Nơi những giải pháp công nghệ chống dịch "thần tốc" ra đời

|

Cuộc chiến chống Covid-19 đã đặt ra nhiều vấn đề chưa có tiền lệ. Chưa lúc nào đối phó dịch bệnh mà các giải pháp, nền tảng công nghệ lại được coi là một trong các yếu tố đóng vai trò quan trọng, quyết định. Ðáp ứng từng giai đoạn chống dịch, hơn hai năm qua, các kỹ sư của Tập đoàn công nghiệp-viễn thông quân đội (Viettel) đã phát triển nhiều giải pháp tích hợp công nghệ mới, tiến độ hoàn thành chưa từng có.

Giải quyết các vấn đề "nóng" bằng công nghệ

Trong hai năm qua, Viettel đã được Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông "đặt hàng" nhiều nhiệm vụ phát triển các công nghệ, giải pháp hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19. Do tình hình chống dịch cấp bách, hầu hết các giải pháp đều được yêu cầu triển khai "thần tốc", thời gian hoàn thành tính bằng ngày, bằng giờ thay vì theo tuần, tháng, hay năm như bình thường.

Đơn cử như hệ thống cầu truyền hình phục vụ chống dịch ra đời trong bối cảnh nóng, gấp, thời gian hoàn thành tính bằng giờ. Ông Nguyễn Xuân Trường, Phó phòng Kỹ thuật, Tổng công ty Viễn thông Viettel cho biết, ngày 5/8/2021, Chính phủ yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông bảo đảm cầu truyền hình trên 63 tỉnh, thành để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, giám sát công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế. Viettel nhận nhiệm vụ này với một áp lực lớn là thời gian hoàn thành chỉ trong vòng 40 tiếng, thiết lập 207 điểm cầu truyền hình trên cả nước. 16 cán bộ của Phòng Kỹ thuật cùng hàng trăm nhân sự kỹ thuật tại 63 Viettel tỉnh đã "xông trận" ngay trong đêm 5/8. Họ gần như không ngủ để vận chuyển thiết bị đến vị trí cần triển khai sáng hôm sau và cập nhật tiến độ tại từng Sở y tế... Những kỹ sư đã vượt qua mọi khó khăn, giới hạn của chính mình để gấp rút hoàn thành một khối lượng công việc khổng lồ chỉ trong chưa đầy hai ngày: Triển khai 132 đường truyền mới, với tổng khối lượng cáp khoảng 60 km; vận chuyển 84 bộ thiết bị nặng hơn 2 tấn với khoảng cách di chuyển giữa các tỉnh lên tới 9.700 km. Ngày 6/8/2021, 100% các trung tâm y tế tuyến huyện đã được kết nối với các bệnh viện tuyến Trung ương.

Nhìn lại trong từng giai đoạn cam go phòng chống dịch, đều có sự đóng góp khẩn trương, hiệu quả của các giải pháp công nghệ của Viettel. Ngay những ngày đầu dịch bùng phát ở nước ta, tháng 1/2020, Viettel đã hỗ trợ Bộ Y tế triển khai hệ thống cầu truyền hình kết nối 23 bệnh viện chỉ trong 1,5 ngày thay vì một tháng như thường lệ. Đầu tháng 2/2020, khi dịch bắt đầu tấn công ở nước ta, cùng lúc mạng internet xuất hiện nhiều thông tin thất thiệt gây hoang mang dư luận, Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel đã xây dựng giúp Bộ Y tế app "Sức khỏe Việt Nam" nhằm bảo đảm thông tin chính thống, hạn chế thông tin sai sự thật.

Tháng 3/2020, khi nước ta đang mở cửa bình thường với các chuyến bay quốc tế, Viettel đã tiên phong phát triển Tờ khai y tế, sau đó nâng cấp thành bản khai điện tử. Giải pháp công nghệ này đã giúp đẩy nhanh thời gian truy tìm hành khách trên chuyến bay có bệnh nhân mắc Covid-19 từ bốn ngày xuống còn 30 phút và tiết kiệm nguồn nhân lực rất lớn. Một thành viên Tổ Thông tin đáp ứng nhanh phòng, chống dịch Covid-19 cho biết, dữ liệu thu nhận từ hệ thống Tờ khai y tế vô cùng quý giá để lực lượng chức năng phân tích, đánh giá, cảnh báo nguy cơ dịch tại các địa phương thời gian qua. Được biết, Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel cũng đã được yêu cầu xây dựng hệ thống khai báo y tế điện tử chỉ trong 48 giờ. Nhận nhiệm vụ ngày 4/3/2020 thì đến 0 giờ sáng ngày 7/3 hệ thống khai báo bằng 12 ngôn ngữ đã được đưa vào vận hành tại sân bay Tân Sơn Nhất.

Khi dịch bùng phát ở các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, chỉ trong bảy ngày, Viettel đã kết nối tích hợp 3.000 camera giám sát tại các khu vực cách ly ở các tỉnh phía bắc. Đồng thời là nhà mạng đầu tiên ứng dụng Cyberbot hỗ trợ phòng, chống dịch qua tổng đài ảo nhắc nhở người dân vùng dịch lịch tiêm, hỏi thăm sức khỏe sau tiêm, nhắc bệnh nhân F0 uống thuốc đúng giờ...

