Ông Trần Anh Tú - Phó Chủ tịch VFF, Chủ tịch HĐQT VPF: “Các đội bóng thay đổi tích cực giúp V.League nâng tầm”

|

V.League đang ngày càng cho thấy những bước chuyển mình quan trọng với nhiều thay đổi tích cực trong những năm gần đây. Song, vẫn còn đó những thách thức trên con đường phát triển toàn diện. Là người tâm huyết với nền bóng đá nước nhà, ông Trần Anh Tú - Phó Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đã có cuộc trò chuyện với Nhân Dân hằng tháng về những trăn trở của mình.

Nâng cao hình ảnh giải đấu

Xin được chúc mừng ông lần thứ ba đắc cử Chủ tịch HĐQT VPF. Ông có thể cho biết mục tiêu của VPF trong nhiệm kỳ 2023-2026?

Mục tiêu đầu tiên của VPF là cải thiện hình ảnh giải đấu về nhiều mặt như: sân bãi, chất lượng chuyên môn, khán giả... Từ khi tôi bắt đầu lãnh trách nhiệm ở VPF đến giờ là 6 năm, giải đấu đã thay đổi rất nhiều theo chiều hướng tốt và trong đó vai trò của các CLB là rất lớn. Bản thân các đội bóng đang ngày càng tiến bộ về tư duy và ý thức hơn trong việc nâng cao hình ảnh. Thí dụ, vấn đề sân bãi đã được cải thiện nhiều. Trước đây để các CLB đầu tư tu sửa là việc rất khó nhưng những năm gần đây, chúng ta đã thấy một bộ mặt mới hoàn toàn về sân bãi của các đội như Hải Phòng, Hà Nội, SLNA, Thanh Hóa, Bình Định, TP Hồ Chí Minh...

Việc quan trọng thứ hai là tiếp tục tăng doanh thu để các đội bóng có thể nhận hỗ trợ tốt hơn. Chúng tôi đã có một bước tiến lớn khi ký kết hợp tác chiến lược, phát triển hình ảnh và khai thác thương mại các giải đấu chuyên nghiệp hàng đầu Việt Nam với FPT Play trong giai đoạn 2023-2027.

Song, thời buổi kinh tế khó khăn như hiện nay gây ảnh hưởng lớn đến việc kêu gọi tài trợ. Để tăng doanh thu,VPF sẽ phải ngồi lại với FPT để tìm thêm phương hướng kinh doanh. Trước mắt, chúng tôi đang tính toán về phương án thu hút quảng cáo trên công nghệ VAR. Hiện nay có tối đa 4 trận trong 1 vòng đấu V.League có sử dụng VAR, tập trung cho những trận tâm điểm có nhiều người theo dõi.

Hiện tại, chúng ta đang bắt đầu áp dụng khung thời gian tổ chức theo hệ thống thi đấu Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) đối với cấp CLB, đồng bộ với các quốc gia châu Á và châu Âu. Ông đánh giá ra sao về việc thay đổi này?

Điều này thuận lợi cho việc xếp lịch thi đấu rất nhiều. Trước đây các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam thường có nhiều quãng nghỉ dài vì trùng với FIFA Days hay SEA Games, AFF Cup và để lên được lịch đấu hợp lý của một năm là không hề đơn giản. Chưa kể có nhiều tình huống ngoài dự tính như của Hà Nội, Hải Phòng, Công an Hà Nội tham dự cúp của AFC có thể bị vướng mắc ở khâu mua vé máy bay dẫn đến chậm trễ ngày về.

Năm nay chúng ta bắt đầu theo lịch mới nên giai đoạn chuyển giao ngắn, nhưng đến mùa giải 2024/25 sẽ hoàn toàn đi đúng guồng quay với lịch thi đấu kéo dài qua hai năm tương tự các giải đấu hàng đầu châu Âu, do đó quãng chuẩn bị cho các CLB tối thiểu sẽ là 60 ngày.

Vậy còn về chất lượng chuyên môn của V.League hiện tại, thưa ông?

