Sức sống của một chủ trương đúng đắn, nhân văn

|

Một số quốc gia vốn là thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam đã siết chặt hàng rào kỹ thuật nhằm hạn chế nhập khẩu những mặt hàng có thể sản xuất, thay thế được. Thực tế này khiến nhiều doanh nghiệp chủ động chuyển đổi chiến lược, trụ vững sân nhà thông qua việc hiện thực hóa mục tiêu "đưa hàng Việt đến tay người tiêu dùng Việt".

Sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị

Thực hiện đường lối đổi mới, nền kinh tế Việt Nam đã liên tục tăng trưởng với tốc độ khá cao, sản xuất trong nước đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu tiêu dùng xã hội. Chất lượng sản phẩm hàng hóa của Việt Nam, như dệt may, lúa gạo, thủy sản, dần có sức cạnh tranh trên thị trường. Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam vẫn còn không ít yếu kém, hàm lượng chất xám và công nghệ trong sản phẩm hàng hóa thấp, thị trường trong nước chưa được quan tâm khai thác đúng mức, tâm lý sính dùng hàng ngoại vẫn tồn tại trong một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng.

Trước thực tế này, năm 2009, Bộ Chính trị đã đồng ý giao Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp các cơ quan chức năng, tổ chức đoàn thể xã hội và hiệp hội ngành nghề tổ chức Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", với kỳ vọng xây dựng văn hóa, thói quen tiêu dùng của người Việt, nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp về ý thức sản xuất hàng hóa chất lượng cao, tăng khả năng cạnh tranh cho hàng Việt.

Sau hơn 14 năm liên tục triển khai Cuộc vận động này, nhiều mặt hàng sản xuất tại Việt Nam có năng lực cạnh tranh cao, đã và đang chinh phục lòng tin của người tiêu dùng Việt, được người tiêu dùng ưa chuộng. Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng Việt Nam", những chỉ đạo kịp thời, nhiều hoạt động phong phú, thiết thực, đi kèm biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt, nhiều chương trình xúc tiến, hỗ trợ doanh nghiệp của các cơ quan chức năng đã tạo tác động kép tới xã hội khi tỷ lệ người tiêu dùng quan tâm, chọn lựa hàng Việt Nam ngày một tăng. Tỷ lệ hàng hóa, sản phẩm Việt Nam trên hệ thống phân phối cũng tăng đáng kể, tạo động lực quan trọng để các doanh nghiệp Việt Nam mạnh dạn đầu tư, phát triển sản xuất, tăng giá trị cạnh tranh cho thị trường nội địa.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" thành phố Hà Nội, Cuộc vận động thật sự là một hoạt động thiết thực, nhân văn, thể hiện cố gắng rất lớn của cả hệ thống chính trị. Bởi không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp, việc thúc đẩy đưa hàng Việt về với người dân, người tiêu dùng Việt đã góp phần tích cực vào công tác bình ổn thị trường, kiềm chế lạm phát. Đồng thời, tạo tiền đề mở rộng, nâng cao chất lượng cuộc vận động từ "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" hướng tới mục tiêu "Hàng Việt chinh phục người Việt", và chủ động hơn khi "đưa hàng Việt đến tay người Việt".

Lối mở giữa khó khăn bủa vây

Khủng hoảng kinh tế, tác động tiêu cực, nặng nề bởi dịch bệnh đã khiến một số quốc gia vốn là thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam siết chặt hàng rào kỹ thuật bằng việc đưa ra nhiều quy chuẩn, tiêu chuẩn ngặt nghèo nhằm hạn chế nhập khẩu những mặt hàng trong nước có thể sản xuất và thay thế được. Mặt khác, bất ổn địa chính trị đã làm thế giới phân cực rõ rệt hơn, các quốc gia liên kết thành từng khối để bảo vệ lợi ích kinh tế, an ninh khiến thương mại thế giới càng trở nên khó khăn, phức tạp.

