SUY GIẢM Ở MỨC BÁO ĐỘNG
Sự đa dạng sinh học có sự góp mặt của động vật hoang dã. Theo các nhà động vật học Việt Nam và cả nghiên cứu của quốc tế, thì riêng động vật hoang dã của Việt Nam khoảng 22 nghìn loài. Gần đây, nước ta liên tục phát hiện ra hàng trăm loài động vật mới, điều rất hiếm thấy ở các nước. Chẳng hạn, vào những năm 80, Việt Nam phát hiện ra con bò xám mà theo các nhà khoa học trên thế giới nguồn gen của nó quý hiếm đến mức có thế cải tạo nửa đàn bò trên thế giới bị thoái hóa. Năm 1992, Việt Nam cũng phát hiện con sao la đầu tiên trên thế giới tại Vườn quốc gia Vũ Quang Hà Tĩnh. Năm 1994 loài mang lớn nhất được phát hiện tại Vườn quốc gia Vũ Quang. Năm 2000, phát hiện thỏ vằn ở Vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng, Quảng Bình. Gần đây nhất, năm 2011 phát hiện chuột đá tại Tuyên Hóa, Quảng Bình, loài mà ngỡ đã bị tiệt chủng hơn 11 triệu năm trước. Còn các loài bò sát lưỡng cư gần đây cũng được phát hiện rất nhiều.
Việc liên tục phát hiện ra các loài mới không chỉ đơn thuần là sự phát triển về khoa học, kỹ thuật trong nghiên cứu động vật mà đó còn là bằng chứng sinh động cho tính đa dạng, phong phú của thiên nhiên, của các hệ sinh thái nước ta. Con người không thể một lúc hay một thời gian ngắn có thể biết được hết các loài trong thiên nhiên.
Các nhà khoa học quốc tế hết sức quan tâm đến nguồn động vật hoang dã của Việt Nam. Chính vì thế có rất nhiều tổ chức quốc tế đặt chân đến Việt Nam để nghiên cứu và họ thật sự bị hấp dẫn bởi sự bí ẩn của hệ sinh thái đa dạng của nước ta.
Tuy nhiên, điều đáng buồn là hệ sinh thái động vật của Việt Nam đang suy giảm đến mức đáng báo động. Nhiều năm nay, công an đã bắt giữ nhiều vụ buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã quý hiếm trên tuyến quốc lộ với số lượng lớn. Theo thống kê của cơ quan chức năng, năm 2011, có 201 vụ vận chuyển, buôn bán động vật hoang dã bị bắt, chủ yếu là hổ, báo. Chưa hết năm 2012 nhưng đã có tới hơn 200 vụ. Các nhà khoa học dường như “lực bất tòng tâm” trước thực tế càng phát hiện ra được các loài mới thì số loài bị tiệt chủng đi vào sách đỏ ngày càng tăng. Theo sách đỏ Việt Nam, trước năm 2000, số loài động vật bị tiệt chủng hoặc có nguy cơ suy giảm ở Việt Nam có khoảng 300 loài nhưng đến năm 2007, con số đó tăng lên 418 loài, trong đó có những loài động vật bị tiệt chủng rất nhanh. Tê giác một sừng từng hy vọng còn trong Vườn quốc gia Cát Tiên nhưng cuối cùng năm 2011 tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế (WWF) công bố tê giác tại Việt Nam đã tiệt chủng. Hiện loài tê giác một sừng duy nhất còn ở In-đô-nê-xi-a. Hay như heo vòi, cầy rái cá, hươu sao... cũng đã bị tiệt chủng.
Việc giết hại động vật hoang dã, quý hiếm để phục vụ nhu cầu của con người có lẽ đã không còn là điều lạ lẫm. Động vật hoang dã đang ngày càng trở thành món ăn đặc sản cao cấp, là đối tượng săn bắt của con người, không chỉ ở các tỉnh có đường biên giới đi qua, mà còn phổ biến ở những nơi phồn hoa thị thành.
Tháng 7 năm 2012, đánh giá về tình hình bảo vệ động vật hoang dã thế giới của WWF thì Việt Nam là một trong các quốc gia có việc thực thi đáng lo ngại. Thậm chí, báo cáo còn xác định Việt Nam là quốc gia tiêu thụ sừng tê giác với số lượng lớn nhất và được coi là tác nhân gây ra khủng hoảng săn bắn trộm tại Nam Phi.
