Cuộc sống phải ra đề bài cho khoa học

|

Từng kinh qua vai trò quản lý nhà nước, tham gia giảng dạy, và lăn lộn trong thực tiễn, GS, TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đương kim Chủ tịch Hội thủy lợi Việt Nam đã có nhiều năm tháng đảm nhiệm trọng trách chỉ huy trưởng công trình trọng điểm Thủy điện Trị An. Từ kinh nghiệm của mình, GS, TS Vũ Trọng Hồng thấu hiểu đòi hỏi bức bách của mệnh đề “biến chất xám thành tiền” mà hơn nữa với ông, khoa học trước hết phải phục vụ đời sống hay chính cuộc sống cần ra các đề bài thiết thực nhất cho khoa học...

Mức đầu tư từ ngân sách nhà nước cho nghiên cứu khoa học ở Việt Nam đã tăng lên đáng kể, từ con số 428 triệu USD năm 2006 (chiếm 0,17% GDP) đã tăng lên 653 triệu USD năm 2012 (chiếm 0,27% GDP). Theo Giáo sư, mức đầu tư này đã thỏa đáng chưa và tiền đầu tư đã đến đúng được địa chỉ, nhắm đúng được vào các mục tiêu?

Tôi nghĩ chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật này. Những vấn đề vĩ mô, lý thuyết thì người ta nói nhiều rồi, kể cả Quốc hội cũng lên tiếng rồi. Còn thực tế, tiền gọi là cho khoa học, cũng cốt là để nuôi anh em thôi. Giờ bộ máy các bộ, rồi các viện phình to, biên chế nhiều, nhà khoa học thì cũng phải sống đã. Tiền đầu tư rót xuống cuối cùng lại mang ra làm các công trình nội bộ với nhau chứ có tiền thực tế mấy đâu. Thế nên chúng tôi vẫn nói, trong bối cảnh này thì Nhà nước đầu tư cho khoa học bao nhiêu cũng là thừa. Mục đích cuối cùng của nghiên cứu khoa học cũng để phục vụ sản xuất, tham gia vào công cuộc bảo vệ Tổ quốc, phục vụ đời sống dân sinh... Thế nhưng hiện tại có lĩnh vực mũi nhọn, lại rất khó khăn là nông nghiệp, các nhà nghiên cứu cũng có mấy ai mặn mà lao vào? Nước mình là nước nông nghiệp, cho nên làm nông nghiệp dễ ra tiền nhất, lại bền vững, mang ích lợi được cho số đông nông dân, nhưng người ta đang lảng tránh.

Hằng năm, Nhà nước đều có các đợt phong tặng học hàm Phó Giáo sư, Giáo sư cho các nhà khoa học. Số lượng các PGS, GS, thậm chí số người có học vị tiến sĩ ở nước ta hiện cao hơn một vài quốc gia trong khu vực, nhưng công trình nghiên cứu được thế giới công nhận lại rất hạn hữu. Đây có phải là nghịch lý và là hậu quả của bệnh thành tích, thưa GS?

Đấy, lại là một vấn đề giữa thống kê giấy tờ và thực tiễn đời sống đang có khoảng cách. Ai cũng biết, nhiều nhà khoa học cũng thừa biết, bây giờ tốt nghiệp, nhiều người chỉ nhăm nhăm được về trường đại học giảng dạy, rồi nhăm nhăm viết báo, nhăm nhăm làm các đề tài cơ sở. Thế là đủ chuẩn PGS. Xong họ lại tiếp tục hướng dẫn luận án, rồi viết sách, thậm chí có người nhờ người khác viết hộ... Thế là có học hàm GS. Nếu có cuộc trắc nghiệm sàng lọc, hỏi nhiều GS rằng công trình của ông đâu, hỏi câu nữa là công trình thực lý có khảo nghiệm khoa học đâu, bảo đảm sẽ để rớt rất nhiều vị.

Tức là theo GS, nhiều người làm khoa học không phải vì khoa học, mà vì những lý do khác?

200 tỷ đồng mất trắng, đau đớn thay là điều đó đã được tiên liệu nhưng không ai quan tâm. Nếu tiếng nói của nhà khoa học được tôn trọng, nhiều tổn thất đã được ngăn ngừa.

