Còn nhiều tồn tại, thách thức

|

Việc xây dựng hành lang pháp lý đầy đủ cho truy xuất nguồn gốc; đẩy mạnh chuyển đổi số trong truy xuất nguồn gốc đã thể hiện nỗ lực của Việt Nam về quản lý an toàn thực phẩm, hướng đến nền nông nghiệp minh bạch, trách nhiệm, bền vững. Tuy nhiên, nền nông nghiệp nước ta đang đối mặt không ít thách thức, đòi hỏi phải sớm khắc phục tồn tại, hạn chế để truy xuất nguồn gốc sản phẩm hiệu quả và toàn diện, nhất là khi các thị trường xuất khẩu nông sản chính như Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU)... đang ngày càng đẩy mạnh áp dụng truy xuất nguồn gốc sản phẩm trên tất cả các lĩnh vực nông, lâm, thủy sản.

Chưa hiểu rõ ràng, đầy đủ về truy xuất nguồn gốc

Theo ông Bùi Bá Chính, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Mã số mã vạch quốc gia (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ), nguyên nhân chính của các hạn chế xuất phát từ việc người dùng chưa có nhận thức đúng mức về truy xuất nguồn gốc và cách thức hoạt động của hệ thống truy xuất nguồn gốc. Phần lớn các hệ thống quản lý tại doanh nghiệp chỉ đang đáp ứng các yêu cầu quản trị thống kê và trích xuất dữ liệu nội bộ, chưa đủ các tiêu chí cấu thành hệ thống truy xuất nguồn gốc. Các doanh nghiệp đa số chỉ hiểu khái niệm truy xuất nguồn gốc đơn giản là thông tin xuất xứ sản phẩm về mặt địa lý nơi sản xuất sản phẩm, chứ chưa hiểu rõ các yếu tố cấu thành nên thông tin truy xuất nguồn gốc. Các doanh nghiệp cũng chưa hiểu rõ giá trị của truy xuất nguồn gốc đem lại cho kế hoạch chiến lược phát triển sản phẩm, từ đó cũng chưa có mức đầu tư tài chính hợp lý cho hoạt động này . Từ phía địa phương, nhiều tỉnh, thành phố còn lúng túng trong việc lập kế hoạch và triển khai hoạt động theo Đề án Triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc theo Quyết định số 100/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (Đề án 100), hoặc thiếu các nhân sự có kinh nghiệm và nghiệp vụ liên quan.

Chia sẻ về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thành Thực, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty CP Công nghệ phần mềm AutoAgri nêu thí dụ: Với một hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp ở Bình Phước mà chúng tôi mới vận động thành lập, khi hiểu rõ về tầm quan trọng của truy xuất nguồn gốc sản phẩm, thì họ có ý thức ứng dụng các công nghệ số, công nghệ truy xuất nguồn gốc và triển khai rất nhanh chóng, hiệu quả. Kết quả là vườn sầu riêng của hợp tác xã trở thành một trong những cơ sở tiêu biểu khi phía Trung Quốc giám sát vấn đề thực hiện quy định về truy xuất nguồn gốc.

Liên quan đến việc truy xuất nguồn gốc theo mã số vùng trồng, mã cơ sở đóng gói, Cục trưởng Bảo vệ thực vật Huỳnh Tấn Đạt thông tin: Từ năm 2022 đến hết tháng 7/2023, Cục đã giám sát được 292 mã số vùng trồng và 68 mã số cơ sở đóng gói. Trong đó thu hồi 13 mã số vùng trồng (4,4%) và 30 mã số cơ sở đóng gói (44,1%) tại các tỉnh Bắc Giang, Đắk Nông, Đồng Tháp, Sơn La; phải khắc phục 42 mã số vùng trồng tại Bắc Giang, Đồng Nai, Long An, Hưng Yên, Lạng Sơn, Hà Nội, Kiên Giang và 13 cơ sở đóng gói tại Bắc Giang, Lạng Sơn và Hưng Yên, Hà Nội.

Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là doanh nghiệp, người sản xuất mới chỉ quan tâm đến công tác cấp mới, chưa thật sự quan tâm đến việc duy trì các điều kiện đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu. Mặt khác, người dân ở một số vùng sâu, vùng xa không tiếp cận đầy đủ thông tin nên chưa có ý thức bảo vệ mã số. Do đó, đã xảy ra hiện tượng sao chép hồ sơ giữa các vùng trồng, cơ sở đóng gói. Điều này thể hiện ở con số 15/55 cơ sở đóng gói và 64/200 vùng trồng sầu riêng không đạt trong đợt kiểm tra tháng 6/2023 vừa qua của Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Cá biệt, trong quá trình kiểm tra đã phát hiện một số cơ sở đóng gói (tại Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang) có nhiều thùng sầu riêng được dán tem nhãn của đơn vị khác; đại diện cơ sở trả lời vòng vo, thiếu trung thực, do đó Tổng cục Hải quan Trung Quốc nghi ngờ có sự gian lận mã số. Ngoài ra, hồ sơ không đầy đủ, không cập nhật thường xuyên, ghi chép cho có lệ cũng dẫn đến khó thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm khi phát hiện vi phạm.

Hay như trong lĩnh vực thủy sản, công tác xác nhận, chứng nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản khai thác vẫn chưa bảo đảm theo quy định, từ đó gây khó cho công tác truy xuất nguồn gốc của nhiều sản phẩm liên quan. Ông Nguyễn Huỳnh Anh Khoa, Giám đốc Công ty TNHH Kinh doanh nước mắm Huỳnh Khoa (Phú Quốc, Kiên Giang) chia sẻ: Mặc dù Công ty đã triển khai ứng dụng truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm nước mắm, các thông tin minh bạch đến từng người đóng chai, tuy nhiên vẫn gặp khó ở khâu truy xuất nguồn gốc cá dùng cho sản phẩm, bởi hiện nay mới chỉ nắm được chính xác nhà cung cấp còn hành trình khai thác, đánh bắt như thế nào, ở vùng nào... vẫn còn rất hạn chế do một số tàu cá vẫn chưa cung cấp được chính xác nhật ký hành trình.

Yếu công nghệ, thiếu nhân lực

Hạn chế trong ứng dụng công nghệ là một rào cản đối với doanh nghiệp trong quá trình triển khai truy xuất nguồn gốc. Hiện nay, tỷ trọng các sản phẩm nông sản sản xuất tại các đơn vị có quy mô nhỏ như hợp tác xã, hộ nông dân là rất lớn, trong khi đây lại là các mô hình có năng lực công nghệ và số hóa ở mức thấp. Bên cạnh đó, nhiều đơn vị cung cấp giải pháp phần mềm đang thực hiện giải pháp truy xuất nguồn gốc không tuân theo các tiêu chuẩn truy xuất nguồn gốc quốc gia và quốc tế GS1, cụ thể là không đầy đủ các thông tin cần có, đa số chỉ là các thông tin chung chung hoặc mã hóa các tem nhãn, website, trang Facebook thành QR Code...

Trong khi đó, theo ông Hoàng Quốc Việt- Phụ trách Phòng Kinh doanh tổng hợp, Trung tâm Mã số mã vạch quốc gia (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ), tiêu chuẩn truy xuất nguồn gốc GS1 dựa trên các nguyên tắc chính, đó là: nguyên tắc một bước trước - một bước sau nhằm bảo đảm khả năng giám sát, nhận diện và truy vấn xuôi/ngược được từng công đoạn sản xuất; có sự tham gia đầy đủ các bên truy xuất nguồn gốc, bao gồm cả các đơn vị nội bộ và đối tác. Các phần tử dữ liệu chính phải được thu thập, lưu trữ và cập nhật kịp thời trong các báo cáo thông tin chi tiết về các sự kiện quan trọng trong quá trình sản xuất sản phẩm và chuỗi cung ứng; bảo đảm minh bạch thông tin. “Hiện nay NBC-Trace là giải pháp truy xuất nguồn gốc do Trung tâm Mã số mã vạch quốc gia thiết kế, phù hợp tiêu chuẩn truy xuất nguồn gốc quốc gia và quốc tế GS1; Phù hợp với mọi đối tượng trong chuỗi cung ứng từ hộ kinh doanh đến các doanh nghiệp với quy trình tùy biến, linh động cho từng loại sản phẩm, bám sát thực tế sản xuất của doanh nghiệp...”, ông Hoàng Quốc Việt cho biết thêm.

