Đại tá Nguyễn Văn Thành, Phó Cục trưởng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an): Chủ động nắm tình hình, chú trọng THTSTN ngay từ trước khi khởi tố vụ án.
Tổ chức điều tra án tham nhũng, song song với việc thu thập tài liệu, chứng cứ chứng minh tội phạm, khẩn trương xác định tài liệu, chứng cứ liên quan đến TSTN; chú trọng THTSTN ngay từ khi tiếp nhận, giải quyết tin báo tố giác về tội phạm; sử dụng đồng bộ các biện pháp và phối hợp với các đơn vị chức năng để kịp thời phong tỏa, thu giữ, tạm giữ, kê biên các loại tài sản này.
Quá trình triển khai tuân thủ các quy định của pháp luật, chú ý xác định hiện trạng và tình trạng pháp lý của tài sản, lập biên bản rõ ràng, chi tiết, đúng hiện trạng để có cơ sở xử lý tài sản trong giai đoạn thi hành án (THA); bóc tách được TSTN với các loại tài sản khác do hành vi vi phạm khác gây ra; tích cực truy tìm, thu thập chứng cứ chứng minh và làm rõ nguồn gốc các tài khoản, tài sản mà đối tượng hoặc những người có liên quan của đối tượng đang nắm giữ. Tập trung đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án tham nhũng, không để kéo dài, tránh tình trạng các đối tượng vi phạm có thời gian hợp lý hóa hoặc tiêu hủy các tài liệu, chứng cứ liên quan, cất giấu và tẩu tán TSTN.
Đồng thời, rà soát các quy định của Bộ luật Hình sự để sửa đổi, bổ sung phù hợp Luật PCTN và Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng. Nghiên cứu hoàn thiện các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự theo hướng: quy định cụ thể về trình tự, thủ tục, thẩm quyền, trách nhiệm áp dụng các biện pháp cưỡng chế để THTSTN đối với cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; sửa đổi những căn cứ, điều kiện khi áp dụng các biện pháp kê biên, phong tỏa tài sản của đương sự (thí dụ quy định chỉ kê biên, phong tỏa tài sản tương ứng với tài sản mà người phạm tội chiếm đoạt hoặc gây thiệt hại).
Mở rộng hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống TPTN, nhất là công tác thu hồi tài sản bị chiếm đọạt, thất thoát ra nước ngoài; Tiếp tục tham gia, ký kết các hiệp định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự giữa Việt Nam với các nước nhằm tạo cơ sở pháp lý, cơ chế phối hợp trong đấu tranh TPTN và THTSTN có yếu tố nước ngoài.
Hoàn thiện các quy định của Luật Tương trợ tư pháp theo hướng: Bổ sung các quy định về thu hồi tài sản và xác định rõ vấn đề thu hồi tài sản do phạm tội mà có thuộc phạm vi tương trợ tư pháp về hình sự; Quy định đầy đủ về thẩm quyền, trình tự, thủ tục hợp tác quốc tế trong việc đề nghị các cơ quan có thẩm quyền nước ngoài xác minh, phong tỏa, thu giữ, chuyển giao TSTN có nguồn gốc từ Việt Nam ở nước ngoài về cho Nhà nước Việt Nam.
Phó Vụ trưởng Vụ 5, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Đức Bằng: Tạo hành lang pháp lý hỗ trợ THTSTN hiệu quả.
Để tạo hành lang pháp lý hỗ trợ thực hiện tốt THTSTN, giải pháp cấp bách trước tiên, các cơ quan tố tụng cần nghiên cứu và ban hành Thông tư hướng dẫn về THTSTN, trong đó cân nhắc áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời tương tự như trong pháp luật tố tụng dân sự. Ngay từ giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm cần áp dụng ngay biện pháp cấm xuất cảnh và xác minh làm rõ về tài sản của các đối tượng liên quan, từ đó kịp thời áp dụng các biện pháp để tránh tẩu tán TSTN.
