Giấc mơ ghi tên Việt Nam vào bản đồ âm nhạc thế giới

|

Hai năm trở lại đây, sự xuất hiện của Dàn nhạc Giao hưởng Mặt trời (Sun Symphony Orchestra - SSO) với sự góp mặt của những nghệ sĩ hàng đầu thế giới thổi một luồng gió mới cho đời sống văn hóa nghệ thuật Thủ đô. Không chỉ dừng lại ở cái đích đưa âm nhạc cổ điển ngày một tiệm cận công chúng trong nước, Giám đốc âm nhạc - Nhạc trưởng Olivier Ochanine (ảnh bên) còn ước vọng xa hơn là “ghi tên Việt Nam vào bản đồ âm nhạc thế giới”.

Nhạc trưởng là một công việc thú vị

Tôi cứ băn khoăn tự hỏi, tại sao một người được đào tạo biểu diễn nhạc cụ lại chọn công việc nhạc trưởng? Và tại sao một nhạc trưởng người Pháp lại chọn Hà Nội làm nơi gắn bó, thay vì cái nôi của âm nhạc cổ điển châu Âu như Berlin?

Đúng là tôi từng say mê và chơi được cả flute lẫn contebass. Nhưng sau đó tôi nhận ra, nhạc trưởng là công việc hấp dẫn và thú vị hơn. Bởi nếu nhạc công chỉ có thể kết nối trực tiếp với khán giả thông qua nhạc cụ thì công việc của nhạc trưởng khá phức tạp. Để vung cây đũa chỉ huy, nhạc trưởng phải am tường từ ngôn ngữ ký hiệu đến những biểu hiện tâm lý, từ đó có thể liên kết nhiều nghệ sĩ biểu diễn trong dàn nhạc nhằm tạo nên một chỉnh thể thống nhất giúp chuyển tải trọn vẹn tác phẩm tới đông đảo người xem.

Tôi từng có bảy năm làm việc tại Nhà hát Quốc gia Philippines, trước khi dự định quay về Berlin. Nhờ đã cộng tác với Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, tôi được họ giới thiệu với lãnh đạo Sun Group, khi tập đoàn này muốn hiện thực hóa ý tưởng xây dựng Dàn nhạc Giao hưởng Mặt trời. Một dàn nhạc kết hợp nghệ sĩ biểu diễn Việt Nam với nhạc công đến từ nhiều quốc gia là mô hình mà tôi đánh giá rất cao. Hơn thế nữa, việc chuyển môi trường từ một dàn nhạc Nhà nước sang tư nhân cũng là cơ hội quý giá để được làm những điều mới mẻ và thú vị hơn. Đó là lý do khiến tôi quyết định gắn bó với Thủ đô của các bạn suốt hai năm qua, trong vai trò Giám đốc Âm nhạc và nhạc trưởng chính của SSO.

Vậy những yếu tố nào làm nên chất lượng và đẳng cấp của một dàn nhạc, thưa ông?

Theo tôi, tiềm lực tài chính vẫn là yếu tố tiên quyết. Để thuyết phục các nhạc công tài năng đến từ các quốc gia phát triển, mức đãi ngộ phải đủ hấp dẫn. Môi trường làm việc cũng rất quan trọng, Hà Nội là một thành phố cuốn hút và hấp dẫn nên các nghệ sĩ thuộc 20 quốc tịch của tôi đều vô cùng thích thú khi được sống và làm việc tại đây.

Ngoài chất lượng nghệ thuật, các nhạc công cũng phải tạo thành một tập thể đoàn kết để song hành cùng nhau trong sứ mệnh đặt từng viên gạch đầu tiên xây dựng SSO. Bằng nhân cách, thái độ cởi mở, thân thiện cùng khả năng truyền cảm hứng cho thế hệ nghệ sĩ kế tiếp, họ đã khiến những nghệ sĩ khách mời đẳng cấp như pianist Jean Yves Thibaudet hay giọng soprano Sumi Jo rất hài lòng. Hiện tại, SSO sở hữu 45 nhạc công, trong đó người Việt chiếm tới 40%. Con số này sẽ tăng dần trong tương lai, tôi hy vọng thế.

Và phải có một nhạc trưởng tốt nữa, thưa ông?

Cảm ơn bạn đã nhắc nhở. Nhạc trưởng tốt phải biết phát huy khả năng và đặt trọn vẹn niềm tin vào dàn nhạc để họ thể hiện hết khả năng của mình. Để làm được điều đó, không nên chỉ giáo và can thiệp quá nhiều vào cách chơi của nhạc công, vì họ đều được đào tạo rất bài bản. Chỉ cần kết nối và giúp họ chơi nhạc một cách thoải mái, tự do, dàn nhạc sẽ cho ra đời những màn trình diễn chất lượng. Thêm vào đó, nhạc trưởng cần kỹ năng lắng nghe và quan sát, từ nhiều hướng và trong cùng một thời điểm. Có lẽ vì thế tôi tham gia giao thông rất tốt, “trộm vía” chưa bị tai nạn bao giờ (cười lớn).

Mang nhạc cổ điển đến với càng nhiều người càng tốt

Nhiều năm qua, Việt Nam được mặc định là vùng trũng của nghệ thuật hàn lâm. Vậy công chúng yêu nhạc cổ điển Việt Nam qua góc nhìn của ông sau hai năm đã có nhiều thay đổi?

