Bao năm vẫn dậm chân tại chỗ
Được dành riêng mục 6, chương I trong Luật Điện ảnh 2006 để quy định về mục đích - đối tượng cũng như phương thức hoạt động, Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh từng được giới làm phim nước nhà gửi gắm rất nhiều kỳ vọng. Một “bà đỡ” mát tay cho những dự án phim nghệ thuật với ngôn ngữ biểu đạt hiện đại, tìm tòi đầy sáng tạo và in đậm dấu ấn cá nhân độc đáo. Một “con mắt xanh” có thể phát hiện, ươm mầm và vun xới những bộ phim đầu tay, những dự án thể nghiệm táo bạo và mang tính đột phá. Một bệ phóng hữu hiệu giúp những tài năng điện ảnh trẻ có cơ hội đi xa, để cánh cửa hội nhập với khu vực và thế giới ngày một rộng mở...
Tưởng như sau khi có được hành lang pháp lý thông thoáng, Quỹ sẽ nhanh chóng hiện thực hóa, để trở thành nhịp cầu hữu hiệu giúp nâng cao tầm vóc và thúc đẩy sự phát triển ngành công nghiệp điện ảnh nước nhà. Thế nhưng, ngoại trừ những yêu cầu đòi hỏi cấp thiết được giới làm nghề và đại diện cơ quan quản lý thỉnh thoảng xới xáo lại trong những cuộc hội thảo, tọa đàm nhằm phô bày thực trạng và kiếm tìm giải pháp hoành tráng về quy mô nhưng khiêm tốn về hiệu quả, cái quỹ hỗ trợ mà người làm phim trẻ mong mỏi đợi chờ vẫn mãi chưa thể lộ diện hình hài.
Để rồi 15 năm sau, khi Dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi đang được sôi nổi bàn luận, góp ý kiến công khai trước khi trình Quốc hội phê duyệt, khi nội dung Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh chiếm trọn toàn bộ Mục 2, Chương VI với ba điều khoản được quy định thông qua12 đầu mục nhỏ khá chi tiết, công chúng yêu nghệ thuật thứ bảy vẫn nhìn về tương lai của Quỹ hỗ trợ bằng ánh mắt không mấy tin tưởng.
Vì đâu nên nỗi?
Theo thông tin mà bà Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cung cấp trong khuôn khổ Hội thảo góp ý Dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi được tổ chức vừa qua, trên cơ sở những quy định của Luật Điện ảnh 2006, Bộ VH,TT&DL từng phối hợp Bộ Tư pháp cùng các cơ quan hữu quan đã xây dựng Đề án thành lập Quỹ, với vốn điều lệ do Thủ tướng Chính phủ cấp. Các nguồn thu tăng thêm được đề xuất gồm 3% trích từ giá vé xem phim tại hệ thống rạp chiếu, nguồn thu từ phát hành và phổ biến phim được sản xuất có sử dụng ngân sách Nhà nước, các khoản đóng góp tự nguyện - viện trợ - tài trợ hợp pháp của các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước...
Rồi “Chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” được ban hành, trong đó nêu rõ: “Hoàn thiện cơ sở pháp lý để thực hiện nguồn thu trích tỷ lệ trên doanh thu chiếu phim tại rạp, 3% với phim nước ngoài chiếu tại Việt Nam và 0,5% với phim nội địa”. Thế nhưng, cũng theo bà Nguyễn Phương Hòa, “đề án đã được trình Chính phủ nhiều lần song chưa thể phê duyệt do vướng mắc chủ yếu ở nguồn thu thường xuyên, ổn định để duy trì hoạt động của Quỹ chưa có tính ràng buộc, các nguồn thu đề xuất lại chưa phù hợp với các quy định tại nhiều luật khác”.
Bởi vậy, không ngạc nhiên khi trong Tờ trình của Chính phủ về Dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thực trạng Quỹ tuy đã được quy định trong Luật Điện ảnh hiện hành nhưng chưa thể thành lập là do Luật chưa quy định về mô hình, lĩnh vực hoạt động cùng nguồn thu ổn định lâu dài để Quỹ có thể tồn tại, phát triển và hoạt động hiệu quả. Đa số ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, quy định về Quỹ chưa phù hợp với quy định của Luật Ngân sách Nhà nước. “Nội dung chi của Quỹ trùng với nhiệm vụ chi của ngân sách Nhà nước, chưa đủ căn cứ, chưa đưa ra giải pháp về khả năng tài chính độc lập để đáp ứng được nguyên tắc quy định tại khoản 1, Điều 45: Không vì mục đích lợi nhuận, bảo toàn vốn điều lệ và tự bù đắp chi phí quản lý”, ông Nguyễn Đắc Vinh - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội khẳng định.