Viện kiểm sát cần có quy chế phối hợp với cơ quan điều tra, quy định riêng đối với án tham nhũng thì việc xác minh và các biện pháp bảo đảm THTSTN là bắt buộc phải thực hiện và gửi kết quả kèm theo khi đề nghị phê chuẩn khởi tố bị can. Kiểm sát viên chủ động yêu cầu cơ quan điều tra, điều tra viên áp dụng mọi biện pháp luật định để nhanh chóng phát hiện, điều tra, làm rõ TSTN để sớm có biện pháp thu giữ, kê biên, phong tỏa tài khoản...
Đồng thời các cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu, sửa đổi và bổ sung quy định trong Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự theo hướng đề cao THTSTN như: Quy định bắt buộc đối với tất cả các TPTN phải áp dụng hình phạt bổ sung bằng tiền, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản; sửa đổi quy định về xử lý vật chứng, tài sản thu giữ, kê biên, phong tỏa theo hướng không đóng băng tài sản, bảo đảm thu hồi triệt để tài sản cho Nhà nước, không để thiệt hại phát sinh thêm đồng thời bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho những người liên quan và có thể xử lý ngay trong quá trình điều tra vụ án; Bổ sung quy định trong các vụ án tham nhũng cơ quan điều tra, Viện kiểm sát có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn, kê biên tài sản khẩn cấp ngay từ khi có đủ cơ sở xác định tài sản đó là bất minh trước khởi tố bị can để tránh đánh tháo, tẩu tán TSTN. Tăng mức hình phạt tiền, giảm hình phạt tù có thời hạn và các hình phạt khác đối với những đối tượng có hành vi tham nhũng nhưng đã chủ động khai báo, khắc phục hậu quả nhằm rút ngắn thời gian giải quyết vụ án, tiết kiệm chi phí tố tụng, tăng khả năng THTSTN.
Không ngừng nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị, sự liêm chính và cải thiện chế độ tiền lương và các chính sách đãi ngộ, khen thưởng cho các cán bộ tham gia THTSTN bằng cách đề xuất cơ chế trích % giá trị TSTN thu hồi được hỗ trợ cho những cán bộ trực tiếp tham gia hoặc đưa vào quỹ lương để bồi dưỡng. Tuy nhiên, phải kèm theo chế định giám sát chặt chẽ, tránh tiêu cực, lạm dụng, nếu phát hiện vi phạm thì xử lý nghiêm minh.
Vụ trưởng Vụ 1, Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Xuân Thiện: Tích cực giải thích, vận động, thuyết phục để bị cáo và người thân tự nguyện giao nộp TSTN.
Thực tế, tại nhiều phiên tòa, qua việc giải thích rõ, cụ thể các quyền và nghĩa vụ của những người tham gia tố tụng, phân tích các tình huống cụ thể của vụ án để bị cáo, gia đình bị cáo và các đương sự hiểu rõ trách nhiệm phải bồi thường, khắc phục hậu quả hoặc trả lại TSTN, nếu chủ động nộp lại sẽ được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật nên thời gian qua đã thu hồi được rất nhiều TSTN tại các phiên tòa xét xử.
Điển hình là vụ án AVG- Mobifone, hội động xét xử đã vận dụng đúng chính sách pháp luật để các bị cáo tích cực hợp tác, tự nguyện nộp lại TSTN để được hưởng sự khoan hồng của pháp luật, được giảm án, đã có tác động tích cực đến các vụ án xét xử sau này trong việc nộp lại TSTN. Biện pháp này bảo đảm thu hồi TSTN nhanh, có hiệu quả mà không vướng các thủ tục tố tụng về kê biên, cưỡng chế và tịch thu tài sản, cần được phát huy.