Thách thức nhất với các kỹ sư là phát triển nền tảng công nghệ phục vụ chiến dịch tiêm chủng Covid-19 lớn nhất trong lịch sử, với mục tiêu tiêm cho khoảng 75 triệu người, 150 triệu mũi tiêm. Theo các kỹ sư, thời gian triển khai gấp và phải đáp ứng được mục tiêu của của Bộ Y tế là tiêm nhanh, tiêm đúng, tiêm đủ và hỗ trợ tốt nhất cho người dân. Nền tảng công nghệ đòi hỏi phải thích ứng với điều kiện kinh tế-xã hội của khu vực nông thôn, thành phố, khu vực công nghiệp, dữ liệu phải bảo đảm an toàn bảo mật, hệ thống phải đáp ứng lượng truy cập đồng thời trên toàn quốc từ người dùng và 20 nghìn điểm tiêm... Đến nay, đã có 30 triệu lượt tải app sổ Sức khỏe điện tử, quản lý gần 88 triệu đối tượng tiêm chủng.

Có thể nói, các công nghệ ra đời trong một thời gian ngắn đã giúp các hoạt động phòng, chống dịch đạt hiệu quả, tiết kiệm thời gian, công sức, nguồn lực. Đối với ngành y tế, đã hiện thực hóa được nhiều giấc mơ. Đáng kể nhất là hệ thống khám chữa bệnh từ xa (Telehealth) được các kỹ sư của Viettel hoàn thành vào tháng 9/2020. Hệ thống này kết nối một nghìn cơ sở y tế trong cả nước, được đánh giá là bước tiến lớn của ngành y nhằm tận dụng tri thức của các bác sĩ đầu ngành, tuyến trên để chăm sóc sức khỏe cho người dân ở các tuyến cơ sở và nâng cao năng lực chuyên môn của các bệnh viện tuyến cơ sở. Đánh giá ý nghĩa, giá trị của giải pháp này, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nói: "Không nhiều quốc gia trên thế giới có được điều này. Kết nối Telehealth tới huyện là mơ ước nhiều chục năm của ngành y tế".

Thực tiễn chống dịch hiệu quả bằng công nghệ thời gian qua cho thấy từ nguyên tắc "5K", "5K + vắc-xin" đến nay, cơ quan chức năng đã phát triển thành "5K + vắc-xin + thuốc điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp khác". Là doanh nghiệp công nghệ hàng đầu trong nước, Viettel cho biết, luôn xác định trách nhiệm xã hội tương ứng với vị thế của mình, sẽ luôn đồng hành trong việc giải quyết các vấn đề "nóng" của xã hội bằng công nghệ.

Sẵn sàng cho những xu hướng lớn

Là Tập đoàn dẫn dắt về công nghệ, viễn thông tại Việt Nam, Viettel đã làm chủ các công nghệ lõi, công nghệ nền tảng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và điều đó tạo lợi thế cạnh tranh cho đơn vị. Theo lãnh đạo Tập đoàn Viettel, nhìn nhận y tế, giáo dục là những lĩnh vực trọng điểm, có tính chất quyết định đến sự phát triển của đất nước, trong nhiều năm qua Viettel đã tập trung đầu tư mạnh vào hai lĩnh vực này. Trước khi xảy ra đại dịch Covid-19, Viettel đã là một đối tác quan trọng hàng đầu của ngành y tế. Trong hơn 10 năm trở lại đây, Viettel từng bước đóng góp cho chuyển đổi số trong ngành y tế, giúp giải quyết những bài toán lớn của ngành, như: Phát triển Hệ thống giám sát Bệnh truyền nhiễm toàn quốc; Hệ thống tiêm chủng toàn quốc; Hệ thống thông tin điều trị Methadone toàn quốc; Hệ thống kết nối mạng cơ sở cung ứng thuốc toàn quốc... Trong nhiều trường hợp, Viettel đã tư vấn cho ngành y tế các giải pháp khi vấn đề chưa được tính đến. Hiện nay Viettel đang sở hữu một hệ sinh thái y tế số bao gồm bốn hệ thống lớn: Thông tin điều hành tác nghiệp; thông tin dịch vụ công; hồ sơ sức khỏe; cơ sở dữ liệu chuyên ngành.

Để đi nhanh hơn, Viettel đã kết hợp với các tổ chức y tế từ các quốc gia có trình độ phát triển y khoa hàng đầu thế giới từ Mỹ, châu Âu. Những chuyên gia này đều trực tiếp tham gia làm nghiệp vụ cùng Viettel và ngành y tế. Chính những kinh nghiệm được tích lũy trong quá trình hỗ trợ chuyển đổi số, xây dựng hệ sinh thái y tế số trong 10 năm qua đã giúp Viettel có tầm nhìn về bức tranh tổng thể các vấn đề cần xử lý, ghép nối được các yêu cầu, từ đó xây dựng các giải pháp khi bắt tay vào giải quyết các vấn đề liên quan đến chống dịch Covid-19 thời gian qua.

Và ngoài ra, còn nhờ "tinh thần Viettel", với ý chí của những người lính Viettel ở khắp các vị trí, đơn vị, vùng miền vượt qua những khó khăn, thách thức, vượt lên giới hạn của mình để hoàn thành những đơn hàng cấp thiết cho chống dịch.

Các cán bộ kỹ thuật của Viettel hỗ trợ chiến dịch tiêm chủng tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh trong bài | ĐỨC THỌ