đình Liên). Tết là thêm mới nhưng cũng là ngày thiết tha nhớ cũ, tổ tiên ông bà sẽ quây quần cùng về che chở phù hộ cho đám con cháu đang nông nổi mưu sinh trong lẫn lộn. Bởi thế nhà nào nhà nấy từ đêm giao thừa cho đến hết ngày mồng năm hóa vàng, nơi bàn thờ tổ tiên luôn giữ một mầu biết ơn trân trọng. Thường là một mâm đồng cỗ cúng cạnh một mâm gỗ son ngũ quả ngan ngát trầm hương. Tất cả những người đang sống bỗng quên danh lợi xì xụp chân thành khấn khứa. Ai ai mặt cũng long lanh một mầu thành thật sám hối, từ quan chí dân tất thẩy sắc diện đều thăng hoa thành thánh thiện.
Sắc Tết còn phảng phất trong những tục lệ cũ, mà giờ đây tưởng như đã thất truyền, ví như tục “sêu” Tết chẳng hạn. Thật ra ngày xưa, “sêu” là việc dâng quà biếu theo mùa cho cha mẹ vợ tương lai ở những chàng trai chân chất nông thôn. Thời trân vào mùa nào thức nấy, đa phần toàn là thứ tự tay mình trồng được. Mùa hồng sêu hồng, mùa nhãn sêu nhãn. Trung Thu thì nửa cân cốm, Nguyên đán thì một đôi gà. “Hối lộ” công phu miệt mài như vậy, bỗng số đen gặp phải nhạc phụ nhạc mẫu hơi hơi thích mùi đồng thì hôn nhân vẫn có cơ đi vào tuyệt lộ. Chua chát đến tột cùng, chàng trai nhà quê thuở ấy chua chát thở than qua ca dao. “Thế là em đi lấy chồng / Để cốm anh nát để hồng long tai. Tưởng là long một long hai / Ai ngờ long cả trăm hai quả hồng”.
Và cũng như cả nghìn năm trước, Tết con Trâu đang chầm chậm dịu dàng tới, bất kể vẫn đang là mùa dịch “cô vi”. Các bà các chị vẫn nườm nượp đeo khẩu trang tới các siêu thị hớn hở mua sắm. Rồi tới vài ba ngày Tết nhất, phố cổ Hà Nội chợt sáng sủa thanh sạch đến lạ lùng. Vẫn cây sấu già nổi rễ xù xì đấy thôi, nơi mà dung tục ngày thường đám lao động ngoại tỉnh biến thành nơi sinh hoạt, đám lái taxi xe ôm ồn ào tranh khách, thì giờ đây mưa xuân mìn mịn tím dịu dàng rửa trôi tất cả. Thoang thoảng còn có mùi thơm của vài cái lá hơi ửng vàng trái mùa tiêu tao rụng. Lang thang đứng ở ngã tư Quang Trung cắt Tràng Thi, không cần ngước mắt cũng dễ dàng nhìn thấy Nhà hát Lớn trầm tư cô ngạo. Từ phía Cửa Nam, thong thả lùi ngược chiều một chiếc xe hơi mới tinh hạ cửa kính, chắc vừa rửa trước tối giao thừa. Nhạc trong xe không rõ nét, ráp Việt à, hay Chopin của Đặng Thái Sơn, chỉ biết nó nồng nàn say đắm. Một cặp yêu nhau chừng hơn hai mươi. Chàng vừa lái vừa lẩm nhẩm hát. Chợt nàng tháo khẩu trang, vươn người sang hôn trộm. Có lẽ cả hai được tuổi, nên người thân nhờ đi sớm xông nhà.
Đâu phải ngẫu nhiên mà đường phố ngày xuân luôn hân hoan ngập tràn các thanh nam tú nữ, bởi mùa xuân là mùa yêu. Và một sắc xuân đích thực hoàn toàn không phải là độc quyền của những người trẻ, nó còn sâu xa được roi rói ẩn tàng trong vô số những người già. Đông cũng vậy và Tây cũng vậy. Giai thoại về văn hào vĩ đại lụ khụ người Đức có tên Johann Wolfgang Goethe (1749 - 1832) là một thí dụ. Ông cụ Goethe gần tám mươi vẫn cuồng đắm yêu và được yêu. Trước mỗi lần ăn, ông hồn nhiên để hàm răng giả lên mặt bàn phía bên phải của bát súp gà ninh dừ. Cô nhân tình Unrich Phon Levetxop xấp xỉ tuổi hai mươi chung thủy ngồi cạnh dịu dàng lấy khăn mùi xoa từ sâu trong ngực trái của mình âu yếm nâng niu lau từng kẽ li ti.
Mùa xuân của tình yêu đương nhiên phải là thế. Nó không có tuổi, nó trắng trong còn hơn cả trong trắng, cho dù thỉnh thoảng có lẫn vào đấy vài cái răng không thật.
Sắc Tết
|