Ở châu Âu, hầu hết dân chúng đều yêu thích nhạc cổ điển. Việt Nam không có được xuất phát điểm như thế nhưng lớp công chúng yêu nghệ thuật hàn lâm đang dần được xây dựng, nhờ nỗ lực của nhiều phía, trong đó có cả SSO. Tôi nhận ra tình yêu và nguồn năng lượng tích cực ngày một tăng lên trong từng đêm diễn của SSO. Đối tượng người xem ngày một đa dạng hơn, có già có trẻ, cả trong lẫn ngoài nước. Nhìn xuống khán phòng, tôi nhận ra rất nhiều gương mặt thân quen đã yêu mến đồng hành cùng dàn nhạc qua từng đêm diễn. Tôi đã rất xúc động khi nhìn thấy những hàng ghế chật kín khán giả của Phòng hòa nhạc lớn, Học viện Âm nhạc quốc gia, trong một buổi hòa nhạc miễn phí tổ chức vào năm ngoái. Có vẻ như chúng tôi đã khởi động được những bước đầu tiên, trong hành trình thực hiện sứ mệnh mang âm nhạc cổ điển đến với càng nhiều người càng tốt.

Nửa năm trước, chúng tôi đã bắt đầu mở bán vé cho mùa diễn 2019 -2020. Sau hành trình đầy nỗ lực của dàn nhạc để kiếm tìm và gửi lời mời người yêu nhạc đến với mình, khán giả đã có cơ hội đến với chúng tôi, để thưởng thức nhạc mục đỉnh cao với những nghệ sĩ hàng đầu.

Hai năm qua, chúng tôi đã phải vượt qua nhiều trở ngại và thách thức, trên chặng đường tạo dựng hình hài và định vị thương hiệu SSO. Mọi dàn nhạc lớn trên thế giới đều mất nhiều năm, thập chí nhiều thập kỷ để xây dựng và phát triển. Những bước đi đầu tiên không bao giờ dễ dàng. Đặc biệt là trong bối cảnh xây dựng dàn nhạc là một lĩnh vực đầu tư hoàn toàn mới mẻ đối với những người đồng hành, tạo sự cân bằng và bảo đảm chất lượng nghệ thuật cao luôn là bài toán khó. Nhưng chúng tôi tự tin sẽ làm được, nhờ ngôn ngữ toàn cầu của âm nhạc.

Không chỉ mang đến nhạc mục chất lượng cao trong cả mùa diễn, SSO còn chọn đồng hành cùng hai chuỗi chương trình “Hòa nhạc Giáo dục” và “Hòa nhạc Thính phòng” được tổ chức miễn phí hằng tháng tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Nỗ lực phổ cập và nâng cao kiến thức âm nhạc cổ điển của SSO thật đáng trân trọng, thưa ông?

Tình yêu âm nhạc hàn lâm đến với tôi từ ngày còn rất nhỏ, khi được bố mẹ đều đặn dẫn tới nhà hát và đắm chìm trong những giai điệu tuyệt vời. Chính vì thế, nâng bước cho các tài năng trẻ để họ được độc tấu cùng dàn nhạc trong chuỗi “Hòa nhạc giáo dục” sẽ là cách đầu tư cho nguồn nhân lực tương lai. Và việc phổ cập kiến thức trong chuỗi “Hòa nhạc thính phòng” đến với người trẻ sẽ góp phần hình thành lớp công chúng tiếp nối. Trong tương lai, ngoài biểu diễn ở phòng hòa nhạc tiêu chuẩn, chúng tôi cũng có kế hoạch đưa dàn nhạc hoặc từng nhóm nhỏ đến với các trường học. Nghe nhiều thì sẽ quen, tiếp cận nhiều thì sẽ thích. Đó cũng là phương thức hiệu quả để đầu tư cho một tương lai sáng lạn hơn của đời sống âm nhạc Việt Nam.

Tiêu chí lựa chọn nhạc mục của tôi là hài hòa những tác phẩm quen thuộc với những nhạc phẩm mới lạ với công chúng. Bởi khi còn là cậu bé, tôi luôn háo hức đón chờ thưởng thức những gì mới mẻ, chưa từng được nghe. Nhiều người sợ nhạc cổ điển vì luôn nghĩ nó khó hiểu, khó cảm. Tôi không đặt nặng yếu tố “hiểu” cho khán giả, tôi chỉ mong họ thích thú với những trải nghiệm âm nhạc khi đến với SSO.

Để hiện thực hóa giấc mơ đầy tham vọng “ghi tên Việt Nam trên bản đồ thế giới”, lộ trình mà ông vạch ra cho SSO trong tương lai gần là gì?

Trước hết là thực hiện những tour diễn trong nước và các quốc gia châu Á, như một cách hữu hiệu nhằm định vị hình ảnh cho SSO và truyền năng lượng sáng tạo tích cực cho các nghệ sĩ. Việc thu âm phần biểu diễn để phát trên các nền tảng online để quảng bá rộng rãi tên tuổi và kích thích tính cạnh tranh cũng là kế hoạch dài hơi cần thực hiện.

Trân trọng cảm ơn ông và chúc cho ước vọng ấy sớm thành hiện thực!

Dàn nhạc Giao hưởng Mặt trời.