Việc Tòa án chủ động phối hợp các cơ quan tiến hành tố tụng để trao đổi những vấn đề còn có quan điểm khác nhau về nhận thức và áp dụng pháp luật; phân công thẩm phán sớm nghiên cứu hồ sơ những vụ án tham nhũng lớn, trọng điểm, phức tạp để nắm chắc các tình tiết của vụ án, những vấn đề cần làm rõ, dự liệu những tình huống phát sinh tại phiên tòa nhằm giải quyết tốt toàn bộ những vấn đề trong vụ án, trong đó có THTSTN cũng là kinh nghiệm thành công.
Cần hệ thống hóa các quy định về thu hồi tài sản, tiến tới xây dựng các chế định thu hồi tài sản trong Luật PCTN, tạo sự đồng bộ trong sự phối hợp, nâng cao tinh thần trách nhiệm của những người tiến hành tố tụng, xử lý, tháo gỡ kịp thời các vấn đề vướng mắc. Cơ quan điều tra cần chú trọng hơn việc điều tra, thu thập chứng cứ đối với phần dân sự trong vụ án hình sự, tạo điều kiện thuận lợi cho Tòa án giải quyết khách quan, toàn diện vụ án; góp phần THTSTN triệt để hơn.
Để nâng cao hiệu quả THTSTN cần có cách tiếp cận mới trong quá trình chứng minh loại tội phạm này cũng như những tài sản có liên quan đến những người thuộc nhóm có khả năng tham nhũng. Theo đó, pháp luật hình sự cần có những quy định mang tính đặc thù cho nhóm TPTN; theo hướng giảm bớt nghĩa vụ chứng minh của Nhà nước, tăng nghĩa vụ giải trình của người có chức vụ, quyền hạn. Việc giải quyết trách nhiệm dân sự cần bảo đảm các yêu cầu: thu hồi toàn bộ những tài sản tham ô, tư lợi, hưởng lợi bất chính; những tài sản lớn mà không giải trình được nguồn gốc phát sinh cùng hoặc liền sau thời điểm thực hiện các hành vi bị quy kết là phạm tội.
Phó Tổng cục trưởng Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) Trần Thị Phương Hoa: Khắc phục độ “vênh” trong phối hợp THTSTN.
Công tác phối hợp giữa cơ quan THADS với các cơ quan có thẩm quyền để thu hồi TSTN còn bộc lộ bất cập. Ở Trung ương, cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành chủ yếu thông qua quy chế phối hợp, giá trị pháp lý không cao, chưa có Ban Chỉ đạo Trung ương về THADS. Do đó, bên cạnh sự chủ động, kiên quyết cưỡng chế, khẩn trương xử lý TSTN theo đúng quy định, bảo đảm tiến độ; tăng cường kiểm tra việc tổ chức thi hành án THTSTN của cơ quan THADS, cần sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hiệu quả hơn của cơ quan hữu quan.
Quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị có chức năng quản lý các lĩnh vực tài chính, đất đai, nhà, công trình, phương tiện trong việc cung cấp thông tin về hiện trạng, tình trạng pháp lý và tích cực phối hợp cơ quan THADS để THTSTN triệt để, khắc phục “độ vênh” bởi mỗi cơ quan lại áp dụng theo luật chuyên ngành khác nhau. Mặt khác, nếu chấp hành viên tham gia ngay từ giai đoạn đầu cùng các cơ quan tố tụng kê biên, phong tỏa tài sản thì thủ tục bảo đảm đầy đủ, chuẩn xác hơn và khi thu hồi trong giai đoạn thi hành án thuận lợi hơn.
Rà soát vướng mắc, bất cập từ thực tiễn của công tác thi hành án nói chung và THTSTN để kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các quy định nhằm hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, ổn định cho công tác THADS là yêu cầu bức thiết. Trước mắt, nghiên cứu ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định về trình tự, thủ tục đặc biệt để THTSTN, nhất là cơ chế THTSTN đã bị tẩu tán ra nước ngoài.