Một hạn chế nữa về công nghệ là các hệ thống truy xuất nguồn gốc hiện nay chưa đầy đủ khả năng liên kết với hệ thống truy xuất nguồn gốc khác. Ngoài ra, khả năng kết nối, tương tác và trao đổi thông tin giữa các bên trong chuỗi cung ứng còn thấp; hệ thống văn bản, quy định về đánh giá các giải pháp truy xuất nguồn gốc, từ đó có chế tài cụ thể về xử lý vi phạm trong hoạt động truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa chưa được ban hành đầy đủ. Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Trưởng phòng Công nghệ số, Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp cho rằng: Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có nhiều đối tượng quản lý liên quan đến truy xuất nguồn gốc như: thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, phân bón, thủy sản, lâm nghiệp... cùng với vấn đề bao trùm là vệ sinh an toàn thực phẩm. Để đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc tất cả các vấn đề này thì Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc của Bộ cần phải được nâng cấp và các đơn vị, các cục phải cùng tham gia xây dựng, vận hành. Tuy nhiên, việc triển khai ứng dụng truy xuất nguồn gốc cần đầu tư kinh phí rất lớn nên cũng đang là một trở ngại. Trong khi đó, nền nông nghiệp Việt Nam còn manh mún, nhỏ lẻ nên rất khó áp dụng các công nghệ hiện đại (camera giám sát, bộ cảm biến, bộ định vị, ảnh viễn thám, trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật...) để theo dõi, giám sát tự động nhằm bảo đảm công khai, minh bạch trong thu thập, cập nhật các thông tin vào hệ thống truy xuất nguồn gốc.

Bên cạnh hạn chế về công nghệ thì nguồn nhân lực phục vụ triển khai các vấn đề liên quan truy xuất nguồn gốc cũng đang thiếu về số lượng và yếu về chuyên môn. Đơn cử, công tác giám sát mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói tại các địa phương cũng thiếu nhân lực trầm trọng, nhân sự lại thay đổi thường xuyên dẫn đến thực trạng tỷ lệ giám sát mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói trên toàn quốc còn thấp so với yêu cầu. Đối với việc chuyển đổi số trong hoạt động truy xuất nguồn gốc, ngoài các doanh nghiệp lớn có đội ngũ chuyên môn phụ trách thì hầu hết các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, cơ sở sản xuất hộ gia đình, nguồn nhân lực phục vụ cho công tác này đều chưa được trang bị đầy đủ kiến thức cũng như cơ sở vật chất để thực hiện hiệu quả.

Các hoạt động chính của tiêu chuẩn truy xuất nguồn gốc quốc tế GS1 bao gồm: Ðịnh danh: định danh đơn nhất và có thể nhận biết trên toàn cầu cho mọi đồ vật, hạng mục, sản phẩm và địa điểm sử dụng các tiêu chuẩn phân định của GS1. Thí dụ: Mã số địa điểm toàn cầu (GLN), mã container vận chuyển theo xê-ri (SSCC), mã số thương phẩm toàn cầu (GTIN),...; Thu thập: thu thập thông tin của các đối tượng, vật phẩm, sản phẩm, vị trí bằng công nghệ thu thập dữ liệu tự động (thí dụ: quét mã vạch, công nghệ nhận dạng tần số vô tuyến RFID); Lưu trữ: hệ thống nội bộ/ máy chủ/nền tảng đám mây; Chia sẻ: chia sẻ thông tin về sản phẩm và địa điểm trong nội bộ doanh nghiệp và với các bên tham gia, người tiêu dùng.