Đánh thức Tràng An

|

NDO - Khu du lịch sinh thái Tràng An là một không gian độc đáo, sơn thủy hữu tình, từ lâu được coi là “vịnh Hạ Long trên cạn” ở Ninh Bình đang ngày càng đón nhiều khách du lịch đến tham quan. Vẻ đẹp tiềm ẩn của khu du lịch tâm linh Tràng An đượ c các đoàn khảo sát địa chất, khảo cổ trong nước và quốc tế khám phá - đó là vẻ đẹp mang đậm tính lịch sử, văn hóa của vùng đất cố đô Hoa Lư có bề dày lịch sử hàng nghìn năm. Hiện nay, phát triển du lịch cố đô Hoa Lư - Tràng An có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với du lịch Ninh Bình mà còn đối với hoạt động phát triển du lịch của trung tâm du lịch Hà Nội và các vùng lân cận.

Sau cơn bão số 8 (còn gọi là bão Sơn Tinh) cuối tháng 10, ông Nguyễn Ngọc Luyên, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Bình đưa chúng tôi vào Tràng An kiểm tra, đánh giá những ảnh hưởng của bão tới diện tích 12 nghìn ha của khu du lịch sinh thái này. Với nhiều hang, động chạy xuyên qua những dãy núi sừng sững, Tràng An là báu vật trời cho mảnh đất này. “Đây cũng là điểm đến lý tưởng của hàng triệu du khách trong nước và quốc tế cho nên tỉnh có kế hoạch gìn giữ và bảo vệ nghiêm ngặt”, ông Luyên cho biết.

Chúng tôi xuống thuyền ở bến Tràng An. Dòng nước tuy không trong xanh như ngày trước bão nhưng vẫn có thể nhìn thấy những đàn cá vàng bơi tung tăng và rong xanh mướt như ở các bể cá thủy sinh. Gió từ núi thổi luồn qua hang mang theo hơi nước lành lạnh. Vào ngày thường, số du khách đến Tràng An mỗi ngày cũng vài trăm lượt. “Mấy hôm nay bến thuyền vắng khách vì mọi người lo sợ dớp bão”, cô lái đò tên Thủy, người Trường Yên (Hoa Lư) gắn bó nhiều năm với Tràng An, bảo vậy.

Khoảng mười năm trước, toàn bộ khu Tràng An chỉ là một vùng đất hoang sơ, vắng vẻ, với nhiều di tích bị xuống cấp. Mảnh đất Tràng An vẫn im lìm, lặng lẽ với những con suối chạy xuyên thủy động. Còn người dân Trường Yên vẫn tới Tràng An trồng lúa, nuôi dê núi và kiếm củi trên các vách núi dựng đứng. Năm 2004, những người con quê hương Ninh Bình đã đánh thức tiềm năng, mong tạo dựng nơi đây trở thành khu du lịch văn hóa tâm linh tầm cỡ quốc gia và quốc tế. Khu du lịch sinh thái Tràng An được tạo bởi những dải đá vôi với thung lũng, sông ngòi hòa quyện vào nhau tạo nên một không gian huyền ảo, trữ tình hiếm thấy. Kết cấu độc đáo của hang động tạo nên hành trình du lịch xuyên thủy khép kín, khiến du khách thích thú, thư thái khi vãn cảnh.

Gia đình Thủy có bốn người đều được “biên chế” vào “đội quân” chở đò cho du khách ở Tràng An. “Không đơn giản đâu các anh ơi”, Thủy bộc bạch, chở đò ở Tràng An phải là người có “nghề” đấy, bởi với 11 hang động xuyên thủy, nếu không thạo địa hình có thể đâm vào đá bất cứ lúc nào. Công ty xây dựng Xuân Trường, đơn vị đầu tư khu du lịch này tổ chức khóa học sáu tháng cho những người chở đò, giúp họ thành thạo công việc và am hiểu địa hình, đến khi người học nhận chứng chỉ mới được phép chở khách. Không chỉ có vậy, những người chở đò còn được cung cấp tài liệu về lịch sử Tràng An để vừa chở đò, vừa làm hướng dẫn viên du lịch.

Theo tư liệu lịch sử, Tràng An gắn liền với cố đô Hoa Lư. Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh dẹp 12 xứ quân ở Tràng An thống nhất giang sơn lập lên nhà nước Đại Cồ Việt đóng đô tại Hoa Lư. Kinh đô Hoa Lư bề thế được thể hiện bằng hai câu thơ “Cồ Việt quốc đương Tống Khai Bảo - Hoa Lư đô thị Hán Tràng An” (Hai câu thơ này vẫn còn trên bức đại tự trong đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng). Tràng An nằm trên địa bàn huyện Hoa Lư, Gia Viễn và thành phố Ninh Bình với diện tích 12 nghìn ha, chia thành năm khu chức năng chính. Trong khu Tràng An, có 47 di tích lịch sử gắn liền với các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần cùng nhiều hang động nối với nhau.

Chúng tôi lên bờ sau bốn giờ lênh đênh trong khu du lịch Tràng An. Cuối thu, gió thổi lành lạnh. Chị Thủy lái đò giới thiệu cho chúng tôi những địa danh lịch sử, dấu ấn một thời của Tràng An. Mỗi hang ở đây là một địa chỉ, mang một chứng tích của thời gian. Đây là hang Ba Giọt, còn đây là hang Sáng, hang Tối, kia là hang Sơn Dương... Hay đây là Phủ Khống, nơi có bảy dũng tướng thời Vua Đinh Tiên Hoàng đã uống thuốc độc tự vẫn khi Vua mất... Những dấu ấn lịch sử không phai mờ theo năm tháng, trái lại càng tô thêm vẻ đẹp, sự huyền bí cho Tràng An. Tràng An thật sự là một bảo tàng địa chất ngoài trời. Sự đa dạng về địa chất, địa mạo và hệ thống hang động khiến Tràng An mang trong mình nhiều tiểu vùng khí hậu khác nhau, có hệ sinh thái trên cạn và dưới nước cùng tồn tại...

Hiện nay, ngành du lịch tỉnh Ninh Bình mới đưa 11 trong số 49 hang xuyên thủy động vào khai thác. Ông Nguyễn Ngọc Luyên, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Bình cho biết, trong mười tháng năm 2012, Khu du lịch sinh thái Tràng An đón bốn triệu lượt khách tham quan. Dựa vào những tiềm năng đang được đánh thức thành thế mạnh của tỉnh, Ninh Bình đang đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực, đa dạng hoạt động quảng bá, xây dựng các sản phẩm du lịch độc đáo..., với hy vọng Khu du lịch sinh thái Tràng An đón sáu triệu lượt khách tới vào năm 2014.