Ngoài ra, bổ sung trách nhiệm, quyền hạn của Thanh tra viên, Kiểm toán viên được quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn, phong tỏa tài sản khi phát hiện dấu hiệu phạm tội tham nhũng; Sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính và xử lý trách nhiệm hình sự đối với những hành vi chống đối, cản trở thi hành án. Hiệu quả THTSTN có được nâng cao còn phụ thuộc vào sự chỉ đạo sát sao, vào cuộc quyết liệt, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Ban Chỉ đạo THADS tại địa phương.
TS Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Pháp chế, Thanh tra Chính phủ: Kiểm soát chặt chẽ tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức
Việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức còn nặng tính hình thức, xác minh, kiểm chứng còn nhiều hạn chế. Do đó cần hoàn thiện quy định pháp luật theo hướng: Đối với kê khai tài sản ở nước ngoài, cần bổ sung quy định để có thể xác định số dư tài khoản ở nước ngoài; nghiên cứu, đề xuất xây dựng kiểm tra, giám sát tài khoản người trong gia đình hoặc cộng sự có liên quan tới cá nhân đang hoặc giữ chức vụ chủ chốt trong bộ máy Nhà nước.
Đối với tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức bị phát hiện có nguồn tiền, tài sản, thu nhập chưa được kê khai, kê khai không trung thực, không giải trình hợp lý được nguồn gốc hợp pháp và đã được cơ quan có thẩm quyền xác minh, kết luận thì cần xây dựng và áp dụng cơ chế thu hồi thông qua khởi kiện dân sự, tịch thu sung công quỹ Nhà nước sau khi có bản án, quyết định dân sự có hiệu lực của Tòa án; trường hợp giải trình hợp lý nguồn gốc của phần tài sản, thu nhập chênh lệch thì truy thu thuế.
Đồng thời, nghiên cứu phương án tịch thu tài sản qua thủ tục tố tụng dân sự trong quá trình kiểm soát giao dịch đáng ngờ mà phát hiện giao dịch của cá nhân thuộc danh sách đen hoặc có căn cứ cho rằng liên quan trực tiếp đến tội phạm. Đây là vấn đề liên quan đến các quyền đối với tài sản, đặc biệt là quyền sở hữu nên việc xây dựng cơ chế tịch thu tài sản không qua thủ tục kết tội và đề xuất sửa đổi, bổ sung pháp luật có liên quan cần thận trọng, có lộ trình, bước đi phù hợp.
Về lâu dài, cần tiến tới kiểm soát được tài sản, thu nhập cũng như các giao dịch lớn trên bình diện toàn xã hội, vừa để bảo hộ cho người có tài sản vừa phát hiện các nguồn tài sản, thu nhập bất hợp pháp, trong đó có từ hành vi tham nhũng; nghiên cứu xây dựng Luật Đăng ký tài sản để tất cả các cơ quan, tổ chức, cá nhân có tài sản đều phải kê khai, đăng ký nhằm tạo điều kiện quản lý nhà nước đối với tài sản trong toàn quốc; xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về giao dịch đất đai và đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, bắt buộc mọi giao dịch lớn phải thông qua hệ thống ngân hàng để truy nguyên được thời điểm hình thành, chuyển nhượng tài sản. Nghiên cứu, hoàn thiện đồng bộ Luật PCTN, phù hợp các quy định của Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự, các quy định về quản lý sử dụng thanh toán tiền mặt, tiền gửi tiết kiệm, cổ phiếu, trái phiếu...
Phát huy vai trò giám sát của nhân dân, MTTQ, các tổ chức chính trị và sự vào cuộc của báo chí trong phát hiện, tố cáo các biểu hiện mờ ám hoặc dấu hiệu tài sản bất minh, khen thưởng kịp thời và bảo vệ người tố giác hành vi tham nhũng và che dấu tài sản, thu nhập từ nguồn bất hợp pháp.