Sự điên rồ của đồng tiền

|

Bóng đá hiện đại không thể tách khỏi tiền bạc. Những câu chuyện tiền bạc đôi khi cũng quay cuồng như cách mà nó kiểm soát trái bóng. Có những chuyện không ai ngờ và đôi khi phi lý đến khó tin.

1. Sức mạnh của đồng tiền vô cùng ghê gớm và nó có thể làm phân hóa một giải đấu, thậm chí là ngay trong lòng một CLB. Vì thế mà những nhà quản lý luôn phải nghĩ cách để giảm thiểu những rủi ro tài chính, tạo ra những rào cản để tránh tối đa tình trạng đội bóng quá giàu và mạnh còn những kẻ còn lại chỉ làm vật lót đường. Nhưng có lẽ đó chỉ là những nguyên tắc được tạo ra để những “sáng tạo” lách luật được dịp bùng nổ.

Thực tế thì chưa thấy những đội bóng giàu có nào bị phạt trừ điểm hay cấm thi đấu, án toàn nhằm vào những CLB nhỏ kiểu Everton bị trừ điểm. Nguyên nhân cũng chỉ vì tiền. Và nguồn cơn của sự bùng nổ tiền bạc đến từ mức giá chuyển nhượng cầu thủ và đặc biệt là mức lương của những ngôi sao ngày càng tăng phi mã. Hai mươi năm trước, một cầu thủ giá 50 triệu euro là một con số khủng khiếp, là kỷ lục, là số tiền làm rúng động thị trường. Nhưng bây giờ, cầu thủ có giá 150 triệu euro nhiều nhan nhản và chẳng có gì lạ lẫm nữa.

Cũng 20 năm trước, mức lương của Wayne Rooney vào khoảng 100.000 bảng/tuần đã quá ghê gớm. Nhưng bây giờ một cầu thủ nhận lương nửa triệu bảng/tuần cũng chẳng hiếm và thậm chí có những trường hợp, mức thu nhập còn khủng hơn cả lương.

2. Những con số và câu chuyện sau đây sẽ giải thích tại sao tiền trong bóng đá ngày càng bùng nổ, giá bản quyền truyền hình ngày càng tăng và những đồng tiền ngày càng quay cuồng điên rồ. Hai năm trước, khi thế giới Ả rập nhúng tay vào thị trường chuyển nhượng, bòn rút hầu hết các ngôi sao ở châu Âu với mức giá như ném tiền qua cửa sổ, mọi thứ đã thay đổi. Đến mức, sự có mặt của những tỷ phú dầu mỏ Trung Đông có thể làm thay đổi giá trị bóng đá châu Âu.

Thí dụ ra thì rất nhiều, nhưng cứ nhìn vào Neymar thôi sẽ thấy mọi thứ thật là đáng sợ. PSG mua Neymar với giá 222 triệu euro năm 2017, kỷ lục của bóng đá thế giới. Đó là một thương vụ từ những tỷ phú Qatar nhằm nhiều mục đích. Nó thành công rực rỡ. Nhưng sau đó, Neymar tiếp tục trở thành “món hàng” tạo ra những giá trị siêu phẩm khó đỡ. Dù không còn ở đỉnh cao, cũng chẳng còn cửa tranh giành Quả bóng vàng nữa, nhưng Neymar vẫn được Al Hilal tại giải Saudi Pro League mua về năm 2023 cùng hàng loạt ngôi sao khác, trong đó có Mitrovic, Koulibaly, Neves, Savic... Mọi thứ cực kỳ hoàn hảo cho đến khi tất cả ngã ngửa như vừa nhận một cú lừa vì sự hào nhoáng.

Neymar ở Al Hilal không cần ra sân vẫn nhận lương "khủng" đều đặn.