ĐỂ KHÔNG CẦN CẤM
WWF cũng đưa ra nhận định về hệ thống pháp luật và thực thi luật của một số nước, trong đó có Việt Nam là “không đáng tin cậy và thiếu khách quan”. Những đánh giá có thể nói là “tiêu cực” của các tổ chức quốc tế về bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm ở Việt Nam đòi hỏi phía Việt Nam phải tăng cường các biện pháp đấu tranh cũng như thể chế pháp luật để bảo vệ, ngăn ngừa các hành vi giết hại, mua bán, vận chuyển động vật hoang dã.
Theo các nhà khoa học, nếu pháp luật không nghiêm thì các loài động vật quý hiếm ở trong nước sẽ tiếp tục bị tiệt chủng. Nếu không có biện pháp bảo tồn, thì dự báo trong mười năm nữa, học sinh chỉ thấy hổ, voi qua sách vở, phim ảnh mà thôi.
Một thực trạng buồn, ở nơi được pháp luật bảo vệ nghiêm ngặt nhất là các khu bảo tồn, vườn quốc gia thì chính là nơi để mất động vật hoang dã nhiều nhất. Theo thống kê của cơ quan chức năng, năm 2008 thì bắt được 7.840 con động vật, trong đó 587 con thuộc loài động vật quý hiếm, nằm trong diện cấm khai thác và trong sách đỏ. Năm 2009, có 12.930 con bị bắt, trong đó có 724 con thuộc động vật quý hiếm trong sách đỏ. Năm 2010, có 12.936 con, trong đó có 508 con thuộc diện trong sách đỏ, quý hiếm. Năm 2011 có tới 660 vụ vi phạm quản lý về động vật hoang dã. Thực trạng đó khiến ai cũng hoài nghi về việc bảo vệ tài nguyên chưa thật sự nghiêm. “Công tác quản lý lỏng lẻo hay là có sự thông đồng? Báo động nguy cơ tiệt chủng là có lý. Chúng ta cần xem lại việc thực thi pháp luật”, GS Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hội động vật học Việt Nam chia sẻ.
Một giải pháp thường được nêu ra là nâng cao nhận thức cho cộng đồng. Tuy nhiên, theo một số nhà động vật học thì trong lĩnh vực này không chỉ nhắm vào đối tượng người nghèo mà quan trọng hơn là người giàu có. Họ là đối tượng tiêu xài động vật hoang dã, cho nên cần tuyên truyền để họ có ứng xử tốt với thiên nhiên. Mặt khác, để tránh tình trạng săn lùng động vật quý hiếm làm thuốc chữa bệnh, Nhà nước cần có chính sách thay thế bằng các loại thuốc có giá trị tương tự, bằng kỹ thuật nuôi, trồng trong khu bảo tồn thiên nhiên.
Theo GS Đặng Huy Huỳnh, để không cần cấm mà bảo vệ động vật hoang dã vẫn hiệu quả, cần quy định điều kiện khai thác một cách rõ ràng đối với những loài được khai thác. Ông dẫn chứng, Nghị định 32/2006/NĐ-CP ngày 30 tháng 3 năm 2006 về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm, chưa rõ ràng đối với quy định “hạn chế khai thác” đối với động vật nhóm II. Theo đó, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm được phân thành hai nhóm. Nhóm I, nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại đối với những loài động vật rừng có giá trị đặc biệt về khoa học, môi trường hoặc có giá trị cao về kinh tế, số lượng quần thể còn rất ít trong tự nhiên hoặc có nguy cơ tiệt chủng cao. Nhóm II, hạn chế khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại đối với những loài động vật rừng có giá trị về khoa học, môi trường hoặc có giá trị cao về kinh tế, số lượng quần thể còn ít trong tự nhiên hoặc có nguy cơ tiệt chủng. “Từ hạn chế khai thác còn lập lờ, chưa được hướng dẫn cụ thể. Hạn chế phải có cơ sở khoa học, tức là phải biết đặc điểm sinh thái của quần thể đó, loài đó, điều kiện phát triển thế nào, từ đó đưa ra việc hạn chế khai thác cụ thể. Nếu không hướng dẫn rõ thì người dân có thể nại đủ lý do nói là tôi đã hạn chế khai thác rồi thì cơ quan quản lý làm gì được họ. Nhưng nếu khai thác có điều kiện thì người dân cảm thấy họ được lợi từ thiên nhiên, từ đó họ sẽ bảo vệ thiên nhiên. Tôi nghĩ cần thiết phải ban hành lại một danh mục, loài nào cấm hoàn toàn thì không được đụng chạm đến, còn hạn chế khai thác là như thế nào phải nói rõ mới bảo vệ được an toàn nguồn động vật hoang dã”.