Trong bối cảnh các đơn hàng xuất khẩu bị sụt giảm mạnh bởi những tác động trên, nhiều doanh nghiệp tìm về thị trường nội địa nhằm duy trì sản xuất, tạo doanh thu và việc làm cho người lao động. Là một thương hiệu Việt khá mạnh trong lĩnh vực may mặc, từ giữa năm 2022 khi thấy đơn hàng xuất khẩu sáu tháng cuối năm bị sụt giảm mạnh, có tháng giảm hơn 50%, Công ty TNHH Việt Thắng Jean (VitaJean) đã chuyển hướng, đẩy mạnh kinh doanh tại thị trường nội địa, duy trì việc làm cho người lao động.

Theo Tổng Giám đốc VitaJean Phạm Văn Việt, thị trường nội địa với hơn 100 triệu dân là một cơ hội khai thác rất lớn cho các doanh nghiệp sản xuất thời trang, may mặc. Minh chứng rõ nét là, việc mở rộng kinh doanh ở thị trường nội địa của VitaJean trong năm 2022 tăng đến 300% so năm trước đó.

Với vai trò là một trong những đơn vị tiên phong thúc đẩy phát triển diện bao phủ hàng hóa Việt Nam, trong nhiều năm qua, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) đã triển khai giải pháp chuyên môn hóa hoạt động bán lẻ. "Nhờ đó, tỷ lệ hàng Việt trong hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op đã tăng cao và đưa hàng Việt phát triển theo nhiều phân khúc khác nhau, tiếp cận sâu về các địa phương, các vùng nông thôn khắp 44 tỉnh, thành phố trên cả nước", ông Nguyễn Anh Đức - Tổng Giám đốc Saigon Co.op chia sẻ.

Theo đánh giá của bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Thị trường trong nước (Bộ Công thương), hiện trên thị trường trong nước, người tiêu dùng đã có nhận thức đúng đắn hơn về năng lực sản xuất của doanh nghiệp Việt cũng như về chất lượng sản phẩm, hàng hóa Việt Nam. Tâm lý của một bộ phận người tiêu dùng đã thay đổi, phong cách tiêu dùng mới từng bước được xây dựng. Người tiêu dùng Việt đang dần có thói quen chọn hàng Việt Nam thay thế cho sản phẩm nhập khẩu, đặc biệt là các ngành hàng tiêu dùng, thời trang, thực phẩm và nhu yếu phẩm.

Là người nhiều năm được giao nhiệm vụ Thường trực Ban Chỉ đạo cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" của Bộ Công thương, bà Lê Việt Nga thông tin thêm: Thông qua các hoạt động giao lưu kết nối, xúc tiến thương mại trong nước, như kết nối "ngân hàng-doanh nghiệp", "địa phương-địa phương" hay "địa phương-doanh nghiệp", vòng tròn cung-cầu đã dần khép kín, thúc đẩy các doanh nghiệp nâng cao hơn sức cạnh tranh của sản phẩm cả về chất lượng, mẫu mã và giá cả. Thực tế minh chứng, trong bối cảnh khó khăn bủa vây, nhiều doanh nghiệp đã coi thị trường trong nước là lối mở, là cơ hội hướng đến mục tiêu "đưa hàng Việt đến tay người tiêu dùng Việt", củng cố vị thế hàng Việt tại thị trường trong nước.

Theo Bộ Công thương, không chỉ khẳng định vị thế hàng Việt tại thị trường trong nước, Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã góp phần làm nên thành công của nhiều ngành hàng có thế mạnh của Việt Nam. Thành công ấy góp phần đưa Việt Nam vào nhóm 23 nước có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất thế giới. Có những thương hiệu của Việt Nam được nhận diện và có chỗ đứng ở quy mô toàn cầu.

Trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động ở các cấp, ngành, tỉnh và thành phố cần tiếp tục quán triệt sâu sắc, phổ biến rộng rãi, rà soát, bổ sung kế hoạch, chương trình hành động, thực hiện tốt Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trong tình hình mới.