Vượt qua hơn 80 km với gần ba giờ đi xe máy, cuối cùng chúng tôi cũng đến được Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen. Với diện tích 5.030 ha, khu bảo tồn nằm trên địa bàn hai xã Vĩnh Đại, Vĩnh Lợi thuộc huyện Tân Hưng, tỉnh Long An. Vì chưa có đường bộ cho nên chúng tôi chỉ có cách duy nhất là đi xuồng vào khu bảo tồn.
Láng Sen nằm giữa vùng Đồng Tháp Mười cho nên ai đến đây cũng cảm nhận được không khí trong trẻo, yên bình của vùng sông nước. Những ồn ào, bụi bặm nơi phố thị nhanh chóng tan biến dưới cái nắng hiu hiu và gió mát lành thổi từ những cánh rừng tràm bao bọc chung quanh khu bảo tồn. Cậu em và những người bạn mới quen ở Láng Sen đã chuẩn bị sẵn những món “cây nhà lá vườn”: ốc luộc, cá trê chiên, cá lóc đồng nướng trui ăn với lá sen non,... Bây giờ đang là mùa nước nổi, cho nên chúng tôi có cơ hội được thưởng thức thêm món đặc sản canh chua cá linh nấu với bông điên điển. “Ăn bông mà điên điển/ nghiêng mình nhớ đất quê...”, một người bạn đi cùng bỗng cất tiếng hát. Nhưng có lẽ món ăn ấn tượng nhất là “sóc tràm”. Thật ra “sóc tràm” chính là chuột đồng. “Nhắc tới chuột đồng, nhiều nữ du khách không dám ăn. Cho nên khi tiếp khách, nhất là khách phương xa, chúng tôi thường gọi là món “sóc tràm”- “quất” nửa ly rượu đế, anh Võ Văn Tuấn, cán bộ Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen giải thích. Tuy nhiên, thưởng thức ẩm thực đồng quê không phải là điều thú vị duy nhất khi đến Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen. Chúng tôi quyết định qua đêm để tiếp tục cảm nhận những điều tuyệt vời nơi đây.
Năm giờ sáng hôm sau, chúng tôi vác máy ảnh theo anh Đẹp, cán bộ khu bảo tồn, đi đón bình minh. Chiếc xuồng máy chở chúng tôi đi sâu vào khu rừng ngập nước. Hàng tràm thẳng tắp chạy dọc hai bờ kênh. Trang trí cho rừng tràm là những tổ chim dồng dộc. Những chiếc tổ sắc sảo như những chiếc bình gốm treo ngược. Anh Đẹp cho biết, loài chim này khôn lắm, cứ lựa chỗ nào có tổ ong là làm tổ. Chúng tôi bắt đầu nghe âm thanh của đàn cò đang rời khỏi tổ đón ngày mới. Điểm dừng chân đầu tiên là cánh đồng sen rộng 50 ha. Trước mặt chúng tôi là những đàn cò đang thay phiên nhau đáp xuống đồng sen kiếm mồi. Trên bờ đê, theo hướng tay anh Đẹp, chúng tôi nhìn thấy loài trích như những chấm đen đang ẩn mình trong đám cỏ lác. Anh Đẹp cho biết, hằng năm các loài sếu, diệc xám cũng vẫn thường tìm khu bảo tồn làm nơi trú ngụ. Tiếp tục theo những con kênh dọc ngang đến cánh đồng lúa ma, chúng tôi bắt gặp nhiều “bạn mới” của Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen bay ra từ đầm lầy như le le, vịt trời, bói cá... Xuồng máy chạy đến đâu, đàn chim túa ra đến đó, lấp loáng trên mặt nước. Tuy nhiên, khác với mọi năm, do nước lũ năm nay nhỏ cho nên cánh đồng lúa ma không đẹp vì có nhiều cỏ chen vào. “Nước nhỏ nên cỏ vẫn còn sống được. Chứ như năm ngoái nước cao đến nỗi cỏ không theo kịp, 40 ha chỉ toàn lúa ma, nhìn rất đẹp”- anh Đẹp cho biết. Anh nói thêm, mùa lũ năm sau, anh em khu bảo tồn sẽ đặt vài chiếc xuồng ở đồng lúa ma để ai đến tham quan mùa nước nổi có thể sống lại cảnh đập lúa ma như thuở nào.
Theo anh Huỳnh Văn Lâm, Phó Giám đốc Khu bảo tồn Láng Sen, đây là vùng sinh thái tiêu biểu cho kiểu đầm lầy ngập nước với nhiều quần thể động, thực vật phong phú mang tính đặc trưng vùng Đồng Tháp Mười. Khu bảo tồn có khoảng 156 loài thực vật hoang dã, 149 loài động vật có xương sống trong đó có 13 loài nằm trong sách đỏ Việt Nam. Thủy sản trên vùng đất đầm lầy ngập nước này rất phong phú, đặc biệt thích hợp với các loài cá chịu nước tĩnh như cá lóc, cá rô, cá linh... Hiện nay, du khách đến với Khu bảo tồn chủ yếu vẫn là người dân trong tỉnh và các tỉnh lân cận. Việc vừa giữ hệ thống sinh thái đồng thời vừa phát triển du lịch Đồng Tháp Mười hiện đang được ngành du lịch Long An nỗ lực tìm giải pháp phù hợp.