Sức ép mới với "Tự do học tập"

|

Những năm gần đây, nền giáo dục Indonesia nổi lên nhờ chương trình Mederka Learning (Tự do học tập), được khởi xướng năm 2019, gồm hai nhóm mục tiêu chính: khuyến khích con người chủ động làm việc mà không cần được chỉ đạo, và học sinh học hành không chỉ để thi cử. Từ đó, bên cạnh việc mang đến những trải nghiệm thú vị, thì giáo viên cũng được đào tạo để làm việc hiệu quả, góp phần tạo ra chương trình giảng dạy phù hợp với đặc điểm của nhà trường và nhu cầu của học sinh.

NGÂN hàng Thế giới (World Bank) từng phân tích: Trong giai đoạn đại dịch Covid-19, Indonesia là một trong những quốc gia có dung lượng thời gian học trực tuyến dài nhất thế giới, và điều này tác động không nhỏ đến học sinh xứ Vạn đảo. Nhưng Bộ trưởng Giáo dục, Văn hóa, Nghiên cứu và Công nghệ Indonesia, ông Nadiem Anwar Makarim lại thẳng thắn thừa nhận: "Lỗ hổng trong giáo dục Indonesia đã xuất hiện suốt hơn 20 năm qua, do chương trình giảng dạy không linh hoạt, trường học không được tiếp cận với các nguồn lực và giáo viên một cách bình đẳng".

Chỉ một thời gian ngắn "dám nhìn thẳng vào sai lầm", Indonesia đã tạo nên nhiều thay đổi đáng kể cho nền giáo dục. Trong đó, Mederka Learning/Tự do học tập được xem là chính sách mũi nhọn.

Mọi chuyện bắt đầu từ yêu cầu các trường xây dựng nội dung giảng dạy ngắn gọn, mỗi tiết học tương ứng với một chủ đề độc lập. Sau đó, là "công đoạn" giảm gánh nặng từ các kỳ thi. Kể từ năm 2020, các kỳ thi đã được thay đổi thành hoạt động đánh giá, những bài kiểm tra được đưa ra với nội dung mở, nhằm đánh giá khả năng nhận thức, tiếp nhận thông tin đầu vào… Các kết quả này được cập nhật thông qua học bạ trực tuyến.

Indonesia cũng thay đổi hoạt động đào tạo giáo viên, từ định hướng lý thuyết sang định hướng thực hành. Bên cạnh đó, tổ chức các cộng đồng học tập dành cho giáo viên để bảo đảm sự hỗ trợ bình đẳng, đồng thời khuyến khích các thầy cô cùng nhau đưa ra các ý tưởng học tập và giảng dạy sáng tạo. Điểm đặc biệt, Tự do học tập là một lựa chọn giáo dục chứ không phải một quy định bắt buộc. Bộ trưởng Nadiem Anwar Makarim chia sẻ thêm: "Chính giáo viên mới là người rõ nhất nhu cầu và tiềm năng của học sinh. Do đó, chúng tôi trao cho họ sự linh hoạt trong quyết định làm thế nào để phát triển việc học tập của học sinh mình!".

NHƯNG đương nhiên, không có biện pháp cải cách nào hoàn hảo, còn lực lượng nòng cốt chịu áp lực lớn nhất từ các chương trình cải cách có lẽ chính là giáo viên. Thí dụ, tư duy phản biện là một trong những kỹ năng quan trọng được Tự do học tập nhấn mạnh trong chương trình, tuy nhiên theo nhiều chuyên gia nhận định, không ít giáo viên Indonesia đang phải vật lộn để trau dồi tư duy phản biện cho chính mình, cùng cả phương thức dạy kỹ năng này cho học sinh.

Điểm số cao, trên thực tế, vẫn là mục tiêu quan trọng trong hoạt động giảng dạy của giáo viên, dù phương thức đánh giá đã có sự điều chỉnh. Vấn đề này khó có thể đổ lỗi hoàn toàn cho giáo viên bởi "dấu vết tâm lý thi cử" đã hằn sâu hơn 20 năm, trong khi cải cách mới chỉ được đưa vào vài năm trở lại đây.

Chưa kể, cho dù đã áp dụng chính sách cải cách giáo dục cấp tiến hơn, Bộ Giáo dục, Văn hóa, Nghiên cứu và Công nghệ Indonesia đầu năm học 2023-2024 vẫn phải "ngậm ngùi" nhận định: Năm 2024, nước này sẽ đối mặt với tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng, với con số dự đoán khoảng 1,3 triệu giáo viên.

Để thu hút giới trẻ quan tâm và tham gia vào ngành giáo dục, Luật Giáo viên và Giảng viên Indonesia cũng góp phần tác động nâng cao nhận thức, rằng dạy học là một nghề nghiệp đang được đầu tư và chú trọng, tức là một vùng đất có thể phát triển nghề nghiệp tương lai cho thanh niên. Bộ luật này yêu cầu tất cả giáo viên phải có bằng cử nhân và đạt chứng chỉ sư phạm. Ngoài ra, cũng quy định rõ các khoản phụ cấp chuyên môn đi kèm với năng lực, trình độ học vấn của giáo viên; từ đó có thể tăng lương, tăng thu nhập cho giáo viên đạt trình độ theo quy định.

Song song, với mục tiêu hỗ trợ giáo viên hợp đồng trau dồi năng lực để trở thành giáo viên biên chế, Quỹ Giáo viên tài năng cũng được khởi động, nhằm tận dụng tối đa nhân tài cho lĩnh vực giáo dục.

Như vậy, có thể thấy, dù ở quốc gia nào, đối diện với các vấn đề ra sao, "những người đưa đò" vẫn là lực lượng nòng cốt quyết định chất lượng của các chương trình, hoạt động giáo dục.