Đến thời điểm này, giải đang rất hấp dẫn với nhiều trận đấu hay có chuyên môn cao. Mùa giải trước có nhiều trận gay cấn cạnh tranh vị trí trên bảng xếp hạng. Còn năm nay với thể lệ thi đấu lượt đi-lượt về sẽ xuất hiện thêm nhiều trận derby. Bên cạnh đó, chất lượng các đội cũng tăng lên khi được đầu tư chuyển nhượng như Công an Hà Nội, Nam Định, Bình Dương, Bình Định... Tất nhiên không thể đòi hỏi tất cả các trận đều phải hay, nhưng ở V.League hiện tại vòng nào cũng có những trận đấu “đinh”. Theo thống kê, đã có hơn 2 triệu lượt xem online trận chung kết Cup Quốc gia 2023 giữa Viettel và Đông Á Thanh Hóa trên các nền tảng của truyền hình FPT. Đó là một con số rất ấn tượng!

Nhìn tổng thể thì chất lượng V.League đã tốt hơn rất nhiều so với trước. Điều quan trọng là bản thân các CLB đã thay đổi tư duy, có nhiều chiến lược nâng cấp hình ảnh và chuyên môn. Những thay đổi tích cực đó sẽ giúp giải đấu nâng tầm. Tôi cho rằng V.League thay đổi phù hợp với xu thế như hiện tại thì phải cảm ơn các CLB, chính họ đã hy sinh rất nhiều cho bóng đá Việt Nam. Chưa kể, rất nhiều lứa trẻ được đào tạo của Viettel, PVF, SLNA... là nguồn cung cấp chất lượng cho các đội hạng Nhất, hạng Nhì.

V.League đang ngày càng hấp dẫn hơn với những đổi mới. (Ảnh: Q.T)

Niềm tin từ VAR

Công nghệ VAR xuất hiện hứa hẹn làm tăng sự công bằng cho các trận đấu. Nhưng cũng có ý kiến và sự hoài nghi về cách vận hành, áp dụng VAR của các trọng tài. Ông nghĩ sao về điều này?

Chi phí đầu tư và vận hành VAR rất lớn, tính đến hàng chục triệu USD, nhưng VAR chỉ là công cụ hỗ trợ và quyết định vẫn thuộc về con người. Ngay đến các giải đấu hàng đầu như Ngoại hạng Anh vẫn xảy ra sai sót. Do đó ở đâu cũng vậy, khi chúng ta không nắm đầy đủ thông tin thì sự hoài nghi sẽ không bao giờ hết. Truyền thông về VAR đã được làm rất mạnh và mọi người đọc kỹ sẽ hiểu hơn về VAR.

Còn điều nữa dẫn đến sự hoài nghi là thời gian xử lý cho một tình huống khó hơi lâu, đôi khi do các góc quay không rõ ràng. Chúng ta đang từng bước vận hành VAR ở tất cả các khâu và chỉ sơ sểnh chút thôi sẽ gây khó cho trọng tài VAR hay trọng tài chính. Hoặc bản thân các trọng tài cũng mới bắt đầu thực hiện công nghệ này nên họ sẽ phải xem thật kỹ tình huống và cần nhiều thời gian hơn để đưa ra quyết định chính xác nhất.

Tôi cho rằng chúng ta sẽ dần khắc phục được những vấn đề này khi VAR thường xuyên được sử dụng. Ngoài ra, các lớp đào tạo trọng tài VAR chuẩn FIFA cũng được tổ chức theo từng đợt. Nhưng, để tổ chức được thì điều đầu tiên phải có thời gian, như là tận dụng quãng nghỉ FIFA Days. Bên cạnh đó, gần như lực lượng trọng tài tinh nhuệ nhất của chúng ta đã được tham gia đào tạo. Để vận hành trơn tru thì các trọng tài cần có thêm thời gian tích lũy kinh nghiệm thực tiễn qua từng trận đấu.

Như vậy VPF sẽ không phải thuê trọng tài ngoại, thưa ông?

Rất nhiều lần VPF phải thuê trọng tài nước ngoài cho những trận đấu quan trọng và nhạy cảm. Tôi không thích việc này, nếu như VAR có thể phủ sóng hoàn toàn thì không phải thuê trọng tài ngoại. Đó chỉ là giải pháp tình thế, nhưng chi phí lại “đắt đỏ” trong khi nguồn lực lượng trọng tài trong nước không nhiều. Bắt đầu từ nhiệm kỳ này, chúng tôi đã yêu cầu với Ban Trọng tài phải đặt ra chỉ tiêu đào tạo cụ thể để bảo đảm lực lượng kế cận. Nhưng thật sự là nghề trọng tài khá đặc thù, không chỉ cần sự rèn luyện mà phải có năng khiếu nữa. Có rất nhiều luật buộc phải thuộc, nhưng lại nhiều tình huống ít khi xảy ra nên đòi hỏi các trọng tài chuyên nghiệp phải có chuyên môn cao.