Không phải họ làm khoa học mà chỉ mang danh nhà khoa học, có học hàm học vị để mưu cầu những việc khác. Công trình nghiên cứu của nhà khoa học cuối cùng cũng phải đem lại lợi ích, được ứng dụng rộng rãi trong đời sống và phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân. Tức là cái hiệu quả nó rộng hơn, xa hơn, bao trùm hơn chứ không chỉ đơn thuần là lợi nhuận. Thí dụ có những điều vô cùng quan trọng và cần thiết như thế này. Cơn bão số 14 vừa rồi may mà không đổ bộ trực diện vào nước ta, chứ nhìn hậu quả nó gây ra cho nước bạn Philippine thì thấy sức tàn phá khủng khiếp nhường nào. Tôi thấy bên Philippine đảo của họ quá ít cây, thế là đáng tiếc. Ở những vùng bờ biển thoai thoải như nước ta, bão lớn tràn vào, những con sóng cao 7 đến 8 mét trùm lên sẽ đủ sức quét sạch tất cả những gì trên đường đi của nó. Chống bão chúng ta phải di dân là đúng rồi. Nhưng có cách giảm thiểu thiệt hại của bão căn cơ hơn là trồng cây ven biển, đấy là đề bài của các nhà khoa học mà cuộc sống đặt ra. Trồng cây gì, trồng phi lao thì hiện tại người dân không thích vì phi lao làm chết hết các thảm thực vật bên dưới. Một số nơi trồng sú, trồng vẹt thì đúng rồi, tuy nhiên có ý kiến lại cho rằng cây mít có khả năng chịu gió bão kiên cường, rễ nó dài, cắm sâu vào đất cho nên không bao giờ bị đổ. Vậy tại sao các nhà khoa học không vào cuộc. Hay điều tối cần thiết nữa là lập bản đồ lũ quét. Ở khu vực nào, vùng nào dễ xảy ra lũ quét, cắm biển cho bà con. Tôi nghiên cứu điều này và biết rằng, ở những vùng thường có lũ quét, cứ mưa tầm ba ngày trở lên, nhìn thấy nước trồi lên mặt đất là thể nào lũ cũng về. Vậy cần thông báo cho người dân để chạy lũ, hạn chế tuyệt đối thiệt hại về người. Có những điều khá lý thú ngay từ cuộc sống mà khoa học không để tâm. Nhiều anh em trở về từ chiến trường bảo rằng, những vùng bị rải chất độc da cam, không một sinh vật nào sống được, trừ cây sả. Thảo nào dân mình lại chuộng củ sả đến thế. Theo tôi, chúng ta không chỉ nghĩ đến lợi nhuận trước mắt, thuần túy biến chất xám thành tiền, biến đề tài khoa học thành lợi ích vật chất mà sâu xa hơn, hữu ích hơn còn là để cho người dân có cuộc sống tốt hơn, an toàn hơn, tiện lợi hơn.

Vậy bây giờ chúng ta đang có quy trình ngược. Nhà nước bỏ tiền cho nghiên cứu khoa học còn các nghiên cứu ấy đi về đâu thì không ai bận tâm. Trong khi cuộc sống cần các ứng dụng, và bản thân nhà khoa học thì cũng luôn than thiếu kinh phí để làm công trình?

Đúng là quy trình ngược. Đã đến lúc phải có những bước đi cơ bản hơn, dài hơi hơn để đưa lại trật tự của nền khoa học, lấy được tinh hoa của số ít đang còn sống hơn là số đông loạng choạng không có căn bản, chứ mất tinh hoa là mất hết. Lấy được căn cứ của những người đó rồi lập quy hoạch, xác lập hướng mình định đi, chúng ta cần đưa nền khoa học tới đâu, nhắm vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ Tổ quốc và phục vụ đời sống nhân dân, mục tiêu nào cấp bách nhất hiện nay? Lập quy hoạch rồi phải có tầm nhìn và kế hoạch hành động đi kèm. Sau đó mới đi vào lập các chủ đề, vấn đề lớn và có hướng đầu tư song song. Lúc này mới tính đến đặt ai vào vị trí nào, nhà khoa học nào nghiên cứu chủ đề nào cho thích hợp. Chứ kiểu đầu tư ngược, tiền đổ vào ngược, thì bao nhiêu cũng hết mà không mang lại ích lợi gì, thậm chí còn tạo ra các nhóm lợi ích ngay trong nghiên cứu khoa học.

Từ kinh nghiệm của chính bản thân, theo GS, hiện tiếng nói của các nhà khoa học đã được tôn trọng đúng mức chưa?

Tôi nghĩ là chưa. Trước đây khi xây dựng đập Cửa Đạt, tôi đã lên tiếng là làm kiểu đấy sẽ vỡ đập, không cần lũ lớn về cũng vỡ. Đấy là đập đá đổ cao nhất Đông-Nam Á, tiền đầu tư lên tới 200 tỷ đồng. Tiếng nói của tôi không được ai để ý, lắng nghe. Cuối cùng đúng ngày hoàn công, mọi người chuẩn bị đi báo cáo thành tích, bàn nhau khen thưởng thì đập vỡ. Mà đúng là lũ lớn chưa về. 200 tỷ đồng mất trắng, đau đớn thay là điều đó đã được tiên liệu nhưng không ai quan tâm. Nếu tiếng nói của nhà khoa học được tôn trọng, nhiều tổn thất đã được ngăn ngừa.

Trân trọng cảm ơn GS, TS Vũ Trọng Hồng...