Vẫn tồn tại những bất cập, lúng túng
Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) đã dành riêng Mục 2, Chương VI cho “Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh”. Trong đó định nghĩa, đây là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, Nhà nước hỗ trợ vốn điều lệ, có khả năng tài chính độc lập, có nguồn thu... Mục đích của Quỹ nhằm hỗ trợ: cho dự án sản xuất phim thể nghiệm, phim đầu tay, phim của tác giả trẻ; cho tác giả - dự án - phim Việt Nam xuất sắc tham gia các sân chơi và sự kiện giao lưu điện ảnh quốc tế; cho các không gian sáng tạo về điện ảnh và các hoạt động để phát triển nghệ thuật điện ảnh đương đại... Ngoài ra, trong nội dung “Chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh”, Dự thảo cũng đưa ra lời cam kết, như một nỗ lực động viên, kêu gọi tối đa nguồn lực chung tay vì sự phát triển của điện ảnh dân tộc: “Nhà nước có chính sách ưu đãi về tín dụng, thuế và đất đai đối với các tổ chức, cá nhân tham gia tài trợ, hiến tặng cho hoạt động điện ảnh và Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh”. Nhưng ưu đãi ra sao, hiệu quả thu hút đến đâu thì vẫn là câu hỏi đang hồi hộp chờ lời đáp.
Mới đây, một nghị định hướng dẫn thực hiện cũng đã được đề xuất kèm theo Dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi để Quỹ có thể hiện thực hóa, thay vì chỉ nằm trên văn bản luật như những năm qua. Theo đó, ngoài nguồn kinh phí ban đầu từ ngân sách, nguồn thu cố định để duy trì hoạt động của Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh sẽ bao gồm: 3% doanh thu bán vé phim nhập khẩu chiếu rạp; 1% tiền thuê bao các ứng dụng xem phim xuyên biên giới; 0,05% thuê bao truyền hình trả tiền; 0,5% doanh thu quảng cáo phim truyền hình. Để đưa ra những tỷ lệ phần trăm chi tiết này, chắc hẳn các nhà làm luật đã tham khảo, học hỏi khá nhiều mô hình Quỹ hỗ trợ hoạt động hiệu quả, từ những cường quốc điện ảnh trên thế giới. Nhưng cũng theo nhiều chuyên gia, thông lệ quốc tế về những quỹ phát triển điện ảnh đều dùng ngân sách hoặc khuyến khích doanh nghiệp đóng góp thông qua cơ chế ưu đãi thuế. Hơn nữa, về mặt pháp lý, việc bắt buộc các doanh nghiệp đóng góp vào quỹ là chưa phù hợp với tinh thần của dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi.
Bởi thế, đề xuất này ngay lập tức phải đón nhận nhiều ý kiến trái chiều về cả tính khả thi lẫn hợp lý. Nhà phát hành phim đưa ra viễn cảnh giá vé xem phim sẽ buộc phải tăng lên, gây ảnh hưởng tiêu cực tới đà tăng trưởng về số khán giả tới rạp. Đại diện đài truyền hình lo lắng vì nguồn thu quảng cáo đang trên đà sụt giảm mạnh, giờ phải gánh thêm khoản đóng góp hỗ trợ điện ảnh là thiếu căn cứ. Còn theo ông Nguyễn Quang Đồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và Phát triển truyền thông, hiện tại trong Luật Điện ảnh mới chỉ đề cập đến dạng quỹ thế này chứ chưa đưa ra vấn đề yêu cầu doanh nghiệp bắt buộc phải đóng góp. Nếu luật chưa đề ra thì dự thảo nghị định như trên là chưa đủ căn cứ pháp lý.
Nói như bà Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam, “cần quan tâm đến tính khả thi của việc thành lập Quỹ và muốn khả thi thì phải xây dựng được những chính sách phù hợp”. Và từ những lát cắt thực trạng nói trên, chặng đường hiện thực hóa Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh xem ra vẫn còn đầy gian nan và muôn vàn thách thức!