Những trận cầu “nóng” sẽ gây áp lực rất lớn cho người cầm còi. Và khi có VAR sẽ hỗ trợ rất nhiều cho trọng tài nội, giảm đi những tranh cãi trên sân. Lúc đó, chi phí vận hành VAR sẽ bù cho phí thuê trọng tài ngoại.

Công nghệ VAR sẽ làm giảm đi những tranh cãi trên sân. (Ảnh: VPF)

Vẫn có những ngoại lệ

Được biết VFF đã ban hành quy chế cấp phép CLB chuyên nghiệp và bắt đầu từ mùa giải 2024/25 sẽ không có ngoại lệ. Nhưng để đáp ứng đủ các tiêu chí của AFC thì không phải CLB nào cũng đạt được, thưa ông?

Quy chế và quy định của AFC có rất nhiều mục, trong đó có những mục không chấp nhận ngoại lệ, đặc biệt là vấn đề về chuyên môn như HLV trưởng phải có bằng Pro, CLB phải bắt buộc có cấp 4 đội trẻ, tiêu chuẩn sân bãi... Nhưng có trường hợp vừa qua như việc đổi tên của LPBank HAGL và Thể Công-Viettel là ngoại lệ. Đúng theo quy định, trong mùa giải CLB không được đổi tên hoặc tên không được gắn với nhà tài trợ. VFF cho phép ngoại lệ đổi tên, nhưng chỉ được dùng trong nước, còn thi đấu ở các giải cấp AFC thì vẫn phải sử dụng tên cũ.

Hiện tại, nếu chúng ta theo AFC hoàn toàn 100% sẽ gây khó cho các CLB. Trong thời buổi kinh tế khó khăn, giải đang duy trì số lượng 14 đội, nếu có một đội bóng không đủ tiêu chuẩn tham dự sẽ là sự khủng hoảng lớn cho bóng đá Việt Nam. Những trường hợp như vậy sẽ được tạo điều kiện để các CLB có thời gian khắc phục sớm nhất. Và sẽ đến thời điểm chúng ta phải hoàn toàn tuân thủ theo quy chuẩn của AFC.

Theo ông, khi nào các CLB Việt Nam mới có thể sống tốt, tự chủ được từ bóng đá và không phải phụ thuộc vào ông bầu?

Tôi nghĩ sẽ còn cần nhiều thời gian, nhiều việc phải làm và nhiều thứ cần phải được thay đổi. Ngay cả ở Thái Lan, CLB mà không có ông chủ sẽ không tồn tại được. Hay như Singapore phải dùng ngân sách nhà nước để duy trì giải vô địch quốc gia. Để được như châu Âu dùng bóng đá nuôi bóng đá thì rất khó. Bây giờ giá vé vào sân ở nước ta khá rẻ, CLB muốn kéo khán giả đến sân cũng khó tăng giá vì mặt bằng chung thu nhập ở các địa phương không cao. Thậm chí, nhiều nơi còn mở cửa miễn phí, nhưng quan điểm của tôi là không nên làm vậy. Bởi món hàng ít nhiều cũng phải có giá trị của nó, nếu cứ miễn phí thì sẽ gây nên tâm lý ỷ lại và không trân trọng. Hay như chuyện áo đấu cũng vậy, áo “nhái” CLB được bán và sử dụng tràn lan vì giá rẻ...

Tôi đã sang các nước châu Âu theo dõi nhiều trận đấu, các sân vận động luôn kín chỗ, công nghệ tổ chức hiện đại, nơi bán đồ lưu niệm luôn đông khách. Tất nhiên, mọi sự so sánh đều là khập khiễng bởi thực trạng xã hội mỗi quốc gia khác nhau. Còn với Việt Nam, sẽ là một hành trình rất dài để các CLB có thể tự chủ được từ bóng đá.

Xin trân trọng cảm ơn ông!