Vừa đến CLB mới, cầm áo chụp ảnh các thứ... Neymar lập tức lăn ra chấn thương, chẳng tập nổi buổi nào chứ đừng nói là thi đấu. Đến nay, Neymar chỉ đá được 5 trận cho Al Hilal, rồi lại dưỡng thương, đi chơi, hưởng thụ cuộc sống và nhận lương đều đặn. Số tiền Neymar nhận được để... ngồi chơi ở Saudi Arabia như sau: 90 triệu euro phí chuyển nhượng từ PSG, 160 triệu euro tiền lương mỗi năm, gấp 6 lần số tiền nhận ở PSG. Chưa hết, cứ mỗi trận đấu Al Hilal thắng là Neymar nhận 80.000 euro kể cả anh ở nhà ngủ không đến sân, rồi mỗi bài đăng liên quan đến Saudi Arabia là tài khoản Neymar có thêm 500.000 euro.

Những con số không thể tưởng tượng nổi cho một cầu thủ đã qua thời đỉnh cao, và đặc biệt là... không thi đấu. Không chỉ nhận quá nhiều tiền, thời gian rảnh, Neymar thường về quê Brazil, đến sân của Santos để cổ vũ đội bóng cũ. Mọi chuyện còn tồi tệ hơn khi báo chí Brazil và nhiều cầu thủ nói rằng, chính Neymar đã khẳng định muốn trở lại Santos thi đấu vào năm 2025, khi hết hạn hợp đồng với Al Hilal.

Với quá nhiều tiền như vậy, không khó để nhận thấy Neymar chấp nhận hy sinh vài năm sự nghiệp để kiếm bộn tiền. Cùng với rất nhiều cầu thủ ngôi sao thi đấu ở Saudi Arabia, họ kiếm được rất nhiều tiền từ nhiều “dịch vụ” khác nhau. Khi đó, mức lương, mức giá và thu nhập của các cầu thủ ở châu Âu cũng theo đó mà tăng lên chóng mặt. Một cầu thủ ngôi sao ở một CLB lớn chắc chắn lương khó mà dưới 300.000 euro/tuần, cộng thêm thu nhập khác, một ngôi sao có thể thu 1 đến vài triệu euro mỗi tháng. Rồi vài năm nữa, những tên tuổi lớn sẽ có lựa chọn: tiền hay sự nghiệp?

Nhưng để bước tới cái tầm có thể lựa chọn, một cầu thủ phải trải qua khá nhiều gian truân để nổi tiếng. Nhưng cũng có nhiều trường hợp bỗng dưng giàu sụ chỉ sau vài ngày, khi chỉ là một cậu bé. Đó là trường hợp của Lamine Yamal. Là một tài năng được đánh giá rất cao trong màu áo Barcelona. Không ai phủ nhận tố chất của Yamal, nhưng mới 16 tuổi, cậu bé đã được đẩy lên hàng siêu sao thì đó thực sự là một “thách thức” cực lớn cho bóng đá. Một cầu thủ ở đỉnh cao bây giờ không phải là 27, 28 tuổi, mà là 21, 22, cùng lắm là 23 tuổi, như trường hợp của Vinicius, Bellingham, F.Wirtz, Musiala...

Mới 16 tuổi, Lamine Yamal đã được đẩy lên hàng sao.

Đáng sợ hơn khi Yamal đang được “tính toán” và định giá là cầu thủ trẻ đắt giá nhất thế giới, với những thống kê và nghiên cứu của Hãng CIES chuyên về đánh giá giá trị cầu thủ. Theo đó, Yamal được định giá lên tới... 145 triệu euro, dù khoảng 8 tháng trước, giá của Yamal chỉ là... 11 triệu euro. Bảng đánh giá này của CIES có hơn chục cầu thủ có giá trên 100 triệu euro, top 30 cầu thủ tăng giá mạnh nhất từ đầu năm đến nay đều là cầu thủ dưới 23 tuổi.

3. Với những sự tăng trưởng mạnh mẽ về giá thị trường cầu thủ, chi phí để có một ngôi sao lớn đến vậy, lẽ dĩ nhiên bóng đá ngày càng đắt đỏ, đồng tiền ngày càng trở nên “mất giá” trong bóng đá. Sẽ đến một ngày, sớm thôi, một ngôi sao lớn sẽ “chín” và ở đẳng cấp thế giới khi anh ta chưa bước qua tuổi 23, cộng mức lương tính bằng triệu euro mỗi tháng, thu nhập cả trăm triệu euro mỗi năm, cùng phí chuyển nhượng là nhiều trăm triệu euro. Ngày đó chắc không còn xa nữa.